5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 11-2020

 

22.11.20

CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – A

Chúa Ki-tô, Vua Vũ Trụ

Mt 25,31-46

NGÀY PHÁN XÉT

 

“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước.” (Mt 25,35)

Suy niệm: Giáo lý trình bày về tứ chung, tức là bốn điều sau hết như sau: chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Quả thật, nếu thế giới và cuộc đời chúng ta cứ kéo dài mãi như thế này, không có đích điểm thì thật là vô nghĩa. Bởi vì sống thiện hay sống ác cũng như nhau; nếu con người sống không bao giờ chết, thế giới sẽ vô cùng lúng túng với những người cao tuổi. Không, thế giới, nhân loại có một điểm đến, để Thiên Chúa đưa con người, thế giới vào trời mới đất mới của vũ trụ được cứu độ. Vậy, ngày đó, Chúa phán xét như thế nào? Chúa phán xét ta sống với người khác dựa trên một tiêu chí duy nhất: có đầy tình thương, nhân ái không? Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Mời Bạn: Đời sống của ta dệt bằng những mối tương quan: với Chúa qua việc thờ phượng và với nhau qua những mối tương quan liên đới. Lắm khi chúng ta làm đủ thứ hoạt động, nhưng các mối tương quan ấy lại bị vỡ vụn, hoặc đóng khung nơi chính mình. Ngày phán xét, Chúa không hỏi chúng ta LÀM gì, nhưng hỏi chúng ta đã để TÌNH YÊU thấm vào công việc ta làm như thế nào.

Sống Lời Chúa: Bày tỏ lòng kính trọng người bé mọn, người già cả, bệnh hoạn, tật nguyền, cô thân cô thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhớ rằng có ngày phán xét, để mỗi khi con phục vụ một người, con nhớ rằng: con đang phục vụ Chúa. Amen.

 

23.11.20

THỨ HAI TUẦN 34 TN

Thánh Clê-men-tê I, Giáo hoàng, tử đạo

Lc 21,1-4

CHÚA ĐỂ Ý ĐẾN NGƯỜI NGHÈO

 

Chúa Giê-su cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. (Lc 21,2)

Suy niệm: Đức Giê-su gắn liền sứ mạng cứu độ của Ngài với người nghèo khó. Quả vậy, Ngài sinh xuống gian trần trong nơi nghèo hèn, sống một kiếp sống nghèo khó, giảng dạy “hạnh phúc cho người nghèo khó” và chính Ngài đã chết như một người tử tội. Ngài đồng cảm với người nghèo, ưu ái quan tâm đến người nghèo. Ngài đã tinh tế nhận ra bà góa nghèo bỏ vào hòm dâng cúng hai đồng tiền kẽm. Ngài nêu cao giá trị của người nghèo: bà này quảng đại dâng cúng nhiều hơn hết, vì bà bỏ tất cả những gì nuôi sống bà. “Nghèo” không phải là giá trị đáng đề cao, nhưng đón nhận cuộc sống nghèo, để thêm lòng phó thác cậy trông vào Chúa, siêu thoát với của cải, cũng như sống tình liên đới với nhau. Đức Giê-su không nhìn bề ngoài nhưng nhìn thấy tấm lòng quảng đại của bà góa nghèo, để nêu gương cho ta.

Mời Bạn: Chúng ta không thể giải thích hết tại sao Đức Giê-su sống nghèo, nhưng chắc một điều là Ngài muốn Giáo Hội cũng như các môn đệ của Ngài chọn cách sống này từ bỏ này: Không chỉ từ bỏ vật chất, mà còn từ bỏ chính bản thân mình. Ai hiểu được thì hiểu, nhưng Đức Giê-su, Đấng chúng ta tin thờ, Ngài đã sống nghèo như thế.

Sống Lời Chúa: Sống đạm bạc, giản dị đối với bản thân, nhưng rộng rãi chia sẻ với người khó nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, đức khó nghèo của Chúa khiến biết bao tâm hồn say mê: một thánh Phan-xi-cô Át-xi-di; một thánh Tê-rê-sa Can-cút-ta… Các ngài chọn nên thánh bằng cuộc sống nghèo. Xin cho con cảm được niềm vui của cuộc sống nghèo, và còn hơn nữa, được Chúa để ý nhìn đến con. Amen.

 

24.11.20

THỨ BA TUẦN 34 TN

Các Thánh Tử đạo Việt Nam

Lc 9,20-26

PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐỨC TIN

 

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy niệm: Trong lịch sử Giáo hội, khi hạt giống đức tin được gieo trồng ở đâu, miền đất ấy thường được tắm gội bằng máu của các chứng nhân tử đạo. Giáo hội Việt Nam cũng thế, trong số 117 vị tử đạo, có 21 vị là các nhà truyền giáo từ Châu Âu (11 Tây Ban Nha, 10 Pháp), những người sẵn sàng rời quê hương, từ bỏ cuộc sống văn minh, sung túc, để chia sẻ những giá trị Tin Mừng cho chúng ta. Nói như thánh Phao-lô ‘tôi chấp nhận mất mọi sự để có thể biết được Đức Ki-tô’ (Pl 3,8). Vâng, các ngài đã biết giá trị đích thực của đức tin, đã anh dũng lên đường rao giảng Tin Mừng. Tự hào được làm con cháu các Thánh Tử đạo, chúng ta hôm nay phải nuôi dưỡng và phát triển những giá trị đức tin ấy, can đảm từ bỏ những gì trái ngược giá trị đạo đức, để làm chứng cho Tin Mừng sự sống. Đó mới là bài ca đích thực tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Mời Bạn: Ngày nay, Giáo hội vẫn còn tiếp tục chiến đấu với thế gian để bảo vệ những giá trị của Tin Mừng. Bạn và tôi cũng là những thành viên của Giáo hội. Hãy mạnh dạn nói ‘không’ với những giá trị trần thế để nên chứng nhân cho đức tin, bạn nhé! Cụ thể, hôm nay bạn quyết tâm làm gì để mừng ngày lễ trọng đại của Giáo hội Việt Nam?

Sống Lời Chúa: Bắt đầu ngày mới bằng một hy sinh, một việc từ bỏ nho nhỏ để nuôi dưỡng đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho Giáo hội Việt Nam có những chứng nhân anh dũng. Xin cho chúng con sống niềm tự hào ấy bằng lối sống đậm chất Tin Mừng. Amen.

  

25.11.20

THỨ TƯ TUẦN 34 TN

Thánh Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a

Lc 21,12-19

BIẾN GIAN NGUY NÊN CHỨNG TÁ

 

“Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” (Lc 21,13)

Suy niệm: Thế gian vốn thù ghét những gì khác biệt với mình, đang khi ấy lối sống theo tinh thần Tin Mừng của người môn đệ Chúa lại đi ngược với tinh thần thế gian. Không lạ gì Chúa Giê-su báo trước số phận bi thảm của người môn đệ trong thế gian: bị bách hại, chịu nhiều gian nan hoạn nạn. Tuy nhiên, Chúa khích lệ chúng ta đừng sợ hãi khi bị thù ghét và bách hại, bởi chính Ngài sẽ luôn ở cùng, đồng hành, ban ơn nâng đỡ, soi sáng cho chúng ta biết việc phải làm, giúp chúng ta không chỉ vượt thắng được những trở ngại trên con đường nên thánh, mà còn ban ơn nâng đỡ, biến những gian nan khốn khó, nghịch cảnh đó trở thành cơ hội để chúng ta làm sáng lên Tin Mừng của Ngài.

Mời Bạn: Bạn và tôi đều chung cảm nghiệm về sự yếu đuối, mỏng giòn, bất toàn của phận người. Vì thế, nhiều khi đứng trước những đòi hỏi nên thánh, cũng như đương đầu với những khó khăn, thách đố trên đường nên thánh, chúng ta thường dễ thối chí nản lòng. Nhưng ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta, sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của ta (x. 2 Cr 12,9). Chỉ cần chúng ta bám víu vào Chúa, trông cậy ở tình thương, sự đỡ nâng của Ngài, thì cùng với Chúa chúng ta sẽ biến gian nguy trở thành cơ hội để làm sáng danh Chúa.

Sống Lời ChúaTrước khi làm việc, hoặc khi khó khăn, bạn hãy dừng lại một chút,xin ơn Chúa trợ giúp.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con, để con luôn tín thác vào quyền năng, lòng thương xót của Chúa. Nhờ đó, con không nản lòng trước những khó khăn, nhưng luôn gắn bó với Chúa cho trọn đời. Amen.

 

26.11.20

THỨ NĂM TUẦN 34 TN

Lc 21,20-28

TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH

 

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Lc 20,27)

Suy niệmCó thể nói năm 2020 thật khó quên với dấu ấn của nhiều thiên tai dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 với nỗi lo sợ chết chóc và thiệt hại trong công ăn việc làm chưa qua thì những cơn bão lũ lại ập xuống miền Trung, để lại nhiều mất mát tang thương. Trước những tai họa đó, người ta thường hỏi: Nếu có Thiên Chúa, sao Người lại để đau khổ có mặt và hành hạ con người? Chúng ta biết rằng, khi con người tàn phá thiên nhiên và phá vỡ quy luật tốt đẹp Chúa đã dựng nên, thì những thiên tai đó xảy ra, một phần cũng là hậu quả của sự dữ do chính con người gây ra. Đành rằng Thiên Chúa không tạo ra sự dữ, nhưng qua đó Người dạy cho con người về sự giới hạn của chính mình, để biết sống phó thác, thanh luyện chính mình và sống đúng với ơn gọi dành cho mình.

Mời Bạn: ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn “Đức Ki-tô Đang Sống” (Christus Vivit), đã nhắc lại điều mà Ngài gọi là sự thật vĩ đại, đó là: Đức Ki-tô đã chiến thắng sự dữ nhờ cuộc Phục sinh của mình. Đức Ki-tô vẫn đang sống và đang hiện diện ở đây, nơi cuộc đời của mỗi chúng ta giữa bao đau khổ; và Người chờ chúng ta đưa tay ra để Người cứu vớt (số 125-128). Bạn có thật sự muốn mình được cứu và sẵn sàng chìa tay ra với Chúa để mình được cứu không?

Sống Lời Chúa: Trong bầu khí thinh lặng bạn dâng lời cầu nguyện như các tông đồ xưa: “Lạy Chúa, xin ban đức tin cho chúng con” (Lc 17,5).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những đau khổ hằng ngày làm chúng con muốn quỵ ngã, xin giúp con biết một lòng tin tưởng và hoàn toàn phó thác nơi Tình Yêu vô biên của Chúa. Amen.

 

27.11.20

THỨ SÁU TUẦN 34 TN

Lc 21,29-33

LỜI CHÚA KHÔNG HỀ ĐỔI THAY

 

“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Lc 21,33)

Suy niệm: Lời Chúa trong Kinh Thánh được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, là phương thế Thiên Chúa sử dụng để giáo hóa con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lời Chúa ấy không chỉ có sức mạnh đổi mới cái nhìn, đốt nóng nhiệt huyết con tim, thay đổi lối ứng xử, nhưng còn nằm trong giá trị bất di bất dịch muôn đời. Tính bất di dịch này vừa nói lên rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn năng “thông biết mọi sư,” vừa minh chứng rằng Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, “hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời.” Tính không hề bị đổi thay của Lời bảo đảm cho tất cả những ai muốn thực thi Lời ấy khỏi những băn khoăn, nghi ngại về tính hiệu quả mình sẽ nhận được.

Mời Bạn: Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. Lời Chúa Giê-su dạy ta có giá trị muôn đời vì nơi Ngài, Lời không chỉ trong tâm trí, trên môi miệng, nhưng chính là Ngôi vị của Ngài: Ngôi Lời. Khẳng định ấy của Chúa giúp ta bám chặt vào Lời Ngài như kim chỉ nam, như ngọn hải đăng hướng dẫn đời sống đức tin của mình. Bạn sẽ khởi động niềm xác tín bằng việc mỗi ngày dành vài phút thinh lặng cầu nguyện với Lời Hằng sống ấy.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay khi nghe Lời Chúa, chúng ta hãy vững lòng trông cậy, chớ cứng lòng, nhưng hãy tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xác tín vào Lời Chúa dạy “Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” Con tin Thầy là Ngôi Lời Thiên Chúa, đến trần gian mạc khải cho con biết tấm lòng của Thiên Chúa. Hôm nay con muốn thưa như thánh Phê-rô: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Amen.

 

28.11.20

THỨ BẢY TUẦN 34 TN

Lc 21,34-36

LUÔN LUÔN SẴN SÀNG

 

“Anh em phải đề phòng… Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” (Lc 21, 34.36)

Suy niệmTrong ngày cuối của Năm Phụng vụ, người tín hữu được mời gọi sẵn sàng chờ đón ngày Chúa trở lại qua ba thái độ sống sau đây : 1. Đề phòng, là biết chuẩn bị trước để đối phó, ngăn ngừa những thiệt hại có thể xảy ra. Hãy làm cho lòng mình khỏi những vướng bận của đam mê lạc thú, chè chén say sưa và lo lắng thái quá đời sống vật chất. 2. Tỉnh thức, là không để mình rơi vào sự tối tăm, lầm lạc, nhưng bước đi trong ánh sáng của niềm hy vọng, như người quản gia làm phận vụ của mình cách trung tín và quảng đại. 3. Cầu nguyện, là ở lại và kết hợp với Chúa trong từng suy nghĩ, lời nói và việc làm. Ngày trở lại của Con Người, hay ngày tận thế của thế giới, hoặc ngày cuối đời của mỗi người đều bất ngờ, không ai biết trước được.

Mời bạnLời cảnh báo của Chúa nhắc nhở ta rằng cuộc sống ta trên trần gian có ý nghĩa sâu sắc, là món quà Thiên Chúa tặng ban. Cuộc sống ấy dễ cuốn hút, làm ta dần xa Chúa. Để sẵn sàng cho Ngày cuối cùng, cho cuộc gặp gỡ đầy hân hoan với Chúa, mỗi Ki-tô hữu cần luôn luôn thực hành ba thái độ: Đề phòng – Tỉnh thức – Cầu nguyện.

Chia sẻ: Nếu giờ này Chúa đến, bạn sẽ làm gì?

Sống Lời Chúa: Sống trọn giây phút hiện tại của bạn với lòng tin, tình mến và trách nhiệm trong bậc sống, bổn phận của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cứ mãi chạy theo thú vui trần thế, những lắng lo không đâu, quên mời Chúa cùng đi với con. Xin cho con luôn sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ với Chúa trong Ngày sau hết của đời mình. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts