5 Phút Cho Lời Chúa
Tháng 02- 2013
* * *
Mục Lục
Ngày 1 – 9: Trang 1
* * *
01/02/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 3 TN
Mc 4,26-34
VẪN TIN, DÙ BIẾT HAY KHÔNG!
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)
Suy niệm: Nước Thiên Chúa như hạt giống âm thầm nẩy mầm, mọc lên, trổ bông kết trái… nhưng bằng cách nào thì người gieo giống không biết! Chi tiết “không biết” này rất nên được lưu tâm. Thật vậy, con người càng biết nhiều – mà ngày nay, kho tàng tri thức của con người đã trở nên đồ sộ hơn bao giờ hết – thì người ta càng nhận ra rằng chúng rất hạn chế so với cõi vô minh bao la vô tận. Vũ trụ tự nhiên vận hành thế nào, người ta còn “không biết” huống chi là “Nước Thiên Chúa”! Bài học ở đây là khiêm nhường, nhìn nhận Thiên Chúa, dành chỗ cho Ngài – không phải chỉ ở những chỗ mình không hiểu, không biết, mà là mọi chỗ trong đời ta.
Mời Bạn: Trong đức tin của Abraham, của Đức Maria, luôn có bao hàm yếu tố “không biết”: Abraham lên đường mà không biết mình sẽ được dẫn đi đâu, không biết bằng cách nào mình đã già mà còn có thể trở thành cha của một dân tộc đông đúc. Maria không biết làm sao mình có thể thụ thai, rồi cũng không biết bằng cách nào “triều đại” của Giêsu, con mình, sẽ “sẽ vô cùng vô tận”! Phải chăng nhiều khi sự cố chấp đòi biết tường tận con đường là một cản trở không cho phép ta cất bước lên đường tiến tới những chân trời mới?
Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra Chúa trong mọi sự bằng sự ‘hiểu biết’ của đức tin, ngay cả khi trí óc mình bất lực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa, nhưng Chúa biết đức tin con hèn yếu; xin ban thêm lòng tin cho con. Amen.
02/02/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 TN
Đức Mẹ Dâng Chúa Vào Đền Thánh Lc 2,22-40
SỨ ĐIỆP CỦA HAI CỤ GIÀ
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)
Suy niệm: Người đời thường nói “lão lai, tài tận.” Câu nói đó hẳn không thể áp dụng cho cụ ông Simêon và cụ bà Anna là những người “lão lai, tài bất tận”. Quả thật, hai cụ là tấm gương sáng cho hậu thế về sự trung kiên bền bỉ trong việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Điều đó đối với các cụ thật quan trọng, bởi vì các cụ đã dành cả cuộc đời dài để được nhìn ngắm Ngài tận mắt dù chỉ một khoảnh khắc, bồng ẵm Ngài tận tay dù chỉ một lần trong đời. Hơn nữa sứ điệp của hai cụ vẫn còn nguyên tính thời sự đối với chúng ta. Với cuộc sống công chính, tâm hồn tràn đầy Thánh Thần và cặp mắt đức tin sắc sảo, các cụ đã nhận ra Đấng Cứu Thế dưới dáng vẻ tầm thường của một hài nhi. Và một khi đã nhận ra Ngài, các cụ mau mắn làm ngôn sứ cho Ngài: “nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc” (c. 38).
Mời Bạn: Tuổi già là chỗ dựa tinh thần cho tuổi trẻ bởi vì không các cụ chỉ có những kinh nghiệm quá khứ mà còn có cái nhìn thấu thị thấy được những gì là giá trị trường cửu vượt thời gian. Lời nói và đời sống đức tin của các cụ là chứng tá sống động và giá trị mà con cháu không thể khinh suất bỏ qua.
Chia sẻ: Ông bà, cha mẹ là mẫu mực sống đức tin cho con cháu, con cháu hiếu thảo và vâng nghe lời giáo huấn của ông bà cha mẹ, đó là niềm vui và hạnh phúc của đời sống gia đình
Sống Lời Chúa: Tổ chức và duy trì giờ kinh nguyện trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin dâng gia đình con cho Chúa, xin gìn giữ và chúc phúc lành cho gia đình con.
03/02/13 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – C
Lc 4,21-30
ĐỪNG ĐỂ QUEN QUÁ HOÁ NHÀM
Đức Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)
Suy niệm: Dương Phủ đi tìm Phật để học đạo. Dọc đường ông gặp một vị lão tăng và hỏi: Phật ở đâu? Lão tăng bảo ông cứ quay trở về, gặp người nào quấn vải trên người, đi dép ngược là chính Đức Phật đó. Dương Phủ nghe lời quay về. Về tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa. Mẹ ông nghe tiếng con mừng quá, chạy vội ra, quấn vội chiếc mền vào người, đi đôi dép ngược ra mở cửa cho ông. Ông nhận thấy nơi mẹ ông đúng những chi tiết như lão tăng đã mô tả. Ông chợt hiểu ra rằng: Phật chẳng ở đâu xa mà là chính mẹ ông ở trong nhà mà bấy lâu ông không biết.
Chúa Giêsu nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê hương mình.” Lời Chúa hôm nay nghiệm đúng lời cảnh báo của Gioan Tẩy Giả cho người Do Thái: Vì quen quá hoá nhàm nên Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia đang ở giữa họ mà họ không nhận biết.
Mời Bạn: Những thói quen, tật xấu, định kiến khiến cho cung cách suy nghĩ, hành động của chúng ta bị chi phối, bị đóng khung cứng nhắc. Vì thế chúng ta khó nhận ra được con người đích thực của chính mình cũng như giá trị tốt đẹp của tha nhân và cũng do đó không thể nhận ra ý định của Thiên Chúa nơi mình cũng như nơi người khác.
Sống Lời Chúa: Tập nhận ra ưu điểm của người khác, nhất là của những người mà mình không có thiện cảm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ nếp nghĩ cứng nhắc đầy thành kiến để con nhận ra sự thật về chính mình, nhận ra giá trị thật về anh chị em con và nhất là nhận ra sự thật về chính Chúa là Đấng khôn ngoan, quyền năng và yêu thương.
04/02/13 THỨ HAI TUẦN 4 TN
Mc 5,1-20
BIẾN THỬ THÁCH THÀNH CƠ HỘI
Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng xin Người đi khỏi vùng đất của họ. (Mc 5,16-17)
Suy niệm: Công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng có suông sẻ. Có lúc thật là vui như khi người phụ nữ miền Samaria tất tả chạy về báo tin cho dân làng ra chào đón Chua và mời Ngài ở lại với họ (x. Ga 4,1-42). Trái lại cũng có lúc Chúa bị thất bại ê chề như lần này, khi dân làng Ghêrasa nghe biết chuyện Chúa chữa người bị quỷ ám và cho quỷ nhập vào bầy heo, họ thẳng thừng mời Ngài “đi khỏi vùng đất của họ” (c. 17). Thế nhưng trước những trở ngại như thế, Chúa Giêsu cũng vẫn tìm thấy một cơ hội. Người được Chúa chữa khỏi quỷ ám xin đi theo Ngài; Chúa đã sai anh ở lại với thân nhân và “thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh và Ngài đã thương anh như thế nào” (c. 19).
Mời Bạn: Trước bối cảnh của thế giới hôm nay việc loan truyền đức tin gặp nhiều thử thách, trong Năm Đức Tin này, Hội Thánh kêu gọi các con cái mình noi gương Chúa Giêsu, tái khám phá niềm vui đức tin và nhanh nhạy biến những thách thức đó thành cơ hội thông truyền đức tin.
Chia sẻ: Trở ngại gì đang làm hoạt động thông truyền đức tin của bạn và giáo xứ bạn đang bị “khựng” lại? Làm sao vượt thắng và tiếp tục sứ mạng?
Sống Lời Chúa: Thông truyền đức tin theo cách của Chúa: “thuật lại cho mọi người những gì Chúa đã làm cho tôi và Ngài đã thương tôi như thế nào.”
Cầu nguyện: Xin Chúa khơi lại trong chúng con niềm say mê thông truyền đức tin và biết vượt thắng mọi thử thách.
05/02/13 THỨ BA TUẦN 4 TN
Th. Agata, trinh nữ, tử đạo Mc 5,21-43
ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI
Chúa Giêsu nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con, con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,34)
Suy niệm: Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến sức mạnh của lòng tin. Với đức tin, ta có thể thực hiện nhiều việc tưởng chừng nhưng “bất khả thi” đối với khả năng tự nhiên của con người. Chúa Giêsu đã chẳng khẳng định rằng với đức tin bằng hạt cải chúng ta có thể chuyển cả núi dời cả non đấy sao? Với lối kể chuyện ngắn gọn và chính xác, Tin Mừng Máccô hôm nay thuật lại cho chúng ta về những mẫu gương của lòng tin: ông sĩ quan nhờ lòng tin vào Chúa mà con ông được hồi sinh; người phụ nữ bệnh băng huyết đã 12 năm, không cần lý luận nhiều lời, bà chỉ sờ vào áo của Ngài với tấm lòng tin tưởng, và chính nhờ lòng tin đó bà đã được cứu chữa.
Mời Bạn: Phải chăng ngày hôm nay, cậy vào những phương tiện kỹ thuật hiện đại, trình độ trí thức cao rộng cộng với tài lý luận sâu sắc, đức tin của con người hôm nay đã phai nhạt hay đã bị đánh mất? Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến không phải để phế bỏ những phương tiện và khả năng Chúa ban mà là để chúng ta nhìn thấy sự hiện diện thiêng liêng và bàn tay uy quyền của Ngài ở với chúng ta giúp chúng ta vượt qua mọi thách đố của cuộc sống và xây dựng thế giới này tốt đẹp như thánh ý Chúa mong muốn.
Chia sẻ một kinh nghiệm đức tin của bạn: một lần được cứu thoát, được chữa lành, hoặc tìm lại được đức tin đã mất.
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc, bạn dừng lại giây lát hướng lòng về Chúa với một cử chỉ diễn tả lòng tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin ban thêm đức tin cho chúng con.
06/02/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo Mc 6,1-6
CẢM NHẬN ĐIỀU KỲ DIỆU
“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,2)
Suy niệm: Dân làng Nadarét ngạc nhiên về sự khôn ngoan, về quyền năng của Đức Giêsu, thế nhưng họ lại không tin Ngài, không thán phục Ngài. Bởi vì lòng họ đầy thành kiến về quá khứ, về gốc gác họ hàng của Ngài. Họ quá gần Ngài nên không nhận ra sự cao cả, tư cách Con Thiên Chúa của Ngài. Phần Đức Giêsu, sách Tin Mừng nói rằng: “Ngài ngạc nhiên về sự cứng tin của họ.” Có lẽ hôm nay Đức Giêsu sẽ tiếp tục ngạc nhiên về việc cứng tin của ta, sau khi đã biết và đã cảm nghiệm bao việc kỳ diệu Chúa đã làm cho mình.
Mời Bạn: Vượt qua sự quen thuộc trong cuộc sống để tập nhận ra: – sự mới mẻ tươi vui của Chúa Giêsu Thánh Thể trong một nghi thức thánh lễ quen thuộc; – hình ảnh cao đẹp của Thiên Chúa nơi một người quen ta vẫn gặp mỗi ngày; – hồng ân Thiên Chúa yêu thương tuôn tràn trong đời thường “một ngày như mọi ngày”.
Sống Lời Chúa: 1. Tham dự thánh lễ hôm nay thật sốt sắng. Cố gắng nhận ra ý nghĩa sâu đậm của từng lời kinh, từng cử chỉ, nhất là cảm nếm được niềm vui thanh thoát khi đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể.
2. Nhận ra khía cạnh tích cực của một người quen mà bạn thường có ác cảm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa hiện diện thật bình thường trong một thứ lương thực quen thuộc: tấm bánh, ly rượu. Chúa cũng hiện diện nơi những con người bình thường và tầm thường quanh chúng con. Xin cho chúng con, đừng vì lớp vỏ quen thuộc mà không nhận ra Chúa. Amen.
07/02/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,7-13
SỨ MẠNG RAO GIẢNG
Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (Mc 6,12)
Suy niệm: Qua Bí Tích Rửa tội, người Kitô hữu được lãnh nhận 3 chức vụ: Tư tế, Vương đế và Ngôn sứ. Do đó sứ mệnh Rao Giảng hay Truyền giáo làm nên bản chất của Kitô hữu. Họ hành động với lòng nhiệt thành các đặc sủng: giải phóng tâm hồn bị ràng buộc bởi tội ác – chữa lành bệnh tật thân xác – khơi dậy lòng sám hối – làm tăng trưởng Đức Tin và cải thiện đời sống. Bạn có tin rằng nếu mỗi Kitô hữu trung thành với sứ vụ Ngôn sứ của mình thì chẳng bao lâu Giáo Hội sẽ được phát triển và lớn mạnh không?
Bạn nghĩ sao về sứ mệnh mà bạn đã lãnh nhận ngày Bạn chịu ơn Bí tích Rửa Tội? Rao giảng Tin Mừng là gì, nếu chẳng phải là loan báo và làm chứng cho mọi biết người Chúa yêu thương họ ? Nhưng để cho lời chứng của chúng ta trở nên “khả tín” chính chúng ta phải sống và cảm nghiệm tình yêu đó trước đã! Miệng chỉ nói ra điều gì tràn đầy trong lòng.
Chia sẻ: Bạn muốn trở nên Tông đồ của Chúa không? Tông đồ không phải là một công chức chỉ làm việc theo giờ hành chánh mà là người tự nguyện lo cho việc Nước Trời vì Chúa đã nói: “Điều gì anh em đã nhận lãnh cách nhưng không thì phải trao ban lại cách nhưng không” (Mt 10,8).
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người bạn lương dân được ơn nhận biết Chúa và xin cho mình sẵn sàng làm chứng về Chúa cho người ấy.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin Ngài hãy mở tâm lòng khép kín của con ra! Ước chi tiếng kêu thảm thiết của Thánh Tông Đồ Phaolô vang vọng mãi trong tâm hồn con: “Khốn cho tôi, nếu tôi không Rao giảng Tin Mừng”!
08/02/13 THỨ SÁU TUẦN 4 TN
Th. Giôsêphin Bakhita, trinh nữ Mc 6,14-29
ẤN TƯỢNG VỀ GIOAN TẨY GIẢ
Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Êlia”. Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hêrôđê nghe thế, liền nói: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy.” (Mc 6,16)
Suy niệm: Gioan Tẩy giả đã chết, nhưng ấn tượng về ông vẫn còn sâu đậm. Ông trở nên “vấn đề” cho nhiều người, thậm chí trở thành “nỗi ám ảnh” của vua Hêrôđê, đâu có phải vì Gioan làm phép lạ hấp dẫn hay ý tưởng của ông thâm sâu, cách rao giảng hùng hồn. Đơn giản chỉ vì Gioan có cuộc sống phù hợp với lời mình rao giảng. Kêu gọi người ta ăn năn sám hối, ông đã vào sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng. Kêu gọi người ta tin vào Đấng là Chiên Thiên Chúa, ông đã dám hy sinh mạng sống để nói lên sự thật, lên án tội lỗi. Đời sống và lời ông rao giảng phù hợp khiến mọi người thấy ông nên giống Đấng ông đi mở lối dọn đường.
Mời Bạn: Đời sống gương lành của bạn có thể làm sáng đức tin của bạn và lời bạn rao giảng. Nhưng có khi nào bạn nhận thấy cách sống của bạn làm lời bạn nói thiếu sức thuyết phục chưa?
Chia sẻ: Để rao giảng Tin Mừng cách thuyết phục, người trẻ cần có một cách thức làm chứng thật rõ nét, mạnh mẽ thể hiện qua nếp sống của mình. Cách thức làm chứng của bạn là gì?
Sống Lời Chúa: Xét mình xem tôi có nói gì, làm gì chưa đúng với Tin Mừng, với lời tôi tuyên xưng hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một khi đã xưng mình là Kitô hữu biết sống đúng với những điều mình tuyên xưng.
09/02/13 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mc 6,30-34
CHỦ CHĂN CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT
Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều. (Mc 6,34)
Suy niệm: Thời Chúa Giêsu, ở Do Thái không thiếu các thượng tế, kinh sư, luật sĩ, những người Pharisêu, những Rábbi, v.v… Thế mà Chúa lại thấy dân chúng “như bầy chiên không người chăn dắt” – kể cũng lạ! Họ là gì đi nữa nhưng chắc chắn không phải là “những chủ chăn như lòng Chúa mong muốn” (Gr 3,15). Trước tình trạng đó Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương cho những cảnh đời bơ vơ vất vưởng, Ngài đã chẳng nề mệt nhọc mà “dạy dỗ họ nhiều điều”; ngoài ra, Ngài còn kêu gọi các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38). Quả thực Ngài chính là chủ chăn đích thực của dân, người chủ chăn hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11-15).
Mời Bạn: Thế giới năm 2012 được đánh dấu bởi những vụ án mạng kinh hoàng mà kẻ thủ ác là những vị thành niên rất trẻ, có em còn độ tuổi thiếu niên. Trước tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, phạm pháp gia tăng, –mà một trong những nguyên nhân là do cách giáo dục có vấn đề– chúng ta không thể bàng quan, nhưng hãy tha thiết xin Chúa ban thêm những mục tử của Chúa, và chính mình cũng sẵn sàng dấn thân cho sứ mạng qui tụ và chăn dắt đoàn chiên của Chúa.
Sống Lời Chúa: Trong Năm Đức Tin, quyết tâm canh tân đời sống đạo gia đình và nỗ lực học hỏi đào sâu giáo lý.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con, xin giúp biến đổi trường học và xã hội trở thành những môi trường tốt giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha.