5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 11-2020

 08/11/20 CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – A
Mt 25,1-13

 

CẦM ĐÈN SÁNG SẴN TRÊN TAY

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,12-13)

Suy niệm: Giảng dạy bằng dụ ngôn là cung cách đặc biệt của Đức Giê-su khi nói về Nước Trời. Qua câu chuyện dụ ngôn, Ngài đưa ra một bài học, hay sứ điệp về tương quan Thiên Chúa với con người. Trong dụ ngôn “Mười cô trinh nữ”, có thể nói rằng các cô đều có khởi đầu giống nhau. Cả mười cô vừa có đèn, vừa có cả dầu. Nhưng tiếc thay, với tính cách khác nhau, năm cô khôn ngoan biết lo liệu, chuẩn bị sẵn chai dầu dự phòng; còn năm cô khờ dại thì ơ hờ, thiếu sự chuẩn bị này. Vì thế, khi chàng rể đến, các cô khôn ngoan sẵn sàng cầm đèn sáng trên tay ra đón, trong khi những cô khờ dại chỉ có chiếc đèn tắt ngúm vì cạn khô dầu. Các cô bị gọi là khờ vì đã không sẵn sàng. Chính sự chuẩn bị hời hợt đã khiến họ phải trả một giá đắt là bị loại ra khỏi tiệc cưới.

Mời Bạn: Dụ ngôn cho thấy một thực tế là bạn được trao cho cơ hội và thời gian để chuẩn bị cho giờ Chúa đến. Giờ đó mang tính quyết liệt, không cho phép bạn sống ‘tà tà’ hay ‘lè phè’ thoải mái, nhưng phải luôn ở trong tư thế canh thức và sẵn sàng, nghĩa là phải sống đức tin, với lòng mến Chúa yêu người. Đó chính là thứ dầu quí mà bạn sẽ cần để ‘thắp’ trong giờ sau cùng đó.

Sống Lời Chúa: Thử duyệt xét kỹ lưỡng đời sống để xem những gì bạn chưa làm được trong việc sống đức tin, rồi cố gắng thực hiện cho bằng được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn đến với con trong sự bất ngờ. Xin cho con luôn biết chuẩn bị chu đáo cho đời mình, bằng cách tỉnh thức và sẵn sàng với đèn sáng trong tay. Nhờ đó, con biết sống mỗi ngày cho xứng hợp với Lời Chúa đã kêu mời con. Amen.

 

09/11/20 THỨ HAI TUẦN 32 TN
Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô
Ga 2,13-22

 

ĐỂ NÊN XỨNG ĐÁNG

Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga 2,20-21)

Suy niệmBốn mươi sáu năm, gần một nửa thế kỷ để xây dựng Đền Thờ Giê-ra-sa-lem,– quả là một công trình vĩ đại và đáng tự hào. Nhưng giá trị của Đền Thờ không hệ tại ở tính cách qui mô của công trình mà là Đấng ngự trong Đền Thờ. Chính Đấng ấy làm cho mọi công trình trở nên Đền Thờ; nhưng nếu như sự tôn nghiêm thánh thiện mà mất đi thì cái gọi là “đền thờ” sẽ chẳng khác gì cái chợ hoặc hang ổ bọn cướp. Thế nên, với Chúa Giê-su, những nơi gọi là Đền Thờ mà không xứng đáng, thì thà phá đi để xây dựng lại còn hơn. Bởi Thiên Chúa cần lòng nhân chứ không phải lễ tế. Ngài có thể hiện diện ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là hang bò lừa, nhưng nơi Ngài ngự phải là nơi thánh.

Mời Bạn: Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã cùng chết với Chúa Ki-tô, để được sống lại với Ngài. Đó là cách thế Ngài tái thiết Đền Thờ cho ta. Nhưng sẽ thật là uổng phí, nếu công trình được chuộc bằng giá máu của Con Thiên Chúa lại biến thành nơi buôn bán hoặc hang ổ của bọn cướp!

Sống Lời Chúa: Mau mắn đến với Bí tích Hòa giải để được Chúa Ki-tô viếng thăm và thanh tẩy Đền Thờ tâm hồn mình.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, là Đấng sẵn sàng hiến thân để ở cùng chúng con. Xin tạ ơn Chúa về tình yêu muôn trùng cao cả. Và xin cho con biết khiêm tốn mở lòng hầu được Chúa thanh tẩy và thánh hiến, để tâm hồn con thực sự nên Đền Thờ xứng đáng cho Chúa ngự. Amen.

 

10/11/20 THỨ BA TUẦN 32 TN
Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 17,7-10

 

NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA CHÚA

“Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)

Suy niệm: Trong các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ La-tinh, từ “phục vụ” (service) có nguồn gốc bởi từ “nô lệ” (servus), và ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, đã thịnh hành khái niệm “quan chức là đầy tớ của nhân dân”. Trải qua thời đại, mối tương quan đó ngày càng bị đảo lộn, kéo theo sự biến chất của ngôn ngữ. Người “đầy tớ nhân dân” trở thành bạo chúa đầy quyền lực; và “phục vụ” lại có nghĩa là bắt người khác phục vụ mình. Giáo huấn của Chúa đặt chúng ta trở lại quỹ đạo của người môn đệ trong tương quan với Thiên Chúa: Đó chính là sống như “người tôi trung” của Ngài, không cậy công trạng, kể lể thành tích, nhưng coi việc phục vụ theo thánh ý Chúa là chu toàn “việc bổn phận đấy thôi.”

Mời BạnMẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta là Đức Giê-su, Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng đã “mặc lấy thân nô lệ” “bằng lòng chịu chết” để “vâng phục” Chúa Cha (x. Pl 2,6-8), luôn coi việc “thi hành ý Chúa Cha” là của ăn, là lẽ sống (x. Ga 4,34;6,38). Đi vào quỹ đạo của Chúa Giê-su tức là quyết sống như Ngài, thay vì đòi Chúa phải làm theo ý mình, trái lại, làm tôi tớ phục vụ Chúa nơi những người ruột thịt thân thích những anh chị em xóm giềng, những người mà mình không ưa thích cũng như người không ưa thích mình.

Sống Lời Chúa: Tôi làm bổn phận phục vụ cho người thân cận với ý thức mình đang phục vụ chính Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa chúc lành cho những nỗ lực dù rất nhỏ của chúng con trong hành trình đến gần Chúa hơn và nên giống Chúa hơn. Amen.

 

11.11.20

THỨ TƯ TUẦN 32 TN

Thánh Mác-ti-nô, giám mục

Lc 17,11-19

ĐƯỢC CỨU ĐỘ TOÀN DIỆN

 

“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 17,19)

Suy niệm: Theo đúng luật cách ly, mười người phung cùi đón Chúa Giê-su từ xa và kêu xin Ngài dủ lòng thương xót. Chúa cũng tuân theo luật định, yêu cầu họ đi trình diện với các tư tế, ngầm định rằng họ được chữa lành qua lệnh truyền đó. Vì tin vào Ngài, cả nhóm đã mau mắn vâng lời. Và quả nhiên họ được lành sạch. Tuy nhiên, nút thắt của câu chuyện nằm ở chỗ một người trong nhóm họ, và là người xứ Sa-ma-ri, đã không tiếp tục đi trình diện tư tế, dù đó là thủ tục pháp lý để được chứng nhận mình được lành sạch, mà lại tách nhóm, quay trở lại để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Hành động ấy diễn tả niềm tin mãnh liệt của anh vào Đấng chữa lành. Việc được sạch bệnh trở nên đường dẫn anh tới điều tuyệt vời hơn, đó là gặp gỡ chính Chúa Giê-su, là nguồn mạch của ơn cứu độ, vì thế, anh được giải phóng và được chữa lành toàn diện.

Mời Bạn: Xét đời sống của người tín hữu hiện nay, Hội đồng Giám mục Việt Nam lưu ý một số cử hành đạo đức đang bị lạm dụng như Lòng Chúa thương xót, đặc sủng chữa lành bệnh nhân, đặt tay cầu nguyện. Ẩn đằng sau những lệch lạc này là não trạng ‘thực dụng’, thứ não trạng làm đức tin bị xuống cấp thành một liều thuốc an thần để chữa bệnh. Sứ mạng của Chúa còn lớn gấp bội phần việc chữa bệnh! Người mong muốn làm cho chúng ta điều tuyệt vời hơn cả, đó là cứu độ toàn diện cả hồn lẫn xác, chỉ cần ta tin tưởng nơi Người.

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa lời nguyện tắt trong ngày: “Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót chúng con”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ duy nhất, xin ban thêm lòng tin và cứu chữa hồn xác chúng con.

 

12.11.20

THỨ NĂM TUẦN 32 TN

Thánh Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo

Lc 17,20-25

TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA Ở ĐÂU?

 

“Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! Hay ở kia kìa! Vì Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su không trả lời như lòng mong đợi của những người Pha-ri-sêu khi họ hỏi “khi nào Triều Đại Thiên Chúa sẽ đến. Trái lại, Ngài nói họ đừng tìm kiếm Nước Trời như một đối tượng có thể ‘cân, đong, đo, đếm’, “như một điều có thể quan sát được.” Triều Đại Thiên Chúa không được xác định vào một thời điểm, cũng không phải là tại một địa điểm ‘ở đây’ hoặc ‘ở kia’. Điều này cho thấy họ đã gắn cái nhìn thế tục bị vật chất hoá lên những mầu nhiệm, những thực tại siêu nhiên. Nước Thiên Chúa không đến như một đế quốc ở trần gian này; trái lại Đức Ki-tô phải đến như vị vua ngự trị “ở giữa họ” ngay trong tâm hồn, bằng Tình Yêu tự hiến. Không có tình yêu với Đức Giê-su Ki-tô họ sẽ không nhận ra được Triều Đại Thiên Chúa đã đến “ở giữa họ.”

Mời Bạn: Thế nên, câu hỏi ‘Nước Thiên Chúa ở đâu?’ đúng ra phải là câu hỏi ‘Lòng bạn có suy phục vương quyền Vua Ki-tô không?’ Bạn đã thực sự dâng hiến trọn con tim, tâm hồn, trí khôn và sức lực của mình cho ý muốn của Thiên Chúa chưa? Khi bạn làm theo thánh ý Chúa qua Lời Chúa Giê-su mặc khải và huấn quyền Giáo Hội, thì bạn đang xây dựng và mở rộng Nước Thiên Chúa.

Chia sẻ: Bạn thể hiện lòng trung thành với Nước Thiên Chúa như thế nào?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy tìm cách làm “Nước Chúa trị đến” qua cách bạn chu toàn việc bổn phận của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con xây dựng Triều Đại của Ngài trong con, trong suy nghĩ và mong muốn của conXin hãy làm cho cuộc sống của con trở thành ánh sáng và muối để danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”.

 

13.10.20

THỨ SÁU TUẦN 32 TN

Lc 17,26-37

TÍNH KHẨN CẤP CỦA NƯỚC TRỜI

 

“Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống… Một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” (Lc 17,33.34)

Suy niệm: Trong những cơn lũ lịch sử hồi tháng 10 nơi vùng rốn lũ, nước lên rất nhanh: Không đầy 10 phút, nước từ mấp mé sân đã dâng lên tới sát mái nhà. Không có thời gian di tản đồ đạc, thóc lúa, gia súc, người ta chỉ kịp trổ mái nhà, leo lên nóc tránh nước lụt, cầu giữ được mạng sống mà thôi. Những ai còn nấn ná cố giữ lấy tài sản, ắt sẽ bị nước lũ cuốn trôi cả của lẫn người. Qua trải nghiệm đau thương đó, chúng ta cảm nhận rõ hơn tính khẩn cấp trong đòi hỏi của Nước Trời: Cuộc sống này thật tốt đẹp nhưng chỉ là cõi tạm, phải hướng tới “ngày của Con Người”, là thời điểm mở ra cánh cửa dẫn vào Nước Trời là cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu. Để đạt tới cuộc sống đó, không chỉ cần buông bỏ những gì là tạm thời, mà còn phải biết buông bỏ chúng kịp thời đúng lúc.

Mời Bạn: Mỗi một khoảnh khắc trôi qua là cả một thế giới đi vào quá khứ và không bao giờ lặp lại. Cho nên, “liều mất mạng sống mình,” hay nói cách khác, “từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày” mà theo Chúa (x. Lc 9,23) chính là thái độ thiết yếu để sống trọn vẹn giây phút hiện tại đồng thời sẵn sàng đón gặp Chúa để bước vào cuộc sống vĩnh hằng vĩnh phúc với Ngài.

Sống Lời ChúaBạn hãy có những việc làm cụ thể để chia sẻ với những anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là do hậu quả của thiên tai dịch bệnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ý thức cuộc sống này là tạm thời, để con biết sẵn sàng hy sinh từ bỏ qua việc chia sẻ với những anh chị em gặp cảnh khó khăn khốn cùng.

 

14.11.20

THỨ BẢY TUẦN 32 TN

Lc 18,1-8

VỮNG TIN TRONG CẦU NGUYỆN

 

“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Mc 18,8)

Suy niệm: Phải chăng Chúa Giê-su quá bi quan về nhân loại khi Ngài não nề thốt lên: Trong ngày Ngài lại đến, liệu còn có ai trên mặt đất này đặt niềm tin nơi Ngài không? Ngài thuyết phục chúng ta hãy kiên trì cầu xin bằng cách đưa ra một so sánh hết sức táo bạo để nhấn mạnh tình yêu vô biên của Chúa dành cho dân Người. Thật vậy, một ông quan tòa bất lương, dầu với thái độ “cực chẳng đã”, nhưng cũng đã minh xét cho bà góa liên lỉ nài xin ông; lẽ nào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, lại không sẵn sàng đón nhận lời kêu xin của con cái mình sao? Nếu Chúa đã nói vậy mà chúng ta vẫn không chịu kiên trì cầu xin Ngài thì quả thật lòng tin của chúng ta đang có vấn đề rồi đó.

Mời Bạn: Con người lắm khi thật mâu thuẫn thất thường. Khi thì cầu xin đủ điều sao cho luôn may mắn theo ý mình; đến lúc không được thỏa mãn như lòng ước nguyện, lại nản chí và không còn cầu nguyện với Thiên Chúa nữa, thậm chí còn kêu trách Ngài và chạy đi khấn vái đủ thứ quỉ thần. Bạn nhớ rằng Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn muốn ban điều tốt đẹp nhất cho con cái Chúa. Phần bạn hãy luôn kiên trì cầu xin Ngài và xét xem mình có ước muốn điều tốt như ý Chúa muốn hay chỉ tìm kiếm những điều theo ý mình.

Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm gì khi được Chúa ban cho điều bạn cầu xin, và đối chiếu với tâm trạng của bạn khi cầu xin mãi mà không thấy nhậm lời?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút hồi tưởng về những ơn lành Chúa đã ban cho bạn trong quá khứ, và dâng lên Chúa lời cảm tạ và tâm tình phó thác.

Cầu nguyện: Đọc kinh Cám Ơn.

Chia sẻ Bài này:

Related posts