5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 12-2020



13/12/20 
CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B
Ga 1,6-8.19-28

ĐẾN ĐỂ LÀM CHỨNG

“Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7)

Suy niệm: Ngày 21/11/2004, xe tự hành Spirit sau một năm đổ bộ lên sao Hoả –từ ngày 03/01/2004, gần bằng hai năm ở trái đất– đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: nó đã giúp phát hiện sự hiện diện và tác động của nước nơi những khối đá và những lớp lưu huỳnh trầm tích trên “Đồi Columbia”. Chỉ một chút dấu vết của nước thôi cũng đã đủ làm chứng khả năng sự sống đã từng có mặt trên hành tinh đỏ này. Chứng từ của những khối đá sao Hoả chỉ là một sự so sánh thô thiển với lời chứng của Gio-an Tẩy giả. Ông không phải là sự sống nhưng sự sống tiềm tàng trong ông, sự sống đã đến trong đời ông khi ông còn trong dạ mẹ. Ông không mạo nhận là sự sáng, nhưng ông phản chiếu sự sáng và “ông đến để làm chứng cho sự sáng.”

Mời Bạn: Than ôi! Đến như đất đá vô tri kia còn có thể làm chứng cho chúng ta rằng cách đây hằng tỷ năm đã có một sự sống đi qua đời nó; còn bạn, còn tôi, tại sao chúng ta ngày hôm nay lại không thể làm chứng cho sự sống, sự sáng của Chúa đang ở trong chúng ta? Phải chăng vì mối tình của chúng ta với Đức Ki-tô đã chưa đậm đà đủ để có thể ghi lại dấu ấn gì nơi đời sống của mình?

Chia sẻ: Cả nhóm quyết tâm cùng làm một việc cụ thể theo tinh thần Phúc Âm để làm chứng cho Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Phương thế dẫn nước hằng sống đến tưới đẫm “tâm hồn sao hoả” của bạn là suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể. Bạn hãy siêng năng thực hiện nhé.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ghi vào lòng con dấu ấn tình yêu, để con nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời.



14/12/20 
THỨ HAI TUẦN 3 MV
Th. Gio-an Thánh giá, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 21,23-27

LÒNG CHÂN THÀNH

“Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.” (Mt 21,7)

Suy niệm: Các thượng tế chất vấn Đức Giê-su về nguồn gốc quyền bính của Ngài; đối lại Chúa cho biết Ngài chỉ trả lời nếu họ trả lời câu hỏi ngược lại của Ngài về phép rửa của Gio-an Tẩy giả bởi quyền bính nào: “Bởi Trời hay bởi người ta?” Thật ra câu hỏi của Đức Giê-su đã hàm chứa câu trả lời rằng quyền bính của Ngài đến từ Thiên Chúa như Gio-an Tẩy giả làm chứng. Những toan tính đằng sau câu trả lời quanh co của các thượng tế: “chúng tôi không biết” tố giác thái độ thiếu chân thành của họ; điều đó khiến họ không thể đón nhận chân lý Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến. Quả thật, khi không có sự chân thành, người ta cũng thiếu điều kiện thiết yếu để gặp gỡ Thiên Chúa.

Mời Bạn: Lòng chân thành đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân thật cần thiết trong cuộc sống. Nếu bạn cầu xin Thiên Chúa với thái độ giả tạo thì sẽ chẳng bao giờ bạn được Người nhậm lời. Và nếu bạn đối xử với người khác bằng động cơ vụ lợi thì sớm muộn gì mối tương quan giữa bạn với người đó cũng mất đi. Để sống chân thành cần biết gạt bỏ những thành kiến và sẵn sàng đón nhận khác biệt nơi tha nhân để cùng nhau đón nhận chân lý.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian xét mình về tật xấu thiếu chân thành trong cách lắng nghe thánh ý Chúa và trong tương quan với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện biết mấy. Chúa đã đến ở với chúng con bằng một tình yêu vô vị lợi. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa để có được một tâm hồn trong sáng, một lời nói thật thà, một lối sống thân thiện với anh chị em mình.



15/12/20 
THỨ BA TUẦN 3 MV
Mt 21,28-32

NGƯỜI CON ĐẸP LÒNG CHA

Nó hối hận, nên lại đi.” (Mt 21,29)

Suy niệm: Con người không ai là hoàn hảo và không bao giờ sai. Điều quan trọng là hành động chứ không chỉ nói suông, và khi biết mình đã làm sai thì biết sửa chữa sai lầm. Người cha trong câu chuyện Tin Mừng hẳn rất đau khổ vì người con hư, ngoài miệng vâng dạ nhưng lại trở mặt, không làm theo lời cha. Còn người con đã từng nói không với cha, đã từng làm cha buồn lòng, nhưng nghĩ lại, hối hận và sửa chữa sai lầm bằng cách đi làm vườn nho như lời cha dạy. Đức Giê-su Ki-tô chính là Con yêu dấu của Chúa Cha nhập thể làm “Trưởng Tử của đàn em đông đúc” (x. Rm 8,29) sửa chữa đền bù lỗi lầm của đàn em đó bằng việc “vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Trong Ngài, Người Con luôn đẹp lòng Chúa Cha, chúng ta được phục hồi địa vị làm con cái Thiên Chúa, và được chung hưởng gia nghiệp Thiên quốc.

Mời Bạn: “Hối hận là sự hồi sinh vĩ đại nhất” (Lailah G. Akita). Khi một người hối hận và sửa sai là người ấy bắt đầu một cuộc sống mới. Sứ điệp của Chúa Giê-su Ki-tô luôn là lời mời gọi hãy sám hối để đón nhận Nước Trời. Đáp lại lời mời đó, chúng ta hối hận và sửa sai để được sống lại trong mối tương quan với Thiên Chúa bằng việc tìm kiếm và vâng phục thánh ý Chúa trong tâm tình yêu mến.

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Vọng này, quyết tâm sửa đổi chừa bỏ một tính hư nết xấu để không phụ tình Cha.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con đã nhiều lần hứa với Cha quyết tâm hoán cải, nhưng con đã không thực hiện. Xin cho con biết thật lòng hoán cải để không phụ lòng Cha. Amen.



16/12/20 
THỨ TƯ TUẦN 3 MV
Lc 7,19-23

MỘT THIÊN CHÚA ĐẦY BẤT NGỜ

“Thầy có thật là Đấng phải đến hay không?” (Lc 7,19)

Suy niệm: Ai trong chúng ta dám nói rằng mình đã biết tường tận về Chúa? Từ kinh nghiệm này, chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên về câu hỏi của Gio-an Tẩy Giả: chính ông là người đã dọn đường cho Chúa đến, và đã làm phép rửa cho Chúa kia mà! (x. Lc 3,1-22). Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là một vị Thiên Chúa đầy bất ngờ. Bất ngờ trong giờ của Ngài; bất ngờ trong cách thức của Ngài… Thiên Chúa là Cha, qua Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, tỏ mình ra là Đấng huyền nhiệm luôn luôn mới. Chúng ta đến với Đức Ki-tô, chiêm ngắm để khám phá ra Ngài hiện diện trong đời sống đạo của mình.

Mời Bạn: Mùa Vọng, mùa mong chờ. Mong chi đây? Chờ ai đây? Câu hỏi có vẻ ngây ngô khi mà Chúa đã đến cách đây hơn 2.000 năm. Hay là mong No-en như mong một lễ hội? Bạn ạ, Chúa vẫn đang đến trong mỗi phút giây hiện tại. Và Chúa sẽ đến trong ngày cánh chung. Thời gian này là dịp để bạn đón nhận một điều gì đó thật mới mẻ từ biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng làm sao nhận biết? Chiêm ngắm và thuật lại cho người khác là một cách thế: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe.

Chia sẻ: Theo bạn, có phải chúng ta vẫn hay “áp đặt” cho Thiên Chúa từ những lý luận của chúng ta?

Sống Lời Chúa: Giới thiệu Chúa cho anh chị em bằng chính kinh nghiệm đức tin của bạn, chứ không chỉ qua “kiến thức” bạn có về Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn có một con tim luôn rộng mở, để luôn học biết và đón nhận những điều mới mẻ mà Chúa muốn dạy cho con.



17/12/20 
THỨ NĂM TUẦN 3 MV
Mt 1,1-17

GIA PHẢ CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Ông Áp-ra-ham sinh ông I-xa-ác; ông I-xa-ác sinh ông Gia-cóp;… ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng bà Ma-ri-a cũng là Giê-su. (Mt 1,2-17)

Suy niệm: Một bản gia phả liệt kê rõ ngọn nguồn, một danh sách cụ thể nối liền từ các cụ tổ đến Đức Giê-su: Thế là rõ, Chúa Giê-su có mối liên hệ huyết tộc với nhân loại chứ không phải là một nhân vật “từ trên trời rơi xuống”, một cách ngẫu nhiên. Ngài là con người thật, là “Con Người” (viết hoa). Ngài đến chia sẻ trọn vẹn thân phận con người chỉ trừ tội lỗi! Ghi tên Giê-su vào bản gia phả là nhận Ngài là người miêu duệ đích thực, từ Ngài một nhân loại mới được sinh ra, đó là Hội Thánh. Trong nhân loại mới này, chúng ta được tháp nhập vào. Lịch sử loài người được tiếp nối, không phải y như cũ, mà là được tiếp nối sau khi đã được đổi mới.

Mời Bạn suy nghĩ và trả lời: – “Đâu là cội nguồn của tôi?” – “Tôi đem lại nét gì mới cho xã hội nơi tôi sinh sống?”

Chia sẻ: Để viết tiếp gia phả nhân loại mới của Đức Giê-su, chẳng hạn: “Đức Giê-su sinh ra anh X., chị Y., v.v… trong đức tin”, bạn sẽ đảm nhận việc gì làm công tác truyền giáo của bạn?

Sống Lời Chúa: Cụ thể nhất là dịp lễ Giáng Sinh năm nay, bạn hãy tìm đến và làm một việc nào đó đem niềm vui Chúa Giáng sinh đến cho một người nghèo vật chất hay tinh thần ngay trong gia đình bạn, hay ở xóm giềng, hay ngoài góc phố kia…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con đừng sống thờ ơ với tha nhân và đừng thờ ơ với nỗi lòng thao thức của Chúa muốn qui tụ toàn thể nhân loại vào Hội Thánh đại gia đình những người được cứu độ. Xin cho con cảm nhận được việc truyền giáo chính là lẽ sống đời Ki-tô hữu của con.



18/12/20 
THỨ SÁU TUẦN 3 MV
Mt 1,18-24

TRUYỀN TIN CHO GIU-SE

Giu-se đang toan tính như vậy thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)

Suy niệm: Sự cố xảy đến cho Đức Ma-ri-a quả thật là vượt quá sức hiểu biết và lý giải của con người. Nhưng thái độ của thánh Giu-se thực sự là một mẫu gương cho chúng ta khi đứng trước mầu nhiệm. Giu-se “định tâm bỏ Ma-ri-a cách kín đáo” vì tuy ngài không hề nghi ngờ gì về đời sống thánh thiện của Đức Ma-ri-a nhưng lại không biết được hoạt động của Thiên Chúa nơi bạn mình: thái độ của ngài là tôn trọng bạn và tôn trọng thánh ý Chúa nơi bạn mình. Ngay cả khi được thiên thần báo mộng, thánh Giu-se cũng không nhận được một lời lý giải rõ ràng hơn, bởi vì ngài chỉ biết Đức Ma-ri-a thụ thai là do đâu (bởi quyền năng Chúa Thánh Thần) chứ không phải là thế nào. Mầu nhiệm vẫn nguyên vẹn là mầu nhiệm. Thái độ của thánh nhân lúc này là tin tưởng, phó thác và vâng phục: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.

Mời Bạn: Mầu nhiệm không phải là một bức tường dày đặc bịt kín mít mọi cửa ngõ. Nhưng mầu nhiệm giống như biển cả vừa bao la vừa sâu thẳm mời gọi chúng ta chìm sâu vào để tiến tới. Mời bạn bắt chước thái độ của thánh Giu-se đứng trước mầu nhiệm, đó là: tôn trọng-tin tưởng-vâng phục.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện trong thinh lặng để quen nhìn ra thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy thánh cả Giu-se, xin giúp con biết bắt chước Ngài luôn mến tin và vâng phục khi chiêm ngắm những mầu nhiệm diệu kỳ của Chúa. Amen.



19/12/20 
THỨ BẢY TUẦN 3 MV
Lc 1,5-25

NHẬN RA VIỆC CHÚA LÀM

“Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1,25)

Suy niệm: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó.” Đó là lời bà Ê-li-sa-bét xác nhận chính Chúa đã cho bà được cưu mang một con trai sau bao nhiêu ngày tháng trông đợi vì son sẻ. Trong khi đó chồng bà ông Da-ca-ri-a, một người tư tế nhưng không tin khi nghe lời loan báo của sứ thần đã bị câm cho đến ngày cá điều sứ thần nói hiện thực. Cũng chính bà Ê-li-sa-bét khi được Đức Ma-ri-a đến thăm, đã thốt lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người co em đang cưu mang cũng được chúc phúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến với tôi thế này?… Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,42-45). Bà Ê-li-sa-bét tiêu biểu cho những người có đức tin tỉnh thức nhạy bén biết nhận ra ơn Chúa ban và việc Chúa làm nơi mình và nơi tha nhân.

Mời Bạn: Tin không chỉ là chấp nhận một số những điều phải tin nhưng còn phải có cặp mắt đức tin để nhận ra những ơn phúc và những việc Chúa làm để tạ ơn và cùng cộng tác với ơn Chúa. Người có đức tin vừa nắm giữ chân lý về Thiên Chúa vừa được mời gọi khám phá những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã và đang làm trong thực tế cuộc sống mỗi ngày. Đối với họ, Thiên Chúa không còn xa cách trong cõi siêu việt nhưng rất gần gũi và sống động.

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhận ra và tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Chúa ban cho tôi và cho những người chung quanh. Tôi tập nhận ra lòng Chúa yêu thương tôi ngay cả trong những đau khổ và thánh giá Chúa gửi tới.

Cầu nguyện: Đọc kinh Tin.

Chia sẻ Bài này:

Related posts