Mục Lục
Ngày 1 – 04: Trang 1
* * *
01/04/15 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
CÒN TỒI TỆ HƠN SỰ CHẾT…
Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.” (Mt 26,23)
Suy niệm: Đối với nhiều người, điều còn tồi tệ hơn cả cái chết là sự phản bội. Họ có thể hình dung ra cái chết, nhưng không thể hình dung nổi sự phản bội, nhất là sự bội phản của người thân yêu. Đức Giê-su thì khác, Ngài biết rõ sự phản bội của Giu-đa dù ông đã khôn khéo che dấu hành vi tội ác của mình. Ông có thể qua mặt các bạn đồng môn, nhưng không qua được mắt Thầy mình. Thầy của ông có thể dùng nhiều biện pháp để loại trừ ông, hoặc đích thân trừng trị, hoặc báo tin cho các môn đệ khác và chắc chắn họ sẽ không để ông yên thân. Thế nhưng, thứ “vũ khí” duy nhất mà Ngài dành cho ông là lời mời gọi của tình thương, tiếng gọi của tình nghĩa thầy trò.
Mời Bạn: Năm này qua năm khác, bạn có thể che dấu tội lỗi mình với người chung quanh, ngay cả với những người thân trong gia đình hay cộng đoàn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không thể nào che dấu trước mặt Thiên Chúa. Ngài biết rõ mọi tội lỗi kín đáo của bạn và đang âm thầm mời gọi bạn hoán cải, nhất là trong Tuần Thánh này.
Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh năm nay tôi sẽ nhìn thẳng vào một tội lỗi kín đáo lâu nay của mình, xác tín Chúa biết, đang mời tôi chừa bỏ tội ấy. Tôi sẽ cố gắng đáp lại lời mời gọi này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đau đớn trước sự bội phản của ông Giu-đa, nhưng không từ bỏ ông, trái lại luôn dùng tình yêu thương để mời gọi ông trở lại. Chúng con cảm phục sự khoan dung, nhân hậu của Chúa. Xin cho chúng con thật sự hoán cải, từ bỏ một tội lỗi đang kéo ghì mình xuống, để được thật sự sống lại với Chúa. Amen.
02/04/15 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15
YÊU ĐẾN CÙNG
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13,1)
Suy niệm: “Yêu đến cùng”, một mặt muốn diễn tả sự chung thủy của tình yêu – yêu cho đến chết; mặt khác, “yêu đến cùng” còn muốn nói lên tính vượt trội, nghĩa là vượt trên tất cả những gì con người có thể tưởng tượng được để bày tỏ tình yêu. Đức Ki-tô đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài bằng một tình yêu như thế. Để biểu lộ tình yêu cao độ này: Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; Ngài lập Bí tích Thánh Thể để trao ban chính Thịt và Máu của Ngài; và Ngài lập Bí tích Truyền Chức Thánh để tiếp tục công cuộc trao ban cho đến cùng. Khi trao ban những gì cao quí nhất cho những kẻ thuộc về mình, Đức Ki-tô muốn biến họ thành một cầu nối để tình yêu của Ngài được lan tỏa cho đến cùng, Ngài mời gọi họ: “Anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Mời Bạn: Làm như Thầy đã làm không chỉ lập lại các nghi thức mà phải yêu như Ngài đã yêu, là dám hiến thân phục vụ tha nhân để diễn tả một tình yêu cho đến cùng.
Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự Thánh lễ và kết hiệp với Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể để thực sự được nuôi dưỡng bởi tình yêu của Ngài và có thể yêu thương như Ngài đã yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, chúng con đang sống trong năm Phúc Âm Hóa cộng đoàn, Mẹ Hội Thánh muốn chúng con quay về với tình yêu của Chúa để trước hết được thánh hóa, hầu có thể yêu tha nhân như Chúa đã hiến thân mình để yêu thương chúng con.
03/04/15 THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ga 18,1-19,42
MỌI TỘI NHÂN DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ
“Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.” (Ga 19,36)
Suy niệm: Một chi tiết quan trọng mà chỉ mình Gio-an để ý: đó là quân lính không đánh giập ống chân Chúa Giê-su vì Chúa đã chết, nhưng lại đâm ngọn giáo vào cạnh sườn Ngài, bấy giờ máu và nước chảy ra. Như vậy, sự chết của Chúa trên cây thánh giá phát sinh sự sống. Nước là sự sống, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Nước cũng là biểu tượng của bí tích thanh tẩy (rửa tội), bí tích đem lại sự sống mới cho ta. Máu là biểu tượng của sự sống, mất máu là mất sự sống, truyền máu là thông truyền sự sống. Máu của Đức Giê-su còn quý giá hơn nữa, vì đem lại sự sống trường sinh: “Ai uống máu này thì có sự sống đời đời” (Ga 6,54). Nước từ thánh giá rửa sạch tội ta, máu Chúa đổ ra trên thánh giá để cứu chuộc ta.
Mời Bạn: Máu và nước từ thân xác Đức Giê-su trên cây thánh giá đem lại sự sống cho bạn. Bạn không chỉ được mời gọi nhìn lên cây thánh giá ấy với lòng tin tưởng, nhưng còn được mời gọi vác thánh giá cuộc đời mình. Nhiều Ki-tô hữu chỉ thích thánh giá cài trên khuy áo, đeo trên ngực, chứ không thích vác thánh giá trên vai. Còn bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Tôi cảm nhận sâu sắc lòng yêu thương của Chúa khi chịu treo trên thánh giá. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, tôi vẫn kiên trung loan báo tình thương của Chúa Giê-su chịu đóng đinh cho những người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con không làm phiền lòng Chúa nữa, để khi hôn thánh giá Chúa, con có thể yêu mến Chúa hết lòng, quyết tâm từ nay sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con mở miệng nói được khi hôn thánh giá: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu Chúa.”
04/04/15 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Mc 16,1-8
CHÚA ĐÃ PHỤC SINH
“Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.” (Mc 16,6)
Suy niệm: Để cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh, chúng hãy dừng lại thật lâu bên mộ Chúa để cùng với ba người phụ nữ trong Tin Mừng sau một đêm thấp thỏm không ngủ được, ngay khi trời vừa tảng sáng, đã vội vã chạy ra mộ, với dầu thơm để ướp xác Thầy. Nhưng khi đến nơi, các bà không thấy một cái xác để ướp dầu thơm, mà các bà đã gặp chính Đức Giê-su, Đấng Phục Sinh. Quả thế, Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Từ đây, sự phục sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô xác tín: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,17). Đã có bao nhiêu lễ Phục Sinh qua đi, nhưng thử hỏi, điều đó có giúp ích gì cho cuộc sống của bạn hôm nay? Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh, mời bạn hãy “giết chết” những gì là tính mê nết xấu trong con người cũ; đó là lòng ghen ghét, đố kỵ… để sống lại trong Chúa Ki-tô là con người mới của tình yêu thương, bao dung và tha thứ. Chỉ có như vậy, việc bạn mừng lễ Phục Sinh mới thực sự có ý nghĩa và mang lại cho bạn niềm hy vọng được Phục Sinh với Chúa mai ngày.
Sống Lời Chúa: Sống hiền lành và bác ái là dấu chỉ tôi đã sống lại trong con người mới với Chúa Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Đấng là Nguồn Mạch Sự Sống, xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con sống tràn ngập yêu thương, bao dung và tha thứ. Amen.