5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 11-2019


10/11/19 
CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – C
Lc 20,27-38

CHO MỘT CUỘC SỐNG MAI SAU

“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,34-35)

Suy niệm: Cưới vợ lấy chồng là việc bình thường và còn là nghĩa vụ của con người sống trong cõi đời này. Còn trong cõi vĩnh hằng, khi con người sống lại từ cõi chết, người ta sống như các thiên thần (x. Lc 20,36), chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Như thế, người sống bậc độc thân cũng như bậc gia đình, có thể và có bổn phận theo cách thế của mình, sống cuộc sống đời này để làm chứng cho một cuộc sống mai sau. Người sống bậc độc thân tiên báo cuộc sống hoàn toàn siêu thoát mọi ràng buộc đời tạm này để có thể yêu thương một cách không giới hạn. Người sống đời đôi bạn làm chứng cho tình yêu hoàn hảo và vĩnh cửu là tình yêu của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh.

Mời Bạn: 1. Loại trừ mọi quan niệm lệch lạc : – cho rằng tu là chán đời, trốn đời, là “một thứ cung đàn lạc điệu”; – cho rằng đời sống vợ chồng là tội lỗi, thua kém so với đời tu. 2. Xác tín rằng mọi người, tu trì hay hôn nhân đều phải sống để làm chứng cho một cuộc sống mai sau.

Sống Lời Chúa: – Nếu còn “thong dong” (chưa kết hôn), bạn hãy tìm ý Chúa, để biết Ngài chọn gọi bạn dấn thân theo ơn gọi nào, tu trì hay hôn nhân. – Nếu bạn thuộc loại “ván đã đóng thuyền” (đã kết hôn hoặc đã cam kết trong đời sống tu trì), hãy thành khẩn xin Chúa trợ giúp để trung thành làm chứng cho Chúa trong bậc sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn bổn phận hằng ngày để làm chứng nhân cho Chúa nhờ đó con được nên thánh, và xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa. Amen.



11/11/19 
THỨ HAI TUẦN 32 TN
Th. Mác-ti-nô, giám mục
Lc 17,1-6

THA THỨ ‘BẤT QUÁ TAM’?

“Dù người anh em của anh xúc phạm anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần nó trở lại và nói với anh: ‘Tôi hối hận’ thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17,4)

Suy niệm: Còn nhớ ngày nào con người vẫn xử với nhau theo “luật rừng”, “mắt đền mắt, răng đền răng”. So với thứ “luật rừng” đó, người Việt Nam chúng ta tha thứ tới mức “quá tam ba bận” đã là “cực kỳ” quảng đại, tiến bộ rồi. Ấy thế mà chưa thấm vào đâu so với tiêu chuẩn của Chúa Ki-tô: tha thứ tới bảy lần. Chắc bạn còn nhớ con số bảy trong Thánh Kinh, con số nói lên sự hoàn hảo tốt đẹp thấy được trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phúc âm theo thánh Mát-thêu còn nói mạnh hơn “tha thứ đến 70 lần 7”, tha thứ mà không đòi người kia nói lời xin lỗi. Phải chăng Chúa Giê-su muốn nói tha thứ là hành xử theo cung cách của Thiên Chúa, là góp phần làm cho người anh em được trở nên con người mới như thể được sáng tạo một lần nữa?

Mời Bạn: Điều làm cho người ta khó tha thứ là khi bị xúc phạm người ta cảm thấy một cái gì đó uất nghẹn như thể bị đè nén, một cái gì đó mất mát như thể bị chiếm đoạt, một cái gì đó đau đớn như thể đang chết đi. Đó chính là một nửa của cái gọi là “cục tự ái” của bạn đấy. Xin mách nhỏ “nửa kia” của cục tự ái là cảm giác khó khăn khi bạn phải xin lỗi ai đó. Phải “giải phẫu” cái khối u đó ra khỏi tim bạn thì bạn mới có thể tha thứ được – và có thể xin lỗi nữa.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bạn bị xúc phạm, hoặc cảm thấy khó tha thứ, hãy ngước lên cây thập giá, nhìn ngắm thật kỹ Đức Ki-tô và hỏi Chúa: “Ở địa vị của con, Chúa sẽ làm gì?”

Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình, đặc biệt ghi nhớ câu: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.



12/11/19 
THỨ BA TUẦN 32 TN
Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 17,7-10

LÀ TÔI TỚ CỦA CHÚA

“Đối với anh em cũng vậy; khi đã làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy cho mình, thì phải nói: Chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đó thôi.” (Lc 17,10)

Suy niệm: Ta thường quan niệm một Thiên Chúa sòng phẳng, một Thiên Chúa tiền trao cháo múc: Khi ta sốt sắng đọc kinh, đi lễ, tham gia hội đoàn, làm việc phục vụ, cư xử tốt với người khác… dường như Chúa mang ơn ta, và phải trả công cho ta sòng phẳng ngay ở đời này, nhiều lúc phải ngay lập tức. Đức Giê-su nhắc cho ta nhớ đến thân phận thụ tạo của mình: ta không có quyền gì đòi hỏi Chúa, cũng chẳng có tư cách gì để bắt Chúa phải mắc nợ ta. Hình ảnh người đầy tớ đi cầy ruộng hay chăn chiên về không có quyền kể công hay bắt chủ phải mang ơn, phải phục vụ mình nhắc ta nhớ đến thân phận thụ tạo ấy. Mỗi người chúng ta chỉ là nô bộc của Chúa, không hơn không kém. Nếu Chúa đổ tràn trề hồng ân trên ta là do lòng yêu thương của Ngài, chứ không do chút công trạng cỏn con nào của ta cả.

Mời Bạn: Nhớ rằng bạn là nô bộc của Chúa và phải sống đúng thân phận đó. Nếu có được chút địa vị, tư cách nào, bạn đừng tự hào tự phụ, mà hãy nhớ mình là tôi tớ vô dụng, sở dĩ hữu dụng là nhờ hồng ân Chúa.

Sống Lời Chúa: Trước khi đi ngủ, quỳ gối tạ ơn Chúa đã nâng bạn từ hàng tôi tớ vô dụng lên hàng bạn hữu, và hứa sẽ sống đúng địa vị ưu đãi ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường quên thân phận thụ tạo, thân phận tôi tớ của mình. Chúa là chủ đời chúng con, còn chúng con chỉ là nô bộc trong tay Chúa. Xin cho chúng con ý thức thân phận ấy, để luôn sống khiêm tốn như người tôi trung của Chúa. Amen.



13/11/19 
THỨ TƯ TUẦN 32 TN
Lc 17,11-19

TIN THÌ SẼ ĐƯỢC

Đức Giê-su vào một làng kia, thì có mười người phong đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,12-13)

Suy niệm: Người bị bệnh phong, thân thể bị lở loét đau đớn lắm; họ còn đau đớn hơn khi bị cô đơn, bị người chung quanh xa tránh hất hủi vì chứng bệnh truyền nhiễm, gây ô uế cho người khác. Hơn ai hết, những người phong này mong muốn được lành bệnh, cho dù niềm mong muốn đó hầu như vô vọng. Nhưng với niềm tin vào Đức Giê-su là Đấng quyền năng, và giàu lòng thương xót, điều không thể đối với họ đã trở thành có thể. Với niềm tin mãnh liệt đó họ đón gặp Ngài và kêu xin: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Quả thật, Đức Giê-su đã dủ thương và ban cho họ điều họ cầu xin.

Mời Bạn: Thánh Phao-lô khẳng định: “Mọi người đều phạm tội” (Rm 3,23). Tội lỗi khiến chúng ta chẳng khác nào bị phong hủi về mặt thiêng liêng và đương nhiên cũng cần được Chúa chữa lành. Sứ mạng của Đức Giê-su đến trần gian là để làm điều đó. Ngài thương xót tội nhân và luôn sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai chạy đến với Ngài. Cơ hội đó Chúa ban cho chúng ta qua bí tích Hoà Giải. Phần còn lại là của mỗi người chúng ta: Tôi có muốn đến với Ngài và xin Ngài chữa lành hay không. Mỗi lần đi xưng tội, bạn có thành tâm sám hối và quyết tâm chừa bỏ tội lỗi không?

Sống Lời Chúa: Bạn kiểm điểm đời sống mỗi ngày và thường xuyên lãnh nhận bí tích Hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban cho chúng con bí tích Hòa giải làm phương thế thanh tẩy tâm hồn. Xin cho chúng con biết quý trọng và siêng năng đến với bí tích tình yêu này.



14/11/19 
THỨ NĂM TUẦN 32 TN
Lc 17,20-25

NƯỚC TRỜI ĐANG HIỆN DIỆN

“Vì này Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)

Suy niệm: Giám mục Curtis một lần tới thăm thánh Newman, lúc ấy đang là hồng y. Thánh Newman cho Giám mục Curtis biết Toà Thánh đã ban cho Ngài đặc ân được đặt Mình Thánh Chúa trong phòng. Không ngờ tin này làm Giám mục Curtis xúc động mạnh, đến nỗi khi Đức Hồng Y mời Giám mục ở lại ban đêm, Giám mục đã trả lời rằng: “Tôi không thể nào ngủ được khi biết Chúa của tôi đang ở với tôi chung một mái nhà”. Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta vì Người toàn năng hiện diện khắp nơi, nhưng một khi chúng ta ý thức điều đó, một khi có bằng chứng nhắc nhở tới sự hiện diện đó, chúng ta thường xúc động mãnh liệt. Thật hạnh phúc cho chúng ta khi hằng ngày chúng ta lại được đích thân gặp Người trong Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su là chính Nước Trời. Như vậy, Thánh Thể Chúa chính là “Nước Trời đang ở giữa chúng ta”.

Mời Bạn: Bạn có phải là người không còn niềm hứng khởi khi tham dự Thánh lễ? Hay bạn mong Thánh lễ mau kết thúc để đến điểm hẹn hò vui thú phàm trần như bàn nhậu, người yêu hoặc lo chạy mánh…? Bạn có biết không trong Thánh Thể, Chúa Giê-su đang khao khát được chúng ta đến với Ngài, tâm sự với Ngài, trút mọi nỗi lo, mọi ưu phiền thậm chí cả tội lỗi của chúng ta cho Ngài…?

Sống Lời Chúa: Tận dụng thời gian, sắp xếp công việc để có thể đến viếng Thánh Thể riêng hoặc tham dự giờ chầu Thánh Thể với cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng đôi mắt con, để con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa và lắng nghe lời Chúa mời gọi con canh tân đời sống mình. Amen.



15/11/19 
THỨ SÁU TUẦN 32 TN
Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 17,26-37

TÔI CHỌN SỰ SỐNG

Chúa Giê-su nói: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.” (Lc 17,33)

Suy niệm: Nhạc sĩ Văn Cao có những vần thơ nói về vấn đề sống-chết nghe như âm hưởng của Lời Chúa hôm nay: “Giữa sự sống và sự chết, tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống, tôi chọn sự chết.” Sự sống là cái gì quý giá nhất trong cuộc đời, vì thế đáng cho ta nâng niu, chọn lựa. Thế nhưng, đừng quên rằng sự chết, nấp dưới vỏ bọc sự sống,  cũng có sức huỷ diệt nhưng cũng hấp dẫn ghê gớm. Chẳng hạn sự chết của rượu chè say sưa, của phim ảnh đồi truỵ, của ma tuý, của phá thai, của đời sống buông thả. Người chạy theo nó tưởng là được sống, là cuộc đời, nhưng thực ra, là phải chết. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi đích danh đó là nền văn minh sự chết. Ngược lại, để có được sống thật, thì phải dám chấp nhận chếtchết vì quên mình để phục vụ đồng loại, chết do hy sinh từ bỏ cho những giá trị của Nước Trời.

Mời Bạn: Hãy xác tín rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về sự sống vĩnh cửu. Vì thế, bạn hãy mạnh dạn hy sinh những sự sống giả tạo, để có thể đạt được sự sống muôn đời của Chúa.

Chia sẻ: Tại sao tôi phải chấp nhận liều mất mạng sống thì mới được sự sống thật sự?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ mạnh dạn bỏ đi một nết xấu đang gây sự chết nơi tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hoà bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con. Amen. (Mẹ Têrêxa Calcutta)



16/11/19 
THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Th. Ma-ga-ri-ta Xcốt-len
Lc 18,1-8

TIN THIÊN CHÚA NHÂN HẬU

Đức Giê-su nói: “Anh em nghe ông quan toà bất công ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không cứ công bằng mà xét xử cho những kẻ Người đã tuyển chọn, đang ngày đêm kêu cứu Người sao?” (Lc 18,6)

Suy niệm: Chúng ta cứ nghĩ rằng phải kiên trì, phải bền chí khi cầu nguyện là bài học chính của bài Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng, một tác giả, cha H. Cousin lại nói rằng: “Dụ ngôn không có ý dạy ta phải cư xử với Chúa thế nào, nhưng có ý mạc khải cho ta biết Chúa cư xử với chúng ta ra sao. Chiêm ngưỡng lòng nhân hậu của Chúa, Đấng hằng nghe lời ta kêu nài sẽ là một động lực khích lệ ta cầu nguyện tin tưởng hơn, kiên nhẫn hơn.” Như vậy, Đức Giê-su đã dùng tật xấu của ông quan toà như một thí dụ để nói lên sự săn sóc chu đáo của Thiên Chúa nhân hậu, để nhắc ta tin tưởng vào Thiên Chúa nhân hậu ấy, qua lời cầu nguyện.

Mời Bạn: Nhớ rằng Thiên Chúa nhân hậu luôn lắng nghe lời bạn cầu xin, nhưng không phải theo ý bạn, mà là theo lòng nhân hậu của Ngài, bởi vì Ngài biết rõ hơn bạn là bạn đang cần gì. Bạn hãy xác tín rằng ngay cả không được như ý cũng là một ân huệ.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ kiên trì, bền chí cầu nguyện luôn, cầu nguyện mỗi ngày, vì tin rằng Chúa luôn ban cho tôi Thánh Thần, là ân huệ cao quý nhất Chúa ban mỗi khi tôi cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng Chúa say mê Chúa Cha, và Chúa muốn chúng con chia sẻ say mê ấy, qua việc chiêm ngắm Chúa Cha nhân hậu luôn quan tâm săn sóc, nhận lời chúng con cầu xin. Xin cho chúng con kiên trì cầu nguyện bởi vì tin rằng Chúa luôn nhận lời chúng con cầu xin, là ban Thánh Thần Chúa cho chúng con. Amen.


Chia sẻ Bài này:

Related posts