5 Phút cho Lời Chúa Tháng 05-2015

24/05/15 CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

                                                                          Ga 20,19-23

“NHỮNG NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG ĐẦY THÁNH THẦN”

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su là “người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”, vì đã thi hành cách tuyệt hảo sứ mạng Chúa Cha giao phó, trong tình yêu và vâng phục. Ngay trong chiều ngày phục sinh, Ngài đã hiện ra với các môn đệ và ủy thác sứ mạng ấy cho các ông. Niềm vui vì được thấy Chúa Phục Sinh xua tan nỗi sợ trong lòng các môn đệ. Căn phòng đóng kín không thể nhốt được Tin Mừng quá đỗi lớn lao này. Nó cần được loan báo, chia sẻ! Chúa Giê-su không để các môn đệ “đơn thương độc mã” trên hành trình sứ mạng, nhưng gửi Chúa Thánh Thần cùng đi với các ông để thánh hóa, dạy dỗ và trợ lực. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Đức Phao-lô VI xác quyết: “Nếu Chúa Thánh Thần không hoạt động thì sẽ không có bất cứ công cuộc Loan báo Tin Mừng nào”. Thật vậy, Người là Đấng hướng dẫn chúng ta bước đi trong tự do nhờ sức mạnh của Thần Khí (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 280).

Mời Bạn: Loan báo Tin Mừng không phải là việc làm phụ tùy, nhưng là sứ mạng thuộc bản chất của Giáo hội, là lý do hiện hữu của Giáo hội! Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khích lệ mọi Ki-tô hữu trở nên đích thực là những môn đệ thừa sai, đầy Thánh Thần, nghĩa là luôn mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lời mời gọi này có đánh động trái tim của bạn không?

Sống Lời Chúa: Lời cầu nguyện đầu ngày của bạn là xin Thánh Thần biến mọi việc trong ngày của bạn thành việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Hát: “Chúng ta cùng đem Tin Mừng đi khắp đó đây…”


25/05/15                                             THỨ HAI TUẦN 8 TN

                                                                          Mc 10,17-27

TÔI PHẢI LÀM GÌ?

Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17)

Suy niệm: Sống, phải có mục đích! Muốn mục đích thì phải muốn phương thế. Và vì thế, câu hỏi tất yếu tiếp theo là: “Tôi phải làm gì để đạt được nó tốt nhất, nhanh nhất?” Người thanh niên trong Tin Mừng đã rất đúng đắn khi đặt mục đích tối hậu của mình là sự sống đời đời và đã hỏi Chúa để biết phải làm gì để đạt được mục đích ấy. Nhưng khi Chúa cho biết phương thế: “Anh chỉ còn thiếu một điều là đem bán hết tài sản mình để cho người nghèo… Rồi hãy đến theo tôi,” anh đã buồn bã bỏ đi. Anh muốn mục đích nhưng đã không dám trả giá, không dám hy sinh từ bỏ để đạt mục đích.

Mời Bạn: Bạn quan tâm điều gì nhất trong cuộc sống và cho cuộc sống hôm nay? “Sự sống đời đời” có là gia nghiệp của bạn không, hay chỉ là mục tiêu thứ yếu? Thế nhưng chướng ngại lớn nhất của chúng ta lại là bản năng “tham, sân, si” khiến chúng ta không dám thực hiện phương thế mà Chúa đề ra.

Chia sẻ: Đức Giê-su nói ai từ bỏ mọi sự vì Ngài và vì Tin Mừng “sẽ được gấp trăm ngay ở đời này” và sự sống vĩnh cửu đời sau. Bạn có cảm nghiệm gì về lời đó không?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên thực hành những hy sinh hãm mình nho nhỏ mỗi ngày để luôn sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa trong những việc lớn lao hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin củng cố và ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và quảng đại  sống Đức Ái với mọi người, đặc biệt những người nghèo chung quanh con.


26/05/15                                              THỨ BA TUẦN 8 TN

Th. Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục                      Mc 10,28-31

TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO CHÚA

Ông Phê-rô thưa Chúa Giê-su: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10,28)

Suy niệm: Bỏ mọi sự là điều kiện phải có để đi theo Chúa, chứ không phải công trạng của người môn đệ để có quyền đòi hỏi Chúa phải đáp đền. Như nhựa cây chỉ dâng cao một khi các cành cây đã được cắt tỉa bớt và cây chỉ sống được nếu các dây leo ký sinh không làm nó tắc nghẽn, thì đối với người môn đệ cũng thế, những hy sinh và từ bỏ phải được thực hiện liên lỉ, không phải một lần là đủ, nhưng từng giây từng phút để lòng mến Chúa và các linh hồn được dâng cao và đời tông đồ được rõ nghĩa. Việc hy sinh và từ bỏ mọi sự nơi người môn đệ chỉ trọn vẹn ý nghĩa một khi chúng làm cho người môn đệ trở nên giống Chúa Giê-su trên thập giá. Bởi, khi bị tước lột hết mọi sự, ngay cả hơi thở sau cùng, Chúa Giê-su mới thốt lên được lời mà cuộc đời Ngài muốn diễn tả: “Mọi sự đã hoàn tất.” Thực vậy, thánh ý của Chúa Cha được Chúa Giê-su hoàn thành trong hy tế thánh giá của Ngài.

Mời Bạn: Bạn có thường tự hào về những đóng góp của bạn cho Giáo Hội không? Bạn có thường kể lể công trạng của bạn không? Lời Chúa hôm nay nhắc nhở bạn có tâm tình gì khi hy sinh và từ bỏ để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Trước mỗi ngày mới, bạn dâng lên Chúa một việc hy sinh và cuối ngày sống, bạn kiểm điểm về việc thực hành lời hứa bạn đã có với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết tận tụy trong mọi công việc phục vụ Chúa và biết dâng lên Chúa những cố gắng của con. Nhưng xin Chúa cho con biết quảng đại, để không đòi lại hay nhắc lại những gì đã hiến dâng, vì tình yêu là hiến dâng.


27/05/15                                              THỨ TƯ TUẦN 9 TN

Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri            Mc 10,32-45

QUYẾT CHỌN ĐƯỜNG KHỔ GIÁ

“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem…” (Mc 10,33)

Suy niệm: “Lên Giê-ru-sa-lem” là một trong những thực hành quan trọng bậc nhất đối với người Do Thái, đặc biệt là ba dịp hành hương lớn nhất trong năm để mừng kỷ niệm những cột mốc trong lịch sử cứu độ của dân tộc, đó là lễ Vượt Qua, lễ Lều và lễ Ngũ Tuần. Cũng như bao người Do Thái khác, Chúa Giê-su đã nhiều lần lên thánh đô trong những dịp trọng đại ấy, nhưng lần này có một ý nghĩa đặc biệt. Giê-ru-sa-lem lúc này như một chảo lửa sục sôi thù hận của những người thuộc phe Pha-ri-sêu và Thượng Hội Đồng Do Thái đang muốn tìm giết Ngài. Lên đấy lúc này là đi vào chỗ chết. Nhưng đây không phải là chuyện “cũng liều nhắm mắt đưa chân.” Với một ý thức rõ rệt và một thái độ quả quyết, Đức Giê-su tự nguyện vâng phục ý định cứu độ của Chúa Cha cho đến chết, để thực hiện điều mà những biến cố ấy tiên báo: Con chiên bị giết trong bữa tiệc Vượt Qua là dấu chỉ báo trước cái chết của Ngài trên thập giá, rằng Ngài chính là “Chiên Thiên Chúa xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Mời Bạn “lên Giê-ru-sa-lem” với Đức Ki-tô để tham gia công trình cứu độ bằng thập giá với Ngài. Thập giá của bạn ngày hôm nay phải chăng là việc bổn phận hằng ngày của bạn? Và cả những thiếu sót, khuyết điểm, những hệ quả do lỗi lầm của tha nhân, của cộng đoàn gây ra mà nay bạn được mời gọi gánh vác lấy để đền bù? Bạn có nhận ra và sẵn lòng vác lấy chúng không?

Sống Lời Chúa: Coi trọng giá trị của những hy sinh hãm mình nho nhỏ để kết hợp với thập giá Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi.


28/05/15                                           THỨ NĂM TUẦN 8 TN

                                                                          Mc 10,46-52

BIẾT MÌNH CẦN CHÚA

“Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi.” (Mc 10,47)

Suy niệm: Anh mù này hằng ngày ngồi ăn xin nơi cửa thành Giê-ri-cô, người ta đã quá nhẵn mặt anh, cả đến cha của anh người ta cũng biết: họ gọi anh là “Ba-ti-mê, con ông Ti-mê” mà! Thế nhưng có lẽ không ai hiểu nỗi lòng khao khát của anh: anh mong “được nhìn thấy”. Nghe người ta kể lại về một ông Giê-su chữa lành nhiều bệnh tật, anh tin rằng chỉ có Người mới có thể cứu anh và anh chờ đợi. Dịp may đến cho anh khi Đức Giê-su đi ngang qua đó. Vừa nghe nói có Đức Giê-su đi tới, anh liền chồm dậy la to, van xin Ngài cứu anh. Mặc cho người ta quát nạt và ngăn cấm, anh càng kêu to hơn. Anh khao khát được thấy. Anh tin rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu chữa anh mà thôi. Anh biết anh cần Chúa! Và Chúa cũng biết anh cần Ngài! Ngài thấy lòng tin đó nơi anh và đã thương cứu chữa: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”

Mời Bạn: Tội lỗi là vật cản lớn nhất cắt đứt con đường dẫn bạn đến hạnh phúc đời đời. Chỉ mình Đức Ki-tô mới có thể cứu bạn khỏi tình trạng bế tắc đó. Bạn có khao khát được giải thoát khỏi tội lỗi và nhận ra mình đang cần Chúa không? Mời bạn đặt trọn niềm tin vào Ngài để bạn được cứu chữa. Bạn đã sẵn sàng cho việc này chưa?

Chia sẻ: Những lúc bạn đụng phải bế tắc trong cuộc sống, bạn có cảm thấy mình cần Chúa như thế nào không?

Sống Lời Chúa: Thầm nguyện tắt xin ơn Chúa trợ giúp và dâng Chúa công việc mình sắp làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con nhận ra mình là một tội nhân cần được Chúa cứu chữa. Xin giúp con luôn khao khát và tìm kiếm Chúa trên mỗi công việc con làm. Amen.


29/05/15                                            THỨ SÁU TUẦN 8 TN

                                                                          Mc 11,11-26

CẦU NGUYỆN, TIN VÀ THA THỨ

“Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin… Nếu có chuyện bất bình với ai, hãy tha thứ cho họ, để Cha là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.” (Mc 11,24-25)

Suy niệm: Từ sự kiện Phê-rô ngỡ ngàng khi thấy cây vả bị Chúa Giê-su rủa ngày hôm trước mà giờ đây đã chết khô, Chúa Giê-su dạy các môn đệ về việc cầu nguyện. Để lời cầu nguyện chắc chắn được Chúa nhậm lời, phải có hai điều kiện. Thứ nhất, đối với Chúa, chúng ta phải tin “trong lòng không chút nghi nan”. Với lòng tin như thế, Chúa nói, chúng ta có thể “chuyển núi, dời non.” Thứ đến, phải biết tha thứ cho anh chị em để mình cũng được Cha trên trời tha thứ cho. Thật chẳng khác nào khi Ngài dạy chúng ta cầu nguyện qua kinh “Lạy Cha”: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Mời Bạn: Bạn cứ cầu nguyện đi và bạn sẽ nhận ra Thiên Chúa thực sự hiện hữu và hiện diện thân tình với bạn. Mỗi khi bạn đứng trước sự ác, hoặc gặp những bất lực bế tắc trong cuộc sống, thay vì có những phản ứng tiêu cực, nóng vội bạo lực, mời bạn cầu nguyện với niềm tin và tình yêu thương tha thứ, bạn sẽ có một tâm thế tích cực để xây dựng một thế giới hoà bình, nơi mọi người thương yêu nhau vì là anh em con cùng một Cha trên trời.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành thời gian để cầu nguyện để lòng luôn hướng về điều thiện, nỗ lực khử trừ sự ác, đồng thời sẵn lòng tha thứ cho những ai đang gây ra sự ác cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban thêm đức Tin và lòng quảng đại cho chúng con để chúng con sẵn lòng tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng con. Amen.


30/05/15                                            THỨ BẢY TUẦN 8 TN

                                                                          Mc 11,27-33

ĐỐI THOẠI ĐỂ HIỂU BIẾT

Họ trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” (Mc 11,33)

Suy niệm: Đối thoại là một trong những phương thế giải quyết mâu thuẫn, đem lại sự hiểu biết và trân quý nhau hơn. Tuy thế, đối thoại chỉ mang lại hiệu quả khi đôi bên đến với nhau với lòng chân thành, cởi mở và tinh thần tôn trọng sự thật. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và giới lãnh đạo Do thái trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra sau khi Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ (x. Mc 11,15-19), một sự kiện náo động đụng chạm trực tiếp đến quyền hành của những người đứng đầu Ír-ra-en. Vì thế, cuộc gặp gỡ này đã không diễn ra trong bầu khí của một cuộc đối thoại đúng nghĩa, bởi lẽ các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã đến với thái độ ganh ghét, thù nghịch. Kết quả là sự thật về Chúa Giê-su đã không được vén mở cho họ, hay nói đúng hơn, chính họ đã khép kín mình và không muốn đón nhận sự thật. Bi kịch của giới lãnh đạo Do thái nằm ở chỗ họ đã không có đủ lòng chân thành và khiêm tốn. Nỗi sợ mất uy tín, địa vị đã khiến họ không dám nhìn nhận sự thật, đẩy họ đến một câu trả lời vô trách nhiệm: “chúng tôi không biết.” Cuộc đối thoại giữa họ và Chúa Giê-su đã đi vào chỗ bế tắc.

Mời Bạn: Nền văn hóa hướng đến đại kết của thời đại chúng ta ưu tiên coi đối thoại là hình thức gặp gỡ để thấu hiểu và cùng cộng tác xây dựng hòa bình (x. EG 244). Bạn có nhận thức được điều này không?

Chia sẻ: Bạn chia sẻ kinh nghiệm về những thành công hoặc thất bại khi đối thoại với người khác.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm xây dựng sự đoàn kết trong giáo xứ bằng việc đối thoại chân thành.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.


31/05/15                                 chúa nhật tuần 9 tn – b

Chúa Ba Ngôi                                                   Mt 28,16-20

ba ngôi trong đời ta

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.” (Mt 28,19)

Suy niệm: “Hãy đem cho tôi một con sâu có thể hiểu thấu một người, rồi tôi sẽ chỉ cho bạn một người có thể hiểu thấu Thiên Chúa Ba Ngôi” (J. Wesley). Thiên Chúa cao cả với ta thật quá cao vời, là một mầu nhiệm cao siêu vượt quá lý trí giới hạn của ta. Con người hoàn toàn mù tịt về Thiên Chúa cho đến khi chính Ngôi Hai từ Thiên Chúa đến nói cho con người biết về chân tướng của Ngài. Theo Chúa Con, Thiên Chúa ấy không đơn độc, nhưng là một gia đình gồm ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba ngôi vị riêng rẽ nhưng hiệp thông trong yêu thương, ân sủng, đến nỗi không là ba, nhưng là một Thiên Chúa.

Mời Bạn: “Khởi đầu công cuộc tạo dựng, Ba Ngôi Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy tạo dựng con người.’ Rồi cũng chính Ba Ngôi ấy lúc khởi đầu Tin Mừng cũng đã phán: ‘Chúng ta hãy cứu con người’.” (J. Ryler). Bạn có nhận ra Ba Ngôi Thiên Chúa đã cho bạn hiện hữu trong cuộc đời, ban tặng ơn cứu độ để bạn được hiệp thông với sự sống thần linh của Ngài ngay trong cuộc sống hôm nay không?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần ghi dấu Thánh giá, tôi làm cách nghiêm trang hơn, ý thức đang tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi trên thân xác mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ, xin giúp con quên mình hoàn toàn, để ở lại trong Chúa, lặng lẽ và an bình… Xin làm cho hồn con bình an thanh thản, xin biến đổi con thành chốn trời cao, thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa, nơi Chúa nghỉ ngơi. Amen. (Elisabeth de Trinité).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment