5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 07-2012

TUẦN III

15/07/12
chúa nhật tuần 15 tn – b
Mc 6,7-13

SAI ĐI TỪNG HAI NGƯỜI MỘT

Khi ấy, Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai họ đi từng hai người một. (Mc 6,7)

Suy niệm: “Từng hai người một”, có nghĩa là hơn một người. Nếu hiểu rao giảng Tin Mừng là làm chứng, thì quả thật, hai người là cần thiết, vì: “nhất chứng phi, nhị chứng quả”. Ngoài việc thiết lập tôn chỉ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chắc chắn còn nghĩ đến việc hình thành của Giáo Hội sau này. Ngài muốn cho Giáo Hội được hiệp nhất chính trong niềm tin và cả trong hoạt động để củng cố và phát triển niềm tin này. Từng “hai người một” nói lên sự đồng tâm nhất trí mà những người được sai đi phải luôn canh cánh như tôn chỉ hàng đầu. Nguyên việc sống hiệp nhất đã là một lời rao giảng, nên không có gì làm trở ngại cho việc rao giảng bằng đời sống thiếu hiệp nhất.

Mời Bạn: Trong cánh đồng truyền giáo, có những người cảm thấy bị cản trở khi có người anh em cùng làm việc bên mình và với mình. Bạn có thuộc thành phần đó không?

Chia sẻ: Một chuyên gia Nhật chia sẻ với các sinh viên Việt Nam: “Người Việt Nam các anh là những viên ngọc xinh đẹp, chỉ có thể đặt cạnh nhau thôi; người Nhật chúng tôi là những viên gạch, có thể xếp chồng lên nhau để làm nên một toà nhà.” Liệu người Việt Nam Công Giáo chúng ta có vượt qua được lời bình phẩm nhức nhối này không?

Sống Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp nhau mà cầu nguyện, Ta sẽ ở giữa họ”… Mời bạn thực hiện lời này trong hoạt động tông đồ của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người hiệp nhất nên một trong Chúa Ba Ngôi để nhờ đó thế gian tin rằng Chúa quả thật là Đấng Cứu Thế Chúa Cha sai đến.

 

16/07/12                                          
THỨ HAI TUẦN 15 TN
Đức Mẹ núi Camelô
Mt 10,34-11,1

YÊU CHÚA TRÊN TẤT CẢ

“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy… Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,37-38)

Suy niệm: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất” (Goethe). Gia đình là một trong những viên ngọc quý giá trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình là nơi con người bắt đầu tập sống tình yêu thương cách quảng đại và vô vị lợi hơn cả. Tuy nhiên, tình yêu mến ấy có thể bị biến dạng, trở nên rào cản con người sống theo lương tâm và lý tưởng cao cả của người Kitô hữu. Chẳng hạn: đưa bà con họ hàng thiếu năng lực vào những chức vụ không thích hợp; cưng chiều, bênh  vực con cháu quá đáng; từ chối dấn thân phục vụ và hy sinh vì quá quyến luyến gia đình… Đức Giêsu dạy ta đặt lòng mến Ngài lên trên tình cảm dành cho những người thân trong gia đình. Lòng mến Chúa ấy sẽ hướng dẫn các tình cảm gia đình một cách xứng hợp hơn.

Mời Bạn: “Bác ái bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc luôn ở đó” (T. Fuller). Bạn đừng hạn hẹp tình yêu, lòng quan tâm, sự chăm sóc chỉ nơi những người thân, trong phạm vi gia đình, nhưng hãy mở rộng tình mến ấy đến cho mọi người, nhất là những người không may mắn chung quanh bạn.

Chia sẻ: Tình gia đình theo văn hóa Việt Nam có những ưu điểm và khuyết điểm nào?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ xét xem lâu nay trong những lãnh vực nào, tôi quá ưu tiên dành tình cảm cho người thân trong gia đình, đến nỗi thiếu sót trong việc sống tình mến dành cho người lân cận. Và tôi sẽ nỗ lực sửa đổi điều này.

Cầu nguyện:  Sốt sắng, chậm rãi đọc kinh Lạy Cha, tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta.

 

17/07/12
THỨ BA TUẦN 15 TN
Mt 11,20-24

COI CHỪNG THÁI ĐỘ HƯỞNG THỤ

Đức Giêsu quở trách các thành: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa… ” (Mt 11,20-21)

Suy niệm: Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010, phần “Hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin,”  nói đến chủ nghĩa hưởng thụ như một thách đố đối với người Công giáo. Với người thấm nhiễm chủ nghĩa này, điều họ quan tâm số một là tiện nghi vật chất, tiền bạc của cải, để có điều kiện hưởng thụ tối đa; niềm tin tôn giáo bị xem là thứ yếu. Họ thờ ơ lãnh đạm trước những sinh hoạt của tôn giáo. Thái độ thờ ơ ấy không tiêu diệt, nhưng làm tê liệt sự sống của tôn giáo. Các thành quanh bờ hồ Galilê ngày xưa bị Chúa quở trách cũng vì sự thờ ơ lãnh đạm này. Chứng kiến phép lạ Chúa làm, nghe lời Ngài giảng, nhưng họ không quan tâm đến Ngài. Ngài có đó, ở giữa họ, nhưng như không hiện hữu với họ, không ảnh hưởng gì đến họ.

Mời Bạn: Chủ nghĩa hưởng thụ không phải chỉ ở trong siêu thị, ngoài hè phố, nhưng có thể thâm nhập vào tâm hồn bạn. Dấu hiệu của căn bệnh xã hội này là lối sống thực dụng, tìm mọi cách để hưởng thụ, và đặc biệt thái độ dửng dưng, thờ ơ với việc sống những giá trị của Tin Mừng, tham gia việc chung… Bạn có nhận ra những dấu hiệu ấy nơi suy nghĩ và lối sống của mình chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ quan tâm hơn đến việc sống niềm tin của mình: tham dự phụng vụ, cầu nguyện riêng, đọc Lời Chúa trong gia đình, tham gia một hội đoàn (nếu có thể).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa quở trách các thành không phải bị coi thường, nhưng vì thương xót khi thấy người ta đi theo con đường tự hủy diệt. Xin giúp chúng con đừng bao giờ thờ ơ lãnh đạm với Lời Chúa dạy. Amen.

 

18/07/12                                           
THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Mt 11,25-27

XIN NGỢI KHEN CHA

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha…” (Mt 11,25)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay gồm ba câu ngắn ngủi, sử dụng ba động từ để diễn tả việc đón nhận hay khước từ Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đó là ba động từ “giấu,” “mạc khải,” “biết.” Có ba hạng người liên quan: “những bậc khôn ngoan, thông  thái,” “những người bé mọn,” “kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho.” Trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã được nhiều kẻ bé mọn, nghèo hèn trong xã hội thời ấy đón nhận. Họ chấp nhận Ngài không phải do sự kém cỏi, dốt nát, nhưng do lòng khiêm tốn, đơn sơ. Những kẻ khôn ngoan, thông thái từ khước Ngài không phải do học thức cao siêu, nhưng do lòng tự mãn của họ. Trước đó, ta cũng thấy ba nhóm người được loan báo Tin Mừng Giáng Sinh: các thượng tế và kinh sư, các nhà chiêm tinh và các mục đồng. Thế nhưng, chỉ có hai nhóm sau đến bái lạy Hài Nhi Giêsu!

Mời Bạn: Nước Thiên Chúa không đến cách ồn ào, náo động nhưng rất bình thường, nhỏ bé như hạt cải, nắm men mà lại ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng. Chỉ những ai -không phân biệt thông thái hay ít học- có tấm lòng khiêm tốn, trái tim rộng mở, mới có thể đón nhận Tin Mừng của Nước Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Đọc bản văn Tin Mừng cách chậm rãi, nhiều lần, rồi nỗ lực tập sống tinh thần đơn sơ, khiêm tốn, rộng mở trước Lời Chúa mời gọi .

Cầu nguyện: Lạy Cha, cùng với Đức Giêsu, Con yêu quý của Cha, chúng con xin ngợi khen Cha, vì những ân huệ Cha ban trong cuộc sống hằng ngày. Xin ban cho chúng con một tâm trí bén nhạy, một tấm lòng rộng mở, một tâm hồn đơn sơ, để có thể nhận ra những dấu chỉ Cha trao mỗi ngày. Amen.

19/07/12               
THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Mt 11,28-30

MANG LẤY GÁNH CỦA CHÚA

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: Ngồi nghĩ lại cuộc đời, không ít người cảm thấy mình phải mang nhiều gánh nặng. Gánh nặng do tuổi tác, sức khỏe, bệnh tật, công ăn việc làm, áp lực của công việc, bổn phận làm cha làm mẹ, sự bất hòa trong gia đình… Ai trong chúng ta cũng mong được trút bớt hoặc nhẹ đi những gánh nặng này, nhưng tự sức mình, nhiều khi ta không làm nổi. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi ta – những người đang phải gồng gánh nặng nề- hãy đến với Ngài, để được Ngài bồi dưỡng bằng tình yêu nồng cháy của Trái Tim và bằng Mình Máu Thánh quý giá của Ngài. Gánh nặng vẫn còn đó, nhưng từ nay được mang với tình yêu và nhờ tình mến Chúa và yêu người này, gánh nặng trở nên nhẹ nhàng.

Mời Bạn: Chúa Giêsu sẽ không gánh thay hoặc đổi gánh cho bạn. Ngài ban cho bạn lửa yêu mến Chúa và tha nhân. Nhờ ngọn lửa yêu này, gánh nặng bạn đang vác như được tháp thêm đôi cánh giúp bạn bay bổng. “Nơi nào có tình yêu, sẽ không còn vất vả; hoặc nếu có vất vả, thì sự vất vả ấy cũng được yêu mến” (Th. Augustinô).

Chia sẻ: Kinh nghiệm bạn được ơn hoán cải, rồi chuyên cần cầu nguyện, gánh nặng đời bạn đã được thay đổi.

Sống Lời Chúa: Dâng lên lời cám ơn Chúa vì những ơn lành Chúa làm trong đời ta, gánh nặng của đời ta trở nên nhẹ nhàng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Ngày nào có cái khổ của ngày ấy, nhưng chúng con an tâm vì khi đến với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ, Chúa cho chúng con được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong tình yêu Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa. Amen.

 

20/06/12
THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Th. Apôlinarê, giám mục, tử đạo
Mt 12,1-8

CẦN MỘT TẤM LÒNG

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12,7)

Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” Sống trong xã hội văn minh và tiến bộ hôm nay lẽ ra con người được vui vẻ và hạnh phúc hơn. Nhưng trong thực tế đau khổ, bất hạnh, bất công vẫn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Tại sao vậy? – Thưa, vì thiếu tấm lòng. Thế giới hôm nay với nền văn hóa thực dụng giúp con người năng động, nhạy bén trong việc kiếm tiền và hưởng thụ, nhưng cũng dễ trở nên vô tâm, vô cảm với người khác và vì thế, gây ra đau khổ cho nhau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống với nhau cần có một tấm lòng, tấm lòng nhân hậu của người con cái Thiên Chúa là Đấng nhân hậu. Tấm lòng nhân hậu khi cư xử với đồng loại thì quý giá hơn các của lễ hay nói cách khác, đó mới chính là của lễ đẹp lòng Thiên  Chúa hơn cả.

Mời Bạn: Bon chen trong dòng xoáy vật chất và hưởng thụ của xã hội hôm nay, lòng người trở nên hẹp hòi, ích kỷ, để rồi chỉ biết kết án, nghi ngại thay vì nâng đỡ, sẻ chia. Là môn đệ Chúa Giêsu, bạn phải có một tấm lòng bao dung, yêu thương, tha thứ, hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người xung quanh bạn. Vì “Có tài mà cậy chi tài… Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du).

Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm một trong những việc sau đây: Cho kẻ đói ăn, hay cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc, hay cho khách đỗ nhà; chuộc kẻ làm tôi hay chôn xác kẻ chết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương biến đổi tấm lòng hoang dại của chúng con! Nhờ đó, lòng chúng con vui sống tình mến Chúa yêu người mỗi ngày một sáng ngời, đẹp tươi hơn. Amen.

 

21/07/12
THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Th. Lôrenxô Brinđixi, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 12,14-21

HIỀN LÀNH LÀ SỨC MẠNH CỦA HOÀ BÌNH VÀ CÔNG LÝ

“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý tới toàn thắng.” (Mt 12,20)

Suy niệm: Thánh Mátthêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia mô tả chân dung Đấng Cứu Thế rất là hiền hậu. Đây là con đường mà Đức Giêsu phải chọn để hoàn thành sứ mệnh của mình, đưa nhân loại đến bến bờ của bình an và công lý, là hy vọng của mọi người. Chủ trương giải quyết vấn đề bằng con đường khiêm nhu, bất bạo động để Thiên Chúa tiếp tục hành động cho trần gian là cách chọn lựa làm nhiều người khó chịu, nhưng biết làm sao được vì đó là ý muốn của Thiên Chúa và là cách Chúa Giêsu đã chọn đi. Sự lựa chọn đúng đắn này đã góp phần làm thay đổi não trạng của những ai quá khích muốn biến đạo thành một thế lực chính trị.

Mời Bạn: Có bao giờ bạn coi sự lựa chọn của Chúa, của Kitô giáo là sự lựa chọn mang tính nhu nhược không? – Sẽ chẳng đi tới đâu nếu hận thù tiếp nối hận thù; ăn miếng trả miếng. Hiền lành, khiêm nhượng… là nét đặc trưng của Nước Trời và là điều Chúa dạy chúng ta hãy học với Ngài.

Chia sẻ: Bạn có nuôi trong đầu ý tưởng trả thù ai đó đã xúc phạm đến mình hay chưa, dẫu biết rằng một sự bỏ qua cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng đó lại là cách tốt nhất để cảm hoá người khác.

Sống Lời Chúa: Câu tục ngữ “một sự nhịn bằng chín sự lành” thích hợp để bạn bắt chước Chúa theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con học hiền lành và khiêm nhường như Chúa để con có thể tha thứ, thông cảm với những lỗi phạm, yếu đuối của anh chị em và của chính bản thân con.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment