5 Phút cho Lời Chúa Tháng 02-2014

23/02/14                                CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – A

                                                                             Mt 5,38-48

HÃY YÊU KẺ THÙ

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em… Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,44.48)

Suy niệm: Khi nghe những lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù”, chúng ta thường cho rằng đó là chuyện không thể làm nổi. Yêu đã là khó, yêu kẻ thù lại càng là vấn đề nan giải, nhưng đó lại là cốt lõi của Đạo Trời. Điều này, đòi hỏi chúng ta một tấm lòng cao thượng, vượt ra khỏi cái tôi ích kỷ và kiêu căng, và phải can đảm biết bao, nhất là phải cầu nguyện. Yêu kẻ thù là dấu chỉ con cái Thiên Chúa, lý do là vì kẻ thù cũng là đối tượng của tình yêu Chúa. Yêu kẻ thù không phải là hành vi của một kẻ yếu nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng. Chúa Giêsu mời gọi: không những yêu thương tha thứ, mà còn tiến xa hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù, ước mong mọi điều tốt đẹp cho họ, noi gương Cha trên trời, Người ban phát ơn lành cho mọi người, không phân biệt lành dữ…

Mời Bạn: Kẻ thù của bạn là ai? Là kẻ ghét bạn, kẻ xúc phạm đến bạn, đến danh dự và quyền lợi của bạn, là những người tự nhiên bạn không ưa, vv… vô số kể. Tin Mừng mời gọi bạn vượt lên trên lối sống tự nhiên theo thói thường, để mặc lấy tâm tình của người con Thiên Chúa, sống nhân hậu, bao dung như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Sống Lời Chúa: Bạn đọc Kinh Lạy Cha thật sốt sắng, và cầu nguyện cho một người mà bạn không thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha chúng con, Chúa yêu thương chúng con ngay khi chúng con còn là tội nhân. Xin Chúa dạy chúng con biết yêu thương anh chị em con, như Chúa mến thương họ.


24/02/14                                             THỨ HAI TUẦN 7 TN

                                                                            Mc 9,14-29

ĐỨC TIN – CẦU NGUYỆN – SỨ VỤ

“Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9,19)

Suy niệm: Lời than thở này của Chúa Giêsu như van lơn, như năn nỉ các môn đệ Ngài hãy bớt cứng cỏi để tin vào Ngài hơn. Bối cảnh của câu chuyện là có người xin các môn đệ trừ một quỷ câm vào lúc Chúa Giêsu không có mặt ở đó; các ông đã làm, nhưng không thành công. Rồi khi Chúa Giêsu đích thân trừ con quỷ này, Ngài nhấn mạnh lòng tin đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến chống lại ma quỷ: “Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Cuối cùng, giải thích sự thất bại của các môn đệ, Chúa nói: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”

Mời Bạn: Nghe lại lời than thở “Ôi thế hệ cứng lòng…” của Chúa Giêsu để thấy Ngài chỉ tha thiết mong mỏi có một điều: lòng tin của các môn đệ Ngài. Lòng tin ấy rốt cục được đồng hóa với thái độ cầu nguyện. Và đó là tất cả những gì cần thiết để các môn đệ Chúa thực thi sứ vụ phục vụ của mình cách hữu hiệu giữa dân chúng.

Chia sẻ: Tại sao ta có thể nói “hoa quả của đức tin là cầu nguyện”, và cũng có thể nói “hoa quả của cầu nguyện là đức tin” (Mẹ Têrêsa Calcutta)?

Sống Lời Chúa: Đời sống Kitô hữu là đời sống “3 trong 1”: tin – cầu nguyện – sứ vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ thúc giục toàn Hội Thánh đi ra khỏi mình để thi hành sứ vụ chữa trị bao thương tích của con người và thế giới hôm nay. Đừng quên hành trang thiết yếu của cuộc đi ra này là tincầu nguyện.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa con tin, lạy Chúa con tin. Xin đỡ nâng, xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của chúng con.”


25/02/14                                              THỨ BA TUẦN 7 TN

                                                                            Mc 9,30-37

SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ!

Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (Mc 9,33-34)

Suy niệm: Trong hai vụ việc diễn ra gần nhau, các môn đệ Chúa Giêsu đã hai lần im lặng một cách đáng sợ. Lần đầu các ông không hiểu những lời Chúa báo trước Ngài sẽ chịu chết, thế nhưng các ông sợ và im lặng không dám hỏi Ngài. Lần thứ hai các ông cũng im lặng không trả lời về việc các ông cãi nhau để tranh dành địa vị. “Im lặng-không dám hỏi”: một sự im lặng đáng sợ vì sợ không dám đón nhận một Đức Kitô chịu đau khổ, chịu đóng đinh. “Im  lặng-không dám trả lời”: một sự im lặng đáng sợ nữa vì tránh né sự thật xấu xí về chính mình, và tránh né những đòi hỏi để làm môn đệ Chúa Giêsu: “Ai muốn làm đầu phải làm người rốt hết.”

Mời Bạn: Tình trạng “im lặng đáng sợ” “không hỏi-không trả lời” vẫn thường xảy ra. “Im lặng đáng sợ” như thế chỉ vì sợ. Lý do thì rất nhiều: vì tự ái, sĩ diện, vì sợ bị phiền hà liên luỵ, sợ phải từ bỏ, sợ hy sinh, sợ mất lòng hay mất mát cái gì đó… Để không im lặng như một sự đồng loã với tội lỗi, né tránh sự thật, Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ đi theo Ngài làm môn đệ, nghĩa là chấp nhận làm tôi tớ phục vụ tha nhân và từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ngài.

Sống Lời Chúa: Dành một phút thinh lặng trong giờ suy niệm, nhìn lại một việc bạn đã làm và lắng nghe điều Chúa muốn bạn phải làm trong lúc này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dùng ngọn lửa Thánh Thần thiêu đốt thái độ im lặng đáng sợ này nơi chúng con, và thêm sức cho chúng con can đảm đón nhận sự thật của Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống.


26/02/14                                              THỨ TƯ TUẦN 7 TN

                                                                            Mc 9,38-40

NIỀM VUI TRUYỀN GIÁO

“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc 9,38-39)

Suy niệm: Ông Gioan tưởng mình có độc quyền sở hữu “thương hiệu” Thầy mình trong việc trừ quỷ. Nhân việc đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải có một cái nhìn bao dung hơn, bởi vì loan báo về Chúa Giêsu tức là việc truyền giáo không phải là độc quyền của một ai hay một nhóm người nào, trái lại đó là bổn phận của mọi người tin Chúa Kitô, những người đã lãnh bí tích Rửa Tội, bất kể họ có chức vụ gì trong Hội Thánh hay kiến thức của họ tới đâu. Không ai có quyền cản ngăn họ vì họ làm việc truyền giáo dưới tác động của Chúa Thánh Thần, thi hành cách mau mắn mà không chờ thời cơ, hoặc thời gian chuẩn bị. Nói như thế không phải là chẳng màng gì đến việc đào tạo giáo lý đức tin hay việc hiệp thông với các phần tử Hội Thánh trong việc truyền giáo; những việc đó không được là lý do để thoái thác hoặc ngăn cản việc truyền giáo, mà trái lại phải làm cho công cuộc đó được phong phú và hữu hiệu  hơn.

Mời Bạn: Bạn được mời gọi truyền giáo ngay trong môi trường của bạn và đồng thời liên đới với các phần tử trong Hội Thánh trong sứ vụ này. Có bao giờ bạn ghen tỵ vì kết quả truyền giáo của một anh chị em Kitô hữu gặt hái được? Chúa mời gọi bạn hiệp thông với các anh chị em đang truyền giáo, để công cuộc truyền giáo gặt được kết quả tốt đẹp.

Sống Lời Chúa: Mừng vui với những kết quả truyền giáo của người khác, bạn dâng lên Chúa lời tạ ơn vì những thành quả truyền giáo ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con hiệp thông với Chúa và Hội Thánh và với nhau trong việc truyền giáo.


27/02/14                                           THỨ NĂM TUẦN 7 TN

                                                                            Mc 9,41-50

ANH EM THUỘC VỀ ĐỨC KITÔ

“…Vì anh em thuộc về Đức Kitô.” (Mc 9,41)

Suy niệm: Trong sân của một ngôi trường phổ thông kia có những hàng phượng trồng đều tăm tắp. Giữa những hàng phượng đó, có một cây đặc biệt được bao quanh bằng một hàng rào sắt sơn phết thật đẹp. Lý do khiến nó được “ưu ái” như vậy không phải vì nó là giống phượng quý đẹp hơn những cây khác mà vì nó đã được trồng bởi chính tay vị chủ tịch nước khi ông đến thăm trường. Chuyện cây phượng chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với việc các môn đệ được thuộc về Chúa Kitô. Chẳng những họ coi như hiện thân của chính Chúa Kitô –“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40)– mà cả những ai tiếp đón họ, dù chỉ với một ly nước lã, cũng được trọng thưởng nữa.

Mời Bạn: Bạn vốn có phẩm giá cao quý vì bạn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ bí tích Rửa tội, bạn trở nên con cái Thiên Chúa và được thuộc về Đức Kitô, bạn lại càng trở nên cao quý hơn vô cùng. Ý thức như thế, chúng ta trân trọng phẩm giá cao quý Chúa ban tặng cho mình để nhờ ơn Chúa, chúng ta sống cuộc sống công chính thánh thiện. Đồng thời, chúng ta cũng biết nhìn nhận phẩm giá cao quý của anh chị em và cư xử với nhau trong tình yêu thương và tương kính.

Chia sẻ: Bạn có biết lời cầu nguyện và các bí tích là những cánh cổng giúp bạn kết nối với Thiên Chúa và được thuộc về Ngài không? Mời bạn chia sẻ cách bạn dùng để kết nối với Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Luôn dành riêng một khoảng thời gian để cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa đã kêu gọi con làm con Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với phẩm giá cao quý này.


28/02/14                                            THỨ SÁU TUẦN 7 TN

                                                                            Mc 10,1-12

HÔN NHÂN LINH THÁNH

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)

Suy niệm: Chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Môsê cho phép (x. Đnl 24,1) mà người Pharisêu còn “hỏi thử” Chúa Giêsu có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề như thế làm chi nữa? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pharisêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt –dù đã có luật cho phép ly dị– khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giêsu cho biết hiện trạng của luật Môsê chỉ là một sự nhân nhượng vì họ “lòng chai dạ đá”. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành du di của luật cũ và quả quyết rằng hôn nhân là thánh thiện và vô cùng cao quý.

Mời Bạn: Xã hội hiện đại có xu hướng phá vỡ những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống: hôn nhân như chiếc bình thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân: “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là viên đá góc để các gia đình Kitô hữu tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và để góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.

Chia sẻ: Gia đình bạn có khi nào ngồi lại với nhau để trao đổi những khúc mắc trong cuộc sống không?

Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình bạn đọc kinh chung và nhắc nhở nhau thực hành “yêu thương và kính trọng nhau” như lời cam kết.

Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình (x. tr. 5)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment