5 Phút cho Lời Chúa Tháng 06-2015

14/06/15                              CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – B

                                                                            Mc 4,26-34

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

“Chuyện Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên.” (Mc 4,26-17)

Suy niệm: Thiên Chúa quan phòng đã “cài đặt” trong hạt giống một mầm sống và một tiến trình sinh trưởng. Khi hạt lúa được gieo vào lòng đất, nó sẽ theo tiến trình ấy mà nẩy mầm, mọc thành cây, làm đòng, trổ bông và kết hạt. Bên cạnh tiến trình ấy, Thiên Chúa còn làm mưa, chiếu nắng và bơm không khí cho cây lúa phát triển. Nếu không có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, nhà nông có vất vả gieo trồng và chăm bón cách mấy cũng chỉ tốn công vô ích. Tác giả thánh vịnh 126 đã kinh nghiệm điều này nên nói: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công.

Mời Bạn: Xây dựng Nước Thiên Chúa là bổn phận của mỗi người, đồng thời cũng là ân huệ được tham gia vào chương trình cứu độ của Chúa. Ý thức điều đó để nung nấu lòng nhiệt tâm xây dựng Nước Thiên Chúa, đồng thời khiêm nhường nhìn nhận như thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho nó lớn lên” (1Cr 3,6). Công người trồng chẳng là gì, công người tưới cũng chẳng là gì. Công Chúa làm cho nó lớn lên mới là đáng kể.

Sống Lời Chúa: Khi làm một việc gì hãy nhắc nhở mình rằng mình làm việc này là để cộng tác vào công trình của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng, Chúa đã ban cho chúng con ân huệ được tham gia vào công trình của Chúa. Xin ban thêm cho chúng con lòng nhiệt tâm và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa.


15/06/15                                           THỨ HAI TUẦN 11 TN

                                                                             Mt 5,38-42

SỨC MẠNH VÀ LÒNG BAO DUNG

Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.(Mt 5,39)

Suy niệm: Tổ chức, đoàn thể nào cũng có điều lệ, nội quy, không chỉ để ấn định nghĩa vụ của thành viên mà còn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Chúa Ki-tô cũng đề ra một nội quy cho cộng đoàn các môn đệ của Ngài. Thế nhưng nội quy ấy xem ra đặt họ vào thế lép vế phải cam chịu một bề cho người ta ‘bắt nạt’: nào là “đừng chống cự người ác” nào là “ai vả má phải thì giơ cả má trái”. Thực ra Đức Giê-su đưa ra cho các môn đệ một phương thức ứng xử đặc biệt của Ngài trong tương quan với anh chị em của mình, một phương thức vừa đòi hỏi sức mạnh tâm hồn vừa phải có tấm lòng bao dung. Quả thật, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su đã cho thấy cách Ngài vận dụng phương thức này. Khi bị một tên thuộc hạ của thượng tế vả vào mặt, Ngài không giơ luôn má kia mà lại chất vấn: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (x. Ga 18,22-23).

Mời Bạn: Những điều Đức Giê-su mời gọi như trong Tin Mừng hôm nay xem ra khó thực hiện và trái ngược với tính tự nhiên con người. Là môn đệ của Thầy Giê-su – Ngài là Đấng Thánh – chúng ta được mời gọi nên giống như Ngài: Sức mạnh nhưng không phải là bạo lực. Bao dung nhưng không phải là nhu nhược. Sức mạnh và bao dung đó Ngài thể hiện trọn vẹn qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá. Đó chính là cách thức Đức Giê-su thực hiện chương trình cứu độ Chúa Cha giao phó.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Ngài chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8).

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


16/06/15                                            THỨ BA TUẦN 11 TN

                                                                             Mt 5,43-48

TÌNH YÊU CẦN SỰ CAN ĐẢM

“Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Nhiều người cho rằng tình yêu là lãnh địa riêng của con tim, chứ không có phần can dự của lý trí. Thế nhưng, tình yêu đích thực lúc nào cũng bao gồm cả hai yếu tố này. Yêu không chỉ là thơ thẩn mộng ước về cõi thiên thai xa vời, nhưng còn phải can đảm đương đầu với những nghịch cảnh của cuộc sống. Can đảm để nói lời tỏ tình trong tình yêu lứa đôi. Can đảm để thể hiện tình mẫu tử trước áp lực dứt bỏ bào thai ngoài ý muốn. Can đảm để dấn thân vì lòng yêu mến tổ quốc trước nguy cơ bị xâm lăng… Thế mà ta biết rằng can đảm là sự thôi thúc của lý trí và ý chí cùng với con tim nhạy cảm. Tình thương dành cho kẻ thù theo lời mời gọi của Chúa Giê-su lại càng cần đến sự can đảm hơn bao giờ hết. Kẻ làm hại ta, ta không đáp trả đã là kiềm chế lắm rồi, chứ đừng nói đến phải yêu thương họ. Nhưng đó mới là nét độc đáo của Chúa Giê-su và tinh thần Ki-tô giáo.

Mời Bạn: Lòng bạn có thật sự được bình an hay mãi bất an khi ứng xử theo kiểu “ăn miếng trả miếng”? Nếu cứ mãi “lấy oán báo oán” thì oán thù chồng chất, biết đến khi nào mới chấm dứt được hận thù? Trái lại, kẻ thù của bạn đã bị “tiêu diệt” khi bạn yêu thương họ và biến họ thành bạn của mình.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ can đảm tìm cách tiếp cận với người xúc phạm hay làm hại mình, và chinh phục họ bằng sự trìu mến, hiền hòa, nhưng trước đó không quên cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương yêu thương kẻ thù trên cây thập giá cho chúng con. Xin cho chúng con lòng can đảm để có thể yêu thương người xúc phạm đến mình.


17/06/15                                            THỨ TƯ TUẦN 11 TN

                                                                       Mt 6,1-6.16-18

PHẦN THƯỞNG LỚN TỪ CHÚA

Đức Giê-su nói: “Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)

Suy niệm: Kết thúc một mùa bóng, những đội tuyển không chỉ giành được huy chương vàng, bạc, đồng còn được những món tiền thưởng hậu hĩnh. Ngoài ra, các cầu thủ xuất sắc còn nhận được những lời khen tặng từ báo chí và người hâm mộ. Đây cũng là một phần thưởng không kém quan trọng đối với họ. Người con cái Chúa cũng vậy, trong “90 phút thi đấu của cuộc đời,” họ cũng phải tỏ ra là những vận động viên xuất sắc, qua “ba môn điền kinh phối hợp” truyền thống là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Nếu có ý làm để khoe khoang, nhằm cho “thiên hạ thấy,” thì phần thưởng của họ là lời khen tiếng phục và rồi chấm hết! Còn nếu thực hiện cách âm thầm, chỉ qui hướng về Chúa, được Đức Giê-su diễn tả qua kiểu nói “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” hay “vào phòng, đóng cửa lại”, thì chính Thiên Chúa sẽ là Đấng trả công bội hậu cho họ.

Mời Bạn:Sau một ngày làm được nhiều việc, giấc ngủ sẽ ngon lành. Sau một đời làm được nhiều việc, cái chết sẽ bình thản” (L. Da Vinci). Đối với người Ki-tô hữu, “nhiều việc” vẫn chưa đủ, vì còn phải kể đến ý hướng khi làm các việc đó. Ý hướng trong sáng, quy hướng về Chúa, thì các việc lành phúc đức của bạn mới được chúc lành và ghi nhận.

Sống Lời Chúa: Điều chỉnh lại ý hướng khi làm các việc cầu nguyện, ăn chay và bác ái cho đúng thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường thích được người khác khen ngợi. Xu hướng này thâm nhập cả vào các việc đạo đức và làm hỏng các việc đạo đức ấy. Xin cho chúng con biết điều chỉnh lại ý hướng là chỉ biết làm vì lòng yêu mến Chúa mà thôi. Amen.


18/06/15                                         THỨ NĂM TUẦN 11 TN

                                                                               Mt 6,7-15

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI  KI-TÔ HỮU

“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9)

Suy niệm: Có thể nói rằng niềm tin vào “Ông Trời” là tín ngưỡng bình dân của người Việt Nam. Những câu ca dao như: “lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,..” cho thấy việc tưởng nhớ, thở than với “Ông Trời” không phải là thái độ xa lạ với tâm hồn người Việt nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý: việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu rất khác biệt với việc “cầu Trời” trên đây. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện với Chúa như người con thân thưa với Cha. Trước hết, với tấm lòng tin tưởng và yêu mến Cha, chúng ta xin những gì tốt đẹp nhất, thánh thiện nhất cho Cha, và sau đó, chúng ta xin cho cuộc sống của chúng ta được am hợp theo điều Cha mong muốn.

Mời Bạn: Như vậy, chúng ta thấy rõ: cần phải học để biết cầu nguyện theo cách thức Chúa dạy; làm sao để mỗi người có thể nói: lời kinh của Chúa là lời nguyện của tôi. Cha mẹ và các giáo lý viên cần quan tâm dạy cho trẻ em biết và yêu mến việc cầu nguyện. Muốn thế, chính họ phải là những người siêng năng cầu nguyện với lòng xác tín nơi hiệu quả của lời cầu xin.

Chia sẻ: “Đọc kinh” là một trong những cách cầu nguyện chung rất phổ biến. Thử xét lại cung cách đọc kinh của chúng ta: Có điểm nào chúng ta cần chỉnh đốn để việc đọc kinh trở thành một giờ cầu nguyện ấm cúng, tràn đầy tình Chúa tình người?

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi quyết tâm duy trì giờ kinh tối trong gia đình. Cần có những thích nghi cần thiết (ví dụ: thay đổi kinh hay giờ đọc kinh) để giờ kinh được sốt sắng, sống động.

Cầu nguyện: Hát Kinh Lạy Cha.


19/06/15                                          THỨ SÁU TUẦN 11 TN

Th. Rô-moan-đô, viện phụ                               Mt 6,19-23

CỦA Ở ĐÂU, LÒNG TRÍ Ở ĐÓ

“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất… nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời.”(Mt 6,19-20)

Suy niệm: Khi người ta đang chú tâm tìm kiếm hay tập trung suy nghĩ về một điều gì thì ngay cả những cái sờ sờ trước mắt có khi vẫn không nhìn thấy. Vì thế, không ít người bị hiểu lầm là sao thấy người quen mà làm lơ hoặc sao gật đầu chào mà không đáp lại. Tương tự như vậy, chúng ta thường nghĩ “những sự trên trời” là những gì quá xa vời; nhưng một khi chúng ta quá lo lắng tích trữ cho mình những kho tàng ở dưới đất thì còn tâm trí đâu mà để ý tới kho tàng thiêng liêng ấy nữa. Bởi vì kho tàng của chúng ta ở đâu thì lòng trí của chúng ta sẽ ở đó.

Mời Bạn: Tiền của, danh vọng, kiến thức là những điều thế gian đang tìm kiếm, là những thứ tưởng rằng đem lại sự bảo đảm vững chắc, nhưng thực ra lại rất mong manh, dễ mất. Thế nhưng chúng lại có sức hút rất mạnh, chiếm được rồi thì không muốn nhả, đã có rồi lại muốn có thêm. Chỉ khi nào bạn dám “bán tài sản của mình đi mà bố thí” thì lúc ấy tâm trí của bạn mới thanh thản để chú tâm tìm kiếm “kho tàng không thể hao hụt ở trên trời,” nơi không còn trộm cắp, mối mọt (Lc 12,33).

Chia sẻ: Điều gì khiến bạn bận tâm nhất và chiếm phần lớn thời gian trong ngày sống của bạn?

Sống Lời Chúa: Hoạch định lại chương trình sống cho bản thân theo tiêu chí: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (x. Lc 12,31).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, suốt cả ngày con toàn bận rộn với những chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Xin cho con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và luôn tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.


20/06/15                                          THỨ BẢY TUẦN 11 TN

                                                                             Mt 6,24-34

LO GÌ!

“Anh em đừng lo lắng tự hỏi ta sẽ ăn gì uống gì, mặc gì đây… Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31.33)

Suy niệm: Hồi nhỏ, nghe mẹ hát đưa nôi em:

Một mình lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên

Người thời nào cũng lo xa. Có những nỗi lo chính đáng mà cũng có cái lo kiểu “lo bò trắng răng”! Đọc Tin Mừng hôm nay có thể nhiều người sẽ ngộ nhận Ki-tô giáo giảng dạy một thứ chủ nghĩa “lạc quan tếu”. Không lo sao được khi cơm áo gạo tiền cứ réo gọi mỗi khi thức dậy đón một ngày mới. Chúa Giê-su không dạy ta sống vô lo nhưng dạy ta biết lo sao cho chính đáng: “tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, còn những thứ kia, Người sẽ thêm cho sau.” Chúng ta thường quên mất vế sau của câu nói này.

Mời Bạn: Bạn ngẫm nghĩ xem cách lo toan của mình cho công ăn việc làm, cho cuộc sống hằng ngày đã chính đáng hay chưa? Chúng có làm bạn mất bình an, mất tự chủ không? Bạn có bỏ qua những điều cần quan tâm hơn như việc sống đạo hạnh, làm gương sáng, làm việc tông đồ không …?

Chia sẻ: Suy nghĩ lời Jackson Brown khuyên con: “Khi nhìn lại quãng đời đã qua, hãy tiếc những điều chưa làm được, chứ đừng tiếc những điều đã làm xong”.

Sống Lời Chúa: Bạn gác lại những lo lắng hằng ngày để giữ lòng bình lặng ít phút trong một không gian tĩnh lặng trước Mình Thánh Chúa để ôn lại xem mình phải làm gì để sống tốt hơn.

Cầu nguyện: Xin cho con biết sống Lời Chúa dạy hôm nay để dù sống giữa cuộc sống xô bồ này con tìm được an bình Chúa hứa ban.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment