5 Phút Cho Lời Chúa
Tháng 06- 2013
* * *
Mục Lục
Ngày 1 – 8: Trang 1
* * *
01/06/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 8 TN
Th. Giúttinô, tử đạo Mc 11,27-33
CÓ QUYỀN HAY KHÔNG CÓ QUYỀN?
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (Mc 11,28)
Suy niệm: Những người trong giới lãnh đạo tôn giáo của Do Thái chất vấn Chúa Giêsu về việc mới xảy ra trước đó: Ngài xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, với lời xác quyết: “Nào đã chẳng có lời chép rằng Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”
Đây là sự căng thẳng giữa hai khía cạnh cơ chế và đặc sủng của tôn giáo. Cơ chế –tức đặc tính tổ chức, phẩm trật, quyền bính trong Giáo hội– là điều cần thiết. Nhưng nó chỉ cần thiết để phục vụ cho đặc sủng của Giáo hội, tức Giáo hội hiểu là chứng nhân của Tin Mừng tình yêu và cứu độ. Tách khỏi mục đích này, cơ chế Giáo hội sẽ mất ý nghĩa. Và đó là sự mỉa mai bộc lộ nơi lời chất vấn thẩm quyền Đức Giêsu, một “thường dân” không có chức tước gì trong Do thái giáo thời ấy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng Giáo hội không phải là một tổ chức, một bộ máy, một hệ thống văn phòng…, mà trước hết là một câu chuyện tình yêu!
Mời Bạn quan tâm đến sức sống thực sự của Giáo hội, đó là sống với Chúa và với tha nhân bằng tình yêu tự hiến. Ta đừng quên rằng Giáo hội vững mạnh không vì vẻ ‘hoành tráng’ bên ngoài, mà là ở đời sống chứng tá yêu thương.
Sống Lời Chúa: Dù bạn chỉ là một giáo dân ‘trơn’, cuộc canh tân đời sống Giáo hội vẫn có thể bắt đầu từ bạn đó!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa bị chất vấn vì đã ngăn chặn việc Nhà Thiên Chúa biến thành “sào huyệt của bọn cướp”, xin giúp con luôn biết yêu mến và góp phần thăng tiến sức sống thâm sâu của Giáo hội. Amen.
02/06/13 CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – C
Mình Máu Thánh Chúa Kitô Lc 9,11b-17
CỘNG ĐOÀN THÁNH THỂ, CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG
Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” (Lc 9,14)
Suy niệm: Giả sử “chừng năm ngàn đàn ông” hôm ấy –chưa kể phụ nữ và trẻ em– chen lấn giành giật bánh với cá từ tay Chúa Giêsu để ăn cho thoả mãn, thì hẳn đã không tránh khỏi một cuộc dẫm đạp kinh hoàng. May thay, thảm hoạ đó đã không xảy ra. Mà ngược lại, một cảnh tượng an bình đẹp như thể trong mơ: Theo lệnh Chúa, đám đông được chia thành “từng nhóm khoảng 50 người một” ngồi xuống trên bãi cỏ xanh, bánh và cá được phân phát đến tận nơi, ai nấy đều ăn no, mà lại còn dư 12 thúng đầy bánh vụn nữa chứ! Không chỉ có các tông đồ tất bật với công tác Chúa giao phó: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Với số lượng người đông như vậy, hầu chắc phải có nhiều người từ đám đông cộng tác với các tông đồ để phân phát lương thực tới từng nhóm, từng người. Hình ảnh đó báo trước cộng đoàn Hội Thánh, một cộng đoàn của niềm tin, trong đó mọi người được quy tụ quanh bàn tiệc thánh, hiệp thông với nhau vì cùng chia sẻ một tấm Bánh Thánh là Thân Mình Chúa Kitô, và cùng tham gia đóng góp phần mình trong việc xây dựng cộng đoàn.
Mời Bạn: Bạn được hiệp thông nơi bàn tiệc Thánh Thể, bạn cũng được mời gọi để sự hiệp thông ấy trọn vẹn bằng cách góp tay xây dựng cộng đoàn, giáo xứ của bạn trở thành một cộng đoàn giáo hội hiệp nhất trong tình yêu thương.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác và cộng tác vào việc xây dựng Hội Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp chúng con noi gương Chúa luôn biết hy sinh quên mình để phục vụ anh chị em.
03/06/13 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Th. Carôlô Loanga và các bạn tử đạo Mc 12,1-12
TRÁCH NHIỆM VÀ VINH DỰ
“Bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài ấy sẽ về tay ta!’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.” (Mc 12,7-8)
Suy niệm: Những tên tá điền trong dụ ngôn thật độc ác và tham lam lam. Ông chủ vườn nho đã sắp đặt chu đáo, nào là rào dậu, khoét bồn đạp nho lại còn xây tháp canh. Các tá điền chỉ việc chăm sóc vườn nho và sinh hoa lợi. Thế mà khi người chủ sai đầy tớ đến thu hoa lợi, thì họ lại cư xử thật ngạo ngược ngang tàng: đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ; thậm chí cả người con của ông chủ cũng bị họ sát hại không thương tiếc. Chúa Giêsu ám chỉ thái độ của người Do Thái đối với các ngôn sứ được Chúa sai đến và nhất là đối với chính Ngài là Con Một Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến.
Mời Bạn: Thái độ của người Do Thái cũng có thể là thái độ của tôi, khi tôi chưa yêu mến Giáo Hội đủ, chưa cộng tác với những người đại điện của Chúa trong cộng đoàn và nhất là khi tôi còn sống trong tội lỗi. Mel Gibson vừa là đạo diễn vừa là người đóng vai quân dữ cầm búa trực tiếp đóng đinh Chúa Giêsu trong bộ phim “12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu”, muốn nói với mọi người rằng: Mỗi người chúng ta, trong tội lỗi, đều tham dự vào việc đóng đinh Chúa và đều chịu trách nhiệm về cái chết của Người.
Chia sẻ: Bạn có đảm nhiệm công tác gì, tham gia hoạt động nào trong giáo xứ của bạn không? Nếu có, bạn đang tham gia với thái độ nào?
Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng tham gia những hoạt động bác ái, tông đồ trong giáo xứ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
04/06/13 THỨ BA TUẦN 9 TN
Mc 12,13-17
DÁM SỐNG THEO SỰ THẬT
Biết họ giả hình, Đức Giê-su nói: “Tại sao các người lại thử tôi?” (Mc 12,15)
Suy niệm: Đạo diễn Trần Văn Thuỷ trong cuốn tự truyện “Chuyện nghề của Thủy”, nhận định: “Một xã hội gồm những con người vô đạo, không biết sợ cái gì, tin vào cái gì là một xã hội cực kỳ nguy hiểm.” Nguy hiểm vì những con người vô đạo ấy dám làm mọi điều, kể cả giả dối, để thỏa mãn sự vô đạo của mình. Chính sự giả dối đã làm cho con người không còn tin vào bất cứ điều gì nữa, thậm chí không còn tin vào nhau. Họ không chỉ giả dối với nhau mà còn giả dối với Thiên Chúa, chối bỏ sự hiện diện của Ngài trong chính họ. Trong một xã hội như thế, sự giả dối vây quanh, chen vào tận ngõ ngách tâm hồn, sản sinh loại giả dối này đến loại giả dối khác. Đó là biểu hiện của sự sa sút đạo đức và sự thống trị của ma quỷ, vì ma quỷ là “cha của sự giả dối” (Ga 8,44). Chúa Giêsu muốn lột trần mặt nạ giả dối của con người: “Tại sao các ngươi lại thử tôi,” để mỗi người nhận rõ khuôn mặt thật của mình, khuôn mặt của con Thiên Chúa và tâm lòng giống “hình ảnh Thiên Chúa”. Ai thuộc về sự thật thì thuộc về Chúa.
Mời Bạn: “Không có gì cao hơn sự thật và không có gì thấp hơn sự dối trá.” Đáng tiếc rằng nhiều người không dám vươn cao lên để sống sao cho ra người và là người con của Chúa, không dám sống theo Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Còn bạn thì sao?
Chia sẻ: Có lắm khi chúng ta không dám sống chân thật. Tại sao thế?
Sống Lời Chúa: Nói lời chân thật và sống chân thật với mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sống theo sự thật, vì Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, dù phải chịu thiệt thòi vì sống chân thật.
05/06/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Bôniphát, giám mục, tử đạo Mc 12,18-27
TIN VÀO CHÚA CỦA KẺ SỐNG
“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống.” (Mc 12,27)
Suy niệm: Nhiều người thời nay vẫn quan niệm dương sao âm vậy, nghĩa là khi sống ăn uống, sinh hoạt làm sao, thì khi chết cũng vẫn như vậy. Những người thuộc nhóm Sađốc xưa cũng nghĩ như thế khi họ đưa ra vấn nạn một người phụ nữ đã cưới bảy đời chồng, khi chết sang thế giới bên kia sẽ là vợ của ai. Họ muốn “đánh đố” Chúa Giêsu để dựa vào đó mà bác bỏ niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau. Đây là dịp thuận tiện để Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta giáo lý về sự sống đời sau trên Nước Chúa: Lúc đó, con người không còn ăn uống, không còn lấy vợ lấy chồng nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.
Mời Bạn: Tin vào sự sống đời sau, và muốn được sống mãi trong đời sống mới là khát vọng của cả nhân loại. Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của cuộc đời mai hậu với một thực tại siêu việt, thần thiêng. Và hơn nữa Ngài còn mời gọi chúng ta đi vào chung hưởng cuộc sống đó trong tình thân với Ngài.
Chia sẻ: Có những Kitô hữu, tuyên bố tin vào sự sống đời sau, nhưng vẫn sống theo quan niệm “dương sao âm vậy” và thực hành mê tín dị đoan. Làm thế nào để niềm tin vào Đức Kitô phục sinh của bạn toả sáng tinh thần lạc quan vui sống ở đời này và tràn đầy hy vọng đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu đời sau?
Sống Lời Chúa: Thánh hoá các công việc thường ngày của để đạt tới cuộc sống vĩnh cửu đời sau, bằng cách làm mọi việc: 1) với ý hướng yêu thương phục vụ tha nhân; và 2) trong tâm tình kết hợp với Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy.
06/06/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Nobetô, giám mục Mc 12,28-34
DUY MỘT GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)
Suy niệm: Đức cha Luis A. Tagle, tổng giám mục Manila, ngay trước khi nhận tước vị hồng y vào tháng 11/2012, đã nhận định trong một cuộc phỏng vấn rằng một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa sẽ giúp củng cố những mối tương quan nhân loại được tốt đẹp; vì chỉ khi có niềm tin vào Thiên Chúa, người ta mới có thể thực sự tin tưởng lẫn nhau, và điều đó giúp xây dựng một xã hội lành mạnh. Nhận định trên chính là cách diễn giải lời Chúa Giêsu nói hôm nay: quy chiếu toàn thể lề luật vào giới răn trọng nhất là Mến Chúa Yêu Người. Quả thật, lòng nhân ái có đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa mới phong phú vững bền và không sợ bị biến chất thành một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng, giả dối.
Mời Bạn: Người ta nói nhiều về tình yêu, nhưng thực tế giữa người với người vẫn đầy những đố kỵ, ghen ghét, thế giới vẫn còn chiến tranh, hận thù. Phải chăng vì chúng ta vẫn mắc chứng phân liệt thiêng liêng: chia tách tình Chúa ra khỏi tình người? Có khi người ta cho rằng không cần có Thượng Đế, con người vẫn có thể tạo ra một xã hội tốt đẹp; nhưng kinh nghiệm cho thấy chưa bao giờ người ta thành công về điều đó. Tệ hại hơn có khi người ta nhân danh Thượng Đế để lìa bỏ nhau, thậm chí tiêu diệt nhau. Bạn nhớ Chúa dạy tình yêu chỉ có một, Mến Chúa Yêu Người chỉ là một giới răn, giới răn trọng nhất!
Sống Lời Chúa: Sống phương châm: Nhìn thấy Chúa trong mọi người và nhìn mọi người trong Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con luôn biết yêu anh em như Chúa yêu con.
07/06/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Thánh Tâm Chúa Giêsu Lc 15,3-7
TÌNH YÊU KHIÊM TỐN
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên lạc mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15,4)
Suy niệm: Đối với tội nhân, Chúa Giêsu ví mình như người mục tử đi tìm con chiên lạc. Ngài không phải là vị Thiên Chúa xa cách, khinh rẻ kẻ có tội nhưng là một Thiên Chúa yêu thương, sẵn sàng hạ mình, cất công đi tìm chiên xa đàn, vui mừng khi tìm thấy, tha thứ và đưa chiên về đàn. Ngài đi tìm kiếm tội nhân không phải vì Ngài cần gì nơi họ nhưng chỉ vì Ngài muốn ban phát một tình yêu vô điều kiện và chỉ để chia sẻ hạnh phúc cho người được Ngài yêu thương. “Thiên Chúa dựng nên Ađam không phải vì cần con người, nhưng là để có một người mà ngài tuôn đổ hồng ân trên người đó” (Thánh Irênê).
Mời Bạn: Thái độ của Chúa Giêsu đem lại hy vọng cho người lạc bước. Ngài nêu gương “hiền lành khiêm nhường trong lòng” trong thái độ phải có đối với tội nhân: sẵn sàng tha thứ, nhẫn nại đợi chờ, luôn yêu cầu nguyện cho họ được mau trở về cùng Chúa.
Sống Lời Chúa: Thực hành lời khuyên của thánh Don Bosco: “Không để lòng sôi sục, không được có khóe nhìn khinh bỉ, không được phép dùng lời ăn tiếng nói nhục mạ ai. Nhưng ta hãy cứ cảm thông lúc này và hi vọng vào tương lai.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con cách đến với mọi người và khám phá đốm lửa nhỏ của sự thiện vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi. Ước gì chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa dám hy vọng vào tất cả mọi người và can đảm tin tưởng vào sự quảng đại của họ nhờ đó thế giới chúng con trở nên nhân bản và thần linh hơn.” (Thắp Sáng Niềm Tin, 152)
08/06/13 THỨ BẢY TUẦN 9 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Lc 2,41-51
TRÁI TIM MẸ: TRÁI TIM YÊU CHÚA
Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng. (Lc 2,51)
Suy niệm: “Tôn sùng Trái Tim Mẹ” là một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đã truyền khi hiện ra tại Fatima năm 1917. Trước đó, vào thế kỷ XII, lòng sùng kính Trái Tim Mẹ đã được các nhà thần học khởi xướng. Cho đến ngày 8 tháng 12 năm 1942, Đức Piô XII đã long trọng dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Đây là việc thực hành đúng đắn và ý nghĩa mà Giáo Hội dành riêng để kính Mẹ, người Mẹ của Đấng đã vì yêu mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8). Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ là tình yêu nguyên tuyền, trong sạch của Mẹ dành cho Thiên Chúa, cũng chính là Trái Tim đã để cho tình yêu Chúa chiếm đoạt, để rồi suốt đời Mẹ là lời đáp trả “xin vâng” trọn vẹn cho thánh ý Chúa. Việc Mẹ Maria luôn luôn ghi nhớ và suy niệm những việc Chúa làm nơi Mẹ là dấu chỉ Trái Tim Mẹ luôn luôn thuộc về Chúa. Nơi Trái Tim Mẹ, chương trình cứu độ của Chúa được thực hiện một cách viên mãn và tròn đầy.
Mời Bạn: Thánh Amađêô đã nói: “Tình yêu tự nhiên đối với Chúa là Con Mẹ và tình yêu siêu nhiên đối với Chúa là Thiên Chúa của Mẹ đều qui tụ trong Trái Tim Mẹ Maria.” Mẹ yêu Chúa nhiều nên con tim Mẹ luôn quy hướng về Chúa và suy nghĩ những điều thuộc về Chúa. Chúng ta nói rằng mình yêu mến Chúa thì tất cả lời nói hay việc làm đều phải quy hướng về Chúa.
Sống Lời Chúa: Dâng lên Mẹ một lời cầu xin Mẹ đồng hành với bạn mỗi khi bạn đọc và suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Xin Mẹ dạy con biết noi gương Mẹ: tất cả vì Chúa và cho ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời con. Amen.