5 Phút Cho Lời Chúa
Tháng 09- 2013
* * *
Mục Lục
Ngày 1 – 7: Trang 1
KINH XIN ƠN SỐNG QUẢNG ĐẠI: Trang 6
* * *
01/09/13 CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – C
Lc 14,1.7-14
CHO MÀ KHÔNG TÌM NHẬN LÃNH
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì để đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Bước vào đời người ta thường được dạy “lẽ khôn” này là: “Chẳng ai cho không bạn cái gì!” Điều đó dẫn đến qui tắc ứng xử: Tôi cũng sẽ không cho không ai cái gì! Rất may, đó không phải là tất cả đời sống; vì đời sống còn có chỗ cho tình nghĩa, cho trái tim. Khi Mẹ Têrêsa qua đời hồi tháng 9 năm 1997, tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi điện chia buồn, viết: “Tối hôm nay, thế giới nghèo đi hơn trong tình yêu thương, nghèo đi hơn trong lòng trắc ẩn, nghèo đi hơn trong bao dung.” Đấy bởi vì Mẹ Têrêsa là tượng đài của lòng bác ái trong thế giới hiện đại. Mẹ đã hiến cả đời mình để dấn thân chia sẻ, phục vụ những con người nghèo nhất trong số những người nghèo vì “họ không có gì để đáp lễ”. Nhưng chính Chúa đã bù đắp lại cho Mẹ gấp trăm ngay ở đời này và cả đời sau nữa.
Mời Bạn: Mỗi khi chúng ta quan tâm, chia sẻ, phục vụ những người bất hạnh xung quanh đời mình một cách hoàn toàn vô vị lợi, chúng ta thấy mình là người hơn, là môn đệ Chúa Kitô đúng nghĩa hơn. Bạn đã cảm nghiệm được điều đó chưa?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn đặc biệt quan tâm đến những người cần được giúp đỡ ở xung quanh mình, có hành động cụ thể chia sẻ với họ, một cách chân thành và trong tinh thần hoàn toàn vô vị lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết mở rộng tấm lòng, để sẵn sàng cho đi mà không hề tính toán; vì khi con biết cho đi là con lại được nhận lãnh.
02/09/13 THỨ HAI TUẦN 22 TN
Lc 4,16-30
NGAY HÔM NAY TIN MỪNG ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21)
Suy niệm: Mở một tờ báo ra, những thông tin được quan tâm tìm đọc trước nhất thường là những tin tức “giật gân”, “động trời”: nào là tin động đất, sóng thần, nào là tin giết người cướp của, khủng bố, v.v… Nhu cầu hiếu kỳ đó tiết lộ một nỗi bất an triền miên tiềm ẩn trong đáy lòng do họ khao khát bình an hạnh phúc mà lại không có được. Thế rồi không biết từ bao giờ người ta không còn cảm nhận được hạnh phúc đích thực vẫn ở quanh họ, trong tầm tay của họ. Lời Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng “Tin Mừng cho người nghèo khó” mà Đức Kitô loan báo phải được ứng nghiệm không ở đâu xa mà ngay ở đây, ngay hôm nay mỗi khi Lời Ngài được công bố, được đọc và suy niệm.
Mời Bạn: Bạn có nhận ra nỗi bất an tiềm ẩn trong đáy lòng của bạn không? Chúa mời gọi bạn để cho Lời Ngài ứng nghiệm cách hiện thực trong đời sống của bạn qua việc bạn chuyên cần đọc và suy niệm Lời Chúa. Và bạn nhớ, bạn có sứ mạng làm cho Lời Chúa mà bạn vừa nghe, mỗi khi bạn tham dự thánh lễ, hay khi bạn đọc Lời Chúa, cũng được ứng nghiệm nơi những người sống chung quanh bạn. Như thế, cùng với Chúa Kitô, bạn trở thành những sứ giả đem Tin Mừng bình an cho tha nhân.
Sống Lời Chúa: Dành một khoảng lặng, một khoảng riêng trong ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa, nhờ đó bình an của Chúa Kitô được ứng nghiệm trước tiên nơi tâm hồn bạn và lan truyền sang bất cứ ai mà bạn tiếp xúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra con được hạnh phúc có Chúa ở với con để con chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho mọi anh chị em con.
03/09/13 THỨ BA TUẦN 22 TN
Th. Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 4,31-37
ĐỂ CHÚA CAN THIỆP VÀO ĐỜI TÔI
“Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (Lc 4,31-37)
Suy niệm: Ma quỷ biết Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, đáng yêu mến. Thế nhưng chúng lại không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào đời chúng; với một lòng thù hận không thể rút lại, chúng không chấp nhận một mối tương giao nào với Thiên Chúa. Thế mà giờ đây chúng vẫn phải đối mặt với Ngài. Đó chính là nỗi thống khổ cùng cực của ma quỷ, của hoả ngục: muốn hoá thành hư không để khỏi đau khổ mà không thể được. Đó là lý do của tiếng kêu thét: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”
Mời Bạn: Con người ngày nay cậy vào trí thông minh, nại đến quyền tự do của mình để can thiệp vào tiến trình sự sống là điều vốn thuộc quyền Thiên Chúa: họ chế tạo ra vũ khí hạch nhân, hoá học giết người hàng loạt; họ cổ võ phá thai, sinh sản vô tính, v.v… Họ không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời họ, không chấp nhận thuộc về Ngài qua việc tuân thủ những chuẩn mực luân lý, đạo đức của Ngài. Trong cuộc sống hằng ngày tôi có hành xử như thế không, khi tôi từ chối sống theo Lời Chúa răn dạy? Khi tôi không đón nhận những điều mà Chúa để cho xảy đến trong cuộc đời tôi? Tôi có phản kháng Ngài như ma quỷ: “Chuyện của tôi can gì đến ông?” hay không?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng thay đổi nếp sống của bạn, gia đình, cộng đoàn bạn mỗi khi bạn nhận thấy có điều gì lạc xa khỏi đường lối của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin thương giải thoát gia đình con, giáo xứ con, cộng đoàn con khỏi sự hoành hành của quỷ dữ. Xin cho chúng con biết để Chúa can thiệp vào cuộc đời chúng con. Amen.
04/09/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44
DỨT KHOÁT TRƯỚC SỰ DỮ
Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt rời khỏi bà : tức khắc bà chỗi dậy phục vụ các ngài. (Lc 4,39)
Suy niệm: Đức Giêsu nhắm thẳng vào sự dữ đang khuynh đảo lòng người. Ngài chẩn bệnh rất chính xác: mầm mống bóng tối tội lỗi đang gây chuyện, ăn sâu vào nội tâm con người. Ngài nhắm thẳng vào nó và khử trừ nó. Kết cục, ma quỷ đội lốt cơn sốt đã không cầm cự lại được với Ngài, nó phải xuất khỏi bà mẹ vợ ông Simon. Chúa thì mạnh mẽ và uy quyền hơn ma quỷ! Đó là điều chắc chắn!
Mời Bạn: Đọc Tin Mừng (x. Lc 4,35; Mc 5,7-8), chúng ta thấy khi đối đầu với ma quỷ, Đức Giêsu không chần chừ, không nhân nhượng với nó, nhưng Ngài thẳng tay. Đó là thượng sách mà Đức Giêsu đã khôn ngoan xử trí. Nếu chúng ta cứ nhân nhượng, tìm cách thương lượng với Sự Dữ, đối thoại với nó thì e rằng chúng ta sẽ lại thảm bại và cúi mình nghe theo nó. Trường hợp bà Evà trong Vườn Địa Đàng ngày xưa là chứng minh cụ thể!
Chia sẻ: Đọc lại hai câu chuyện ma quỷ cám dỗ bà Evà (St 3,1-6) và cám dỗ Chúa Giêsu (Lc 4,1-13); so sánh chiến thuật của ma quỷ và cách chống trả cơn cám dỗ của bà Evà và của Chúa Giêsu. Điểm khác biệt giữa bà Evà và Chúa Giêsu là gì? Mời bạn rút ra kết luận.
Sống Lời Chúa: Hãy có thái độ tỉnh thức và dứt khoát với tội lỗi, khi bạn gặp cơn cám dỗ! Hãy bắt chước Đức Giêsu : đi thẳng vào vấn đề khử trừ nó ra khỏi lòng mình. Đừng chần chừ! Vì “Tránh voi chẳng hổ mặt nào” mà bạn!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tin Ngài là Con Thiên Chúa, con xin phó thác trọn vẹn thân con, cuộc đời con nơi Ngài. Amen.
05/09/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11
NHẬN BIẾT QUYỀN NĂNG CHÚA
Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó đều kinh ngạc. (Lc 5,9)
Suy niệm: Người Do thái, và ngay cả những môn đệ của Chúa Giêsu tiếp xúc với Ngài hằng ngày cũng chỉ xem ngài là một bậc thầy lỗi lạc đáng kính trong dân mà thôi. Qua phép lạ mẻ cá “được mùa”, các môn đệ đã có một cái nhìn khác: Ngài không chỉ là một con người, cho dù là con người xuất chúng đi nữa; trái lại Chúa Giêsu đã tỏ cho các môn đệ và người Do Thái thấy Ngài còn có quyền năng trên cả thiên nhiên, quyền năng không phải thuộc về con người mà là thuộc về Thiên Chúa. Ngài chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Chính nhờ nhận biết một Đức Kitô như thế mà các môn đệ đã “khẩu phục tâm phục” mà dứt khoát từ bỏ tất cả để đi theo làm môn đệ của Ngài.
Mời Bạn: Hẳn bạn có nghe nói về Chúa Giêsu? Hơn nữa, bạn là người tin theo Chúa Giêsu; thế nhưng bạn có nhận ra những “mẻ cá lạ lùng” trong cuộc đời bạn không? Để nhận ra sự can thiệp đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa, thì đồng thời chúng ta cần có lòng khiêm tốn của Phêrô, biết nhận ra những giới hạn trong bản tính tự nhiên của mình, và thành tâm quì gối trước nhan Chúa, và thưa với Ngài: “Con là kẻ tội lỗi”, để rồi sẵn sàng đi theo Ngài để giúp cho những người khác cũng nhận ra ơn cứu độ.
Sống Lời Chúa: Nhìn lại lịch sử đời mình để qua đó khám phá sự can thiệp kỳ diệu của Chúa trong đời bạn, và mời bạn dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết trông cậy và phó thác vào quyền năng và tình thương của Ngài. Và lạy Chúa xin Chúa luôn che chở hộ phù chúng con. Amen.
06/09/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39
LÔGÍCH CỦA ƠN CỨU ĐỘ
Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt xuống dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi”… Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. (Lc 5,8.10)
Suy niệm: Phêrô vẫn coi Chúa như một vị Thầy mà ông hết lòng kính mến vâng phục. Ông vẫn lui tới với Thầy, sẵn lòng với Thầy đến mức dâng cả chiếc thuyền mộc mạc của mình để Thầy dùng làm bục giảng, và còn chiều ý Thầy thả lưới thêm một lần nữa dù cả đêm hôm qua chẳng bắt được gì. Thế nhưng ông dừng lại ở đó, kể cả sau mẻ cá lạ lùng này, ông không dám đi xa hơn với Chúa. Phản ứng đó của Phêrô chẳng những hợp lý mà còn khiêm tốn nữa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Nhưng lôgích của ơn cứu độ không chấp nhận dừng lại như thế. Chúa Giêsu hoán cải Phêrô rồi còn muốn ông phải tiến xa hơn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Thiên Chúa cứu độ nghĩa là Thiên Chúa yêu thương, yêu cách triệt để, yêu cho đến cùng, yêu ở mức cao nhất (cf. “Đường Lên Núi Chúa”).
Mời Bạn: Khi kêu gọi Phêrô, Ngài cũng kêu gọi bạn đáp lại bằng một tình yêu giống như thế. Phải chăng khi yêu thương, bạn cũng theo một lôgích như vậy? Bạn không dừng lại ở chỗ “bình bình” mà bao giờ cũng muốn “thêm một chút nữa”, phải không?
Sống Lời Chúa: – nán lại thêm ít phút tại nhà thờ để nói thêm với Chúa một tâm sự yêu thương; – kiềm chế những phản ứng nóng nảy trước những sự xúc phạm người khác gây ra cho mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Xin ơn sống quảng đại” (x. tr. 62).
07/09/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 6,1-5
CHỌN CON NGƯỜI THỰC
“Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” (Lc 6, 3-5)
Suy niệm: Bánh dâng tiến trong đền thờ tạm bấy giờ gồm có 12 ổ tượng trưng của lễ 12 chi tộc dâng lên Chúa để tạ ơn Ngài. Mỗi tuần thay bánh một lần và bánh cũ phải thay là lộc dành riêng cho tư tế. Bình thường tự tiện ăn thứ bánh này là có tội. Thế nhưng khi vua Đa-vít và thuộc hạ bị đói ăn, thì chính tư tế Akhimêléc cho Đa-vít và các thuộc hạ ăn (1Sm 21,2-7). Khi đem câu chuyện này kể lại để bênh vực cho việc các môn đệ bứt lúa trong ngày sa-bat, Chúa Giêsu cho thấy phải ưu tiên chăm lo cho nhu cầu cấp bách thiết thực của con người hơn là cứng nhắc với những lễ nghi, qui ước con người bày đặt ra.
Mời Bạn: Người ta thường dễ đánh mất con người thực của mình và của tha nhân khi mơ tưởng trở thành những “siêu nhân”, “bá chủ thế giới”, xây dựng “thiên đường dưới thế”… Con người ngày nay, nhất là giới trẻ vẫn tiếp tục bị cám dỗ về điều đó khi mải mê “lướt mạng” với những trò chơi, những mối quan hệ trên “thế giới ảo” đến độ quên mất thế giới thực với những con người thực là anh chị em sống ngay bên cạnh mình.
Sống Lời Chúa: Năm học mới bắt đầu. Là học sinh, sinh viên, tôi sử dụng mạng điện toán cách khôn ngoan, lành mạnh. Là phụ huynh, tôi giúp con em sử dụng những phương tiện hiện đại ấy một cách trưởng thành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sự khôn ngoan của Chúa để con biết đầu tư công sức thì giờ đem lại yêu thương, hạnh phúc cho tha nhân hơn là chạy theo những gì phù phiếm, giả dối ở đời.