5 Phút cho Lời Chúa Tháng 05-2015

10/05/15                                CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – B

                                                                            Ga 15,9-17

SỐNG TÌNH BẠN VỚI CHÚA GIÊ-SU

“Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15)

Suy niệm: Có những đôi vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long, không còn những biểu hiện sôi nổi, lãng mạn như thuở còn son trẻ, nhưng tình nghĩa vợ chồng vẫn keo sơn gắn bó, lại còn mặn nồng hơn cả thuở ban đầu nữa, chẳng khác nào đôi bạn tri âm tri kỷ nhất trên đời. Thế nên có người nhận xét rằng mọi thứ tình, kể cả tình yêu vợ chồng khi phát triển đến mức hoàn hảo đều qui về tình bạn. Đức Giê-su cho chúng ta dự phần trong gia đình của Chúa khi Ngài dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Thế cũng chưa đủ, trước khi chịu chết để cứu chuộc, Ngài lại còn đối xử với chúng ta bằng mối tình bằng hữu: “Thầy gọi anh em là bạn hữu” vì Ngài không giấu giếm chúng ta “những gì Ngài đã nghe biết nơi Cha Ngài.”

Mời Bạn: Bạn thử nghĩ chúng ta là gì mà đáng được Con Thiên Chúa nhận làm bạn ‘đồng vai đồng vế’ như thế? Bạn có biết chúng ta diễm phúc thế nào không khi được Chúa chia vui sẻ buồn với chúng ta như với người bạn tâm giao như thế? Đã là bạn ‘nối khố’ với nhau, lẽ nào chúng ta không sống thân tình với Ngài? Lẽ nào chúng ta không gánh vác đỡ thập giá với Ngài? Lẽ nào chúng ta lại thoái thác sứ mạng loan báo Tin Mừng Ngài trao cho chúng ta?

Chia sẻ: Một vị thánh nói: Chúa Giê-su làm bạn với ai thì Chúa trao thập giá cho người đó. Bạn suy nghĩ gì về lời đó?

Sống Lời Chúa: Sống thân tình với bạn Giê-su bằng cách: – năng tâm sự với Ngài; – làm một việc mà Chúa ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì yêu con. Con muốn yêu Chúa hết lòng, không tiếc với Chúa điều gì.


11/05/15                                             THỨ HAI TUẦN 6 PS

                                                                     Ga 15,26-16,4a

LÀM CHỨNG VỀ CHÚA

“Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng.” (Ga 15,26-27)

Suy niệm: Hội Thánh không ngừng loan báo Chúa Ki-tô cho mọi người, để họ được nhận biết Chúa Ki-tô mà được ơn cứu độ. Hiệu quả việc loan báo Chúa Ki-tô không do nỗ lực của con người, nhưng do quyền năng của Thánh Thần Đấng Phục Sinh. Như Chúa Giê-su đã nói, chính Chúa Thánh Thần làm chứng về Chúa Giê-su và cũng chính Chúa Thánh Thần tác động trên người loan báo lẫn trong lòng người nghe. Do đó, người tín hữu chịu trách nhiệm về việc nói hoặc câm lặng, còn tính hiệu quả của lời rao giảng là việc của Chúa Thánh Thần. Vì được ơn gọi làm chứng nhân, Ki-tô hữu được đòi buộc loan báo Tin Mừng cho mọi người, nên bao lâu còn có những Ki-tô hữu câm nín, thì đó là nỗi xấu hổ của Giáo Hội, bao lâu còn có những Ki-tô hữu quá tầm thường, uể oải, thì bấy lâu người ta sẽ chưa biết đến khuôn mặt đích thực của Chúa Ki-tô và của Giáo Hội Người.

Mời Bạn: Cuộc đời bạn đã trải qua nhiều năm tháng, tham dự nhiều thánh lễ, đã từng hứa với Chúa quá nhiều lần: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.” Vậy, bạn đã thực hiện lời hứa đó mấy lần?

Sống Lời Chúa: Thực hành một việc hay nói một lời giới thiệu Chúa cho người chung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi hỏi con phải gặp gỡ cá vị với Chúa, nhờ đó con mới mạnh dạn truyền giáo. Mỗi lần gặp gỡ Chúa, xin cho con nhớ lại ơn gọi làm chứng nhân của Chúa mà con đã lãnh nhận.


12/05/15                                              THỨ BA TUẦN 6 PS

Th. Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, tử đạo                      Ga 16,5-11

ÂN HUỆ THÁNH LINH

“Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em… Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai [Đấng Bảo Trợ] ấy đến với anh em.” (Ga 16,7)

Suy niệm: Các môn đệ Chúa Giê-su đau buồn xao xuyến vì sắp chia tay Thầy; thế mà Chúa Giê-su lại trấn an họ rằng việc ra đi của Ngài là “có lợi” cho các ông. Quả vậy, qua cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giê-su khơi nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại. Nhưng để nguồn sống mới đó thấm nhập được nơi các tâm hồn, Chúa Cha sẽ ban Thánh Linh đến và ở cùng Giáo Hội luôn mãi. Thánh Linh sẽ giúp cho các môn đệ hiểu biết giáo huấn của Chúa Giê-su, ban cho các ông sức mạnh để làm chứng về Ngài. Chính Thánh Thần sẽ ban muôn ơn huệ dồi dào làm cho Giáo Hội xinh đẹp, sống dồi dào và luôn hiệp nhất với nhau để tiếp tục sứ vụ sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giê-su ở trần gian. Như vậy Thánh Linh là Đấng đến để hoàn tất sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Như Chúa Giê-su đã nói, Thánh Linh là mối lợi lớn lao nhất, cần thiết nhất cho Giáo Hội và nhân loại. Thế nhưng, chúng ta có nhận ra được điều này không hay chúng ta chỉ tìm những mối lợi tiền bạc của cải trước mắt và không màng chi tới mối lợi tuyệt vời là ơn huệ Thánh Linh?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, tôi luôn luôn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và bàn hỏi với các vị chủ chăn để chọn lựa những gì phù hợp với thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!” Giữa một thế giới chạy theo lợi nhuận vật chất, xin cho con biết nhận ra và quí trọng những ân huệ thiêng liêng Chúa ban. Trong cuộc sống chung nhiều bất hòa và tranh chấp, xin cho con biết âm thầm phục vụ.


13/05/15                                              THỨ TƯ TUẦN 6 PS

Đức Mẹ Fatima                                                Ga 16,12-15

SỰ THẬT TOÀN VẸN

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,12-13)

Suy niệm: Châm ngôn Nga có câu: “Một nửa ổ bánh mì, vẫn là bánh mì; nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Đức Ki-tô khi đến trong trần gian đã đem lại cho nhân loại sự thật về Thiên Chúa tình yêu. Ngài rao giảng sứ điệp đó không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả một cuộc đời hiến tế, để có thể nói lên tiếng nói yêu thương cho đến cùng, cho đến chết trên thánh giá. Tuy nhiên, con đường đó lại là “điên rồ đối với người Hy lạp”, “vấp phạm đối với người Do thái”, và cũng là “nghịch lý” đối với người thời nay. Vì thế, đó cũng là con đường không mấy ai hiểu, không mấy ai theo; hoặc không muốn hiểu, không muốn theo: “Bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Sự thật toàn vẹn đó chỉ có thể hiểu nổi, theo nổi nhờ Thần Khí.

Mời Bạn: Bao lâu còn sống trong thân phận người giữa thế gian, mỗi người Ki-tô hữu, cũng như toàn thể Hội Thánh, phải không ngừng tìm kiếm sự thật toàn vẹn của Thiên Chúa, như đã từng tìm kiếm hơn 2000 năm lịch sử đã qua; và chúng ta chỉ hoàn thành ơn gọi của mình, khi sẵn sàng để Thần Khí hướng dẫn, đồng thời phải đón nhận sự thật đó với bất cứ giá nào. Nếu không chúng ta mới chỉ sống với một nửa sự thật.

Sống Lời Chúa: Trong năm Tân Phúc Âm hoá này, và nhất là để chuẩn bị lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống, bạn tổ chức việc học hỏi Lời Chúa trong gia đình bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Chúa Thánh Thần trong giờ kinh tối gia đình và xin ơn sống theo sự thật toàn vẹn của Chúa.


14/05/15                                           THỨ NĂM TUẦN 6 PS

Th. Mát-thi-a, tông đồ                                      Ga 15,9-17

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.(Ga 15,13)

Suy niệm: Đức Giê-su đã yêu thương loài người không chỉ bằng cách quan tâm đến nhu cầu thể lý như chữa bệnh cho họ, hóa bánh ra nhiều cho họ ăn; mà hơn hết là quan tâm sao cho linh hồn họ được cứu độ. Để thực hiện tình yêu cứu độ này, Người đã trả giá bằng chính cái chết của mình. Đó là bằng chứng cao độ nhất của tình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Thánh Mát-thi-a được chọn làm tông đồ để tham gia sứ vụ mang ơn cứu độ đến cho tha nhân. Thánh nhân đã hăng say loan báo Tin Mừng cứu độ đến mức đã hy sinh mạng sống, minh chứng cho tình yêu như Thầy đã yêu.

Mời Bạn: Thánh Mát-thi-a đã thi hành sứ vụ tông đồ trong yêu thương và yêu thương tới cùng qua việc hy sinh mạng sống mình. Mỗi người Ki-tô hữu chúng ta đều được Chúa chọn, được chia sẻ sứ vụ của Chúa. Nếu chúng ta đáp trả hai ân huệ được này bằng cách yêu thương và yêu thương đến mức hy sinh mạng sống mình, thì chúng ta là những người có tình yêu thương như Thầy đã yêu.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy niềm vui khi tự nguyện hy sinh một điều gì đó như thời gian, sức lực, của cải… không?

Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh dâng lên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chọn  thánh Mát-thi-a làm tông đồ, Chúa cũng chọn chúng con làm tông đồ qua bí tích Thánh tẩy. Xin ban thêm cho chúng con lòng nhiệt tâm tông đồ để chúng con dám yêu đến hy sinh tất cả vì Chúa.


15/05/15                                            THỨ SÁU TUẦN 6 PS

                                                                        Ga 16,20-23a

ĐỨC KI-TÔ, NIỀM HY VỌNG

“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được.” (Ga 16,20)

Suy niệm: Hy vọng là động lực của cuộc sống, nói cách khác, người đánh mất niềm hy vọng thì dù đang sống cũng như đã chết rồi. Quả vậy, làm việc gì, ai cũng mong đợi thành công, nhắm tới một kết quả tốt đẹp: người nông dân chờ mùa bội thu, kẻ buôn bán chờ lợi tức, mẹ cha mong con cái nên người và thành đạt… Đạt được điều mình hy vọng là đem lại niềm vui. Niềm hy vọng trong đời sống thiêng liêng không chỉ là điều mình mong ước sẽ đến trong tương lai, mà là điều chắc chắn sẽ xảy đến vì Chúa đã hứa như vậy. Chính niềm hy vọng này giúp những người tin Chúa có đủ can đảm và sức mạnh để lướt thắng mọi thử thách để đạt được hạnh phúc vĩnh hằng. Niềm hy vọng của tín hữu không ở đâu khác, mà là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Niềm Hy Vọng của các môn đệ, là động lực, là chỗ dựa vững chắc nhất và là niềm vui của người Ki-tô hữu. Niềm vui này không ai lấy mất được một khi người tín hữu đặt trọn niềm cậy trông vào Chúa. Đối với Ki-tô hữu, sống niềm hy vọng ấy là sống nhân đức Cậy.

Mời Bạn: Chính đức Cậy sẽ làm cho chúng ta biết tín thác vào Thiên Chúa trong mọi cảnh sống cuộc đời. Đức Cậy không làm chúng ta thối chí, ngã lòng, nhưng là sức mạnh giúp ta đứng lên và bước tới mỗi khi chồn chân, quỵ ngã.

Chia sẻ: Bạn có chọn Chúa là nguồn trợ lực và là niềm hy vọng cho cuộc đời bạn không?

Sống Lời Chúa: Trước khi bắt đầu công việc, bạn dâng một lời nguyện hay đọc kinh dâng việc làm cho Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy.


16/05/15                                            THỨ BẢY TUẦN 6 PS

                                                                          Ga 16,23-28

CẦU XIN THEO THÁNH Ý CHÚA

“Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.” (Ga 16,23)

Suy niệm: Trước những bế tắc, thất bại trong cuộc sống mà ngay cả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng không giải quyết được, chúng ta dễ chạy đến Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện. Con người là thụ tạo của Thiên Chúa, thân phận hữu hạn và tội lỗi, gặp phải những vận hạn mà hướng về Chúa để kêu cầu, điều đó không có gì sai. Nhưng cầu xin một cách vụ lợi khi cần đến Ngài cứu giúp mà không sống mối tình con thảo với Ngài để rồi lãng quên Ngài khi cuộc đời được trời êm biển lặng thì không chỉ là vô ơn mà còn hạ thấp Thiên Chúa, coi Ngài như một cỗ máy ban ơn. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin không phải là dựa vào công trạng của riêng mình mà là cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa nhân danh Con yêu dấu của Ngài là Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Cầu nguyện là cách diễn tả lòng tin, cậy, mến, để chúng ta sống trong mối tương quan với Thiên Chúa ngày một mật thiết hơn. Có khi nào bạn cầu nguyện như thể bắt buộc Thiên Chúa phải đáp ứng những mưu cầu vụ lợi của bạn không? Dù bạn có những nhu cầu như thế đi nữa, bạn cũng hãy cầu xin với niềm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, với lòng yêu mến Ngài cách thiết tha và nhất là với sự kết hợp thân tình với Đức Ki-tô vì Thiên Chúa sẽ đáp lại lời cầu xin của bạn nhân danh Con yêu dấu của Ngài.

Sống Lời Chúa: Khi cầu xin điều gì, bạn xin vâng theo thánh ý Chúa như Chúa Giê-su dạy trong kinh Lạy Cha.

Cầu nguyện: Lạy Cha, nguyện danh Chúa cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment