Mục Lục
Ngày 1 – 06: Trang 1
* * *
01/06/15 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Th. Giút-ti-nô, tử đạo. Ngày quốc tế thiếu nhi Mc 12,1-12
TÌNH YÊU LÀM CHỦ LỊCH SỬ
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” (Mc 12,10)
Suy niệm: Người ta nói rằng lịch sử tựa như phòng trưng bày tranh, trong đó có ít bản gốc nhưng có nhiều bản sao. Đức Giê-su đã khéo léo tóm tắt lịch sử Ít-ra-en và cả lịch sử nhân loại qua dụ ngôn ngắn ta đang suy niệm. Trong dụ ngôn ấy, ta gặp thấy hai bản gốc: chân dung của Thiên Chúa nhân hậu, Đấng làm chủ lịch sử và đối lại, hình tượng bất hiếu của con người cũng trải dài dòng lịch sử với các bản sao đánh đập, ném đá, giết các ngôn sứ mà đỉnh điểm kịch tính là giết chết Con Thiên Chúa. Chân dung Thiên Chúa ấy cũng được bày tỏ với nhiều bản sao như tin cậy nơi con người, kiên nhẫn chịu đựng hết cơ hội này đến cơ hội khác mà cao điểm là gởi chính Con Một mình đến. Rốt cuộc, lòng nhân hậu đó đã chiến thắng vẻ vang nơi sự phục sinh của Con Ngài và công trình Hội Thánh.
Mời Bạn: Ông chủ giao vườn nho cho tá điền canh tác là hình ảnh Thiên Chúa ban cho bạn tự do để sử dụng những gì thuộc về mình. Thế nhưng, cũng cần nhớ rằng sẽ có ngày bạn phải tính sổ với Chúa về những vốn liếng ấy. Bạn hãy xem lại về cung cách sử dụng: cho riêng mình hay còn vì ích chung?
Sống Lời Chúa: Nhìn lại lịch sử đời mình để cảm tạ Chúa, nhận ra tình yêu Chúa ngự trị trong suốt cuộc đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa chính là Người Con trong dụ ngôn, vâng lệnh Chúa Cha đến với các tá điền độc ác là con người chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu nhân hậu của Chúa Ba Ngôi làm chủ lịch sử nhân loại. Xin cho chúng con vững tin rằng rốt cuộc, tình yêu Chúa chiến thắng sự bất tuân phục của con người, đưa lịch sử đến chỗ thành toàn viên mãn. Amen.
02/06/15 THỨ BA TUẦN 9 TN
Th. Mác-se-li-nô và Phê-rô, tử đạo Mc 12,13-17
DÂNG… CHO AI? CÁI GÌ?
Đức Giê-su bảo: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mc 13,17)
Suy niệm: Thời Chúa Giê-su, nước Do-thái bị đế quốc Rô-ma đô hộ; người Do-thái phải nộp thuế cho chính quyền Rô-ma bằng đồng tiền lưu hành có hình và hiệu của Xê-da, tên chung để gọi hoàng đế Rô-ma. Người Do-thái phản đối, cách công khai hoặc ngấm ngầm việc đóng thuế cho ngoại bang. Lợi dụng tình thế đó, nhóm Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê, vốn kình địch với nhau, đã cấu kết để giăng ra cái bẫy nhằm hại Chúa Giê-su. Họ hỏi Ngài: Có phải nộp thuế cho Xê-da không? – Nếu nói không, Ngài sẽ bị cho là phản loạn, chống lại hoàng đế; còn nói có, thì hẳn Ngài không tránh khỏi sự la ó của dân chúng – đường nào Ngài cũng bị sập cái bẫy hai tròng này! Chúa Giê-su không bận tâm đến câu hỏi có-hay-không này: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Ngài đặt họ trước đòi hỏi phải phân định: cái gì thuộc về Thiên Chúa, cái gì thuộc về Xê-da, và từ đó nhìn nhận chủ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên muôn vật muôn người.
Mời Bạn: Nơi mỗi người, Thiên Chúa cũng đã in hình của Ngài, bởi vì mọi người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26). Mọi sự ta chúng có và ngay cả sự hiện hữu của chúng ta đều là do Thiên Chúa. Thánh Phao-lô chất vấn chúng ta: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).
Sống Lời Chúa: Những gì Thiên Chúa ban không phải để đòi lại, nhưng ai trao phó cho Thiên Chúa thì họ sẽ nhận lại gấp trăm ở đời này cùng với sự sống vĩnh cửu mai sau. Vậy bạn đừng bao giờ từ chối bất cứ điều gì khi được thôi thúc dâng hiến cho Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Phú Dâng.
03/06/15 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo Mc 12,18-27
NIỀM VUI QUÊ TRỜI
“Khi người ta từ cõi chết sống lại, [người ta] sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mc 18,25)
Suy niệm: Theo thánh Âu-tinh, không có tín điều nào trong Ki-tô giáo lại bị chống đối mãnh liệt và dai dẳng như niềm tin vào sự sống lại. Trường hợp thánh Phao-lô khi giảng đạo ở A-thê-na (Hy Lạp) là một điển hình. Thính giả ngoại giáo ở đó rất thích nghe thánh Phao-lô giảng, nhưng khi ngài nói về Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì họ đã cười nhạo và nói: “Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông” (Cv 17,32). Những người thuộc phái Xa-đốc cũng cùng một quan niệm tương tự: không có chuyện kẻ chết sống lại vì làm gì có sự sống đời sau. Chúa Giê-su cho biết cuộc sống đời sau không phải là kéo dài cuộc sống đời này, nhưng là một cuộc sống mới mà những khát vọng sâu xa nhất của con người được thoả mãn tròn đầy vì lúc đó họ ở với Thiên Chúa, và họ “sống như các thiên thần.”
Mời Bạn: Thời nay không thiếu những người đồng ý với người Xa-đốc. Đối với họ, cuộc sống đời sau là mơ hồ viển vông, chi bằng tận hưởng cuộc sống trước mắt ở đời này. Chính sự sống lại và lên trời của Đức Ki-tô chứng thực cho lời xác quyết của Ngài về cuộc sống đời sau nhờ đó chúng ta nắm chắc niềm tin sẽ được sống lại với Ngài
Sống Lời Chúa: Tin vào sự sống lại, tôi tập từ bỏ những gì cản trở hoặc không cần thiết cho cuộc sống đời sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cuộc sống trần gian này là một cuộc lữ hành mà điểm đến là quê trời. Xin cho con sống niềm tin này vững chãi và rõ ràng, để cuộc sống đời này của con trở thành lời loan báo về cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mai sau mà ngày nay chúng con đang hăm hở tiến về. Amen.
04/06/15 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Mc 12,28b-34
YÊU CHÚA
“Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12,29-30)
Suy niệm: Có người dùng hình ảnh quả chuối để so sánh thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở trời Tây, ngoài vỏ màu vàng nhưng trong ruột là màu trắng. Lối so sánh thật ngộ nghĩnh nhưng đồng thời gây cho người nghe một nỗi buồn man mác. Dù vậy, mấy ai vạch ra được những khác biệt đó mà không vấp phải lối nhìn chủ quan và cảm tính? Trong khi đó rất dễ nhận ra sự khác biệt giữa “vỏ” và “ruột” của người Ki-tô hữu khi đối chiếu với Lời Chúa. Đó là chỉ có vỏ “Ki-tô hữu” mà thiếu “ruột” là tình yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa thì khao khát và vâng giữ lời Chúa như thái độ của Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa, dứt khoát đối với quá khứ tội lỗi như người phụ nữ đập vỡ bình dầu quý, có tâm tình gắn bó như những người nữ từ sáng sớm chạy đến mồ tìm Chúa, dám đảm trách công việc Hội Thánh như Phê-rô sau khi thưa “con yêu mến Thầy”. Làm sao nói yêu mến Chúa mà lại thiếu những điều như thế nhỉ?
Mời Bạn: Nói theo ngôn từ của thánh Gio-an, phải chăng bạn đang trong tình trạng ngoài thì “sáng” mà trong thì “quáng”? Sửa chữa đời sống và dưỡng nuôi tình mến Chúa cho phù hợp với chức phận Ki-tô hữu đi bạn nhé!
Chia sẻ: Chia sẻ với nhau về tình yêu Chúa khi ngắm nhìn Thánh Tâm Chúa.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dâng cho Chúa một việc hy sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi nhìn tay Chúa chỉ vào trái tim, con muốn lặp lại lời của tông đồ Tô-ma khi được Chúa cho thấy các vết tích tình yêu: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.
05/06/15 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo Mc 12,35-37
một đấng cứu thế cúi xuống
“Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con. ” (Mc 12,36)
Suy niệm: Võ sĩ M. Pacquiao, người hùng của người dân Phi-líp-pin, chia sẻ: “Là Ki-tô hữu nghĩa là nhận Đức Ki-tô như vị Cứu Thế, như Chúa của mình. Đó là lý do tại sao bạn được gọi là Ki-tô hữu. Nếu lấy đi chữ ‘Ki-tô,’ thì bạn chẳng còn nghĩa lý gì nữa.” Đấng Ki-tô, vị Cứu Thế ấy là Con Vua Đa-vít hay xuất thân từ dòng tộc vua này. Thế nhưng, Ngài cũng đồng thời là Ngôi Lời vĩnh cửu, là Chúa của vua Đa-vít nữa. Trong Tin Mừng, Đức Giê-su nhiều lần được dân chúng gọi là Con Vua Đa-vít. Tuy nhiên, tước hiệu ấy luôn đi kèm với quan niệm Đấng Cứu Thế chiến thắng các thế lực thế tục, lập vương quốc trần thế trên thế giới. Đức Giê-su đã nỗ lực thay thế vào đó hình ảnh Đấng Cứu Thế tôi tớ, đưa nhân loại về với Chúa bằng cái chết yêu thương của mình.
Mời Bạn: “Động lực số một cho đời tôi là Đức Ki-tô, là Chúa và Đấng Cứu Độ của tôi, cũng như của gia đình và vợ con tôi” (M. Pacquiao). Còn bạn, Đức Ki-tô chiếm vị trí thứ mấy trong đời bạn? Bạn đang theo đuổi hình ảnh Đức Ki-tô chiến thắng kiểu thế tục hay Đức Ki-tô phục vụ trong yêu thương?
Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm hình ảnh Đức Ki-tô khiêm tốn hạ mình phục vụ, và nỗ lực sống tinh thần ấy trong cung cách hành xử của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm phục mẫu gương hạ mình phục vụ chúng con của Chúa, vì Chúa yêu chúng con cho đến cùng. Xin cho chúng con bỏ đi hình ảnh Chúa chiến thắng vinh quang kiểu thế tục, nhưng ghi khắc và cố gắng noi theo mẫu gương quảng đại và khiêm tốn hạ mình phục vụ vì yêu thương của Chúa. Amen.
06/06/15 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Nô-be-tô, giám mục Mc 12,38-44
KINH SƯ THỜI HIỆN ĐẠI
“Anh em hãy coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh… thích được người ta chào hỏi… ưa chiếm ghế danh dự, thích chỗ nhất…” (Mc 12,38-39)
Suy niệm: Từ buổi đầu tạo dựng, ông bà nguyên tổ đã vì kiêu ngạo muốn ngang bằng Thiên Chúa nên đã phạm tội bất tuân: “Ngày nào các người ăn nó mắt các người sẽ mở ra và các người sẽ nên như Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (St 3,5). Cho đến ngày nay, thói ‘chơi trội’, thích nổi hơn người vẫn luôn ám ảnh con người, dù được bọc gói trong những dáng vẻ ‘hợp lý’ hơn: được người ta ghi tên lên bảng vàng khi đóng góp với con số không nhỏ; một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp… Bao nhiêu hình thức tôn vinh của xã hội hôm nay đã tạo nên những ông kinh sư hiện đại, những ông kinh sư ấy chẳng trừ ai: người đi tu lẫn kẻ ở đời; kẻ nghèo lẫn người sang; nam phụ lão ấu đều có tất tần tật. Lời cảnh báo của Chúa thật đúng cho chúng ta hôm nay biết bao.
Mời Bạn: Bạn và tôi không dễ trốn thoát cái cám dỗ về đường danh vọng ấy đâu. Trong tôi và bạn luôn ẩn tàng cái tính thích được công kênh ấy như thể là vết tích của tội nguyên tổ vậy. Bạn và tôi hãy nỗ lực để sống tự hạ hết sức có thể, để không bị biến thành ‘kinh sư giả hình’ Bạn nhé.
Chia sẻ: Mỗi khi làm được một việc tốt, Bạn hãy tự vấn với chính mình đó có phải là việc của ‘kinh sư’ hay là việc của ‘con Chúa’ ?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận mà thôi” (Lc 17,10).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống tự hạ đến chết trên thập giá. Xin cho con biết khiêm tốn trong mọi sự, để con nên họa ảnh của Chúa hơn là hình ảnh của kinh sư giả hình. Amen.