Mục Lục
Ngày 1 – 7: Trang 1
* * *
01/02/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 TN
Mồng Hai Tết, kính nhớ tổ tiên Mt 15,1-6
CON THẢO NGÀY ĐẦU NĂM MỚI
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.” (Mt 15,4)
Suy niệm: Trong những ngày xuân vui tươi, ta muốn mọi thành viên gia đình hiện diện sum họp, kể cả những người đã khuất: Ba mươi đón rước ông bà, sau ba ngày Tết tiễn ra tới đường. Những ngày đầu Năm Mới phải ưu tiên dành để gần gũi, quây quần bên cha mẹ: Mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy. Với người Việt Nam, cha mẹ được đặt trên cả thầy, khác với quan niệm của nhà Nho. Tâm tình của người con hiếu thảo là kính trọng, chăm sóc, ghi nhớ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ khi còn sống hay đã qua đời: Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ không gì sánh được: Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Mời Bạn: Tổ tiên ông bà cha mẹ là những người đã góp phần với Chúa trong công cuộc tạo dựng nhân loại. Các ngài là những mắt xích trong công cuộc cao quý này. Trong ngày đầu xuân, mời bạn dành những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm cho ông bà cha mẹ của mình, dù các ngài còn sống hay đã qua đời.
Sống Lời Chúa: Tôi tham dự thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ của mình, đi viếng mộ những người đã khuất, và thăm viếng những người còn sống. Năm mới tôi quyết tâm sẽ thảo hiếu, quan tâm đến các ngài nhiều hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con có được tổ tiên, ông bà cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình. Các ngài cũng là những mẫu gương sống động về niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con luôn biết hiếu thảo với các ngài. Amen.
02/02/14 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – A
Mồng Ba Tết, thánh hoá công ăn việc làm Mt 25,14-30
ĐỪNG KHÔN HƠN CHỦ
“Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14-15)
Suy niệm: Khi giao tài sản cho đầy tớ, ông chủ không hề nghĩ đến tiền bạc vật chất, mà chỉ nhắm đến con người các đầy tớ của ông. Ông muốn họ trở thành người hữu dụng. Có thể gởi tiền ở ngân hàng để sinh lời, nhưng ông không muốn làm vậy, mà muốn tạo cơ hội cho các đầy tớ phát triển khả năng. Thất bại của người lãnh một yến là không tin tưởng ông chủ, trong khi ông chủ vẫn tin tưởng anh. Chủ giao phó tài sản cho anh, còn anh “đổ thừa” tại ông chủ khắc nghiệt “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.” Lý lẽ biện minh của anh không đủ sức thuyết phục; anh đã tự loại mình, và chịu số phận của những “đầy tớ xấu xa và biếng nhác”.
Mời Bạn: Khi dựng nên con người, Thiên Chúa không muốn họ ăn không ngồi rồi, mà đặt vào vườn Địa Đàng “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Như thế, lao động thuộc về bản tính con người, vì đã được Thiên Chúa ấn định ngay từ khi tạo dựng. Nhờ lao động, con người được phát triển, và cũng nhờ lao động mà con người trở nên giống Thiên Chúa: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
Sống Lời Chúa: Tôi không thất vọng về những gì hiện có, nhưng tận dụng tất cả khả năng Chúa ban để phát triển chúng qua việc phục vụ Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tổ tông loài người bị loại khỏi vườn Địa Đàng, vì không trung tín như tôi tớ, mà muốn làm chủ. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và làm việc như tôi tớ khôn ngoan và trung tín. Amen.
03/02/14 THỨ HAI TUẦN 4 TN
Th. Angariô, giám mục Mc 5,1-20
LOAN TIN MỪNG CHO THÂN NHÂN
“Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh thế nào.” (Mc 5,19)
Suy niệm: Hoàn cảnh của người bị quỷ ám xứ Ghêrasa là cực kỳ bi đát. Quỷ ô uế làm cho anh ra thân tàn ma dại: anh lang thang nơi mồ mả; anh hung dữ đến độ xiềng xích anh cũng bẻ gãy; anh “tru tréo và lấy đá rạch mình”. Thế nhưng, Chúa đã dùng quyền năng giải cứu anh khỏi ách thống trị của quỷ. Ai có cảm nghiệm được nỗi thống khổ của anh thì mới hiểu được niềm hạnh phúc của anh khi được giải thoát. Và nhất là hiểu niềm tri ân sâu xa của anh muốn đi theo Ngài để đền ơn cứu mạng. Thế mà lạ thay, Chúa lại nói anh trở về với thân quyến, nhưng lần này trở về như một con người mới và với sứ mạng loan báo cho người thân của mình biết quyền năng Chúa và lòng thương xót của Ngài.
Mời Bạn: Không phải cũng được ơn gọi đi tu. Nhưng ai cũng được Chúa yêu thương cứu độ. Có biết bao người thân của chúng ta chưa từng được biết Chúa Giêsu, chưa nhận ra tình yêu của Ngài dành cho họ. Tại sao bạn không bắt đầu loan báo về Ngài cho người thân, cho bè bạn, cho người mình yêu thương nhất, để họ cũng được hưởng trọn tình Chúa yêu thương?
Sống Lời Chúa: Bạn thuật lại cho người thân của bạn những cảm nghiệm đức tin, những hồng ân bạn đã nhận được như chứng từ đức tin của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa không giữ chúng con lại trong nhà thờ, nhưng sai chúng con đến với những người thân trong gia đình, bè bạn, người láng giềng. Xin Chúa cho chúng con luôn biết kể lại những điều tốt đẹp chúng con đã nhận lãnh bằng lời nói và việc làm. Amen.
04/02/14 THỨ BA TUẦN 4 TN
Mc 5,21-43
BƯỚC NHẢY CỦA ĐỨC TIN
Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5,29)
Suy niệm: Bệnh băng huyết là căn bệnh làm cho con người luôn ở trong tình trạng suy kiệt về thể chất và nhơ uế theo luật Môsê. Người bị bệnh này không được tiếp xúc với người khác, kẻo làm người khác cũng ra nhơ uế. Bệnh tật nào cũng khổ nhưng với căn bệnh này thì cái khổ và cái đau nhân lên gấp bội, nhất là mặc cảm về sự nhơ uế của mình. Người bệnh đã tốn tiền tìm thầy chạy thuốc mà bệnh không thuyên giảm, lại còn nặng thêm. Chính trong hoàn cảnh bị dồn đến chân tường, bệnh nhân đã quyết định: đặt niềm tin vào tình thương của Chúa Giêsu. Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Bà đã thực hiện bước nhảy của niềm tin: từ chỗ tuyệt vọng sang chỗ hy vọng, từ người xa cách trở thành kẻ gần gũi với Ngài.
Mời Bạn: Giữa đám đông chen lấn, chỉ có con người đau khổ với bước nhảy của niềm tin đã thực sự chạm đến Đấng có năng lực chữa lành. Giữa cuộc đời đầy sự chết chóc này, mời bạn thực hiện bước nhảy của đức tin để chạm đến con người của Chúa Giêsu, để năng lực ban sự sống của Ngài đem lại cho bạn sự sống thần linh của Ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi “chạm” đến Chúa, để tín thác vào Ngài trong các việc nhỏ bé mỗi ngày, để hoàn toàn tín thác vào Ngài trong bước nhảy lớn lao hơn của đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Chúa luôn thương xót ban sức mạnh cho những ai chạm đến con người Chúa bằng niềm tin. Xin cho chúng con chạm đến Chúa mỗi ngày bằng bước nhảy của niềm tin. Amen.
05/02/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Agata, trinh nữ, tử đạo Mc 6,1-6
CHÚA LẤY LÀM LẠ, VÌ …
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4)
Suy niệm: Chúa Giêsu về quê, có các môn đệ đi theo, và bắt đầu giảng dạy cho bà con ở quê nhà. Nhưng đây không có gì là một cuộc “vinh qui” cả. Người ta ngạc nhiên nhận ra sự khôn ngoan của Ngài, và trong đầu họ bật lên một loạt dấu hỏi. Chỉ tiếc là những hiểu biết và kinh nghiệm vốn có của họ về “bác thợ Giêsu” đã dập tắt sự ngạc nhiên nơi họ và không cho phép họ khám phá được gì xa hơn về Ngài. Ta thấy định kiến tai hại biết bao. Và đến lượt Chúa Giêsu ngạc nhiên về sự thiếu khả năng ngạc nhiên nơi những người đồng hương của Ngài: “Ngài lấy làm lạ vì họ không tin”.
Mời Bạn: Hình dung vẻ ngạc nhiên của Chúa Giêsu. Ngài đảo mắt nhìn quanh một lượt những người ngồi trong hội đường. Ngài khẽ lắc đầu. Ngài nén một tiếng thở dài. Ngài “lấy làm lạ vì họ không tin.” Có phải đây cũng chính là hình ảnh Chúa Giêsu đang nhìn bạn hôm nay?
Chia sẻ: Chúa Giêsu có thể đang “lấy làm lạ” về những điều gì nơi bạn và nơi cộng đoàn của bạn?
Sống Lời Chúa: Để có khả năng ngạc nhiên trước Chúa Giêsu và tin vào Ngài, ta cần nhìn, lắng nghe và kinh nghiệm Chúa Giêsu một cách mới mẻ ở đây và lúc này, chứ đừng đóng chặt Ngài trong bất cứ khuôn kinh nghiệm nào thuộc quá khứ. Đây là một việc đầy thách đố, song đây cũng là bước quyết định của công cuộc Tân Phúc Âm hóa!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết ra khỏi mình nhiều hơn để có thể đón nhận Chúa nhiều hơn. Xin đừng để đức tin bé nhỏ của con bị chết ngạt bởi những định kiến. Amen.
06/02/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo Mc 6,7-13
KẾT QUẢ CỦA SỰ VÂNG LỜI
Các ông đi rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. (Mc 6,12-13)
Suy niệm: Chúng ta có thể mường tượng niềm vui lớn lao của các tông đồ sau khi đạt được những kết quả khả quan trong chuyến truyền giáo. Chắc chắn đây là hoa trái nhờ việc các ông vâng theo lời của Thầy mình. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có được những kết quả như các tông đồ ngày xưa, nếu chúng ta biết vâng theo lời Chúa dạy. Xưa cũng như nay, làm chứng cho Tin Mừng không bao giờ chỉ bằng lời nói, mà còn qua những hy sinh cụ thể: “không giày dép, không bao bị, không mũ nón.” Đó chính là những dấu chỉ thời đại hôm nay đang cần nơi các Kitô hữu. Nếu mỗi Kitô hữu sống tinh thần siêu thoát ấy, ắt hẳn không ít người được thoát khỏi vòng vây của quỷ ma, không người được ơn chữa lành.
Mời Bạn: Bạn và tôi hôm nay đã quen với “đôi giày sức khỏe,” “mũ nón bằng cấp,” “bao bị phương tiện” nên không dễ gì từ bỏ. Vậy bạn và tôi hãy quyết tâm không lệ thuộc vào những thứ đó khi sống chứng tá cho Chúa, để quyền năng Thiên Chúa được thực hiện qua sự thiếu thốn và cả yếu kém của chúng ta nữa.
Chia sẻ: Có bao giờ bạn thấy vui khi vì danh Chúa mà mình bị thua thiệt trước người khác? Nếu chưa thì hãy tập cho có tinh thần đó.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín tinh thần vâng phục và khó nghèo luôn cần thiết trong việc làm chứng cho Nước Trời trong mọi nơi và mọi lúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên yếu hèn trước mặt người đời để con được mạnh sức. Xin cho con cũng biết sống thiếu thốn để anh chị em con được sung túc trước mặt Chúa. Amen.
07/02/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,14-29
CHỨNG NHÂN CỦA CHÂN LÝ
“Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc 6, 16)
Suy niệm: Ngày 25/05/2013, cha Giuseppe “Pino” Puglisi, người công khai chống Mafia Ý và bị bắn chết vào năm 1993, được nâng lên hàng chân phước. Ngài được nhìn nhận là vị tử đạo “vì lòng thù ghét nhân đức và chân lý” (in odium virtutis et veritas). Tử đạo, theo truyền thống Kitô giáo, là người hy sinh mạng sống vì trung thành làm chứng cho chân lý, cho Đức Kitô. Gioan Tẩy Giả được coi là tử đạo vì ngài là vị Tiền Hô can đảm của Đức Kitô. Khi chỉ trích đời sống vô luân của vua Hêrôđê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (c. 18), Gioan đã bày tỏ tính trung trực và lập trường rõ ràng của mình, dù biết rõ điều đó là nguy hiểm. Cả cuộc đời và cái chết của thánh nhân đều phục vụ cho vai trò tiền hô ấy: hòa giải và “chỉnh đốn mọi sự” (Mc 9,13).
Mời Bạn: Người môn đệ của Chúa Kitô không thể sống trong sự nhập nhằng, mập mờ đánh lận con đen. Họ phải lựa chọn giữa bình an thật và bình an giả tạo trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống của mình. “Cởi mở với đời không có nghĩa là dũa gọt những khía cạnh cứng rắn của đòi hỏi trong Tin Mừng, nhưng để đưa lại cho thế giới những gì thành đạt cho con người, tức là sự gắn bó với Chúa Giêsu Kitô” (A. Degeest).
Sống Lời Chúa: Tôi tập làm môn đệ đích thực của Chúa Kitô bằng cách ở lại trong Ngài qua việc suy niệm Lời Chúa, và nỗ lực áp dụng Lời ấy vào đời sống thường ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật không dễ khi lội ngược dòng với thói đời. Xin ban thêm tình yêu và ân sủng Chúa để nâng đỡ, hướng dẫn chúng con trong suy nghĩ, chọn lựa, lời nói và hành động hợp với chân lý Tin Mừng. Amen.
08/02/14 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Th. Giêrônimô Êmiliani Mc 6,30-34
CẦU NGUYỆN CHUNG VỚI NHAU
Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. (Mc 6,32)
Suy niệm: Các học trò của Chúa Giêsu đang làm việc lành phước đức thành công như thế, tại sao Chúa Giêsu bắt các ông phải lánh riêng vào nơi hoang vắng? Chúa Giêsu sau một ngày hoạt động đã chẳng lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện cùng Chúa Cha sao? Hẳn là Thầy Giêsu cũng muốn các học trò theo sát mẫu gương của Thầy, cùng cầu nguyện với Thầy. Bởi vì có cầu nguyện, kết hiệp với Chúa mới lắng nghe và biết được ý Ngài. Có biết ý muốn của Chúa mới có thể hành động theo ý Ngài.
Cầu nguyện giúp ta sống khiêm nhường và nhận ra mình là kẻ tội lỗi. Nhờ cầu nguyện ta được ban sức mạnh để chiến đấu với tội lỗi và nhờ đó chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi. Nhờ cầu nguyện ta có được nguồn trợ lực thiêng liêng giúp ta yêu Chúa và phục vụ anh em một cách chân thành.
Mời Bạn: Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi “gia đình hãy cùng nhau cầu nguyện. Vì Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động” (số 6). Bạn hãy sắp xếp chương trình sống hằng ngày có giờ cầu nguyện cho chính bạn, gia đình hay cộng đoàn của bạn, để bạn và những người thân của bạn được Phúc Âm hóa và thông truyền đức tin cho mọi người.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm đọc kinh chung với nhau trong gia đình hay cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết kết hiệp với Chúa thật lòng qua giờ kinh nguyện của con ngõ hầu con biết làm thế nào để sống đúng và hợp ý Ngài trong cuộc sống. Amen.