22/06/14 CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – A
Lễ Mình Máu Chúa Ki-tô Ga 6,51-58
SAO CHÚA YÊU NHIỀU THẾ!
“Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,58)
Suy niệm: Khát vọng thẳm sâu nơi cõi lòng con người là yêu và được yêu, cùng sống mãi trong tình yêu. Chúa Giê-su luôn khát khao và đi bước trước để ngỏ lời yêu thương, để đổ đầy tình yêu của Ngài vào trái tim chúng ta, để mong mỏi chúng ta cảm nhận được tình yêu của Ngài, và để chúng ta sống mãi. Tình Yêu Chung Thủy của Chúa không chỉ hiến dâng tâm hồn mà trọn cả thân mình Ngài nữa. Chúa tự tỏ bày: thịt và máu của Chúa chính là của ăn tuyệt hảo nhất; con người ăn vào sẽ không bao giờ còn đói khát nữa. Chúa tự nguyện hiến trao sự sống: là thịt và máu của Chúa để cho chúng ta lãnh nhận và được sống mãi như Chúa. Chúa không chỉ tỏ lộ: Chúa là Bánh hằng sống từ trời xuống. Chúa còn kêu mời chúng ta: hãy ăn Ngài – ‘Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống’. Sao Chúa yêu chúng ta nhiều đến thế!
Mời Bạn: Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI nói: đau khổ lớn nhất của con người không phải là thiếu thốn vật chất, nhưng là thiếu vắng tình yêu. Chúa Giê-su là đại dương tình yêu. Mong bạn nhận ra tình yêu của Ngài, để bạn kết nối, tựa mình vào Ngài, để trái tim bạn rạo rực, vui sướng, hạnh phúc vì được yêu; mong bạn cảm nhận được điều đó mỗi khi rước lễ!
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng tâm hồn để rước Mình Thánh Chúa mỗi khi có thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Thánh Thể Chúa là sự hiện diện đích thực của Chúa đang ở với chúng con, để yêu chúng con. Xin cho chúng con đầy lòng tin tưởng, sốt mến mỗi khi rước Mình và Máu Thánh Chúa. Amen.
23/06/14 THỨ HAI TUẦN 12 TN
Mt 7,1-5
SỬA MÌNH TRƯỚC ĐÃ
“Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình lại không để ý tới?… Lấy cái xà khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mt 7,3.5)
Suy niệm: Có ba cái nhìn về một người: cái nhìn khách quan của người khác về ta, cái nhìn chủ quan của ta về chính mình và cái nhìn của Thiên Chúa về ta. Người khác nhìn ta từ bên ngoài, nên không thấy rõ mọi ngóc ngách của tâm hồn ta. Cái nhìn chủ quan của ta về mình cũng có thể sai lạc vì mình thường nghĩ tốt về mình. Chỉ mình Thiên Chúa mới có cái nhìn chính xác về ta, vì vậy chỉ mình Ngài mới có đủ khả năng và thẩm quyền để xét đoán ta.
Chúa dạy ta đừng vội xét đoán người anh em. Lý do: thói thường nhìn người khác chỉ thấy điều xấu, còn nhìn chính mình thì chỉ thấy điều tốt. Vì thế, trước khi sửa lỗi người khác, hãy sửa lỗi mình trước. Có lẽ ai cũng thấy được ta chẳng bao giờ sửa cho hết các thói hư tật xấu của mình, do đó, ta chẳng khi nào dám sửa lỗi anh em, khi không cần thiết.
Mời Bạn: Kiểm điểm bản thân để tháo gỡ những cái xà to tướng đang che khuất mắt mình, nhờ đó có cái nhìn khách quan và bao dung hơn đối với những khuyết diểm của anh em.
Sống Lời Chúa: Lâu nay bạn hay chỉ trích ai? Theo lời Chúa mời gọi hôm nay, bạn sẽ chừa bỏ thói xấu này bằng một hành động tích cực: nhận ra một đức tính tốt nơi người anh em đó và cầu nguyện cho người đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con thật bất công và lỗi bác ái khi xét đoán người anh em mà con không ưa thích. Xin Chúa tha thứ cho con. Xin giúp con nhớ rằng con không được quyền xét xử ai. Amen.
24/06/14 THỨ BA TUẦN 12 TN
Sinh nhật th. Gioan Tẩy Giả Lc 1,57-66.80
NIỀM VUI CHÀO ĐỜI
Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” (Lc 1,66)
Suy niệm: Câu chuyện ngày Gio-an chào đời bắt đầu bằng niềm vui của láng giềng và kết thúc bằng một dấu hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Dễ hiểu niềm vui này: vui vì một con người được sinh ra, hơn thế nữa, vui vì em bé này là đứa con của lòng dạ son sẻ. Và còn một niềm vui nữa mà láng giềng chỉ mới cảm nhận lờ mờ: Em bé này có một sứ mạng gắn liền với Đấng Mê-si-a, trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thế nhưng nếu như biết trước được rằng Gio-an sẽ kết thúc cuộc đời bằng những ngày tăm tối và cái chết bi thảm trong tù ngục, thì liệu niềm vui chào đời này có trở thành vô duyên, hụt hẫng không? Câu hỏi “đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây” đưa chúng ta đến chỗ cảm nghiệm đầy đủ ý nghĩa của niềm vui trong toàn bộ đời sống và sứ mạng của Gio-an: đó là sinh ra để thi hành sứ mạng ngôn sứ dọn đường cho Đức Ki-tô và chết đi cũng là để hoàn thành sứ mạng ấy.
Mời Bạn: Mỗi chúng ta hẳn đã từng được người xung quanh nhìn và tự hỏi “đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Mỗi người chúng ta tự đặt câu hỏi ấy với chính mình. Và mỗi chúng ta đều đang hằng ngày vén mở câu trả lời cho dấu hỏi ấy, bằng những sự chọn lựa và thái độ sống của mình.
Sống Lời Chúa: Theo gương Gio-an, tôi sống gắn chặt với sứ mạng của Chúa Giê-su, để làm cho sự kiện chào đời của mình trở thành thực sự là “hồng ân sự sống”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con chỉ biết sống và chết cho Chúa, vì đó là cách tốt nhất để con sống đời con. Amen.
25/06/14 THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Mt 7,15-20
“NGÔN SỨ GIẢ” Ở ĐÂU?
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”(Mt 7,15-16)
Suy niệm: Xem quả thì biết cây. Chúa Giê-su áp dụng nguyên tắc vàng đó cho việc phân định hành vi tốt xấu của con người. Theo kinh nghiệm thông thường về trồng trọt, cây giống tốt sẽ sinh trái ngon ngọt; và ngược lại cây giống yếu chỉ có thể sinh trái chua chát quắt queo. Chúa Giê-su dạy muốn phân định một ngôn sứ giả hay thật đừng chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời. Trái lại hoa trái đạo đức đích thực phải là kết quả của cả cuộc sống lâu dài bền bỉ và sâu thẳm từ trong tâm hồn.
Mời Bạn: Tôi có đang “chứa chấp” một “ông ngôn sứ giả” nào đó ngay trong lòng tôi, qua lối sống bên ngoài có vẻ đạo đức, từ bi bác ái làm vỏ bọc cho bản chất “tham, sân, si” bên trong hay không? Có khi nào tôi đã khởi đầu công việc với tâm tình đơn sơ thánh thiện nhưng rồi sau đó để mình bị lèo lái bởi những mong ước ích kỷ, những đam mê dục vọng tối tăm? Sau khi làm xong một việc, tôi cảm thấy bình an hay xáo trộn trong tâm hồn? Mời bạn tự vấn bằng những câu hỏi trên để phát hiện những “ngôn sứ giả” ẩn nấp trong lòng bạn.
Chia sẻ: Có phân định được “ngôn sứ giả” trong lòng bạn thì mới có thể phân định “ngôn sứ giả” trong đời sống hằng ngày của bạn.
Sống Lời Chúa: Thực hiện nghiêm túc phút xét mình trong giờ kinh tối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con hãy xem quả để biết được cây. Xin ban ơn thêm sức để chúng con trung thành thực thi Lời Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn. Amen.
26/06/14 THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Mt 7,21-29
LỜI CHÚA LÀ NỀN MÓNG CHO CUỘC ĐỜI
“Ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà mình trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão tố ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.” (Mt 7,24-25)
Suy niệm: Tuỳ vào mục đích của công trình, người ta chọn vật liệu cho tương xứng. Làm một nhà kho tạm thì không cần tốn kém mua vật liệu tuổi thọ cao, nhưng làm một lâu đài hay một thánh đường thì cần sử dụng vật liệu bền bỉ. Huống hồ công trình ấy là chính là con người, không chỉ có giá trị ở đời này, mà còn cả đời sau, nên Chúa dạy phải xây dựng cuộc đời ta trên nền đá là chính Lời của Ngài. Những ai nghe và giữ Lời Chúa là người khôn ngoan xây dựng đời mình vững chắc trước những cơn sóng dữ. Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhận định rằng, đức tin Ki-tô hữu hôm nay như con thuyền đang bị sóng đánh tư bề; những làn sóng từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tự do, từ tự do phóng túng đến tôn giáo hỗn độn, hòng vùi dập đức tin và số mệnh Ki-tô hữu. Trước những cơn sóng dữ này, nghe lời Chúa và thực hành lời Chúa dạy là khôn ngoan hơn cả, vì bấy giờ, nền tảng cho cuộc đời Ki-tô hữu là chính Chúa Giê-su, Tảng Đá góc tường của đời Ki-tô hữu.
Mời Bạn: Bạn đang đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày chứ? Có gì trở ngại khiến bạn chưa trung thành xây dựng đời mình dựa trên Lời Chúa? Mời bạn tái khẳng định tầm quan trọng của lời Chúa trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành 5 phút đọc Lời Chúa và cầu nguyện với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đời con gắn bó với Lời Chúa, vì Lời Chúa là lời hằng sống, là nơi con nương tựa.
27/06/14 THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su Lc 15,3-7
VUI MỪNG VỚI TỪNG CON CHIÊN
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất sao?” (Lc 15,4)
Suy niệm: Ở Pa-lét-tin, đàn chiên là tài sản chung của cả làng, thường được giao cho vài ba người chăn. Nếu chiều tối các người chăn dẫn đàn chiên về làng mà báo tin có chiên đi lạc, thì cả làng nóng lòng chờ mong. Vì thế, khi thấy người chăn chiên trở về từ đàng xa với con chiên lạc trên vai, cả làng reo lên vui mừng và cảm tạ Chúa. Đức Giê-su đã dùng hình ảnh vui tươi ấy để nói cho chúng ta biết niềm vui chẳng những của của Thiên Chúa mà của cả Hội Thánh khi một người tội lỗi hối cải trở về. Chúng ta cứ ngỡ chuyện một người tội lỗi hoán cải là chuyện nhỏ, chuyện vụn vặt thường ngày không đáng kể. Dụ ngôn này giúp ta có nhận thức đúng hơn về tấm lòng của Chúa.
Mời Bạn nhận ra mỗi người đều có chỗ quan trọng trong Trái Tim Chúa, quan trọng đến độ Chúa không đủ kiên nhẫn chờ một người lầm lạc thong thả trở về, nhưng đích thân Ngài đi tìm để đưa người lầm lạc ấy về với lòng yêu thương của Ngài.
Sống Lời Chúa: Lâu nay bạn có dửng dưng trước những Ki-tô hữu đang lạc xa Chúa không? Bạn hãy uốn nắn trái tim của mình cho giống Trái Tim Chúa, bằng cách quan tâm hơn đến một người Ki-tô hữu đang lạc xa Chúa, và giúp người ấy trở về với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lâu nay chúng con chưa quan tâm đến những anh em tín hữu đang lạc xa Chúa, vì vậy chúng con không cảm nhận được niềm vui lớn lao của Chúa khi tìm được một con chiên lạc. Xin cho trái tim con biết quảng đại như Trái Tim Chúa.
28/06/14 THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Lc 2,41-51
ĐỒNG CẢM VỚI TRÁI TIM CHÚA
Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” (Lc 2,48)
Suy niệm: Thảm họa chìm phà Sewol ở Jindo, Hàn Quốc ngày 16/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 hành khách trong đó có 324 học sinh trung học. Thân nhân, trong đó rất nhiều bà mẹ, đau đớn than khóc vì mất con; họ chỉ con mong tìm lại được thân xác con mình đang chìm trong làn nước giá lạnh. Đức Ma-ri-a cũng thổn thức trái tim của người mẹ “cực lòng đi tìm” con yêu dấu bị lạc mất. Đức Ma-ri-a chưa kịp bày tỏ niềm vui khi tìm lại được con thì Đức Giê-su lại hé mở cho Mẹ thấy việc “lạc mất con” còn mang một ý nghĩa thiêng liêng mầu nhiệm: con phải làm tròn việc “bổn phận trong nhà Cha con”. Mẹ được chuẩn bị để đón nhận việc “lạc mất con” lớn hơn trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trong lần này, trái tim Mẹ đã đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su để cùng với Con mình làm tròn việc bổn phận Chúa Cha trao phó là cứu chuộc toàn thể nhân loại
Mời Bạn: Helen Keller, cô gái mù và điếc, là tác giả của 13 cuốn sách và vô số bài báo, đã nhận định: “Những điều tốt đẹp nhất trên trần gian này không thể thấy bằng mắt cũng không thể chạm bằng tay, mà phải cảm nhận bằng trái tim.” Khi trái tim bạn đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, bạn đang đạt tới điều tốt đẹp nhất trong tất cả mọi thứ tốt đẹp trên đời.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian trong ngày suy ngắm cuộc đời Mẹ Ma-ri-a và xin ơn được đồng cảm với trái tim Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, con yêu mến Mẹ nhiều. Xin cho trái tim con chung nhịp đập với trái tim Mẹ. Amen.