26/01/14 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – A
Mt 4,12-23
KIẾM TÌM – RAO GIẢNG – CHỮA LÀNH
Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. (Mt 4,23)
Suy niệm: Chủ điểm “Tân Phúc Âm Hóa để loan báo Tin Mừng” mà Giáo Hội Việt Nam đang phát động là cơ hội quí giá để các tín hữu suy ngắm lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu, để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Những phương diện mà “Tân Phúc Âm hoá” nhằm đạt đến là: – khơi dậy nhiệt tình truyền giáo: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Cr 9,16); – làm mới lại cung cách rao giảng: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy chỉ vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (ĐGH Phaolô VI); – xoa dịu đau khổ, lấp đầy hố sâu ngăn cách giàu-nghèo trong xã hội, “đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,14).
Mời Bạn: Những giá trị cao quý của cuộc đời như tình thương, lòng đạo đức, thói quen luyện tập nhân đức… nay bị xao lãng, đánh mất, bạn có nỗ lực phục hồi lại không? Bạn có dám lên tiếng nói về Chúa và các huấn lệnh của Ngài cho người xung quanh không? Và bạn làm gì để xoa dịu những nỗi đau của người khác có khi do chính bạn hoặc do xã hội gây ra cho họ?
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm lời Thánh Phaolô: “Hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận lúc nghịch… hãy khuyên lơn, hết tình đại lượng và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con đi theo con đường Chúa đã đi, và soi sáng cho con biết phải làm thế nào để loan báo Tin Mừng Nước Chúa.
27/01/14 THỨ HAI TUẦN 3 TN
Th. Angiêla Mêrisi, trinh nữ Mc 3,22-30
TỘI PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,28-29)
Suy niệm: Thấy Chúa Giêsu trừ quỷ, dân chúng thì kinh ngạc, còn nhóm Pharisêu lại bảo Đức Giêsu dựa thế quỷ vương Bêendêbun để trừ quỷ. Đức Giêsu gọi việc xuyên tạc như thế là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Tại sao vậy? Thánh Thần là Đấng soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối. Từ chối Chúa Thánh Thần là từ chối sự thật, và vì thế không thể nhận ra tội lỗi của mình để sám hối và được tha tội. Không được tha vì chính mình đã bịt tai, đóng cửa lòng, từ chối ơn tha tội.
Mời Bạn: Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết tội phạm đến Chúa Thánh Thần “không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói mà hệ tại sự từ chối nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực cây thập giá.” (Thông điệp Dominum et Vivificantem, 18/5/1986). Trong đời sống hằng ngày, bạn có thường xuyên kêu cầu Chúa Thánh Thần và nhờ ơn Ngài soi sáng, bạn có nhìn lại đời sống của mình để nhận ra tội lỗi của mình và xin ơn tha thứ trong bí tích hoà giải không?
Sống Lời Chúa: Hằng ngày và trước mỗi việc làm, bạn nhớ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đừng để con làm phiền lòng Chúa bao giờ, nhưng cho con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa để được ơn hoán cải.
28/01/14 THỨ BA TUẦN 3 TN
Th. Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh Mc 3,31-35
TỰ HÀO ĐƯỢC LÀM CON CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)
Suy niệm: Ở đời người ta thường vin vào mối quan hệ “dây mơ rễ má” họ hàng với những người nổi tiếng, thành đạt hoặc có địa vị trong xã hội, nếu không phải để cậy nhờ vụ lợi thì cũng để hãnh diện, tự hào. Những người bà con với Chúa Giêsu hẳn cũng mang tâm trạng như thế khi một người trong họ hàng nhà họ được quần chúng hâm mộ. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta quan niệm đúng đắn: Là anh em chị em đích thực với Chúa không phải vì có mối tương quan huyết thống với Ngài mà là nhờ biết “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.
Mời Bạn: Bất cứ ai đã được làm người, đều có thể tự hào mình là con cái Chúa, vì được tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Hơn nữa, là Kitô hữu, chúng ta càng có quyền hãnh diện mình là người thuộc về Chúa Kitô. Nhưng sẽ là hữu danh vô thực nếu ta tự hào với tên gọi như thế còn thờ phượng Chúa thì chỉ “bằng môi miệng” còn tấm lòng xa Chúa (x. Mt 15,8). Tệ hơn nữa, có khi chúng ta còn hổ thẹn vì mang danh là con cái Chúa, là Kitô hữu nữa. Để xứng danh là người thân thuộc với Chúa, chúng ta hãy chuyên cần thực thi giáo huấn của Ngài.
Chia sẻ: Những ý nghĩ, hành vi tội lỗi không chỉ làm cho mình ra xấu xa đáng ghét mà còn làm ô danh Thiên Chúa, xúc phạm đến sự thánh thiện của Ngài. Bạn có xác tín như vậy chưa?
Sống Lời Chúa: “Dù khi anh em ăn uống hay làm bất cứ việc gì, hãy làm vì danh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hạ mình xuống để làm người thân nghĩa thiết của con. Xin cho con sống sao cho xứng đáng với ơn cao trọng là được làm con Chúa. Amen.
29/01/14 THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Mc 4,1-20
HẠT GIỐNG VÀ MẢNH ĐẤT
“Người gieo giống ra đi gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá …” (Mc 4,3tt)
Suy niệm: Kiểu gieo giống này hơi lạ, nhưng là thực tế canh tác ở Palestine, ít là vào thời Chúa Giêsu. Ta đừng thắc mắc sao vung vãi các hạt giống lung tung, mà hãy nhìn chúng rơi xuống từ bàn tay hào phóng của người gieo giống. Có những hạt giống không bao giờ trở thành một cái gì tốt đẹp, vì rơi trên vệ đường, sỏi đá, bụi gai… Chỉ những hạt giống rơi vào đất tốt mới đem lại hoa quả cho đời. Ta thử hình dung nếu hạt giống mà biết buồn biết vui thì thật tội nghiệp cho những hạt rơi vào bụi gai, sỏi đá hay trên vệ đường. Chúng sẽ tủi phận như ‘thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu” … Chúa Giêsu giải thích rằng hạt giống đây là Lời Chúa. Và ta thấy đó, Lời Chúa nhiều khi thật tội nghiệp, thật tủi thân!
Mời Bạn: Ta cũng thấy đó, mọi sự khác biệt chỉ tùy ở loại đất thôi. Mà loại đất đây là chính chúng ta. Nếu tôi là đất tốt, Lời Chúa sẽ sinh sôi thành ba chục, sáu chục, hay một trăm. Nếu tôi là vệ đường, sỏi đá hay bụi gai, Lời Chúa sẽ thành vô ích vĩnh viễn. Lời là ánh sáng, Lời có sức cứu độ, Lời đem lại sự sống… mà cuối cùng trở thành vô ích cho tôi! Hãy hình dung nỗi buồn của Chúa, người gieo Lời!
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm trở thành đất tốt để đón nhận hạt giống Lời mà Chúa vẫn hào phóng gieo vãi: bằng cách tránh xa Satan và các tay sai của nó, bớt cứng cỏi và thêm mềm mỏng để Lời có thể đâm rễ sâu, và giũ bỏ mọi đam mê, lo lắng sự đời để Lời khỏi bị bóp nghẹt.
Cầu nguyện: Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối…
30/01/14 THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Ngày tất niên Quý Tỵ Mc 4,21-25
QUI LUẬT CHO VÀ NHẬN
“Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Mc 4,24)
Suy niệm: “Không ai là một hòn đảo,” chân lý đó là bất di bất dịch: ngay cả Daniel Defoe khi viết truyện “Robinson một mình trên hoang đảo” cũng đã tạo ra cho Robinson một nhân vật để bầu bạn là chàng thổ dân mà ông đặt tên là “Sáu”. Sống là sống cùng, sống với. Thiên Chúa đã không tạo dựng những con người cô độc, Ngài cũng không cứu rỗi con người cách riêng rẽ; trái lại, Ngài tập họp họ thành một dân tộc để nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Chân lý đó của cuộc sống kéo theo qui luật cho và nhận: cái gì đã được ban không thì cũng phải cho không. Từ sự sống, tình yêu, đến đức tin, và sự sống đời đời,… những điều đó, chúng ta có đều đã lãnh nhận cách dư đầy từ Thiên Chúa; vậy chúng ta cũng phải chia sẻ cho nhau cách quảng đại như vậy. Ngài cũng sẽ tiếp tục hành xử cách ấy đối với chúng ta: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy”.
Mời Bạn: Nhận lãnh sự sống, bạn cũng có sứ mạng bồi đắp sự sống cho anh em. Nhận được ánh sáng đức tin, bạn cũng phải chiếu tỏa ánh sáng đó cho tha nhân ở chung quanh bạn. Qui luật cho và nhận kéo theo một qui luật khác, đó là càng biết chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng, thì bạn lại càng đón nhận được nhiều ánh sáng, nhiều ơn Chúa.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: Tôi luôn sẵn sàng và quảng đại chia sẻ với tha nhân, Chúa sẽ ban lại cho tôi gấp trăm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời con là một chiếc đèn. Xin cho đời sống Kitô hữu nơi con được tỏa sáng rạng ngời, để có thể thắp lên những ngọn đèn khác nơi anh chị em con.
31/01/14 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Mồng Một Tết Giáp Ngọ. Cầu bình an năm mới Mt 5,1-10
SỐNG 365 NGÀY NĂM CON NGỰA
“Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.” (Mt 5,6)
Suy niệm: Vị thánh có kỷ niệm sâu đậm nhất với ngựa có lẽ là thánh Phaolô. Nhờ cú ngã ngựa trên đường đi Đamas mà ngài gặp Đức Kitô, rồi trở thành tông đồ hăng hái và trung thành phục vụ Chúa. Hăng hái và trung thành cũng là đặc tính nổi bật nơi loài ngựa, cùng với tinh thần tập thể, liên đới: Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn, nhất là một hình tượng tuyệt đẹp đáng cho người Việt hôm nay suy gẫm: Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ. Vợ chồng sống trung tín với nhau, chiều dài năm tháng không làm xói mòn lời thề hứa hôm nào: Ngựa hay không thay dáng chạy, người tốt không đổi thay lời. Người Kitô hữu không sống theo thói đời hay tinh thần thế tục, nhưng theo tinh thần Tin Mừng, tránh tình trạng: Ngựa ô chẳng cỡi, cỡi bò, đường ngay chẳng chạy, chạy dò đường quanh.
Mời Bạn: Bạn đang đứng trước một năm mới, năm con ngựa Giáp Ngọ, với vô vàn lời cầu chúc tốt đẹp từ người thân quen. Khi cầu xin bình an năm mới cho mình, người thân, giáo xứ và thế giới, bạn cũng hiểu rằng chính mình phải góp phần xây dựng bình an ấy qua nỗ lực sống hiệp thông, liên đới, trung tín và theo tinh thần siêu thoát của Tin Mừng Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Trong năm con ngựa Giáp Ngọ, tôi xem mình cần chú ý tập điều nào trong các đức tính sau đây: hăng hái-nhiệt thành hay liên đới-hiệp thông hoặc trung tín-thủy chung?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày đầu năm chúng con muốn dâng lên Chúa lời ngợi khen, tâm tình kính thờ, yêu mến. Xin cho bản thân, gia đình, giáo xứ chúng con được bình an trong năm mới. Amen.