5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 08-2014

24/08/14                              CHÚA NHẬT TUẦN 21 TN – A

                                                                           Mt 16,13-20

ANH EM NÓI THẦY LÀ AI?

“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.(Mt 16,16)

Suy niệm: Câu chuyện Thầy-trò diễn ra trong một khung cảnh riêng tư, ở một nơi chốn khá xa những con người và những sinh hoạt thông thuộc hằng ngày, một khung cảnh thuận tiện để hồi tâm, nhìn lại mọi sự, và để Thầy trò tâm sự, chia sẻ một cách mật thiết với nhau. Chúa Giê-su muốn biết các môn đệ nghĩ Ngài là ai, và Phê-rô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.” Sự nhìn nhận này thật quan trọng. Ta không biết mức độ xác tín nơi Phê-rô thế nào khi tuyên bố như vậy, nhưng ít ra là ông đã nói lên được sự thật hết sức nền tảng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa! Từ “Ki-tô” tiên vàn không phải là tên gọi mà đó là một từ chỉ chức vụ, chỉ việc làm. Đức Giê-su là Ki-tô, có nghĩa rằng Ngài là Đấng được Chúa Cha xức dầu (Thánh Thần) và sai đến để cứu độ con người và thế giới. Nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô có nghĩa rằng nhìn nhận mình cần được Ngài cứu độ, mình hoàn toàn thuộc về Ngài, và Ngài lẽ sống, là thần tượng, là tất cả ý nghĩa của mình.

Mời Bạn: Ki-tô hữu là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô của mình. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ tin bằng một lời kinh Tin Kính đọc hời hợt, chứ không thực sự say đắm Ngài, không coi Ngài là thần tượng, không để con người và cuộc sống của mình thực sự bị thu hút bởi Ngài, không biến đổi trở nên đồng nhất với Ngài.

Sống Lời Chúa: Cuộc sống Ki-tô hữu của tôi cần có những thời khắc rút vào sa mạc tâm hồn mình, để tĩnh tâm, để đặt câu hỏi và trả lời với Chúa Giê-su: Trong thực tế, Ngài là ai đối với tôi?

Cầu nguyện: Hát “Bỏ Ngài con biết theo ai…”


25/08/14                                           THỨ HAI TUẦN 21 TN

Th. Giu-se Ca-la-san, linh mục                      Mt 23,13-22

KHOÁ CỬA KHÔNG CHO VÀO!

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người…! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào!” (Mt 23,13)

Suy niệm: Trong bí tích Thánh Tẩy, mỗi tín hữu đều lãnh nhận 3 chức vụ: tư tế (phụng tự), tiên tri (loan báo) và vương đế (phục vụ bác ái). Ơn gọi người Ki-tô hữu là sống và thi hành trọn vẹn các chức vụ này, không chỉ cho bản thân, mà còn cho những ai “thuộc về mình”, nghĩa là những ai tôi có trách nhiệm với họ: gia đình, họ hàng, bạn hữu, những người làm việc với tôi…. Cho bản thân, tôi phải nỗ lực thánh hóa đời sống tôi mỗi ngày; cho người khác, tôi giúp họ trở nên “môn đệ Chúa Ki-tô”. Nỗ lực này không chỉ dừng lại ở khía cạnh tiêu cực (không làm điều xấu, không làm hại ai), mà còn tích cực (làm việc tốt, làm gương sáng), chứng nhân cho Đức Kitô, và Tin Mừng của Ngài.

Mời Bạn: Chúng ta đang “chìm ngập” trong lối sống hình thức phô trương, trong thói đời giả hình, giả dối. Bạn cảm thấy bản thân bị “ô nhiễm” trong nếp nghĩ và cách sống đó không? Nếu không cảnh giác, không khéo bạn sẽ rơi vào tình trạng khôn ngoan theo kiểu thế gian mà dân gian vẫn gọi là “ai làm sao, tôi làm vậy; ai làm bậy, tôi cũng làm theo” đấy!

Sống Lời Chúa: Dành thời gian xét mình nghiêm túc để khám phá “bộ mặt thật” của mình trong thời gian này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban Chúa Thánh Thần thanh lọc con khỏi con người ích kỷ và giả dối, kiêu căng và tham lam, để đời sống con không bao giờ trở nên “chướng ngại” hoặc gương mù gương xấu cho anh chị em con.


26/08/14                                            THỨ BA TUẦN 21 TN

                                                                           Mt 23,23-26

LỀ LUẬT: CÔNG LÝ, NHÂN ÁI VÀ THÀNH TÍN

“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23)

Suy niệm: Những kinh sư và người Pha-ri-sêu là những người am tường Lề Luật, có nhiệm vụ giải thích Luật cho dân chúng và còn là những người giữ Luật rất nhiệm nhặt. Thế mà Chúa Giê-su nhận xét không một ai trong các kinh sư và Pha-ri-sêu tuân giữ Lề Luật (x. Ga 7,19). Vì sao vậy? Vì họ chỉ giữ tỉ mỉ những quy định, nhưng lại “bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín”. Họ bám lấy cái phụ tùy là những quy định chi li về Luật do con người ràng buộc, mà bỏ quên giới răn cốt lõi đó là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Vì thế, những giới luật họ giữ chỉ là giới luật của phàm nhân chứ không phải của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Thánh Phaolô cho biết, Lề Luật là người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin (x. Gl 3,24). Lề Luật đó chính là Lề Luật phát xuất từ Lời Chúa, hay nói cách khác, Lời Chúa là tiêu chuẩn cho mọi đánh giá và sự chọn lựa của Ki-tô hữu, là Luật vượt trên mọi thứ luật và là mực thước cho mọi Ki-tô hữu trên đường nên thánh.

Sống Lời Chúa: Đọc Lời Chúa hằng ngày và thực hành Lời Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cứu độ con và làm cho con trở nên con người tự do, nhưng không phải thứ tự do rẻ tiền; trái lại, con được tuân giữ Luật Phúc Âm của Chúa như một người con tự do, tự do yêu Chúa, tự do sống theo Lời Chúa dạy.


27/08/14                                            THỨ TƯ TUẦN 21 TN

Th. Mô-ni-ca                                                     Mt 23,27-32

ĐỪNG GIẢ HÌNH!

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)

Suy niệm: Chẳng phải chỉ có mấy ông kinh sư và người Pha-ri-sêu ở xứ Pa-lét-tin thời Chúa Giê-su mới có thói vụ hình thức hay giả hình. Quả thực là ở đâu, vào thời nào, thói giả hình vẫn tồn tại trong lòng con người; và hơn nữa đối với các Ki-tô hữu, nó lại là một cơn cám dỗ triền miên. Chúng ta dễ có khuynh hướng trau chuốt bề ngoài để che đậy những xấu xa bẩn thỉu bên trong. Dĩ nhiên, xã hội cũng phải có những ràng buộc nhằm tạo nên trật tự và hài hoà. Nhưng nếu sự hài hoà đó không thể hiện trật tự nội tâm con người thì nó chỉ là một cái vỏ giả tạo, một nấm mồ được tô vẽ đẹp đẽ bên ngoài còn bên trong thì “đủ mọi thứ ô uế.”

Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi bạn nhìn lại cách sống đạo của bạn. Nếu sự chính trực và lòng nhân ái chưa thực sự là động lực thúc đẩy và hướng dẫn mọi sinh hoạt tôn giáo của bạn, thì có lẽ bạn sẽ không hơn gì những kinh sư và người Pha-ri-sêu. Bạn đừng vì quan tâm đến cái bên ngoài mà quên đi cái cốt lõi của đạo là tình yêu.

Sống Lời Chúa: Nhiều khi bạn hay nổi nóng vì chạm tự ái hay vì mất sỹ diện khiến vỏ bọc con người bạn bị bóc trần. Hôm nay bạn thử một lần không nổi nóng khi gặp chuyện như thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi lắng nghe những lời chúc dữ các kinh sư và người Pha-ri-sêu, chúng con cảm thấy như Chúa cũng muốn ngỏ cùng chúng con. Xin cho chúng con biết thành tâm sám hối, tẩy xoá tội con và ban cho con quả tim mới đầy yêu thương.


28/08/14                                         THỨ NĂM TUẦN 21 TN

Th. Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ HT                 Mt 24,42-51

LÀ NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA CHÚA

Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44)

Suy niệm: Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ phải sẵn sàng chờ đợi Chúa đến với tinh thần tỉnh táo và trong tư thế sẵn sàng hành động như người đang canh phòng kẻ trộm. Sự tỉnh thức sẵn sàng của các môn đệ không giống như sự tỉnh thức của toán quân đang phục kích chờ địch đến để tiêu diệt; nó cũng khác với sự tỉnh thức trong run sợ của một tử tội chờ đến giờ mình bị hành quyết. Chúa Giê-su chân dung người tôi tớ trung thành, đó là: chu toàn với tinh thần trách nhiệm các bổn phận được giao phó, tận tâm chăm lo cho tha nhân trong tình huynh đệ, sẵn sàng chờ đón chủ bằng lòng yêu mến trung thành. Việc chủ trở về cách bất ngờ không phải là một điều gây sợ hãi mà trái lại càng làm sâu đậm hơn sự gắn bó của người tôi trung với chủ mình.

Mời Bạn: Bạn có xác tín rằng chọn lựa căn bản của những người môn đệ của Chúa Ki-tô chính là sống như người tôi trung của Thiên Chúa không? Là người tôi trung của Chúa, bạn có trách nhiệm coi sóc những tài sản của Ngài, đó là vũ trụ, mà Thiên Chúa đã tạo dựng, là nhân loại trong đó có cả chính bạn, là những thụ tạo đặc biệt đã được tạo thành giống hình ảnh của Thiên Chúa.

Chia sẻ: Những đam mê hưởng thụ ích kỷ và vô độ là đầu mối dẫn đến chỗ bất trung với Thiên Chúa. Cộng đoàn của bạn đang vướng vào thứ bất trung nào?

Sống Lời Chúa: Bạn chu toàn cách tốt nhất bổn phận hằng ngày trong tâm tình người tôi trung của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là tôi tớ vô dụng của Chúa. Xin chỉ cho con biết Chúa muốn con làm gì và giúp con chu toàn những việc đó.


29/08/14                                          THỨ SÁU TUẦN 21 TN

Th. Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết                   Mc 6,17-29

PHÚC THAY NGƯỜI “CHỊU KHỐN NẠN VÌ ĐẠO NGAY”

Lập tức, vua sai thị vệ đi …. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông Gio-an Tẩy giả ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.(Mc 6,27-28)

Suy niệm: Dù không bị bắt phải bước qua thập giá hay phải chối bỏ đức tin như các vị thánh tử đạo, thánh Gio-an Tẩy giả bị chết tức tưởi chỉ vì một lời nói ngay, bênh vực cho đạo lý: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.” Dùng lời nói, cuộc sống và cuối cùng dùng cả cái chết của mình để rao giảng cho chính đạo như thế, Gio-an Tẩy Giả xứng danh là một vị tử đạo đầy đủ ý nghĩa, đúng như Lời Chúa nói trong Tám Mối Phúc Thật: “Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phúc thật” – nói theo ngôn ngữ hiện đại là “ai vì bênh vực cho công lý, cho lẽ phải mà phải chịu thiệt thân” người ấy được hưởng hạnh phúc giống như những người dám liều thân làm chứng cho Đức Ki-tô vậy.

Mời Bạn: Lời Tertulianô, một văn sĩ công giáo cổ thời, vẫn còn giá trị: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm trổ sinh các tín hữu.” Để có thể dám chết vì chính đạo, ta phải dám sống vì chính đạo trước đã. Chính cái chết từng ngày qua việc từ bỏ tính ích kỷ, từ bỏ những đam mê dục vọng, những việc làm bất chính sẽ dẫn đưa chúng ta đến cõi sống muôn đời và là những hạt giống âm thầm được vùi trong cuộc sống để làm trổ sinh các tín hữu mới.

Chia sẻ: Sống đạo là “sống-tử-đạo”. Để sống-tử-đạo bạn cần từ bỏ những gì?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn sống-tử-đạo bằng cách làm một hy sinh nhỏ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết từ khước những thói hư tật xấu, chết cho ý riêng con mỗi ngày để luôn sống trong tình yêu của Thiên Chúa.


30/08/14                                          THỨ BẢY TUẦN 21 TN

                                                                           Mt 25,14-30

LÀM KINH TẾ CHO NƯỚC CHÚA

“Cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén tuỳ theo khả năng mỗi người.” (Mt 25,14-15)

Suy niệm: Nếu như có ai đó nói rằng Chúa không biết làm kinh tế (qua dụ ngôn người chủ vườn nho Mt 20,1-16 chẳng hạn), thì qua dụ ngôn này, Chúa trả lời về cách làm của Ngài: Ngài giao cho chúng ta việc làm ăn kinh tế đó. Thiên Chúa không coi con người như những cỗ máy, dù “thông minh” như robot, hay như những người con trẻ dại. Trái lại, Ngài coi con người là những người trưởng thành đầy tinh thần trách nhiệm biết cộng tác với Ngài để sinh lợi cho Nước Chúa dựa vào số vốn liếng ban đầu Ngài đã ban cho thế giới này nói chung, và cho mỗi người nói riêng.

Mời Bạn: Thế giới này, vũ trụ này, tất cả những gì bạn có, kể cả chính bạn đều là những nén bạc Chúa trao. Ý thức mình là những người con được Thiên Chúa yêu thương tín nhiệm như thế, bạn hãy sinh lợi cho Nước Trời từ những nén bạc của bạn trong việc phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân.

Chia sẻ: Thái độ so bì, mặc cảm khi thấy mình kém thua người khác, hoặc trái lại, tự mãn, khinh rẻ những người kém hơn mình có phải là thái độ đúng với giáo huấn Tin Mừng không?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm một việc bổn phận, dù là việc lớn, việc nhỏ, bạn hãy dâng việc đó cho Chúa, với ý hướng cầu nguyện cho việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù con chỉ nhận được một nén bạc, xin cho con biết quí trọng nén bạc Chúa trao và luôn kiên trì làm việc, để sinh lợi nhiều hoa trái cho Nước Chúa.


31/08/14                              CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – A

                                                                           Mt 16,21-27

LIỀU SỰ SỐNG VÌ NƯỚC TRỜI

“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được.” (Mt 16,25)

Suy niệm: Nhạc sĩ Văn Cao, người vẫn tự xưng mình là Ki-tô hữu, đã viết trong bài thơ Không Đề như sau: “Con thuyền đi qua, để lại sóng. Đoàn tàu đi qua, để lại tiếng. Đoàn người đi qua, để lại bóng. Tôi không đi qua tôi, để lại gì?” Muốn để lại cái gì đó tốt đẹp cho cuộc đời, người nhạc sĩ tài hoa ấy hiểu rằng phải đi qua chính mình, vượt qua bản ngã ích kỷ, bản năng an thân, cầu an, để có những cống hiến phục vụ đồng loại. Lời Chúa hôm nay nhắc ta nếu chỉ bo bo giữ lấy sự sống Chúa ban cho riêng mình, lúc nào cũng quan tâm suy tư về lợi lộc, tiện nghi, an toàn của mình, rốt cuộc ta sẽ đánh mất sự sống ấy. Trái lại, nếu dám mạo hiểm, liều lĩnh đầu tư thời giờ, công sức cho Nước Trời, rốt cuộc ta lại có được sự sống đời đời, sự sống đích thật từ Thiên Chúa.

Mời Bạn: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn… phải đi ra từ vùng đất tiện nghi của mình của mình để đến với những ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 20). Liều mình “đi ra” khỏi những thói quen, tiện nghi, cơ chế, sinh hoạt quen thuộc luôn là đòi hỏi của người môn đệ Đức Giê-su để có thể thanh thoát cho việc loan báo Tin Mừng. Điều này có ý nghĩa với bạn không?

Sống Lời Chúa: Tôi xét xem điều gì cản trở không cho tôi dám liều mạng sống mình cho Chúa (tiện nghi, hưởng thụ, danh dự, khôn ngoan tính toán kiểu thế gian…) và tìm cách sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã liều mạng sống vì chúng con, nhờ đó, chúng con có được sự sống đời đời. Xin giúp chúng con cũng dám liều sự sống cho Chúa và cho nhau. Amen

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment