5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 03-2013

24/03/13                                         Chúa Nhật Lễ Lá – c

                                                                             Mt 21,1-11

ÁNH SÁNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Các môn đệ dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cỡi lên… Dân chúng, kẻ đi trước, người theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21,7-9)

Suy niệm: Ngày Lễ Lá khởi đầu bằng một niềm vui, niềm vui rước Chúa vào thành như một vị vua, và kết thúc bằng một nỗi buồn, nỗi buồn Chúa chịu khổ nạn. Bài Thương Khó ngày Lễ Lá còn đem đến cho ta bao điều tương phản khác: môn đệ hèn nhát chạy trốn, Philatô hèn nhát rửa tay, Thầy can đảm bình thản đón nhận; đối diện với lửa hận thù hừng hực, Đức Giêsu luôn tỏa ánh sáng dịu dàng của lòng thương xót: thương xót Phêrô, thương xót người trộm hối cải, thương xót tha thứ cho quân lính độc ác, và cho cả người Do Thái đang nhạo cười; đối diện với những bạo tàn hết cỡ của con người, Đức Giêsu lại bày tỏ tình yêu mến, và đã yêu, Ngài yêu cho đến cùng.

Mời Bạn: Cảm nhận được lòng thương xót yêu thương của Chúa dành cho bạn và mời bạn đừng sống Tuần Thánh, những ngày khổ nạn của Chúa một cách dửng dưng, vô cảm như khách qua đường, như đang xem một cuộn phim, mà hãy sống với cả tâm tình yêu mến dành cho Đấng đã yêu bạn đến cùng.

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh dành mỗi ngày 5 phút đọc chậm rãi từng phần của bài Thương Khó, để nhận ra và cảm nếm lòng yêu thương của Chúa qua từng hoạt cảnh ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn bày tỏ lòng thương xót yêu thương trong cuộc Khổ nạn. Xin cho chúng con cũng biết sống lòng thương xót ấy với mọi người.


25/03/13                                        THỨ HAI TUẦN THÁNH

                                                                            Ga 12,1-11

DẤU HIỆU TÌNH YÊU ĐÍCH THẬT

Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. (Ga 12,3)

Suy niệm: Người ta chỉ nhỏ vài giọt dầu thơm lên người để “lấy hương lấy hoa;” chẳng có ai đổ nguyên cả bình dầu thơm, lại là dầu thơm cam tùng hảo hạng, lên chân người khác. Thế nhưng, đó là điều cô Maria đã làm để bày tỏ lòng trân trọng và quý mến của cô với Đức Giêsu. Maria đổ nguyên cả bình dầu thơm mà không tính toán, cũng chẳng tiếc nuối, vì cô muốn dành cho Đức Giêsu những gì quý giá nhất của gia đình mình. Lượng dầu thơm quý giá  chảy trên chân Ngài chẳng thấm vào đâu so với ơn nghĩa, tình yêu quá lớn Ngài đã dành cho gia đình cô. Có lẽ điều duy nhất Maria hối tiếc là không có thể làm gì hơn nữa để dâng cho Ngài. Sự hào phóng, cho đi mà không tính toán, so đo là dấu hiệu của tình yêu thật sự.

Mời Bạn: Chăm chú quan sát cử chỉ lau chân Đức Giêsu của Maria: cô xoã mái tóc mình ra mà lau. Đây là điều cấm kỵ, không một phụ nữ Do Thái nào dám làm ở nơi đông người. Maria không bận tâm người ta nghĩ gì, nói gì. Cô chỉ chú tâm vào Đức Giêsu, chỉ muốn diễn tả lòng quý mến với Ngài. Đó là dấu chứng của một tình yêu đích thực. Theo Chúa Giêsu, thực hiện lòng mến với Ngài cách trọn vẹn, bạn cũng không quá suy xét thiên hạ nghĩ gì, bình phẩm gì.

Sống Lời Chúa: Bày tỏ lòng yêu mến Chúa trong Tuần Thánh qua việc tham dự nghi thức phụng vụ cách sốt sắng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vui hưởng tình bạn với gia đình Mácta, Maria và Ladarô trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Xin cho chúng con cũng nỗ lực tìm mọi cách đem lại niềm vui cho Chúa trong Tuần Thánh này.


26/03/13                                         THỨ BA TUẦN THÁNH

                                                                Ga 13,21-33.36-38

ĐỂ CHÚA CHA ĐƯỢC TÔN VINH

Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” (Ga 13,31)

Suy niệm: Lịch sử cho thấy nhiều nhà độc tài làm đủ mọi cách, thậm chí dựng tượng sống của mình để bắt người khác tôn vinh mình; và cũng chính lịch sử cho thấy những tượng đài họ dựng lên cho mình cũng sớm bị giật sập, vinh quang họ tô vẽ cho mình mau chóng tan thành mây khói. Chúa Giêsu không tìm tôn vinh chính mình (x. Ga 8,54). Điều làm Ngài được tôn vinh là Chúa Cha được tôn vinh khi Ngài đến trong trần gian để thực thi ý Cha Ngài. Vì vậy khi Giuđa bỏ phòng tiệc ly ra đi để thực hiện việc bội phản chính là lúc Chúa Cha được tôn vinh, và đó cũng là lúc Ngài được Chúa Cha tôn vinh vì chương trình cứu độ của Chúa Cha được hoàn tất trong cuộc khổ nạn của Ngài.

Mời Bạn: Có bao giờ bạn nghĩ rằng những đau khổ mình đang chịu cũng là những cơ hội để làm cho sáng danh Chúa không? Đối với Chúa những việc ấy không bao giờ là vô ích, trái lại sẽ đem lại ơn cứu độ cho bản thân cũng như tha nhân nếu bạn nhằm mưu cầu hạnh phúc đích thực cho họ và nhất là nếu bạn kết hợp những hành động đó với cuộc thương khó của Đức Giêsu.

Chia sẻ: Đề nghị một việc cụ thể để cộng đoàn bắt chước Chúa Giêsu phục vụ trong khiêm tốn và vui tươi.

Sống Lời Chúa: Dâng những hy sinh bạn thực hiện trong ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con đừng bao giờ lẩm bẩm, kêu ca vì những đau khổ con gặp hằng ngày, nhờ đó con có thể kết hợp với sự đau khổ của Chúa mà tôn vinh tình thương của Chúa Cha.


27/03/13                                         THỨ TƯ TUẦN THÁNH

                                                                           Mt 26,14-25

CHÚA VẪN YÊU KHI BỊ PHẢN BỘI

Họ quyết định cho Giuđa ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Chúa Giêsu. (Mt 26,15-16)

Suy niệm: Tin Mừng nêu rõ trách nhiệm của Giuđa trong vụ án của Chúa Giêsu, nghĩa là khi phản bội Thầy, Giuđa có đầy đủ ý thức và tự do để lựa chọn và quyết định. Giuđa có sự tính toán trước, ông đã lén lút đi gặp các thượng tế và thương lượng về giá cả của sự phản bội. Phần Chúa Giêsu, Ngài biết rõ từng đường đi nước bước của Giuđa. Ngài không những không kết án mà còn đối xử bằng một cử chỉ vô cùng thân thiện là vẫn cùng đồng bàn với ông. Cử chỉ này cho thấy lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Con người dù đốn mạt đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, chỉ có con người tự kết án và xa lìa Thiên Chúa.

Mời Bạn: Giuđa kẻ phản bội. Hành động của ông mãi mãi là hành động phản bội tiêu biểu tượng trưng cho một con người đã sử dụng tất cả ý chí và tự do để khước từ Thiên Chúa. Qua Giuđa, bạn có thể nhận ra chính bạn, bởi vì nơi mỗi chúng ta đều có mầm mống của sự phản bội và khước từ do hậu quả của tội nguyên tổ.

Sống Lời Chúa: Này bạn, hãy cẩn thận vì bi kịch của Giuđa có thể cũng là bi kịch của chính bạn. Bạn được ban một ân huệ cao quý là sự tự do. Hãy sử dụng cho nên. Muốn sử dụng sự tự do đúng, bạn phải cầu nguyện. Có như vậy bạn mới thoát được sự cám dỗ sử dụng sự tự do để khước từ Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đánh động tâm hồn con để con cảm nhận được tình yêu của Chúa qua hình ảnh tấm bánh Chúa trao cho Giuđa dù biết ông sẽ phản bội. Nhờ đó con không bao giờ ngã lòng trông cậy.


28/03/13                                      THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lễ Tiệc Ly                                                          Ga 13,1-15

DẤU CHỈ YÊU THƯƠNG

“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,14-15)

Suy niệm: Thời Chúa Giêsu cũng như ngày nay nếu có ai rửa chân cho người khác, dù có bị coi là hèn kém như ô-sin chẳng hạn, thì cũng là chuyện bình thường thuộc nghề nghiệp: làm việc để rồi được trả lương. Việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ vượt trên mọi hành vi thông thường mà có ý nghĩa sâu xa và giá trị cao cả: – ý nghĩa khiêm tốn, phục vụ: Đấng là Thầy và là Chúa mà lại cúi xuống làm công việc của người tôi tớ là rửa chân cho môn đệ; – ý nghĩa giáo dục: Chúa mời gọi các môn đệ noi gương Ngài: “để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em;” – và như thế, Chúa chuản bị cho các môn đệ đón nhận những mầu nhiệm trọng đại: – Chúa hiến thân chịu chết trên thập giá để đem lại ơn cứu độ và đồng thời hiến thân trong bí tích Thánh Thể làm lương thực thiêng liêng nuôi sống linh hồn.

Mời Bạn: Tôi đã làm gì để nên giống Thầy Giê-su? Tôi có biết loại bỏ thái độ ‘cao ngạo’ để ‘cúi xuống’ nhận ra những anh em bé mọn của Chúa, và phục vụ họ cách khiêm tốn như phục vụ chính Chúa hay không?

Sống Lời Chúa: Xét mình: Việc tôi tuyên xưng Chúa chịu chết và sống lại và việc tôi lãnh nhận bí tích Thánh Thể có đem lại kết quả trong đời sống bác ái và khiêm tốn phục vụ của tôi chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã rửa chân cho các môn đệ để dạy chúng con thái độ hiến thân phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn. Xin cho con biết bắt chước nghĩa cử âm thầm của Chúa, để anh chị em con được hưởng nhờ. Amen.


29/03/13                                       THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu Ga 18,1-19,42

YÊU ĐẾN CÙNG

Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)

Suy niệm: Đây là giờ Chúa phải nói lời từ biệt với những người thân thương nhất của Chúa – Mẹ Maria và Gioan – Chúa đã ban tặng hai người cho nhau. Còn Chúa, Chúa ở đây một mình để hiến thân làm của lễ dâng Cha và để cho lửa của Thần Khí thiêu đốt. Từ nay, trời và đất đã giao hòa; giao ước mới đã ký kết, được niêm ấn bằng máu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa kêu lên một tiếng cuối cùng: Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao người bỏ con? Nhưng ngay giây phút tuyệt đỉnh này, Chúa Cha vẫn ở đấy, Người hiện diện. Chúa gục đầu xuống và thiếp đi trong tay Người. Lúc Chúa đi vào cõi chết, thì đấy cũng là lúc, đấy cũng là giờ mà Chúa thức dậy cạnh Cha. (ĐHY Godfried).

Mời Bạn: Ý thức cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ liên quan đến một người, hay một dân tộc nhưng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trước cái chết của Chúa. Thật vậy, chúng ta đừng ngồi đó nguyền rủa xã hội sa đọa, thế giới hỗn loạn, mà phải đấm ngực chính tội lỗi chúng ta đã đóng đinh Chúa hằng ngày.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy kín múc dòng ân sủng MÁU và NƯỚC chảy ra từ cạnh sườn Chúa. Đó là các bí tích Hòa Giải, Thánh Thể,… cách xứng đáng và sốt sắng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa không phải là “một kết thúc” nhưng là “một hoàn tất”. Chúa đã chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó cách tuyệt hảo. Xin cho chúng con cũng biết chu toàn bổn phận của người Kitô hữu, dám hy sinh và hành động theo những đòi hỏi của Chúa cho dù phải đi vào con đường Thập Giá. Amen.


30/03/13                                       THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Canh thức Phục Sinh                                    Ga 8,1-19,42

CHÚA CHẾT

Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)

Mời Bạn đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường thập giá và dừng lại trước cái chết của Người. Ai cũng mong có mặt bên người thân của mình trong những khoảnh khắc cuối cùng của người ấy. Dù là một bệnh nhân đang hấp hối trên giường hay một tử tội đang bị dẫn độ ra trường bắn, đó bao giờ cũng là một khoảnh khắc hết sức thiêng liêng, một khoảnh khắc mầu nhiệm.

Người thân của ta đang kinh nghiệm nỗi chết! Kinh nghiệm này, trong giây phút này, là của riêng người ấy, thuộc về một mình người ấy. Ta đứng đó, thiết tha muốn san sẻ, nhưng hiểu rằng mình không thể nào san sẻ được. Ta đứng đó, như để cho người thân mình vơi bớt nỗi cô đơn, nhưng kỳ thực là để nhìn ngắm nỗi cô đơn được người thân mình uống cạn. Ta đứng đó, lặng nhìn… Chúa Giêsu đã chết vì yêu ta. Tình yêu ấy trước hết gọi mời ta nếm cảm. Rồi, trong cuộc ‘đối thoại thinh lặng’ này, tình yêu của Người sẽ chinh phục và biến đổi ta, vừa trực tiếp vừa sâu xa hơn bất cứ thứ xúc cảm sướt mướt nào. Xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết ‘buông mọi khí giới xuống’, và để cho Ngài làm việc…

Suy niệm : Đọc lại chậm rãi, với đầy ý thức và suy gẫm, trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo Ga 18,1-19,42.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu khổ nạn, Chúa đã đi đến cùng con đường vâng phục Thánh ý Cha, và đã san sẻ đến cùng thân phận kiếp người. Xin cho chúng con, từ nay, dù trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, cũng đừng bao giờ lãng quên rằng: ‘Chúa đã chết vì yêu tôi’. Để từ nay, chúng con chỉ còn một nghĩa sống và một nghĩa chết mà thôi. Amen.


31/03/13                               CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C

                                                                              Ga 20,1-9

ALLÊLUIA! CHÚA ĐÃ PHỤC SINH

Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. (Ga 20,9)

Suy niệm: “Những gì thiết yếu quan trọng trong cuộc sống, chúng ta không thể nhìn thấy bằng đôi mắt thường, nhưng nhìn thấy bằng con tim” (Nhà văn St. Exupéry). Đôi mắt thường của Gioan chỉ nhìn thấy ngôi mộ trống, các đồ khâm liệm không bị vứt bừa bãi, nhưng đều nằm y nguyên tại chỗ: những băng vải nằm đó, khăn che đầu cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Thế là đã đủ cho Gioan tin Thầy mình đã phục sinh. Ông đã không nhìn bằng đôi mắt thường, nhưng nhìn thấy bằng quả tim của “người môn đệ Đức Giêsu thương mến,” cũng như bằng con tim của người môn đệ thương mến Thầy mãnh liệt. Tình yêu đã giúp cho đôi mắt Gioan đọc được các dấu hiệu, tâm trí hiểu và tin.

Mời Bạn: Gioan là người môn đệ đầu tiên tin Thầy mình sống lại. Tôma cứng cỏi hoài nghi như Tào Tháo rồi cũng trở thành người tin; các tông đồ trước đây ích kỷ khép kín bây giờ quảng đại dấn thân cho Nước Trời. Cái gì đã tạo nên sự thay đổi thần kỳ ấy? Thưa, những lần Đức Giêsu hiện ra với các ông, củng cố niềm tin phục sinh của các ông, khiến các ông luôn xác quyết đã gặp Đấng Phục Sinh. Bạn nghĩ sao về những người dám sống dám chết cho lời chứng của mình?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nỗ lực sống như người có niềm tin phục sinh qua việc siêng năng phụng thờ Thiên Chúa, vui vẻ thực hiện Tám Mối Phúc Thật.

Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho niềm tin phục sinh chi phối mọi sinh hoạt trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con. Allêluia!

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment