04/11/18 CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – B
Mc 12,28b-34
LỄ VẬT CHÚA YÊU THÍCH
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)
Suy niệm: Trong các thánh lễ vào các đại lễ, phần dâng lễ vật rất được chăm chút. Về của lễ, ngoài bánh và rượu như thường lệ, còn có các lễ vật là hoa, nến, hương, trầm và cả tiền giỏ nữa. Những thành viên trong đoàn dâng lễ y phục chỉnh tề, tập dượt kỹ lưỡng trước để tiến dâng lễ vật trong sự trang nghiêm, nhịp nhàng. Cùng với bài ca dâng lễ, còn có vũ khúc kèm theo và những lời dẫn nói lên ý nghĩa lễ dâng và tâm tình của cộng đoàn. Dâng lễ vật cho Thiên Chúa là việc chính đáng và cao quí. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để Thiên Chúa phán xét không hệ tại ở mức ‘hoành tráng’ của lễ dâng nhưng ở việc làm do lòng thương xót ta dành cho tha nhân. Lòng yêu mến người khác là dấu hiệu cho biết ta có mến Chúa thật lòng hay không. Về điểm này, thánh Gio-an nói rất rõ ràng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).
Mời Bạn: Thánh Tô-ma A-qui-nô cho rằng việc trợ giúp những nhu cầu cấp thiết của người khác vì tình yêu thương “là một hy lễ được Thiên Chúa yêu thích hơn vì hướng trực tiếp đến tha nhân”. (x. Tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ”, số 106 của ĐGH Phan-xi-cô).
Sống Lời Chúa: Khi xét mình xưng tội, tôi vừa xét bổn phận đối với Chúa vừa xét bổn phận đối với anh em, đặc biệt, tôi xét xem tôi có sống vô cảm đối với người đang đau khổ, túng cực không.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến: Lạy Chúa, con kính mến Chúa…. Amen.
05/11/18 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Lc 14,12-14
TÌNH YÊU VÔ VỊ LỢI
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Trong cách cư xử với nhau ở đời này, người ta thích chọn giải pháp thực dụng: ‘hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’. Hôm nay anh mời tôi, ngầm hiểu rằng mai mốt tôi có việc mời anh, anh phải đáp lễ lại. Chúa Giê-su dạy một cách ứng xử khác, ứng xử của người công dân Nước Trời: đó là cư xử với nhau và xây dựng thế giới này trong trật tự của tình yêu. Trong tình yêu người ta muốn nên một với người mình yêu, sẵn sàng hiến thân mình, để cùng chia sẻ gánh vác trách nhiệm của cuộc sống. Để diễn tả cung cách cư xử theo tình yêu đó, Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn về việc đãi tiệc: “khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” Lời Chúa dạy không được hiểu theo nghĩa đen hạn hẹp, mà trái lại, phải có cái nhìn vượt trên cõi đời này để nhận ra những gì chúng ta cho đi cách vô vị lợi sẽ được “đáp lễ” nhưng là “trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Mời Bạn: Phải chăng bạn cũng thích đem mọi sự, cả những gì thiêng liêng cao quý nhất, như niềm tin, như tình yêu lên bàn mổ để “cân đong đo đếm”? Lối sống thực dụng, hưởng thụ ích kỷ, chạy theo cái lợi vật chất, đã hạ giá con người, tục hoá cả những gì là thánh thiêng nhất. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta, hãy dám sống bằng một tình yêu vô vị lợi, dám xả thân, vì tha nhân, vì người mình yêu.
Sống Lời Chúa: Làm một hành vi bác ái cho người anh em.
Cầu nguyện: Xin giúp con sống tình yêu vô vị lợi như Chúa dạy. Amen.
06/11/18 THỨ BA TUẦN 31 TN
Lc 14,15-24
YÊU LÀ CHẤP NHẬN
“Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm, cho tôi xin kiếu.” (Lc 14,18)
Suy niệm: Chúng ta tự hỏi tại sao trước lời mời đầy vinh dự của ông chủ giàu có mà khách mời lại có quá nhiều lý do để từ chối! Mà lại là từ chối vụng về bằng những lý do nhỏ nhặt không xứng tầm với “bữa tiệc lớn”. Ấy là chưa nói địa vị, vai vế của người chủ tiệc hẳn cũng đáng cho họ nể trọng. Chẳng lẽ họ ghen với ông vì ông giàu có; hay tại họ mặc cảm vì mình nghèo. Kể dụ ngôn này, hiển nhiên Chúa Giê-su muốn nói tới “bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa” mà Cha Ngài chính là chủ tiệc. Quả thật đây là một nan đề cho thái độ lựa chọn của con người: mọi lý do để từ chối đều trở nên bất xứng trước một lời mời như thế của Thiên Chúa. Từ chối là dấu chẳng còn tình nghĩa gì với Ngài. Bởi vì nếu yêu thì đã chấp nhận lời mời!
Mời Bạn: Ngày nay Chúa cũng vẫn tiếp tục mời bạn và tôi đến để Ngài thông ban cho chúng ta những ơn lành của Ngài. Thế nhưng vì thiếu tình mến, chúng ta khoan giãn, hẹn rày hẹn mai không muốn đáp trả ngay. Sự chậm trễ này chắc sẽ khiến Chúa “nổi giận” đấy.
Chia sẻ: Kiểm điểm xem đâu là những lý do mà ta thường vin vào để từ chối lời mời đến bữa tiệc của Chúa: Phải chăng vì bận công ăn việc làm? Phải chăng tôi nghĩ đời còn dài, ta sẽ trở lại với Chúa sau? Phải chăng tôi cho rằng để ngày mai tôi đáp lại lời Ngài vẫn còn kịp?…
Sống Lời Chúa: Khi nghe lời Chúa đánh động tâm hồn, bạn hãy đáp lại ngay bằng việc hoán cải cuộc sống của mình; đừng tìm lý do từ chối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn nghe lời Chúa dạy bảo để con luôn làm đẹp lòng Chúa; và như thế con sẽ được Chúa kể là “người có phúc được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”
07/11/18 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 14,25-33
HỌC TỪ BỎ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ
“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)
Suy niệm: Trong xu thế của thời đại hưởng thụ và tích lũy này, nói đến “từ bỏ hết những gì mình có” xem ra là một thứ “cung đàn lạc điệu”. Tuy nhiên, đối với những người “con cái Chúa”, đó lại là điều kiện tất yếu và tiên quyết, vì không từ bỏ cũng đồng nghĩa là không thể trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô được. Ơn gọi làm “con cái Chúa” là chấp nhận sự điên rồ của Thập giá, cớ vấp phạm cho người đời. Có “từ bỏ hết những gì mình có,” là biết “nói không” với thế gian, ma quỷ và xác thịt thì mới có thể là “sen” mọc “giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, là đèn để “gần mực” mà chẳng “đen” nhưng chiếu sáng cho cả nhà. Vì thế, đòi hỏi trước tiên đối với người môn đệ của thời đại hôm nay là từ bỏ lối sống hưởng thụ tích luỹ, điều mà người thời đại hôm nay đang theo đuổi.
Mời Bạn xét mình về xu hướng hưởng thụ của bạn: 1. Cách mau sắm tiêu dùng của bạn có thực sự là vì nhu cầu thiết yếu không, hay chỉ là sự đua tranh cho “hợp thời trang,” để chứng tỏ mình “sành điệu”? 2. Bạn có nghĩ rằng việc từ bỏ một số nhu cầu quen thuộc – kể cả việc tiết giảm sử dụng điện nước – có thể góp phần vào việc nên thánh của bạn không? 3. Khi những nhu cầu đó bỗng nhiên bị mất – bị cúp điện nước vì bão chẳng hạn – bạn đã phản ứng thế nào?
Sống Lời Chúa: Từ bỏ xu hướng hưởng thụ bằng cách tự nguyện tiết giảm một số chi tiêu để sẵn sàng chia sẻ với tha nhân hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Xin cho con vững tin sẵn sàng từ bỏ để vững bước theo Chúa, vì đó chính là “mối lợi và sự khôn ngoan” lớn lao nhất.
08/11/18 THỨ NĂM TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10
ĐIỂM YẾU CỦA TÌNH THƯƠNG
“Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn.” (Lc 15,7)
Suy niệm: Cách nói phóng đại trong dụ ngôn “con chiên lạc” và “đồng bạc bị mất” diễn tả niềm vui của Thiên Chúa lớn lao dường nào khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải. Quả thật Thiên Chúa đã phải buồn lòng bao nhiêu khi con cái mình lạc đường, thì Ngài sẽ vui mừng hơn gấp bội khi thấy dù chỉ là một người con trở về chính lộ. Lòng thương xót của Thiên Chúa dạt dào đến mức khiến Ngài cũng trở nên “yếu đuối, mềm lòng” luôn sẵn sàng tha thứ mỗi khi tội nhân tỏ lòng sám hối ăn năn. Thiên Chúa muốn cho người tội lỗi hối cải đến mức như Ngài không cần e dè gì nữa, mà còn chấp nhận để cho lòng tốt và tình yêu của mình bị lợi dụng.
Mời Bạn: Bạn có đang lợi dụng lòng thương xót Chúa như thánh Phao-lô đã nêu rõ: “Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư” (Rm 6,1)? Phải chăng bạn lập luận rằng để làm cho Thiên Chúa vui vì có người hối cải thì phải có người đi lạc đường, phạm tội trước đã; ăn năn hối cải lúc nào mà chả kịp?! “Không phải thế!” Có ai mang đến niềm vui cho người khác bằng cách bắt đầu gây buồn phiền trước không? Có ai biết chắc mình sẽ kịp quay về vào phút chót không? Chúng ta quên rằng ăn năn hối cải không chỉ là việc làm của một lần, nhưng là việc của cả đời; và có thể nói chiều kích căn bản của đời sống kitô hữu là một cuộc “trở lại” thường xuyên với Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Bắt đầu giờ cầu nguyện bằng việc thống hối và xin lỗi Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ gìn con luôn tỉnh thức để sống trong tình thương vô biên của Chúa.
09/11/18 THỨ SÁU TUẦN 31 TN
Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô
Ga 2,13-22
NƠI CHÚA NGỰ
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,17)
Suy niệm: Đức Giê-su khi lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thấy có những người bán chiên, bò, bồ câu, và đổi tiền, Ngài đã nổi cơn thịnh nộ. Người xua đuổi người buôn bán cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ, Người còn đổ tung tiền và lật nhào bàn ghế của họ. Hẳn là các chức sắc trong đền thờ có lý do thực dụng để cho phép việc buôn bán này. Hẳn Chúa Giê-su cũng biết khi Người làm như thế sẽ gặp những chống đối từ nhiều phía. Nhưng vì nhiệt tâm lo việc nhà Cha mà Chúa Giê-su không muốn đền thờ Thiên Chúa bị tục hoá. Người can đảm vượt qua tất cả để nhà Cha được thanh tẩy và xứng đáng là nơi thờ phượng.
Mời Bạn: Đền thờ tâm hồn bạn cũng cần được thanh tẩy khỏi những mua bán của danh vọng địa vị, khỏi những đổi chác của những ham muốn bất chính, khỏi mọi bợn nhơ của những suy nghĩ tiêu cực, những thành kiến, những tư lợi, để chỉ còn nghĩ đến những gì làm vinh danh Chúa. Như thế bạn sẽ thanh thoát nhẹ nhàng tiến bước trên đường nhân đức và tâm hồn bạn trở nên thanh khiết xứng đáng là nơi Chúa ngự.
Chia sẻ: Bạn có để tâm hồn mình bị bợn nhơ bởi những hình ảnh xấu hay những suy nghĩ tiêu cực không?
Sống Lời Chúa: Ý thức “Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6,19) để gìn giữ nên trinh trong, thánh thiện và xứng đáng là nơi Chúa ngự.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đền thờ tâm hồn con được thanh tẩy thường xuyên nhờ Bí Tích Giao hòa và Bí Tích Thánh Thể, để mối tương quan của con với Chúa ngày càng gắn bó mật thiết hơn. Amen.
10/11/18 THỨ BẢY TUẦN 31 TN
Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 16,9-15
LỖ HỔNG LƯƠNG TÂM
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16,10)
Suy niệm: Tuyến đường cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng-Quảng Ngãi mới khánh thành một năm mà nhiều nơi mặt đường đã bong tróc, các cây cầu đã thấm dột. Theo ý nhà hữu trách, nguyên nhân thì có nhiều nhưng nói chung là do khách quan! Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa nhất phải chăng là do những “lỗ hổng lương tâm.” Nếu “lỗ nhỏ làm đắm thuyền,” thì “lỗ hổng lương tâm” còn gây nên những hậu quả khôn lường: không chỉ là vài cây cầu, dăm ba công trình với một số nhân mạng, mà còn là truyền thống giá trị đạo đức của dân tộc, của nhiều thế hệ con người. Đối với Chúa Giê-su, lương tâm là tiêu chuẩn trước hết để thẩm định một con người. Nếu một người trong việc nhỏ, đã gian dối, bất trung, thì thật khó tin nổi người ấy sẽ ngay thật trong việc lớn hơn; nếu trong việc nhỏ, họ trung tín, ngay thẳng, ấy là dấu chỉ họ có thể trung thực trong việc lớn hơn. Hơn thế nữa, họ đáng được tin tưởng khi họ làm việc như đang ở trước mặt Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ai cũng có một số công việc bổn phận, một số trách nhiệm. Nếu bạn thiếu lương tâm, hậu quả gì sẽ xảy ra? Là Ki-tô hữu, lương tâm công giáo có vai trò gì trong nghề nghiệp của bạn?
Sống Lời Chúa: Xét lại việc bổn phận hôm nay, kiểm điểm những sai sót, xin Chúa thứ tha và quyết tâm sửa đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương thứ tha những lầm lỗi của các linh hồn trong luyện ngục và những lỗi lầm của con trong việc bổn phận. Xin cho con biết thi hành bổn phận con với tinh thần trách nhiệm để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.