18/11/18 chúa nhật tuần 33 tn
Kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26
sống và chết vì đại nghĩa
Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)
Suy niệm: Hình ảnh chàng trai trẻ trong “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”
Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.
Mời Bạn: Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng “chết” từng ngày trong cuộc sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?
Chia sẻ & Thảo luận trong nhóm: Thế nào là một hành vi làm chứng cho Đức Ki-tô?
Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công việc bổn phận trong ngày hôm nay của bạn để làm chứng cho Đức Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng của các bậc tiền nhân, biết làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô bằng đời sống tin yêu và phó thác, biết nói về Chúa cho đồng bào lương dân, biết cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo.
19/11/18 THỨ HAI TUẦN 33 TN
Lc 18,35-43
NHÌN TRONG ĐỨC TIN
Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi ! lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 18,42)
Suy niệm: Đây đó trên đường, người ta gặp những người mù với một cây gậy chuyên dụng như một giác quan kỳ lạ giúp họ đi đến nơi họ muốn. Thật đáng thán phục! Có thể nói, cây gậy trợ lực giúp họ dò con đường họ thấy bằng trí nhớ. Cũng vậy, dù không thấy được bằng giác quan, con mắt đức tin giúp Ki-tô hữu nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời. Trong khi dưới con mắt của đám đông, Chúa Giê-su chỉ là một người làng Na-da-rét, thì người mù thành Giê-ri-cô nhận ra Ngài chính là Con Vua Đa-vít, là Đấng Mê-si-a. Bằng “con mắt đức tin”, anh đã thấy điều mà người khác không thấy: thấy Ngài có quyền năng tái tạo những gì đã hư mất; thấy Ngài là Đấng chia sẻ được nỗi thống khổ anh đang chịu, là chỗ dựa cho anh trong lúc mọi người bỏ rơi. Giữa đám đông anh có thể bị lẻ loi vì đức tin của anh nhưng anh không cô độc, bởi Đấng cứu chữa anh từ nay đồng hành với anh trên mọi nẻo đường, còn anh quyết theo đường Ngài, dù là đường lên Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó.
Mời Bạn: Chúa trách hai môn đệ Em-mau “tối dạ và lòng chậm tin” vì không hiểu lời ngôn sứ báo về Đấng Cứu Thế, và vì thế, không nhận ra Ngài. Giáo Hội luôn mời gọi bạn suy niệm Lời Chúa để con mắt đức tin của bạn được rạng sáng.
Chia sẻ: Bạn có thói quen suy niệm và chia sẻ Lời Chúa để “con mắt đức tin” được sáng không?
Sống Lời Chúa: Tập nhìn một biến cố bằng con mắt đức tin để nhận ra Thánh ý Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được thấy bóng dáng của Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời con. Xin chữa lành sự mù tối của tâm hồn con.
20/11/18 THỨ BA TUẦN 33 TN
Lc 19,1-10
TÌM VÀ CỨU
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất.” (Lc 19,10)
Suy niệm: Có vẻ như không phải Chúa Giê-su có ý “tìm” Da-kêu cho bằng ông này tìm mọi cách để thấy Chúa. Ông là một người thấp bé lại bị coi là tội lỗi do ông là người “đứng đầu những người thu thuế.” Ông là người bị coi là “hư mất” trong xã hội Do Thái. Cách ông tìm đến với Chúa cho thấy quả thật ông là người bị loại trừ: Ông bươn bả “chạy tới phía trước, trèo lên một cây sung” để chờ Đức Giê-su đi qua. Thế nhưng không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su nói Ngài đến để “tìm và cứu” Da-kêu. Đi giữa đám đông hỗn độn, nhưng rõ ràng Ngài có ý tìm kiếm và tìm kiếm đích danh một người, một người bị loại trừ. Đi ngang qua cây sung, Ngài nhìn lên, Ngài đã thấy và gọi ông: “Da-kêu xuống mau đi, vì hôm nay Ta đến trọ nhà ông.” Lời kêu gọi ấy đã cứu không chỉ một người hư mất mà cả gia đình ông Da-kêu: “Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này.”
Mời Bạn: Da-kêu được cứu vì ông có thái độ sẵn sàng, có lòng khao khát tìm gặp Chúa. Chúa luôn đón nhận những tâm hồn thiện chí đó và ban ơn cứu độ. Và Ngài cũng đang tìm bạn để cứu bạn. Bạn đã hăm hở tìm gặp Ngài hay chưa? Để chứng thực lòng ao ước gặp Chúa, bạn có sẵn sàng “đền bù gấp bốn” những gì bạn làm thiệt hại đến người anh em không? Có những người có vẻ đang hành xử bất công trong xã hội, bạn có nhận ra nơi họ những dấu hiệu thao thức tìm đến Sự Thiện? Bạn làm gì để đem Chúa đến với họ và đem họ đến với Chúa?
Sống Lời Chúa: Làm một việc đền bù những bất công mà bạn hoặc người nhà của bạn đã gây ra.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa biến đổi con như xưa Chúa đã biến đổi Da-kêu. Amen.
21/11/18 THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Đức Mẹ dâng mình
Mt 12,46-50
TƯƠNG GIAO MỚI
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?… Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi…người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,48.50)
Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra câu hỏi, một câu hỏi tưởng như đã có câu đáp rõ ràng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Thế nhưng, qua câu trả lời khác thường, Ngài mạc khải mối tương giao hết sức thâm sâu giữa Thiên Chúa và con người, vượt hẳn khỏi mối quan hệ gia đình ruột thịt tự nhiên. Quả thật, xưa nay chưa có ai mơ tưởng một mối tương giao quá đặc biệt như vậy. Thử tưởng tượng chỉ cần nghe và đem ra thực hành lời của một người khác, thì tức khắc trở thành anh chị em, cha mẹ của người này, không cần đến mối liên hệ họ hàng theo huyết thống thường quen. Vậy mà trong số những người biết “thi hành ý của Chúa Cha” không ai bằng Đức Ma-ri-a. Vì vậy, Mẹ xứng đáng làm Mẹ Chúa Trời và Mẹ mỗi người. Với địa vị cao quý ấy, Mẹ trở thành gương mẫu, cũng như là đấng chuyển cầu cho những tâm hồn muốn trở thành bạn nghĩa thiết của Chúa.
Mời Bạn: Những giao tế xã hội được đảm bảo bằng chứng từ. Sự tin tưởng lẫn nhau không thể thay cho giấy trắng mực đen được. Nhưng trong cuộc sống đạo thì khác, chứng từ được thay bằng niềm tin và lòng khao khát sống cho Đấng kêu gọi ta.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày theo gương Đức Mẹ, tôi dâng mình cho Chúa khi thức dậy. Nhờ thói quen đạo đức này, tôi sẽ có thể dễ dàng thi hành ý Chúa hơn trong đời thường của mình.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã luôn lắng nghe, thực hành ý Chúa như một nữ tỳ. Xin cho con luôn ước muốn thuộc trọn về Chúa như mẫu gương của Mẹ. Con xin dâng mình con để Chúa sử dụng vào việc cứu rỗi các linh hồn.
22/11/18 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,41-44
KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC
“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương.” (Lc 19,41)
Suy niệm: Đức Giê-su đã khóc vì đau buồn trước viễn cảnh thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá bình địa, “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.” Đền thờ là nơi Ngài thường đến hành hương hàng năm, nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc. Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá: Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của người Do Thái, tướng Ti-tô đã tàn phá bình địa thánh đô, và cho cày một luống dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới lưỡi gươm của lính Rô-ma. Thế mà giờ đây, Chúa Giê-su đến đem bình an cho dân thành; Ngài là Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành đã dửng dưng, không đón nhận!
Mời Bạn: “Nước mắt là quà tặng của Chúa cho ta. Là nước thánh của ta. Nước mắt chữa lành ta khi chúng tuôn chảy” (R. Schiano). Khóc là làm giảm đi chiều sâu của sự đau buồn, là sử dụng nước thánh Chúa ban để chữa lành những đau khổ trong tâm hồn. Phúc cho bạn khi bạn khóc lóc, không phải để than thân trách phận, nhưng vì liên đới với những sầu khổ của người lân cận.
Sống Lời Chúa: Tôi bớt “khóc lóc” cho riêng mình, do bị đối xử bất công, hay số phận, nhưng tập “khóc lóc” với người khác, vì “chạnh lòng thương” trước những đau khổ, buồn sầu của người chung quanh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã khóc thương Đền thờ và dân thành Giê-ru-sa-lem. Xin cho con cũng biết khóc than với người than khóc. Amen.
23/11/18 THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 19,45-48
SAY MÊ LỜI CHÚA
Hằng ngày Người giảng dạy trong Đền Thờ… toàn dân say mê nghe Người. (Lc 19,47-48)
Suy niệm: Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giê-su: Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỉ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ, gần gũi với cuộc sống nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dân say mê nghe Lời Người.”
Mời Bạn: Lời Chúa có làm bạn say mê và lôi cuốn bạn đi theo và sống như Ngài không? Trong sứ điệp Truyền Giáo 2009, ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI nói: “Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là làm cho mọi dân tộc được ‘nhiễm’ niềm hy vọng [cứu độ]” (số 1). Cách sống của bạn có sức “truyền nhiễm” Lời Chúa khiến anh em lương dân cảm nhận, say mê và tin theo Lời Ngài không?
Chia sẻ: Việc loan báo Tin Mừng của bạn có trở nên phản cảm vì lối sống “ngôn hành bất nhất” không?
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời Chúa hằng ngày và quyết tâm làm một việc cụ thể có hướng truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết say mê Lời Chúa là lẽ sống đời con.
24/11/18 THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Ga 17,11b-19
LƯU DANH MUÔN THUỞ
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)
Suy niệm: Chim có tổ, người có tông. Chúng ta ai cũng có họ và có tên. Xúc phạm đến dòng họ của ai, là xúc phạm đến chính người đó. Làm vẻ vang dòng họ gia tộc, vừa là bổn phận vừa là mơ ước của mỗi người. Các thánh tử đạo Việt Nam không hổ danh, trái lại còn làm vinh danh “dòng họ” ki-tô hữu của mình: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo” (Thánh An-rê Kim Thông). Các Ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống để tuyên xưng niềm tin đó, “lấy tình yêu đáp lại tình yêu” (Chân phước An-rê Phú Yên), và để lưu danh muôn thuở một dòng họ, dòng họ những người công giáo, giữa nhân loại và thế giới hôm nay. Anh hùng thay, vinh quang thay.
Mời Bạn: Là người Ki-tô hữu Việt Nam, đức tin chúng ta được trổ sinh từ hạt giống là “máu” của các Thánh Tử Đạo, chúng ta thuộc dòng họ anh hùng và vinh quang với các ngài. Bạn có ý thức và tự hào về điều này không? Bạn đã, đang và sẽ làm gì để không làm “ô danh”, ngược lại làm “vinh danh” dòng họ? Khi có một ai xúc phạm đến Thiên Chúa và Hội Thánh, bạn phản ứng ra sao? Lẩn tránh? Dửng dưng hay bảo vệ làm chứng?
Chia sẻ: Cuộc sống của bạn, của chúng ta có thể nói gì về Chúa Giê-su cho những anh em lương dân sống chung quanh chúng ta?
Sống Lời Chúa: Ý thức rõ rằng chỉ có thể truyền giáo bằng đời sống bác ái, mỗi ngày bạn làm một việc bác ái cụ thể cho đồng bào lương dân chung quanh, thực hiện tình làng nghĩa xóm một cách thiết thực hơn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.