13/07/14 chúa nhật tuần 15 tn – a
Mt 13,1-23
là hạt giống gieo vào đất tốt
“Hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất… Hạt rơi trên sỏi đá… nên chết khô… Hạt rơi vào bụi gai,… gai làm nó chết ngạt… Hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả…” (Mt 13,4-8)
Suy niệm: Đức Giê-su, Đấng vào đời gieo vãi Tin Mừng đạo Trời. Chúa gieo vãi Lời Người khắp nơi, bất chấp những khó khăn, chậm chạp, thất bại, rồi mùa gặt cũng sẽ đến: từ những khởi đầu ít hứa hẹn, sẽ bừng lên một mùa thu hoạch vượt quá mọi hy vọng, hoa lợi kỳ diệu của hạt giống rơi trên đất tốt sẽ đền bù rộng rãi cho những thất bại. Chúa Giê-su khẳng định Nước Thiên Chúa sẽ đạt đến viên mãn dù có những chướng ngại. Đồng thời Chúa mời gọi con người cộng tác góp phần vào công trình gieo giống của Người: làm cho trần thế này tràn đầy tình Chúa tình người.
Mời Bạn: Những người đi gieo hạt Tin Mừng ngày nay cũng rất nhiều lần cảm nghiệm được những thất bại não nề bởi những thế lực thù nghịch, thế lực tội lỗi như liên kết làm cho hạt giống thui chột đi, nhưng vẫn cứ quảng đại đi gieo… Còn chúng ta, những mảnh đất tiếp nhận hạt giống, cần phải được cày xới, nhặt hết sỏi đá gai góc, đó là những tiêu cực trong cuộc sống đạo, để những gì tốt đẹp tích cực trong cuộc sống vươn lên góp phần cải tạo đất, làm cho nó thêm màu mỡ để cho Lời Chúa sinh hoa kết trái gấp trăm.
Chia sẻ: Theo ý bạn, đâu là những trở ngại khiến hạt giống Lời Chúa khó nảy mầm và lớn lên trong bạn?
Sống Lời Chúa: Trung thành đọc và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi tối trong gia đình bạn.
Cầu nguyện: Hát : “Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài…”
14/07/14 THỨ HAI TUẦN 15 TN
Mt 10,34-11,1
ĐỨC GIÊ-SU ĐEM BÌNH AN HAY GƯƠM GIÁO?
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.” (Mt 10,34)
Suy niệm: Ngày Chúa Giê-su giáng sinh, thiên thần ca hát chúc “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Thế mà Chúa lại nói: “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.” Sứ điệp Chúa rao giảng đúng là Tin Mừng bình an, nhưng đó không phải là bình an “theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Nhiều người đã không đón nhận Chúa và sứ điệp của Ngài. Họ trở thành thù địch với Chúa, thù địch luôn cả những ai tin theo Ngài: “Nếu thế gian ghét anh em thì hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 16,18). Sứ điệp của Chúa là bình an lại trở thành “gươm giáo” đối với họ.
Mời Bạn: Những bất hoà, ghen ghét xảy ra trong các gia đình chính là vì sứ điệp bình an của Chúa đã không được thực thi. Cũng thế, những bất công, xung đột xảy ra trên thế giới cũng vì sứ điệp của Chúa bị người đời chối bỏ. Những ai tin và sống giáo huấn của Đức Giê-su phải đối lại “gươm giáo” của thế gian bằng “thập giá” của Đức Giê-su để cùng với Ngài làm cho bình an của Chúa ngự trị trên trái đất này.
Chia sẻ: “Gươm giáo” điển hình nhất mà bạn gặp phải khi sống Tin Mừng Đức Giê-su là gì? Xin chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh tự nguyện, nói một lời hoà nhã thay vì những lời nóng giận, khích bác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn là Chúa bình an. Xin cho chúng con biết đón nhận bình an của Chúa, để dù phải đối diện với “gươm giáo” chúng con vẫn can đảm và hãnh diện vì mình là môn đệ của Chúa bình an.
15/07/14 THỨ BA TUẦN 15 TN
Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT Mt 11,20-24
ƠN BAN ĐI ĐÔI VỚI TRÁCH NHIỆM
Chúa Giê-su nói: “Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi hỡi Bét-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,21-22)
Suy niệm: Theo lẽ thường quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Tương tự ân sủng Chúa ban cho ai cũng kéo theo những trách nhiệm đối với người ấy. Hưởng ơn ban càng nhiều, chịu trách nhiệm càng lớn. Và do đó, nếu không chu toàn trách nhiệm cách tương xứng, thì án phạt càng nặng nề. Những phép lạ Chúa thực hiện cho một số người ở Kho-ra-din hay ở Bét-sai-đa, cũng là một ơn ban cho toàn thể dân thành. Vì thế theo qui tắc liên đới, họ cũng đồng trách nhiệm trong việc đáp lại sứ điệp của Chúa qua những phép lạ đó. Mà sứ điệp đó là: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.”
Mời Bạn: Những ơn Chúa ban cho ta không phải chỉ để ta hưởng thụ một mình, mà ta phải nhờ đó để trổ sinh nhiều hoa quả thiêng liêng “xứng với lòng thống hối” chẳng những nơi mình và mà còn cho người khác nữa.
Chia sẻ: Nhiều người nhận được ơn đặc biệt Chúa ban (khi đi hành hương, xin khấn, v.v…) nhưng có người sửa đổi đời sống và nên thánh, có người không. Bạn nghĩ gì về điều này?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần kiểm điểm đời sống, bạn hãy cố khám phá một ơn Chúa đã ban cho bạn để cảm tạ và nhờ đó sửa đổi đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban và cho con biết nên thánh xứng với những ơn huệ đó.
16/07/14 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Đức Mẹ núi Cát Minh Mt 11,25-27
MẠC KHẢI CHO KẺ BÉ MỌN
Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11,25-26)
Suy niệm: Trong khi con người thời nay hãnh diện về khả năng tri thức của mình trong việc khám phá chinh phục thiên nhiên, Chúa Giê-su lại ngợi khen Chúa Cha vì đã mạc khải những mầu nhiệm cao siêu cho những người bé mọn.
Nếu như không phải tốn chút công sức nào cũng biết được những điều mà những bậc hiền triết, khôn ngoan không thể đạt tới, thì cần gì những nỗ lực của con người nữa, và tất cả những sự thông thái khôn ngoan của con người còn có ích gì nữa đâu? Phải chăng lời Đức Giê-su nói đó là một ẩn số nan giải cho người thời đại chúng ta ?
Mời Bạn: nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su đối với Chúa Cha để khám phá ý nghĩa sâu xa của Lời Ngài: người thông thái khôn ngoan thật luôn cảm thấy mình nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa; và khi đặt mình làm người bé mọn trước Thánh Nhan, người ta mới có thể cảm nhận được những mầu nhiệm sâu thẳm của Ngài.
Chia sẻ: Thế nào là người bé mọn trước mặt Thiên Chúa? Và làm thế nào để trở thành một con người như thế?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xin Chúa ban ơn biết sống khiêm nhường và thực hiện những việc phục vụ nhỏ bé âm thầm để tập đức khiêm nhường.
Cầu nguyện: Lần chuỗi Mân Côi một chục, ngắm thứ nhất mùa Vui: “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.”
17/07/14 THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Mt 11,28-30
HÃY ĐẾN CÙNG GIÊ-SU
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
Suy niệm: Chúa Giê-su thật gần gũi và thân tình. Ngài quan tâm đến từng người và từng nhu cầu nhỏ bé của chúng ta. Và sự quan tâm của Ngài được thể hiện thật giản dị, cụ thể và hữu hiệu. Những lời nói ân cần của Ngài “hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” mạc khải cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu của cha luôn thấu hiểu, biết con cái mình cần gì, và ban cho chúng điều tốt đẹp nhất, là tình yêu của mẹ, âu yếm vỗ về bằng một trái tim đong đầy yêu thương. Chúa đã tỏ lòng yêu thương thân tình như thế, chúng ta còn lý do gì để từ chối đón nhận tình yêu của Ngài nữa không?
Mời Bạn: Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến với Ngài cùng với những gánh nặng của cuộc đời, để Ngài đỡ nâng và xoa dịu. Gánh nặng đó là những lắng lo và lầm lỗi của mỗi người; những đổ vỡ, bất hoà trong gia đình hay trong các mối tương quan; những khó khăn, bất lợi và thất bại trong công việc… Chúng ta hãy đến với Giê-su cùng những gánh nặng ấy, để trong Ngài chúng ta được nghỉ ngơi, được đổ đầy yêu thương, đổ đầy sức mạnh của niềm tin để lấy lại sức mạnh và hy vọng cho cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ra ít nhất là 5 phút “đến với Chúa Giê-su” để dâng đời sống ta cho Ngài và để cho Ngài đong đầy yêu thương của Ngài bằng Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không chỉ là Cha của chúng con mà Chúa còn là chính gia nghiệp và là phần phúc của chúng con. Xin cho con biết đến với Ngài với niềm xác tín vào tình thương tròn đầy của Chúa.
18/07/14 THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Mt 12,1-8
YÊU THƯƠNG, CỐT TUỶ CỦA LỀ LUẬT
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế con người làm chủ ngày Sa-bát.” (Mt 12,7-8)
Suy niệm: Theo truyền thống Do Thái, việc bứt lúa coi như việc gặt hái là một trong 39 việc cấm làm trong ngày Sa-bát. Vì thế các người biệt phái đã nại vào luật này để chỉ trích các môn đệ đã bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát. Hành động bứt lúa của các môn đệ không chỉ để mua vui mà vì một nhu cầu lớn hơn liên quan đến sự sống: “Đói”! Thế nhưng những người biệt phái thông luật lại không nắm được cái cốt tuỷ của lề luật đó là sự yêu thương và lòng nhân hậu. Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a đến để chấn chỉnh lại lề luật, Ngài muốn con người được yêu thương và được sống. Đa-vít khi đói còn được ăn “bánh tiến” nữa là… Thế nên, sự sống con người quý trọng hơn thái độ nệ luật biết bao. Nếu chúng ta giữ luật mà không chú trọng đến trọng tâm của luật thì luật chỉ còn là gánh nặng và là xích xiềng ràng buộc chúng ta.
Mời Bạn: Hãy ý thức: luật Hội Thánh cho nghỉ việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng là để người tín hữu có nhiều thời gian đến gần với Thiên Chúa hơn.
Sống Lời Chúa: Hãy làm tròn bổn phận của người Ki-tô hữu: gia tăng việc đạo đức, bố thí, thăm người nghèo, bệnh nhân, v.v…
Cầu nguyện: Lạy Chúa là chủ tể thời gian và mọi công việc. Xin cho mọi công việc chúng con làm từ tư tưởng đến hành động đều do Chúa điều khiển và dẫn dắt để không đi ngoài Thánh ý của Chúa và luôn phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Amen.
19/07/14 THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Mt 12,14-21
NHÂN HẬU NHƯ ĐỨC KI-TÔ
“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,20a)
Suy niệm: Phúc âm theo thánh Mát-thêu cho biết lời tiên báo về Người Tôi Trung trong sách ngôn sứ I-sa-i-a được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: Ngài là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn; Thiên Chúa hài lòng vì người Tôi Trung hiền lành nhân hậu ấy. Không cãi vã, không lớn tiếng: đó là tính cách nhân bản nhưng được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa: Ngài luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh, những người không có địa vị; những người bị gạt ra ngoài lề, không tiếng nói trong xã hội lại được Ngài dang tay đón nhận; dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói, Ngài vẫn nhẫn nại đợi chờ để cứu độ con người.
Mời Bạn: Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Thầy dạy chúng ta sống nhân từ, quảng đại với tha nhân, đặc biệt quan tâm đến những anh chị em bé nhỏ nghèo hèn. Mời bạn hãy theo gương Đức Giê-su, sống như Ngài trong từng giây phút của đời mình.
Chia sẻ: Trong ngày truyền thông thế giới xã hội lần thứ 48, Đức tổng giám mục của giáo phận Saigon kêu gọi chú ý đến người nghèo vì họ chịu nhiều thiệt thòi và không có tiếng nói. Họ là ai, và làm thế nào để ơn cứu độ đến với họ?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày quyết tâm làm một hành động cụ thể để trở nên giống Chúa Giê-su nhân hậu và mỗi tối kiểm điểm lại đời sống xem mình đã thực hiện quyết tâm ấy thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu để chúng con được bắt chước, Xin cho chúng con mềm lòng hơn trước anh chị em mình để mỗi ngày chúng con càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.