5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 07-2013


14/07/13                              CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – C

                                                                           Lc 10,25-37

TÌNH YÊU DÁM LÀM, KHÔNG CHỈ DÁM NÓI

Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,37b)

Suy niệm: Người thông luật đặt câu hỏi về điều răn quan trọng nhất. Thầy Giê-su lại trả lời bằng một câu chuyện minh hoạ sống động về lòng thương xót của một người xứ Samari: Anh ta gặp kẻ bị lâm nạn giữ đường, anh hành động rất thuần thục, rất chính xác và nhanh nhẹn cho người bị tai nạn, như thể anh vẫn làm chuyện này một cách bình thường trong đời sống thường ngày của anh. Anh chẳng cần lý luận: “Ai là anh em của tôi?” Tâm hồn nhạy cảm thúc đẩy xăn tay áo lên và hành động ngay một cách chính xác. Tình yêu không phân tích lý thuyết suông, nhưng luôn đi bước trước và thể hiện bằng việc làm cụ thể. Đó cũng là câu trả lời của Chúa: “Hãy đi và làm như vậy.”

Mời Bạn: Người tông đồ của Chúa hôm nay cũng có thể đôi khi hành động cho “người thân”, người “đồng đạo” mà vô tình quên đi những mảnh đời bên cạnh. Chúng ta tưởng mình hiểu cặn kẽ về tình yêu nhưng vẫn dửng dưng trước nhu cầu của anh em. Hãy dám làm chứ đừng dám nói.

Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống thường ngày, ta không mong có người gặp tai nạn để giúp đỡ, nhưng những lời hỏi thăm thân tình, những quan tâm tế nhị đúng lúc sẽ là những bông hoa của tình yêu nhân hậu như Thầy Giêsu dạy.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giêsu, giữa bộn bề của cuộc sống, con mải lo cho những bận tâm của mình nên dễ quên mất người anh em bên cạnh con đang cần được quan tâm chia sẻ. Xin cho con biết “nhín” một ít thời gian, một ít của cải, hay là chỉ là những quan tâm nho nhỏ để con học từ Thầy bài học: Hãy dám làm chứ đừng chỉ dám nói.


15/07/13                                           THỨ HAI TUẦN 15 TN

Th. Bônaventura, giám mục, tiến sĩ HT     Mt 10,34-11,1

DÀNH CHỖ NHẤT CHO THIÊN CHÚA

“Ai tiếp đón một ngôn sứ vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ .” (Mt 10,41)

Suy niệm: Yêu thương ai thì ta sẽ mong tiếp đón người ấy. Đón tiếp một con người không phải chỉ là mời họ bước vào nhà, mời chén nước trà, đãi họ một bữa ăn. Đón tiếp là mở lòng mình ra, để cho họ có một chỗ trân trọng trong lòng mình. Chúa nói ta đón tiếp ai thì ta sẽ cùng được chung hưởng phần số phận với người ấy: “Ai đón tiếp một ngôn sứ vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp người công chính vì người ấy là công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” Theo cách hiểu này, Chúa mời gọi chúng ta ưu tiên đón tiếp Thiên Chúa trước hết vào lòng chúng ta. Chúng ta ôm ấp những người thân yêu, như cha mẹ, con cái, vợ chồng, và cả chính mạng sống của mình trong lòng chúng ta. Nhưng vị trí đầu tiên và trước hết ở trong trái tim ta phải dành cho Thiên Chúa: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Mời Bạn: Có khi nào bạn vì quá bận rộn với những mối tương quan thứ yếu mà không còn chỗ trống nào trong lòng để tiếp đón Chúa không? Công việc làm ăn, các mối quan hệ quan trọng trong gia đình, anh em, cha mẹ, con cái, có vị trí quan trọng trong cuộc sống, bạn phải giữ họ trong lòng bạn, nhưng bạn được mời gọi đặt Chúa ở vị trí số một trong trái tim của bạn.

Sống Lời Chúa: Tiếp rước Chúa thường xuyên bằng những lời nguyện tắt, bằng việc rước lễ thiêng liêng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu xin ở lại với con luôn mãi.


16/07/13                                            THỨ BA TUẦN 15 TN

Đức Mẹ núi Cát Minh                                      Mt 11,20-24

SÁM HỐI, VIỆC CẦN LÀM NGAY

“Nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi.” (Mt 11,21)

Suy niệm: Người ta đang lo âu đề cập nhiều đến hiện tượng các giá trị tinh thần trong xã hội hiện nay bị đảo lộn và hậu quả của chúng là xói mòn đạo đức nơi con người, khiến xã hội này bị đánh giá là xã hội “phi chuẩn,” không chuẩn mực đạo đức. Nguyên nhân của tình trạng phi chuẩn là do mất ý thức về tội, hoặc coi tội như chuyện nhỏ. Kết quả là không còn biết sám hối. Nhiều Kitô hữu cũng không còn biết sám hối. Trong dịp hành hương Fatima ngày 11/5/2010, Đức Bênêđitô XVI đã nói: “Sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận sự thanh luyện.” Phải chăng vì không học bài học sám hối để trở về với Chúa mà chúng ta đang góp phần tạo cho xã hội này không còn chuẩn mực đạo đức? Dân thành ngoại giáo Tia và Xiđôn nghe Lời Chúa đã mau mắn sám hối, còn chúng ta sao cứ chây lì trong tội và làm ô Danh Chúa?

Mời Bạn: Lỗi lầm lớn nhất của con người là không ý thức được những sai trái của mình và sám hối là hành động thiêng liêng nhất của con người. Đâu là cách hành xử của bạn?

Chia sẻ: Khó khăn nào lớn nhất khiến bạn không sám hối?

Sống Lời Chúa: Hằng ngày đặc biệt mỗi tối, tôi quyết tâm đọc Lời Chúa và xét mình để sám hối trở về với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho trái tim con nên mới, dám ghét bỏ tội lỗi và thành tâm sám hối sống lại tình thân với Chúa và Hội Thánh. Amen.


17/07/13                                            THỨ TƯ TUẦN 15 TN

                                                                           Mt 11,25-27

MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Trong khi con người thời nay hãnh diện về khả năng tri thức của mình trong việc khám phá chinh phục thiên nhiên, Chúa Giê-su lại ngợi khen Chúa Cha vì đã mạc khải những mầu nhiệm cao siêu cho những người bé mọn. Nếu như không phải tốn chút công sức nào cũng biết được những điều mà những bậc hiền triết, khôn ngoan không thể đạt tới, thì cần gì những nỗ lực của con người nữa, và tất cả những sự thông thái khôn ngoan của con người còn có ích gì nữa đâu? Phải chăng lời Đức Giê-su nói đó là một ẩn số nan giải cho người thời đại chúng ta?

Mời Bạn nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su đối với Chúa Cha để khám phá ý nghĩa sâu xa của Lời Ngài : người thông thái khôn ngoan thật luôn cảm thấy mình nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa; và khi đặt mình làm người bé mọn trước Thánh Nhan, người ta mới có thể cảm nhận được những mầu nhiệm sâu thẳm của Ngài.

Chia sẻ: Thế nào là người bé mọn trước mặt Thiên Chúa? Và làm thế nào để trở thành một con người như thế?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tập thói quen thường xuyên xin Chúa ban ơn biết sống khiêm nhường.

Cầu nguyện: Lần chuỗi Mân Côi một chục, ngắm thứ nhất mùa Vui : “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.”


18/07/13                                         THỨ NĂM TUẦN 15 TN

                                                                           Mt 11,28-30

HÃY ĐẾN!

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11,28)

Suy niệm: Hãy đến!” Lời mời gọi của Đức Giêsu rất thực tế. Ngài không bảo: Hãy quẳng tất cả những vất vả, những gánh nặng mà anh em đang mang vác, rồi hãy đến với Ta! nhưng là, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Và rồi chúng ta làm một cuộc “trao đổi”: hãy đặt cái ách của con xuống và “hãy mang lấy ách của Ta”: đó là tin (thụ giáo với Chúa), khiêm nhường với Ngài, hiền lành với tha nhân. Chính khi đón nhận “ách” của Đức Giêsu và học với Ngài, ta khám phá ra sự tự do, niềm vui và bình an.

Mời Bạn hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Hòa Giải, khi bạn đang dưới ách của tội lỗi, để qua thừa tác vụ của Hội Thánh, bạn được chữa lành tâm hồn, giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, để Ngài dưỡng nuôi bạn trên đường lữ hành tiến về quê trời. Hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Xức dầu Bệnh nhân để Chúa Kitô đau khổ và vinh quang nâng đỡ và cứu vớt bạn.

Chia Sẻ: Những gánh nặng bạn đang mang vác trong đời sống là gì? Bạn sẽ làm gì để chúng nên nhẹ nhàng hơn?

Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện một cử chỉ bày tỏ sự quan tâm, cảm thông với người bên cạnh đang đau khổ, vất vả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Kitô khiêm nhường và hiền hậu, ách của Chúa êm ái, gánh của Chúa nhẹ nhàng. Chúng con đến trao vào tay Chúa gánh nặng của ngày hôm nay, xin cho chúng con được nghỉ ngơi bên Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.  

(Lời nguyện Kinh Tối thứ Tư)


19/07/13                                          THỨ SÁU TUẦN 15 TN

                                                                               Mt 12,1-8

CÓ MỘT BỘ LUẬT NHƯ THẾ!

“… Các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật Sabát mà không mắc tội đó sao?… Ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.” (Mt 12,5-6)

Suy niệm: Người Pharisêu không nhìn thấy các môn đệ đói, mà chỉ thấy họ lỗi luật ngày Sabát. Chúa Giêsu bênh vực môn đệ bằng cách trưng dẫn việc các tư tế trong Đền Thờ vẫn sát tế con vật, nhóm lửa… để tế lễ trong ngày Sabát. Họ không bị xem là lỗi luật, vì việc phụng tự được đặt lên trên luật lệ ngày Sabát. Ngài còn đi xa hơn nữa khi trưng dẫn trường hợp vua Đavít trong cơn đói, đã ăn bánh dâng tiến vốn chỉ có tư tế mới được hưởng dùng, để rồi kết luận: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” Việc dâng lễ tế quan trọng đến độ tư tế có thể lỗi luật ngày Sabát, nhưng vẫn phải đứng sau những đòi hỏi về nhu cầu cấp bách của con người. Cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định: “Con Người làm chủ ngày Sabát.” Ngài lớn hơn Đền Thờ, Ngài vượt trên cả lề luật. Ngài là “nhà lập pháp,” luật của Ngài là yêu thương. Ngài là “nhà hành pháp,” xét xử của Ngài là bao dung, nhân từ.

Mời Bạn: Đức tin đem lại cho bạn niềm vui sâu xa trong cuộc đời. Để cảm nhận niềm vui ấy, bạn cần có lòng nhân hay tấm lòng như Chúa mong muốn. Bạn hãy hân hoan vì cuộc sống mình không bị trói buộc bởi luật lệ, nhưng được cởi trói bởi luật yêu thương.

Chia sẻ: Dẫn cháu đi lễ Chúa nhật, cháu thường hay khóc. Ở nhà giữ cháu, tôi có lỗi luật Chúa nhật không?

Sống Lời Chúa: Trước một điều trái ý, tôi nhắc nhủ mình: hãy nhìn vấn đề này trong cách nhìn của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ánh mắt Chúa đầy tình thương chứ không xét nét theo luật lệ. Con vui mừng vì được tôn thờ một Đấng Thánh như thế. Con cảm tạ Chúa. Amen.


20/07/13                                          THỨ BẢY TUẦN 15 TN

Th. Apôlinarê, giám mục, tử đạo                  Mt 12,14-21

HIỀN LÀNH ẤY LÀ PHÚC THẬT

“Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,19-20)

Suy niệm: Lão Tử đã nhận thấy sức mạnh của sự hiền lành khi dạy: “ nhu thắng cương, dĩ nhược thắng cường.” Quả vậy, hiền lành là đức tính không thể thiếu trong mọi tương giao và xử thế của cuộc sống. Kiêu ngạo làm cho con người ra dối trá, tàn ác, xấu xa, nham hiểm (Gr 17,9). Lời Chúa hôm nay phác hoạ cho ta chân dung hiền lành của Đức Giêsu: Đấng chinh phục con người bằng lòng hiền hậu, điềm tĩnh chứ không bằng lời lẽ to tiếng, hơn thua; Đấng đồng cảm với những kẻ yếu đuối, nâng đỡ, khích lệ, ủi an họ. Đức Bênêđitô XVI khẳng định rằng: “Tình yêu trong sự thuần khiết và vô tư là chứng cớ tốt nhất về Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương” (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu).

Mời Bạn: Tình thương Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng của sự hiền lành, như lời Thánh Tôma Aquinô: “Kiêu ngạo là cay đắng, là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho nên kiêu ngạo khiến ta đố kỵ nhau. Bởi vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho tâm hồn mình thấm nhuần hiền lành.” Chỉ khi sống hiền lành, bạn mới thấy được tình yêu của Chúa Kitô là động lực thúc bách bạn yêu thương và tha thứ.

Chia sẻ: Bạn có thái độ nào khi bi5 người khác chửi mắng, xúc phạm?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, là mẫu gương hiền lành cho con. Xin cho con biết sống hiền lành để con yêu thương hết mọi người như Chúa yêu con. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment