5 Phút cho Lời Chúa Tháng 02-2014

09/02/14                                CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – A

                                                                             Mt 5,13-16

MUỐI CHO ĐỜI, ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN

“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)

Suy niệm: Hình ảnh và tác dụng của muối và ánh sáng trong Tin Mừng hôm nay thật thích hợp để chúng ta suy nghĩ về việc Tân Phúc Âm hóa trong gia đình. Nếu muối có mục đích ướp cho đồ ăn khỏi bị hư hoại và làm cho khẩu vị thêm đậm đà thì “Muối-Tin Mừng” cũng thế. Ai không có Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống sẽ dần xa Thiên Chúa, đức tin sẽ yếu kém, cũng như không thể lan tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho cuộc đời. Ánh sáng nhằm để soi đường và nếu cuộc sống Kitô hữu không có “Ánh sáng-Lời Chúa” soi dẫn, cuộc sống sẽ đi vào chỗ tối tăm. Một khi chưa quan tâm đến “Ánh sáng-Lời Chúa,” người Kitô hữu không thể nào Phúc âm hóa chính bản thân, gia đình và thế giới này được.

Mời Bạn: Ánh sáng và muối của các Kitô hữu không tự mình mà có, nhưng được đón nhận và tỏa ra do sự hiện diện của Chúa Kitô trong tâm hồn mình. Gần “mực” thói đời thế gian,  tâm hồn bạn ra đen tối, xấu xí. Trái lại, gần “đèn” Giêsu, chắc chắn bạn sẽ sáng rạng ngời tinh thần yêu thương, dấn thân, liên đới, … của Tin Mừng.

Chia sẻ: Ai thích bóng tối thì ghét ánh sáng. Ai sống trong ánh sáng thì mới có thể làm cho người khác nhìn thấy hành động của mình.

Sống Lời Chúa: Để Phúc âm hóa đời sống gia đình, gia đình tôi sẽ cố gắng đọc, cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, công cuộc loan báo Tin Mừng đòi buộc chúng con phải xét lại cách sống đạo của mình. Xin giúp chúng con quyết tâm theo đuổi, tìm kiếm những điều Chúa và Hội thánh dạy bảo. Amen.


10/02/14                                             THỨ HAI TUẦN 5 TN

Th. Côláttica, trinh nữ                                      Mc 6,53-56

CHÍNH LÚC QUÊN MÌNH LÀ LÚC GẶP LẠI BẢN THÂN

Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. (Mc 6,54-55)

Suy niệm: Nhìn vào những công việc bề bộn của Đức Giêsu, khó có ai nhận ra chương trình sống từng ngày của Ngài. Đức Giêsu không lên kế hoạch cho một ngày này hay ngày khác. Ở nơi Ngài chỉ có một chương trình duy nhất cho mọi ngày, là rao giảng Tin Mừng và làm cho lời ấy sinh hoa trái nơi tâm hồn người nghe. Như một tác giả đã viết, đề tài Nước Thiên Chúa đâu phải để bàn bạc trong một số giờ nhất định, nhưng đó là một thực tại phải diễn ra trong đời sống hằng ngày từng giây từng phút. Vì thế, Đức Giêsu không chỉ sống mầu nhiệm Nước Trời ở một chỗ hay một ngày nhất định. Vả lại, đối tượng rao giảng của Ngài là người nghèo; Ngài sống nghèo với người nghèo, chấp nhận bị họ quấy rầy, vì Ngài biết, những nhu cầu của họ đều mang tính cấp thiết.

Mời Bạn: Cách phục vụ của Đức Giêsu nên mẫu gương cho các thành phần trong Hội Thánh, một tinh thần phục vụ xả thân cho người khát khao. Nếu bạn có lên kế hoạch phục vụ hằng ngày, thì cũng cốt để cho việc phục vụ hiệu quả hơn.

Sống Lời Chúa: Trong chương trình sống thường ngày, bạn nhớ dành chỗ quan tâm đến những người nghèo và những ai khao khát đi tìm chân lý.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tận dụng thời giờ cách trầm tĩnh, thanh thản. Xin cho con đổ đầy thời gian đó tới miệng bình để tiến dâng Chúa. Xin Chúa biến đổi thứ nước vô vị đó thành rượu quý như Chúa đã làm tại Cana.


11/02/14                                              THỨ BA TUẦN 5 TN

Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Quốc tế Bệnh nhân   Mc 7,1-13

VÂNG LỜI CHÚA HƠN

“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Chúa Giê-su còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.” (Mc 7,8-9)

Suy niệm: Mọi thứ đều có thứ tự. Ngay cả những tín điều đức tin và các giáo huấn luân lý cũng có thứ tự. Chúa Giêsu nói rõ các điều răn của Thiên Chúa có thứ tự ưu tiên hơn các tập tục của con người. Trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Đức Phanxicô nhắc nhở tín hữu hãy nắm giữ lấy cốt lõi của Tin Mừng để sống, chứ đừng thu gọn Tin Mừng chỉ trong vài khía cạnh thứ yếu. Cốt lõi đó là Thiên Chúa Tình yêu, yêu thương con người trong Đức Giêsu Kitô, nhất là những người nghèo đói, bệnh tật. Thứ tự này quá rõ, không cho phép bất cứ giải thích nào làm giảm thiểu tính ưu tiên của nó, bởi chính Chúa Giêsu yêu thương người bệnh tật, nghèo hèn, thậm chí Ngài tự đồng hóa với người nghèo: “khi xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn” và dạy chúng ta “hãy cho họ ăn.” Vì lẽ đó, Đức Phanxicô mong ước có một Giáo Hội nghèo cho người nghèo.

Mời Bạn: Người bệnh tật trong gia đình có vị trí nào trong lòng bạn và trong sinh hoạt thường ngày của bạn? Bạn có ý thức rằng bạn không chỉ được mời gọi sống với Chúa, mà còn được mời gọi liên đới với những anh chị em khuyết tật, nghèo đói.

Chia sẻ: Kể cho nhau những câu chuyện về tình yêu của Chúa dành cho người nghèo đói, bệnh tật.

Sống Lời Chúa: Đi thăm một bệnh nhân và an ủi họ.

Cầu nguyện: Xin Chúa cho con có được trái tim của Chúa để yêu thương anh chị em nghèo đói, bệnh tật như Chúa yêu.


12/02/14                                              THỨ TƯ TUẦN 5 TN

                                                                            Mc 7,14-23

ĐÀO TẠO TRÁI TIM

“Tất cả những điều xấu xa đó điều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế!” (Mc 7,23)

Suy niệm: Thi hào Nguyễn Du đã viết: “Thiện căn ở tại lòng ta”. Gốc rễ của sự thiện nằm trong lòng ta. Các hành vi tội phạm man rợ đang được đa dạng và trẻ hóa trong xã hội cho thấy gốc rễ sự thiện nơi nhiều người đã bị ung thối. Chúa Giêsu đến để chữa lành bản tính con người bị tổn thương do tội lỗi. Ngài muốn đổi mới con người từ bên trong, như lời tiên tri Êdêkien: “Ta sẽ tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng. Lấy khỏi mình các ngươi quả tim chai đá, và sẽ ban tặng một quả tim biết yêu thương” (Ed 36,26). Tâm hồn mỗi người là đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Đó không thể là nơi dung túng sự dữ. Chúng ta phải đào tạo con tim mình nên giống con tim của Chúa Giêsu, nói cách khác, đó là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Mời Bạn: Bạn đã làm gì để đào tạo con tim của mình? “Chúng ta có đem lại cho con tim chúng ta những điều bổ ích nuôi dưỡng nó hay không? Hay chúng ta lại nhồi nặn nó bằng bạo lực, những điều tầm thường làm cho nó thành trái tim chai đá? (Timothy Radcliffe, O.P.)

Sống Lời Chúa: Nhất nhật bất niệm thiện chư ác giai tự khởi. Một ngày không gẫm suy điều thiện, sự xấu sẽ trồi hiện lên. Tôi năng đọc Lời Chúa và xét mình mỗi ngày dưới ánh sáng Lời Chúa để ơn thánh Chúa biến đổi tâm hồn tôi mỗi ngày nên giống Chúa hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin thanh luyện con tim con mỗi ngày bằng ngọn lửa tình yêu của Chúa. Xin cho con luôn biết sống yêu thương để luôn sẵn sàng chia sẻ cho người khác niềm vui hăng say phục vụ mọi người.


13/02/14                                           THỨ NĂM TUẦN 5 TN

                                                                            Mc 7,24-30

KIÊN TRÌ TRONG LỜI CẦU XIN

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” (Mc 7,28)

Suy niệm: Bà ta là người Hy Lạp, quê ở Phê­nixi, nghĩa là bà thuộc về dân ngoại, loại người bị người Do thái khinh khi. Bà thật là “lì đòn”: ngay cả những lời thử thách đầy vẻ miệt thị nhất “Không nên lấy bánh mà vất cho chó” cũng không làm bà nản lòng. Bà vẫn tha thiết cầu xin: “Nhưng con chó ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Tình yêu của bà đối với người con đã giúp bà có sức mạnh như thế: sẵn sàng chịu đựng mọi thứ đau khổ, sỉ nhục, miễn sao đem lại điều tốt đẹp cho người con mà bà yêu quí. Chúa đã chấp nhận lời cầu xin vì cảm kích tấm lòng tha thiết của bà.

Mời Bạn: Phần bạn, có bao giờ bạn cầu nguyện với Đức Kitô cách tha thiết như vậy chưa? Có bao giờ bạn cảm thấy buồn phiền ray rứt trước những đau khổ, những tội lỗi, những khốn cùng của người khác đến mức sẵn sàng chịu khổ, kể cả hạ mình chịu sỉ nhục để làm một cái gì đó tốt đẹp cho họ không?

Sống Lời Chúa: Bạn có biết ai sống chung quanh bạn đang phải đau khổ về vật chất hay tinh thần không? Bạn có thể làm gì để giúp họ? Một sự chia sẻ? Một lời an ủi? Một nụ cười cảm thông? Ít nhất bạn hãy cầu nguyện cho họ một cách thật tha thiết như người đàn bà xứ Phênixi này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mở to đôi mắt để con thấy được những nỗi thống khổ của tha nhân. Xin cho con biết mở rộng tấm lòng để cảm thông chia sẻ, và cho con biết dang rộng đôi tay để sẵn sàng làm điều gì đó tốt đẹp cho họ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.


14/02/14                                            THỨ SÁU TUẦN 5 TN

Th. Syrilô, đan sĩ và Mêtôđiô, giám mục       Mc 7,31-37

ÉPPHATHA! HÃY MỞ RA!

Chúa Giêsu ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. (Mc 7,34-35)

Suy niệm: Người điếc không nghe được điều người khác nói. Họ không bị xã hội loại trừ, nhưng chính chứng điếc cản trở họ giao tiếp với người khác. Người ngọng, lưỡi như bị buộc lại, muốn trình bày ý tưởng gì hay diễn tả tâm tư ước muốn thật khó khăn, có khi còn bị hiểu lầm, chế nhạo. Người vừa điếc vừa ngọng giống như bị cắt cụt mọi phương thế giao tiếp với tha nhân. Người ta nói mình không nghe được; mình nói không ai hiểu được. Anh ta như người tù biệt xứ ngay ở giữa những người thân. Để chữa lành cho anh, Chúa Giêsu nói: “Épphatha! Hãy mở ra!” Lập tức “tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại”, anh nối lại được mối tương quan với tha nhân. Nỗi bất hạnh của anh giờ đây trở thành niềm vui và hạnh phúc.

Mời Bạn: Có thể chúng ta không bị điếc và ngọng thể lý nhưng rất có thể đang bị điếc và ngọng tâm linh. Điếc khi ta làm ngơ trước điều hay lẽ phải, thích nghe lời khen tặng nịnh nọt mà bịt tai trước những lời góp ý xây dựng. Lúc đó ta “có tai mà chẳng thể nghe chi” (Tv 135,17). Ta ngọng khi miệng lưỡi không biết ca ngợi Chúa, không dám nói sự thật, không có can đảm nói điều hay lẽ phải bênh vực cho chân lý. Lúc đó ta có lưỡi mà “lưỡi đã dính với hàm” (x. Tv 137,6).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chú ý lắng nghe điều hay lẽ phải và nói lời xây dựng với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng chữa lành mọi bệnh tật tâm linh, xin cho chúng con nhận ra chứng điếc ngọng của mình và xin Chúa chữa lành chúng con.


15/02/14                                            THỨ BẢY TUẦN 5 TN

                                                                              Mc 8,1-10

ĐỨC GIÊSU YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI

Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa : bảy giỏ. Số người ăn độ chừng bốn ngàn người. (Mc 8,8-9)

Suy niệm: Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều tới hai lần. Lần nào cũng thế, Chúa thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn”. Chúa chăm lo cho cả những nhu cầu vật chất của người ta khi người ta sẵn sàng hy sinh để lắng nghe Lời Chúa và theo Chúa. Và bao giờ cũng thế, đã ban ơn thì Chúa ban thật dư dật: từ 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, trên 4000 người ăn mà vẫn còn dư đến 7 giỏ.

Mời Bạn: Bạn thấy không, có khi nào Chúa kém quảng đại hơn chúng ta đâu? Khi người ta sẵn sàng hy sinh chấp nhận cơn đói của thể xác để thoả mãn cơn đói khát Lời Chúa bằng cách đi theo Chúa Giêsu, thì lúc đó chẳng những Người ban cho họ no thoả Lời Người mà còn dư đầy cả bánh và cá nữa. Nước lã hoá thành hằng trăm lít rượu ngon tại Cana, mẻ cá lạ lùng hai chiếc thuyền đầy khẳm đến gần chìm, tất cả những điều đó há chẳng nói lên Thiên Chúa rộng lượng quảng đại với bạn thế nào hay sao? Bạn hãy đong cho Chúa bằng một chiếc đấu thật lớn, thật đầy đi, và Chúa sẽ đong lại cho bạn bằng chính chiếc đấu ấy đã dằn đã lắc hẳn hoi.

Sống Lời Chúa: Ngày mai, Chúa Nhật bạn hãy hy sinh xếp các công việc của bạn lại để dành cho Chúa một ngày thật trọn vẹn, thật đúng ý nghĩa Chúa Nhật là Ngày Của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thật quảng đại với con. Còn con lại quá nhỏ nhen, hẹp hòi với Chúa. Xin cho con biết sống quảng đại với Chúa và với nhau, như Chúa vẫn quảng đại với con.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment