5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 06-2013

09/06/13 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – C

                                       Lc 7,11-17


SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA


“Một vị ngôn sứ vĩ đại xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” (Lc 7,16)

Suy niệm: Dân chúng vô cùng thán phục khi chứng kiến việc Chúa Giê-su làm cho con trai bà góa thành Na-in chỗi dậy từ cõi chết. Họ ca tụng Ngài là vị ngôn sứ vĩ đại, và qua Ngài, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Dấu chỉ để họ nhận ra sự vĩ đại của Thiên Chúa là làm cho kẻ chết sống lại –bởi đặc tính của Ngài là làm cho sống. Nhưng một vài trường hợp được sống lại từ cõi chết –như trường hợp này, hay La-da-rô chết chôn bốn ngày sống lại (Ga 11,1-45)– chỉ là dấu chỉ cho một công trình vĩ đại hơn. Thiên Chúa viếng thăm không chỉ một số người Ít-ra-en, mà là toàn thể nhân loại; không chỉ hoàn sinh để rồi lại chết, mà là sự sống trường cửu, sự sống đời đời mà được ban cho nhân loại nhờ sự phục sinh của chính Ngài. Rất tiếc, nhiều người không nhận ra sự vĩ đại này của Thiên Chúa!

Mời Bạn: Có khi chính chúng ta cũng không nhận ra sự vĩ đại đó: Chúng ta tạ ơn Chúa khi được tai qua nạn khỏi, nhưng lại rất khó chấp nhận –chẳng hạn– việc Chúa gọi chúng ta từ bỏ cõi đời này để vào cõi vĩnh hằng với Ngài. Tin vào sự vĩ đại của Thiên Chúa để được sống đời đời: Thật đơn giản, đó chính là tin vào Đức Ki-tô, bởi: “Ai tin vào Ngài thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Sống Lời Chúa: Hãy siêng năng đến với Bí tích Thánh Thể, vì Đấng Vĩ Đại từng nói: “Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời” (Ga 6,54).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống lại và là sự sống. Xin ban thêm niềm tin cho chúng con, để chúng con cùng vác thập giá với Chúa trong cuộc đời để sẽ được cùng sống lại với Chúa.

 

10/06/13    THỨ HAI TUẦN 10 TN

                                         Mt 5,1-12


TIN VÀ ĐƯỢC TÁI SINH


“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

Suy niệm: Chúa muốn cho chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10) chứ đâu có muốn chúng ta phải sống nghèo khổ, túng quẫn! Vậy phải hiểu thế nào về nghèo khó? Theo chú thích từ cuốn Kinh Thánh Tân Ước do Nhóm Phiên dịch CGKPV, nghèo khó không phải là thiếu thốn mà là “tin và được tái sinh.” Vì vậy, thay vì nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,” ta có thể nói: “Phúc thay ai có lòng tin và ai được tái sinh, vì Nước Trời là của họ.” Tin và được tái sinh là điều kiện để được vào Nước Trời. Quả vậy, Đức Giêsu đã sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng để “ai tin và chịu phép rửa thì được cứu rỗi” (x. Mc 16,15-16). Chúa cũng đã nói với ông Nicôđêmô: “Thật tôi bảo thật ông, không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,3).

Mời Bạn: Điều kiện để được vào Nước Trời là tin và được tái sinh. Những ai tin và được tái sinh, thì được trở thành con của Thiên Chúa. Họ được phú ban sự sống mới, sự sống siêu nhiên và viên mãn mà sự sống tự nhiên không thể nào sánh bằng. Lòng tin đó khiến họ có tinh thần phó thác, vì có Chúa làm gia nghiệp đời mình. Làm giàu bằng của cải vật chất không còn là mục tiêu phải đạt được với bất cứ giá nào nữa.

Sống Lời Chúa: Chỉ tạo vật nào giúp tôi đạt đến hạnh phúc Nước Trời mới làm tôi trở nên giàu có trước mặt Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đã tin và được tái sinh. Xin cho chúng con cảm nghiệm được hạnh phúc cao cả này, để chúng con có thể nói rằng, phúc cho chúng con là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của chúng con.


11/06/13     THỨ BA TUẦN 10 TN

Th. Banaba tông đồ      Mt 10,7-13


TIN MỪNG TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM


“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần … Vào nhà nào anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy…” (Mt 10,7.12)

Suy niệm: Để chuẩn bị cho một “sô” diễn, một ca sĩ chuyên nghiệp không chỉ cậy dựa vào giọng ca thiên phú của mình mà còn phải vận dụng cả một đoàn các chuyên gia về mọi lĩnh vực: âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ với những công nghệ hiện đại, ấy là chưa kể đến những người quản lý, quảng cáo, tiếp thị… Chúa Giêsu không coi việc loan báo Tin Mừng như một “sô” diễn ca nhạc như thế. Cho nên Ngài sai các tông đồ lên đường rao giảng mà căn dặn các ông không cần mang theo “vàng bạc hay tiền giắt lưng” thậm chí không cần cả đến những vật dụng thiết yếu nhất cho cuộc lữ hành đường dài như “bao bị, giày dép, gậy đi đường…” Hành trang không thể thiếu cho người tông đồ là Tin Mừng Nước Thiên Chúa mà họ được lệnh phải đem “biếu không” và sự bình an mà họ cầu chúc cho mọi nhà họ đặt chân đến. Tin Mừng phải chan chứa đầy con tim của người tông đồ và phải chạm được đến con tim của người nghe.

Mời Bạn: Bạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, thế nhưng bạn có thao thức vì biết bao anh chị em chung quanh bạn chưa biết, chưa yêu mến và chưa tin Ngài không?

Chia sẻ: Trao đổi trong nhóm về những phương thế để loan báo Tin Mừng cách cụ thể trong môi trường sống của bạn.

Sống Lời Chúa: Trong Năm Đức Tin này, bạn dâng lời cầu nguyện và hy sinh cầu cho một bạn lương dân và bạn sẵn sàng giới thiệu Chúa cho người ấy mỗi khi Chúa thúc đẩy bạn làm điều đó.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha với ý chỉ như trên.

 

12/06/13     THỨ TƯ TUẦN 10 TN

                                       Mt 5,17-19


ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN


“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5,17-18)

Suy niệm: Lập trường của Chúa Giê-su đối với luật Môsê và lời các tiên tri, nghĩa là đối với Cựu ước, là “không phá đổ, nhưng kiện toàn”. Bằng cách:

+ Lề luật phải phục vụ con người đồng thời giúp con người tìm về thánh ý Thiên Chúa được gói ghém trong đó. Trong Cựu Ước, luật đã bị méo mó do cách giải thích quá tỉ mỉ và nặng hình thức của Pharisiêu và kinh sư. Lề Luật, thay vì diễn tả giao ước tình thương lại trở thành gánh nặng, thay vì phục vụ lại đè bẹp con người.

+ Luật không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại tấm lòng bên trong – luật được nâng lên tầm cỡ Tin Mừng – con người có được vào Nước Trời hay không, tuỳ thuộc vào việc tuân giữ luật đó: luật Tình yêu.

Mời Bạn: Việc thực hành lề luật phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến, là cốt mốc chỉ đường, dẫn ta đến chỗ sống chan hoà với Chúa và với anh em, đó là cách sống luật của người kitô hữu mà Chúa muốn.

Chia sẻ: Kiểm điểm lại việc giữ luật Hội Thánh của bạn. Bạn đi lễ ngày Chúa nhật, giữ các giáo luật vì tình yêu hay chiếu lệ?

Sống Lời Chúa: Sắp đặt công việc để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật với tâm hồn vui tươi thay vì miễn cưỡng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin khắc ghi lề luật tình yêu Chúa vào tận trái tim con để đời con hết cằn cỗi, khô khan.

 

13/06/13 THỨ NĂM TUẦN 10 TN

Th. Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh Mt 5,20-26


HÃY ĐI LÀM HOÀ


“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đó đã, rồi trở lại đây dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)

Suy niệm: Theo luật cũ, nếu trước khi dâng lễ, người Do Thái cảm thấy mình nhơ uế (Lv 15,27) thì họ phải thanh tẩy trước đã. Cũng thế, Chúa cũng đòi hỏi Kitô hữu một phản ứng như vậy, nếu trước khi dâng lễ họ nhớ mình đang ở trong tình trạng bất hòa với tha nhân. Thái độ đối với tha nhân quyết định giá trị của việc bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Người ta dễ quan tâm đến việc thờ phượng Thiên Chúa, mà lơ là bổn phận tha thứ và yêu thương đối với tha nhân. Đạo Chúa là đạo Bác ái, yêu thương, tha thứ, làm hòa là mở ra con đường cho người anh em hoán cải.

Mời Bạn: Nét đặc trưng của môn đệ Chúa, và của Kitô hữu là yêu thương, tha thứ, cảm thông, đối thoại… điều này xem ra khó đối với bạn, nhưng lại rất cần thiết cho đời sống đạo, nên Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”

Chia sẻ: Nhớ lại một lần bạn gặp chuyện xích mích mà bạn cảm thấy khó làm hoà. Thử phân tích lý do –về phía bạn thôi– tại sao như thế.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy cố gắng làm hòa với một người nào đó có sự bất bình với bạn. Sống chan hòa yêu thương trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống theo lời Chúa dạy, đừng bao giờ để lòng ghen ghét và hận thù ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ lời nói và việc làm của chúng con nhưng xin cho chúng con luôn biết tha thứ và sống chan hòa tình yêu Chúa.

 

14/06/13   THỨ SÁU TUẦN 10 TN

                                       Mt 5,27-32


THÀ MẤT MẮT, MẤT TAY CÒN HƠN PHẠM TỘI


“Nếu mắt phải của anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào ngục.” (Mt 5,29)

Suy niệm: Mắt là cửa sổ tâm hồn. Ánh mắt làm nên một con người. Nhìn vào mắt người khác, chúng ta có thể đoán biết người đối diện đang muốn gì. Mắt không chỉ giúp chúng ta nhận thức sự vật mà còn biểu hiện được lòng ước muốn khát khao. Tay cũng là cửa ngõ để con người giao tiếp với thế giới bên ngoài, để biểu lộ chính mình qua những cử chỉ và hành động. Mắt và tay là hai chi thể tối quan trọng trong cơ thể của chúng ta. Mất tay, mất mắt quả thực là đau lắm. Thế mà Thầy chúng ta dạy: thà mất một phần thân thể còn hơn toàn thân phải sa hỏa ngục: nếu mắt phạm tội thì móc mắt ném đi; nếu tay phạm tội thì chặt nó ném đi. Ngài dạy chúng ta phải loại trừ tội lỗi cách triệt để, không khoan nhượng dù phải hy sinh đến mức cắt tay móc mắt nếu chúng “làm cớ” cho chúng ta phạm tội.

Mời Bạn: Cảm nhận được lời mời gọi của Thầy Giêsu, chúng ta cùng tuyên chiến không sống chung với tội lỗi, trái lại sống theo luật của Ngài, dám khao khát và thực hiện đời sống thánh thiện cách trọn hảo ngay ở giữa thế gian này.

Sống Lời Chúa: Làm chứng cho đạo lý truyền thống Kitô giáo nơi tôi ở, trong môi trường tôi sống bằng cách kiên quyết khước từ tội lỗi và cả những gì “làm cớ” cho tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giêsu, sống theo lời Thầy dạy giữa xã hội hôm nay thật là một thách đố lớn lao cho chúng con. Xin thêm sức để chúng con sống triệt để theo Tin Mừng dù phải chiến đấu liên lỉ với bản thân, dù phải hy sinh những gì thiết thân nhất.

 

15/05/13   THỨ BẢY TUẦN 10 TN

                                       Mt 5,33-37


ĐỂ CHÂN LÝ HƯỚNG DẪN BẠN


Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt 5,37)

Suy niệm: Trong những công việc tối quan trọng, để bảo đảm được tính chân thật của công việc đó, người xưa đã dùng đến lời thề. Thề là dựa vào thế giá của một thẩm quyền linh thiêng cao cả để khẳng định tính chân thật của một sự kiện mà họ muốn chứng minh. Để sống trong chân lý, con người phải để cho mình được chân lý hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu đưa ra một phương pháp đơn sơ để sống trong chân lý: ‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’, thêm thắt điều gì là do ác quỷ. Ai sống theo chân lý thì chẳng cần phải có lời thề nào cả.

Mời Bạn: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô trong một lần nói chuyện tại Assisi đã nói: “Không ai sở hữu chân lý, nhưng chính chúng ta thuộc về chân lý”. Để thuộc về chân lý, ở lại trong chân lý, chúng ta phải để cho chính mình luôn luôn được chân lý chất vấn và hướng dẫn chúng ta. Thái độ chân thành đó thật cần thiết để làm cho chân lý được tỏa sáng và nhờ đó thế giới được được soi sáng để đạt tới ơn cứu độ.

Sống Lời Chúa: Chúa Giêsu đã dùng câu hỏi ‘có’ hay ‘không’ để hỏi Phêrô trước khi trao cho ông sứ vụ chăn dắt đoàn chiên: “Con ‘có’ yêu mến thầy ‘không’? Khi nào bạn ngập ngừng không biết quyết định thế nào cho đúng với sự thật, bạn hãy bắt đầu với câu hỏi ‘có’ hay ‘không’ căn bản này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong một xã hội mà ở đó đúng sai, thật giả không còn được phân biệt rạch ròi. Xin cho chúng con được sự thật là chính Chúa, luôn luôn hướng dẫn chúng con trong mọi tình huống của đời sống. Amen.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment