5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 12-2016

04/12/16                               CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – A

                                                                               Mt 3,1-12

KÊU GỌI AI SÁM HỐI?

“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.(Mt 3,2)

Suy niệm: Trong hoang địa, Gio-an rao giảng kêu gọi sám hối cho ai nghe? Nếu rao giảng cho đám đông dân chúng có lẽ Gio-an đã chọn những nơi dân cư đông đúc. Trong hoang địa cô vắng Gio-an cất tiếng lên: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, thì hơn ai hết chính Gio-an là người nghe rõ nội dung của tiếng ấy vọng lại trong tâm hồn mình. Gio-an cũng là người hưởng ứng lời kêu gọi ấy đầu tiên. Cách sống đậm màu sắc khắc khổ và sẵn sàng của Gio-an như mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng là những dấu chỉ biểu lộ một tâm hồn sám hối.

Mời Bạn: Với vai trò ngôn sứ được lãnh nhận từ bí tích Thánh tẩy, mọi Ki-tô hữu có trách nhiệm kêu gọi người khác sám hối. Nhưng thực hiện công việc này bằng cách nào? Chân phước giáo hoàng Phao-lô VI đã từng nói rằng: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu có nghe những thầy dạy bởi vì các thầy dạy đó cũng là những chứng nhân” (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 41). Lời rao giảng sám hối của chúng ta sẽ có kết quả khi chính mình là chứng nhân về việc sám hối.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm thế nào sau khi đã sám hối, rồi khuyên người khác sám hối. Xin chia sẻ?

Sống Lời Chúa: Trong mùa Vọng này, bạn gia tăng việc hy sinh, hãm mình, bác ái để xin Chúa ban cho bạn thêm lòng sám hối ăn năn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con sám hối. Xin giúp chúng con biết sám hối thực tâm để chính cuộc sống chúng con trở thành lời mời gọi người khác cùng sám hối.


05/12/16                                             THỨ HAI TUẦN 2 MV

                                                                             Lc 5,17-26

CHÚA CẤT GÁNH NẶNG TÂM HỒN

“Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su nói với người bại liệt-: ‘Tôi bảo anh: Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!’ ” (Lc 5,24)

Suy niệm: Cuộc đời mỗi con người đều bao hàm nhiều gánh nặng phải vác: gánh nặng gia đình, công việc, bệnh tật… Nhưng khủng khiếp nhất chính là gánh nặng của tội lỗi. Được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa; nhưng rồi con người đã sa ngã và chuốc lấy thân phận tội nhân! Ánh nhìn của Thiên Chúa đã đi theo Ca-in đến cùng trời cuối đất, cào cứa lòng anh… Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, thứ tha, và cứu độ con người nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến để chữa lành thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn người ta. Trong Bí Tích Hoà Giải, gánh nặng tội lỗi nơi tôi được cất đi, – không phải như một tấm áo bẩn được giặt sạch, nhưng như một tấm áo mới tinh được ban tặng cho tôi. Với con người, tha có nghĩa là bỏ qua song có thể vẫn còn ‘lưu hồ sơ’ để nhớ; còn đối với Thiên Chúa, tha nghĩa là quên luôn. Sự thứ tha của Thiên Chúa là một cuộc ‘sáng tạo lại’! Gánh tội lỗi được cất đi hoàn toàn trong tâm hồn tôi, và tôi tìm lại được sự bình an trọn vẹn!

Mời Bạn: Lòng bạn có đang bị đè nặng bởi điều gì không? Hãy tìm lại niềm an bình sâu xa trong Bí Tích Hòa Giải – như một sự chuẩn bị căn bản nhất để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới.

Chia sẻ tâm trạng của bạn khi vừa qua khỏi một cơn bạo bệnh hay sau khi xưng tội và lãnh nhận ơn thứ tha.

Sống Lời Chúa: Tích cực cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ những người mang bệnh tật thể lý cũng như trong tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn con, và ban lại cho con niềm bình an sâu xa của con cái Chúa. Amen.


06/12/16                                              THỨ BA TUẦN 2 MV

Th. Ni-cô-la, giám mục                                   Mt 18,12-14

CHA KHÔNG MUỐN CON HƯ MẤT!

“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14)

Suy niệm: Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót kết thúc nhưng hẳn bạn vẫn chưa quên khẩu hiệu “Misericordes Sicut Pater” (Thương Xót Như Chúa Cha) cùng với biểu tượng Chúa Giê-su vác trên vai một con người trông như đang vác con chiên, hai con người nhưng chỉ có ba con mắt. Đó là “ánh mắt đầy yêu thương của Chúa” đã giúp Da-kêu, Mát-thêu, Ma-đa-lê-na đổi đời, đã đánh động tâm hồn của Phê-rô và bao người lầm đường lạc lối được ơn hoán cải. Ánh mắt bộc lộ tấm lòng thương xót của Chúa Cha trên trời “không muốn một ai phải hư mất”. Chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng “con mắt thứ ba,” nhìn nhau bằng cái nhìn của Chúa, cái nhìn yêu thương tha thứ, cái nhìn cảm thông, quảng đại, và từ ánh mắt đó, chúng ta sẵn sàng bằng hành động dấn thân phục vụ.

Mời Bạn: Mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa đến. Chỉ khi chúng ta yêu mến ai, chúng ta mới mong đợi người đó đến. Chúa Cha yêu thương luôn yêu thương đi tìm kiếm và đem những người con đi xa lạc trở về, chúng ta cũng phải sẵn sàng mở lòng mình ra để đón nhận lòng thương xót của Chúa, đồng thời cũng mở lòng ra với anh em để cùng với họ quay trở về với Chúa.

Sống Lời Chúa: Nhìn bằng “ánh mắt của Chúa”, tức là đối xử với nhau bằng lòng nhẫn nại và bao dung.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha đầy yêu thương, bao lâu chúng con lạc xa Cha là bấy lâu Cha tìm kiếm chúng con. Cha đau buồn khi thấy chúng con chìm sâu trong bóng tối tội lỗi. Cha ban cho chúng con Người Con Một để tìm và cứu chúng con. Chúng con yêu mến và tạ ơn Cha. Amen.


07/12/16                      THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MV

Th. Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT           Mt 11,28-30

GIÊ-SU, CHỐN NƯƠNG THÂN

Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng. (Mt 11,29-30)

Suy niệm: Tình yêu đã giúp thánh Tê-rê-xa Hài Đồng kết luận rằng đời Ki-tô hữu không phải là cuộc định cư trên núi Ta-bo, mà là một hành trình trèo lên đỉnh Can-vê. Thực vậy, Chúa Giê-su không hề hứa hẹn một cuộc sống an nhàn thư thái cho những người đi theo Ngài, dù người đó là Đức Ma-ri-a, Mẹ Ngài, đi nữa. Ngài không miễn chước cho họ khỏi tuân giữ luật lệ, trái lại, còn đòi hỏi đến mức triệt để. Tám Mối Phúc mà Chúa công bố đã minh chứng cho điều này. Vậy làm sao Ki-tô hữu có thể chấp nhận “gánh” và “ách” của Chúa mỗi ngày mà vẫn cảm nhận được sự êm ái, nhẹ nhàng? Theo thánh Âu-tinh, ấy là nhờ có lòng yêu mến: “Chỗ nào có lòng yêu mến thì không cảm thấy vất vả, mà giả như có vất vả đi nữa thì người ta cũng thích cái vất vả đó.” Tình Chúa yêu và tình yêu Chúa giúp cho Ki-tô hữu tìm được an vui ngay giữa lúc chồn chân mỏi gối. Tình yêu biến mọi sự trở nên nhẹ nhàng.

Mời Bạn: Tiếng than vãn, hờn trách, nổi loạn diễn tả điều gì trong tâm hồn bạn? Bình an hay bất an? Gánh nặng của bạn cần được chia sẻ cho Chúa. Chúa mong chờ.

Chia sẻ: Có những loại gỗ không đáng bỏ công đẽo gọt, cũng có những con tim không xứng đáng nhận lấy khổ đau. Bạn nghĩ gì về câu nói đó?

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa mọi sự khó khăn vất vả của ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là nơi con náu ẩn những khi nguy nan, là niềm cậy trông mỗi khi con tìm đến, là niềm an ủi những lúc con lệ rơi, là niềm hứng khởi những lúc con hân hoan. Ôi, lạy Thiên Chúa con thờ.


08/12/16                                           THỨ NĂM TUẦN 2 MV

Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội                 Lc 1,26-38

SỐNG MÙA VỌNG NHƯ MẸ

“Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.  Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1,30-32)

Suy niệm: Phụng vụ Lời Chúa trong mùa Vọng trình bày ba nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Đấng Cứu Thế đến: đó là tiên tri I-sai-a, thánh Gio-an Tẩy Giả, và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Tiên tri I-sai-a mô tả lòng khát mong Vua cứu tinh của dân Ít-ra-en. Ông và hối thúc dân thay đổi đời sống và chuẩn bị tâm hồn để xứng đáng đón Vua sắp đến. Gio-an Tẩy Giả là sứ giả dọn đường và là người trực tiếp giới thiệu Đấng Cứu Thế đến. Ông đã thực thi sứ mạng của mình cho tới hơi thở cuối cùng bằng việc hy sinh chính mạng sống của mình. Về phần Mẹ Ma-ri-a, Mẹ không chỉ mong mỏi Thiên Chúa đến, mà còn đón nhận Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. Trước hết, như bao thế hệ Do Thái chờ trông, Mẹ mong đợi Đấng Cứu Thế đến như lời Thiên Chúa đã hứa với dân tộc của Mẹ. Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài, đến làm người trong lòng của Mẹ. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ đón nhận ân phúc này bằng cách ban đặc ân vô nhiễm nguyên tội ngay từ ngày đầu cuộc đời của Mẹ. Đáp lại, Mẹ luôn trông đợi Chúa, luôn tận dụng ơn thánh của Chúa để sống đẹp lòng Chúa, tuân theo lời Chúa dạy và mang Chúa đến với tha nhân. Mẹ đã sống mùa Vọng như thế và dạy chúng ta biết thế nào là sống mùa Vọng.

Mời Bạn: Bạn có thực hành đạo đức nào mỗi ngày trong mùa Vọng để thể hiện lòng khát khao Chúa đến với bạn?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một việc lành dâng cho Chúa với lòng khát mong Chúa đến ngự vào lòng.

Cầu nguyện: Ma-ra-na-tha, lạy Chúa xin hãy đến.”


09/12/16                                           THỨ SÁU TUẦN 2 MV

Th. Gio-an Đi-đa-cô                                        Mt 11,16-19

VỮNG VÀNG THEO CHÚA

“Ông Gio-an đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.” (Mt 11,18-19)

Suy niệm: Trong bổn phận của mình, Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhắc nhở, Ki-tô hữu là người đáp ứng một nhu cầu cấp thiết cho mọi thời đại, đó là nói với thế giới về Thiên Chúa và trình bày với Thiên Chúa về thời đại. Con người thời đại chỉ cần nơi Ki-tô hữu điều đó và yêu cầu Ki-tô hữu hãy là Ki-tô hữu đến cùng, chứ không đòi hỏi điều gì khác. Bởi thiên hạ tìm thấy nơi biết bao người khác điều mà họ đang cần về mặt tự nhiên, nhưng chỉ nơi Ki-tô hữu họ mới có thể nghe Lời Chúa và biết về Ngài. Lời này ở trên môi của Ki-tô hữu và rõ ràng trong lối sống của Ki-tô hữu. Muốn được thế, Ki-tô hữu không chiều theo thị hiếu phù du của thời đại hay ngả theo những khuynh hướng thế tục thịnh hành; trái lại, Ki-tô hữu cần thuộc về Thiên Chúa cách kiên vững, đúng với tư cách một người được thánh hiến riêng cho Ngài.

Mời Bạn dành thì giờ gặp riêng với Chúa và xét lại xem những hành động, lời nói và lối sống của bạn có đem lại lợi ích thiêng liêng cho con người thời đại như lòng Chúa mong muốn hay không. Bạn đang chiều theo tinh thần thế tục hay đang làm chứng cho Chúa giữa đời?

Sống Lời Chúa: Kiên trì thực hiện điều đã hứa với Chúa hằng ngày, nỗ lực vượt qua mọi trở ngại và dâng lên Chúa những cố gắng ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cứ sai con ra đi làm chứng nhân cho Chúa giữa đời, vì người đời cần được nghe Lời Chúa và cần được thấy những chứng nhân trung kiên của Chúa.


10/12/16                                           THỨ BẢY TUẦN 2 MV

                                                                           Mt 17,10-13

ÔNG Ê-LI-A ĐÃ ĐẾN

“Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,11-12)

Suy niệm: Người Do Thái mong mỏi sự trở lại của tiên tri Ê-li-a để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, nhưng họ không thể nhận ra Ê-li-a đã đến trong vai trò của Gio-an Tẩy Giả. Bởi vì họ mong   đợi một Ê-li-a đầy uy quyền có thể gọi lửa từ trời xuống khiến mọi người khiếp sợ, trong khi Gio-an Tẩy Giả lại là vị tiên tri của nước kêu gọi mọi người chịu phép rửa để hoán cải tâm hồn. Thực ra, Gio-an Tẩy Giả đã đảm nhận vai trò của Ê-li-a khi chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Đấng Cứu Thế: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Gio-an Tẩy Giả chính là vị tiên tri hoàn tất mọi điều các tiên tri trong Cựu Ước đã loan báo về Đấng Cứu Thế khi giơ tay hướng về Đức Giê-su mà giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29.36).

Mời Bạn: Trong Mùa Vọng này, những ai là người đang đóng vai trò của Gio-an Tẩy Giả thúc giục bạn chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón nhận Chúa? Những ai đang giới thiệu cho bạn Đấng Cứu Thế đang ở giữa bạn mà bạn không biết? Bạn đang quyết tâm từ bỏ thói hư nào, tật xấu nào, tội lỗi nào? Bạn đang quyết tâm thực hành việc đạo đức nào để chuẩn bị Chúa đến với bạn?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một thứ tội hoặc thực hành một nhân đức

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đến ngự trị trong tâm hồn con và cho con luôn tìm làm đẹp ý Chúa và dám cắt đứt mọi vướng bận cản trở đường Chúa đến với con. “Ma-ra-na-tha, lạy Chúa xin hãy đến.”

Chia sẻ Bài này:

Related posts