5 Phút cho Lời Chúa Tháng 05-2015

Mục Lục

Ngày 1 – 09: Trang 1

Ngày 10 – 16: Trang 2

Ngày 17 – 23: Trang 3

Ngày 24 – 31: Trang 4

* * *

01/05/15                     THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS

Th. Giu-se Thợ                                                Mt 13,54-58

LAO ĐỘNG NHƯ PHỤNG TỰ

“Ông ấy không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55)

Suy niệm: Khi Steve Jobs qua đời, nhiều người trên thế giới đã đặt nến và trái táo cắn dở trước các chi nhánh của tập đoàn Apple, bày tỏ lòng thương tiếc, tri ân một thiên tài đã làm thay đổi cuộc sống con người với các sản phẩm độc đáo như ipod, iphone và ipad. Bên cạnh các tên tuổi lớn với những phát minh vĩ đại như ông, vẫn có đại đa số những con người vô danh không có một phát minh nào, nhưng lại đóng góp thật to lớn cho sự thiện hảo và hạnh phúc của con người. Thánh Giu-se là một trong những người lao động thầm lặng ấy. Hội Thánh đặt ngài làm bổn mạng cho những người lao động âm thầm không chỉ để nói lên giá trị về các đóng góp cho hạnh phúc của gia đình và xã hội mà còn để nêu cao mẫu gương sáng chói nhất của thánh nhân là biến lao động thành một của lễ dâng để thờ phương Thiên Chúa.

Mời Bạn: Tựa như thánh Giu-se, công việc bạn làm không quan trọng, điều quan trọng trước mặt Chúa là cách bạn làm. Ý hướng của bạn khi lao động và những đức tính cần thiết kèm theo khi lao động quyết định giá trị việc bạn làm trước cái nhìn của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Lao động là món quà yêu thương tôi gởi đến những người thân yêu mà tôi có nhiệm vụ chăm sóc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không giao phó việc giáo dục Đấng Cứu Thế cho một người cha nuôi là tiến sĩ luật hay một kinh sư, nhưng cho một bác thợ mộc. Chúa muốn cho thấy giá trị cao cả trong lao động của con người, dù là những công việc thô sơ, đơn giản, thông thường. Xin cho chúng con có một cái nhìn mới về lao động, và sử dụng lao động như phương cách đẹp lòng Chúa.


02/05/15                     THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS

Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT        Ga 14,7-14

ĐỂ CHÚA CHA ĐƯỢC THẤY

Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa thấy Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. (Ga 14,8-9)

Suy niệm: Trong câu chuyện ngụ ngôn “Trí khôn của ta đây,” người nông dân đã chỉ cho chú cọp thấy trí khôn bằng cách dùng mưu mẹo để trói cọp vào gốc cây, châm lửa đốt, rồi cho cọp thấy trí khôn là gì. Tựa như trí khôn không thể được nhìn thấy cách tỏ tường mà chỉ có thể được nhận biết qua các việc làm, thì Thiên Chúa cũng vậy, Ngài thường tỏ mình qua hành động, qua các công trình Ngài đã thực hiện, vì Ngài là Đấng vô hình. Theo thư Do-thái, Thiên Chúa tỏ mình bằng nhiều thể nhiều cách, nhưng cách sau cùng và trọn hảo là qua chính Con Một của Ngài. Sự hiện diện trọn hảo đến mức, ai thấy Người Con là thấy Chúa Cha, và tất cả những gì Con làm, đều là hành động của Cha được thể hiện qua Con.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không phải là con rối của Chúa Cha, nhưng nhờ sự vâng phục tuyệt đối, Ngài đã làm cho Cha được thể hiện qua cuộc đời của mình. Trong kinh Lạy Cha, mọi tín hữu cũng cầu mong cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Nhưng làm sao ý Cha được thể hiện khi chính tôi không tự nguyện dâng hiến tự do và ý chí để làm theo ý của Ngài?

Sống Lời Chúa: Trong khó khăn thử thách, hãy tự hỏi rằng: “Nếu trong hoàn cảnh của tôi, Chúa Giê-su sẽ làm gì?

Cầu nguyện: Lạy Cha, con biết rằng làm theo ý Cha thì mọi sự sẽ tốt đẹp, nhưng làm theo ý ấy thường gây cho con đau đớn và sợ hãi. Xin ban thêm sức mạnh cho con. Amen.


03/05/15                                CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – B

                                                                              Ga 15,1-8

Ở TRONG CHÚA SẼ SINH NHIỀU HOA TRÁI

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái. (Ga 15,5)

Suy niệm: Chúa ví sự liên kết giữa các tín hữu với Ngài tựa như cành nho gắn liền với thân nho. Trên bình diện thực vật, với kỹ thuật cấy ghép hiện nay, việc ghép cành vào cây là điều dễ dàng. Thế nhưng, trên bình diện con người, không phải hễ ở bên cạnh nhau là gắn bó với nhau. Trong một gia đình bất hòa, dù ở cạnh nhau, người ta vẫn không gắn bó với nhau. Như thế, chỉ có tình yêu mới gắn kết con người với con người, cũng như con người với Thiên Chúa. Tựa như cành nho sống, tăng trưởng, sinh hoa kết trái nhờ nhựa sống từ thân nho, Chúa muốn ta gắn bó với Ngài bằng tình yêu để được sống đời đời. Cứ nhìn hoa trái thì biết mức độ cành gắn làm sao với thân nho. Cứ nhìn lối sống đời Ki-tô hữu sẽ biết mức độ liên kết với Chúa như thế nào. Những cành cây chỉ gắn vờ vào thân nho không bao giờ có thể sinh hoa trái được.

Mời Bạn: Cốt lõi của Đạo Chúa là gắn bó, có tương quan thân thiết với Chúa Giê-su như cành nho gắn liền với thân nho. Để có được mối tương quan thân thiết ấy, bạn cần gặp gỡ Ngài thường xuyên mỗi ngày qua cầu nguyện, tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa, viếng Thánh Thể… Gắn bó với Lời Chúa và Thánh Thể có phải là lẽ sống của bạn không?

Sống Lời Chúa: Tôi chú ý sống lời gọi truyền giáo cuối thánh lễ: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an,” bằng cách sinh nhiều hoa trái của yêu thương, phục vụ, quên mình, nhiệt thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đụng chạm đến trái tim chúng con, để trái tim ấy được biến đổi như Trái Tim Chúa, biết yêu thương người khác bằng Trái Tim Chúa. Amen.


04/05/15                                             THỨ HAI TUẦN 5 PS

                                                                          Ga 14,21-26

ĐỂ ĐƯỢC “RỒNG ĐẾN NHÀ TÔM”

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)

Suy niệm: “Khách đến nhà không gà thì gỏi.” Lòng hiếu khách như vậy thật là tuyệt vời; nhưng dù thế cũng không thể diễn tả hết tâm tình thắm thiết đậm đà của cụ Nguyễn Khuyến khi ông bạn vong niên của mình là cụ Dương Khuê tới thăm: “Bác đến chơi đây, ta với ta.” Tình bạn bằng vai bằng lứa đã thế huống chi là thân phận con người chúng ta đã được Chúa “đến chơi nhà” và còn “ở lại” với chúng ta nữa. Thật chẳng khác nào được “rồng đến nhà tôm”! Mà Ngài đâu có đòi hỏi phải dọn cho Ngài những món ‘đặc sản’ nào ngoại trừ một tình yêu, một tấm lòng với tấm lòng, một tình bằng hữu giữa “ta với ta”: chỉ cần “yêu” và “giữ Lời Chúa” là đủ để Ngài kết mối tình thân mật đó rồi.

Mời Bạn: Thân ‘tôm’ chúng ta còn mong được vinh dự và hạnh phúc nào hơn thế nữa không? Bạn đã chuẩn bị đón Chúa “đến chơi nhà” linh hồn mình thế nào? Bạn đã dọn sạch tâm hồn mình khỏi những tham lam ích kỷ, những ham mê thú vui bất chính chưa? Bạn đã làm theo Lời Chúa dạy là tha thứ cho người xúc phạm bạn, là phục vụ người anh em bé mọn nhất của bạn chưa?

Chia sẻ cảm nhận của bạn qua lời mẹ Têrêxa Calcutta: “Tôi yêu Đức Giê-su trong mỗi con người. Đức Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể và trong người nghèo khổ” (Chia Sẻ, số 18, ngày 15/05/1998, tr. 97).

Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái để dâng lên Chúa Giê-su Thánh Thể mỗi khi bạn tiếp rước Ngài.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


05/05/15                                              THỨ BA TUẦN 5 PS

                                                                        Ga 14,27-31a

BÌNH AN CHO ANH EM

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.” (Ga 14,27)

Suy niệm: Lúc sắp giã biệt thế gian mà về với Chúa Cha, Chúa Giê-su ưu ái trao ban cho các môn đệ sự bình an của Ngài. Ngài xác nhận rằng bình an của Ngài không như bình an của thế gian. Nếu bình an của thế gian là sức khỏe, tiền tài, danh vọng, lạc thú… thì bình an của Chúa hệ tại ở một cái gì khác hẳn. Nó hiện diện ngay cả trong đau khổ, thử thách và bất chấp những nghịch cảnh éo le bên ngoài. Nói tắt, đó là sự bình an của một trái tim đầy Chúa, của một tâm hồn rộng mở đón Ngài ngự trị. Bình an Chúa ban múc nguồn từ chính Thánh Thần của Ngài. Một kỷ nguyên mới đang mở ra để đánh dấu thời kỳ của Đấng Bảo Trợ (cc. 16-17), của tình yêu (c. 15), của niềm tin (c. 29), niềm vui (c. 28), và bình an (c. 27a). Thánh Thần của Chúa Giêsu Phục Sinh minh chứng sự khải thắng của Ngài đối với thế gian, và đem lại bình an đích thực cho nhân loại.

Mời Bạn: Danh, lợi, thú ở đời có thể tạo cho con người cảm giác an toàn nào đó. Tuy nhiên, từ trong thẳm sâu của tâm hồn, chúng ta vẫn hằng khao khát sự bình an của Chúa. Để đón nhận ân ban này, tiên vàn chúng ta cần tin vào lời hứa của Ngài (c. 29). Nếu ta cố bám vào những sự bình an hời hợt của thế gian, thì khó mà cảm nghiệm được sự bình an của Chúa!

Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày là phương thế để cảm nghiệm bình an Chúa ban trong Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa về hồng ân đức tin. Giữa dòng đời truân chuyên, xin Chúa giúp chúng con luôn cảm nếm được sự bình an đích thực của Chúa. Amen.


06/05/15                       THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS

                                                                              Ga 15,1-8

QUY LUẬT TỰ NHIÊN

“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.(Ga 15,5)

Suy niệm: Những hình tượng Đức Giê-su thường dùng trong các bài giảng luôn gần gũi, phù hợp với quy luật tự nhiên, ai đọc cũng có thể hiểu được. Chẳng hạn:  “hạt giống gieo vào lòng đất cần phải thối đi, thì mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24); “cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (c. 4)… Các hình tượng ấy cũng có thể áp dụng cho đời sống đức tin. Chẳng hạn: phải chấp nhận hủy mình để phát sinh hoa trái thiêng liêng hoặc đời Ki-tô hữu phải ra hoa kết trái, nếu không thì chỉ “trơ trọi một mình,” hoặc “bị quăng vào lửa” nghĩa là vô dụng, bị diệt vong. Để có thể đem lại hiệu quả cho Nước Trời, cách duy nhất là luôn gắn kết với Đức Giê-su, là nguồn sức sống vô tận, vì ở trong Chúa và với Chúa, chúng ta có thể làm được mọi sự.

Mời Bạn: Khi thành lập cộng đoàn mới ở Liên Xô trước đây, Mẹ Tê-rê-xa Calcutta chỉ yêu cầu có linh mục đến dâng lễ hàng ngày, vì Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu cho con cái Mẹ. Chắc hẳn bạn thấy điều này hoàn toàn hợp lý.

Chia sẻ: Vậy bạn đừng bằng lòng với việc chỉ đi lễ ngày Chúa Nhật, nhưng tìm thời gian để dự lễ ngày thường, ít là một lần trong tuần.

Sống Lời Chúa: Siêng năng lãnh nhận các bí tích, vì đó là nguồn sống cho đức tin của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đổ đến giọt máu cuối cùng trên cây khổ giá, để biến thành cây Thánh Giá. Xin cho con biết liên kết với cây nho là chính Chúa, để con nên hoa trái đem lại nhiều ích lợi cho Nước Trời. Amen.


07/05/15                    THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS

                                                                            Ga 15,9-11

Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9)

Suy niệm: Tình yêu không phải là một khái niệm có được nhờ bàn luận phân tích mà là niềm hạnh phúc người ta cảm nghiệm và tận hưởng khi được yêu và yêu lại. Tình yêu Thiên Chúa dù có lớn lao sâu đậm mấy cũng trở thành vô vị nếu như chúng ta không thể tận hưởng được. Chính vì thế để cảm nếm hạnh phúc lớn lao đó, Chúa Giê-su mời gọi mọi người chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài. Ở lại trong tình yêu của Chúa Giê-su là sống trọn cuộc đời với Chúa Giê-su, chia sẻ cùng một sự sống với Ngài. Ở lại trong tình yêu của Chúa là chấp nhận để Chúa yêu mình và đồng thời đáp lại bằng cách cũng yêu Chúa bằng tất cả cuộc sống của mình.

Bạn ơi, Chúa Giê-su yêu bạn biết bao! Hẳn bạn cảm nhận một niềm hạnh phúc khôn tả khi biết mình được yêu thương tha thiết như thế! Hẳn bạn thấy mình phũ phàng tệ bạc vô cùng nếu như mình đón nhận những món quà của tình yêu rồi lại xúc phạm đến chính tình yêu đó! Bạn ở lại trong tình yêu của Chúa chứ?

Chia sẻ: Chân phước An-rê Phú Yên ở lại trong tình yêu Chúa một cách thật đơn sơ theo cung cách Việt Nam: “thuỷ chung một lòng và giữ nghĩa cùng Chúa Giê-su cho đến trọn đời”. Phần bạn, bạn làm gì để sống thuỷ chung và giữ nghĩa với Chúa đến trọn đời?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy tập sống và làm mọi việc vì yêu Chúa Giê-su như thánh Phao-lô đã dạy: “Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Col 3,17).

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


08/05/15                                            THỨ SÁU TUẦN 5 PS

                                                                          Ga 15,12-17

ĐẠO YÊU THƯƠNG NHAU

“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)

Suy niệm:Yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng dãi mưa dầm mặc nhau. Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.” Chúa Giê-su dạy ta yêu thương không theo kiểu thói đời như vậy, nhưng yêu như Chúa đã yêu. Tình yêu cốt ở việc hy sinh tính mạng vì người mình yêu (c. 13). Một tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự chia sẻ, trao ban chính mình cho tha nhân. Tình yêu đích thực ấy luôn được bày tỏ trong cuộc đời Chúa Giê-su:  chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, dạy dỗ dân chúng, tha thứ cho tội nhân… Và rồi, đỉnh cao của tình yêu ấy là dâng hiến chính thân mình trên thập giá,  sống lại vinh hiển để cho mọi người nên công chính và sống dồi dào.

Mời Bạn: Trong Năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ, bạn được mời gọi tích cực tham dự thánh lễ vì thánh lễ là nguồn lực thánh hóa bản thân, giúp bạn ra khỏi mình, đem Chúa đến cho người khác như sống thánh lễ nối dài. Các giáo xứ, cộng đoàn của bạn cũng được mời gọi vượt qua thói quen chỉ chăm chút, loay hoay với tập thể mình, để “đi ra” đến những vùng ngoại vi của giáo xứ và cộng đoàn mình, đem tinh thần Tin Mừng thấm vào xã hội, chăm sóc, phục vụ những người nghèo…

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tham gia một công tác cụ thể hay gia nhập một hội đoàn trong giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thật hạnh phúc được Chúa yêu thương hiến thân trên thập giá cho con. Xin cho con đừng quên mẫu gương yêu thương hy sinh ấy của Chúa. Xin giúp con biết noi gương Chúa mà thực hành điều răn yêu thương đối với tha nhân. Amen.


09/05/15                                            THỨ BẢY TUẦN 5 PS

                                                                          Ga 15,18-21

“VÌ ANH EM MANG DANH THẦY”

“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15,18)

Suy niệm: Ngày 2/4 vừa qua, một nhóm phiến quân al-Shabab đột nhập một ký túc xá của đại học Garissa ở Kenya thảm sát 147 sinh viên mà hầu hết là ki-tô hữu. Anh Nyabwengi, một sinh viên sống sót cho biết mình chứng kiến một bạn sinh viên vì không đọc được kinh Hồi giáo nên bị kẻ khủng bố cho là Ki-tô hữu và đã bị chúng bắn chết. Chỉ vì “lý lịch” có liên quan với Đức Ki-tô mà các môn đệ của Ngài cũng bị “thế gian ghét bỏ”“thế gian đã ghét Thầy trước.” Quả vậy “Ki-tô hữu” có nghĩa là người “mang danh Đức Ki-tô” nơi bản thân mình, nên người Ki-tô hữu cũng chung chia thân phận với Ngài, đó là cùng vác thập giá với Ngài và rồi sẽ cùng Ngài chung hưởng vinh quang, như thánh Phao-lô xác tín: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống lại với Ngài, đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).

Mời Bạn: Bạn hổ thẹn, nhát sợ khi mang danh là Ki-tô hữu ư? Bạn hãy nhớ Chúa nhắn nhủ chúng ta: “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn;” và Ngài quả quyết: “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 10,28-33).

Chia sẻ: Đừng lầm lẫn việc “bị ghét bỏ vì mang danh Đức Ki-tô” với việc làm cho người ta khinh ghét vì những hành vi lối sống xấu xa của mình.

Sống Lời Chúa: Mạnh dạn sống lời Chúa dạy trong Tám Mối Phúc Thật, cho dù có bị ghét bỏ, bị bách hại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con  bắt chước Chúa yêu mọi người, kể cả những kẻ thù ghét bỏ con.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment