08/09/13 chúa nhật tuần 23 tn – c
Lc 14,25-33
THẬP GIÁ, DẤU ẤN CỦA ĐỨC GIÊSU
Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,25-33)
Suy niệm: Lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ được Phúc Âm Luca đặt trong một khung cảnh thật ý nghĩa: “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu”. Hiển nhiên, không phải cứ cùng đi đường với Đức Giêsu mà đã là môn đệ của Ngài, mà còn phải “từ bỏ hết những gì mình có” và “vác thập giá mình theo Chúa”. Nếu chỉ làm phúc bố thí, hoạt động công tác xã hội, nếu chỉ đi lễ, đọc kinh… mà chưa xoá bỏ dấu ấn của cái tôi (từ bỏ ý riêng mình) và đóng lên những công việc đó dấu ấn của Đức Kitô (vác thập giá mình mỗi ngày), thì những việc đó chưa phải là việc của người môn đệ Chúa.
Mời Bạn hãy luôn tự nhủ mình rằng: những việc tôi đã làm có lớn lao mấy đi nữa, nếu như không được đóng dấu ấn “bỏ-mình” + “vác-thập-giá-theo-Đức-Kitô”, thì dù tôi đã đứng trước ngưỡng cửa thiên đàng đi nữa, Thiên Chúa cũng lắc đầu với tôi: “Hãy lui khỏi mặt Ta. Ta không biết ngươi là ai”.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối kiểm điểm ngay cả những công việc tốt nhất bạn đã làm để phân định ra những động cơ ích kỷ nào đã xen lẫn vào những việc đó khiến bạn đánh mất đi phẩm chất người môn đệ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con thanh tẩy chính mình khỏi những động cơ xấu xa ích kỷ, để mỗi việc con làm đều giúp con từ bỏ chính mình triệt để hơn và vác thập giá theo Chúa cách trung thành hơn.
09/09/13 THỨ HAI TUẦN 23 TN
Th. Phêrô Clave, linh mục
Lc 6,6-11
ĐƯỢC PHÉP LÀM GÌ?
Đức Giê-su nói: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9)
Suy niệm: Khi rình xem Chúa Giê-su có chữa bệnh trong ngày sa-bát không, các kinh sư và những người pha-ri-sêu không chủ ý bảo vệ luật ngày sa-bát, mà họ mượn luật làm bình phong nhằm chống lại Chúa Giê-su. Họ còn biến người bị khô bại tay –một nạn nhân đáng ra họ phải thương– thành ‘con mồi’ để ‘gài bẫy’ Chúa Giê-su. Lập luận của họ nguy hiểm ở chỗ họ nhân danh sự tốt lành, nhân danh việc thờ phượng Thiên Chúa để che đậy cho mục đích xấu xa, ích kỷ của mình. Chúa Giêsu lật mặt nạ của họ bằng cách chất vấn họ về một nguyên lý căn bản và chắc chắn: Bảo vệ sự sống con người là mệnh lệnh cao cả nhất, bởi vì “ngày sa-bát được tạo nên choh con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27).
Mời Bạn: Hành động của chúng ta đôi khi không gặp sự chống nào, chưa hẳn là mình đang làm đúng. Vì thế sự lượng giá mỗi ngày là cần thiết. Cơ sở để chúng ta lượng giá là: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ?”; “Luật hướng tới sự thiện hay sự ác?”; “Thờ phượng Thiên Chúa thì hướng tới việc cứu sống hay là giết chết?”…
Chia sẻ: Chúa Giê-su đã nhiều lần vạch trần thói giả hình của những người pha-ri-sêu và các kinh sư, nhưng họ vẫn không thay đổi… Còn bạn, bạn có dễ chấp nhận sự sửa lỗi không?
Sống Lời Chúa: Khi xét mình, tôi không tìm cách bào chữa cho mình, nhưng xét xem mình đã sai lỗi thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tính kiêu ngạo là nguyên nhân của tính cố chấp và giả hình nơi con, nhưng con thường khó nhận ra nó. Xin thương xót con Chúa ơi!
10/09/13 THỨ BA TUẦN 23 TN
Lc 6,12-19
CẦU NGUYỆN TRƯỚC ĐÃ
Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc 16,12-13)
Suy niệm: Là người Con Yêu Dấu của Chúa Cha, Chúa Giêsu không làm điều gì theo ý riêng mình. Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện nhất là trước khi quyết định một việc gì quan trọng. Quả vậy, trước khi bước vào cuộc sống công khai, Ngài vào hoang địa cầu nguyện suốt 40 ngày (Mc 1,12-13). Khi sắp chịu khổ hình, Chúa đã vào vườn cây dầu cầu nguyện (Mt 26,36). Lần này, trước khi chọn Nhóm Mười Hai Chúa cũng lên núi và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa, hầu thấy rõ ý muốn của Chúa Cha trong việc tuyển chọn này. Quả thật Người đến trần gian không làm gì hơn là để thi hành thánh ý Cha.
Mời Bạn: Trong suốt cuộc đời mình, ai ai cũng có nhiều lần phải quyết định, quyết định khi chọn người làm bạn đời, khi chọn người cộng tác… Thường thường người ta chọn theo tiêu chuẩn: đẹp người đẹp nết, hợp tính, tài đức, bằng cấp, chuyên môn… Điều đó không sai, nhưng có khi chúng ta đã quên vị trí ưu tiên của Chúa trong cuộc đời mình. Mời bạn noi gương Chúa Giêsu, trước khi làm việc gì, bạn hãy cùng Ngài cầu nguyện trước đã.
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm gì khi làm một việc mà có cầu nguyện trước?
Sống Lời Chúa: Tập thói quen luôn luôn cầu nguyện, dù chỉ là một vài giây, trước khi làm bất cứ việc gì.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng và là Đường Đi. Xin dạy chúng con biết đến với Chúa thường xuyên để được Chúa soi sáng và chỉ dẫn mỗi khi chúng con phải quyết định một việc gì.
11/09/13 THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Lc 6,20-26
HẠNH PHÚC TRÊN THẬP GIÁ CHÚA KITÔ
“Phúc cho anh em…” (Lc 6,20)
Suy niệm: Trong giới trẻ ngày nay có lưu truyền một cách rất phổ biến cái tạm gọi là “chuẩn hạnh phúc” của thời đại “kỹ thuật số,” đó là 1 vợ (hoặc chồng), 2 con, 3 tầng, 4 bánh (xe hơi, đời càng mới càng tốt), 5 châu (du lịch khắp năm châu lục, và rồi kết cuộc là 6 tấm (của cỗ quan tài), thế là hết chuyện. Dẫu biết rằng đó chỉ là một lối nói đùa vui, dẫu biết rằng những ước mơ hạnh phúc đó thật nhỏ bé giản dị thế mà, chua xót thay, vẫn nằm ngoài tầm tay với của nhiều người; dẫu biết thế, nhưng câu nói ấy phần nào cũng phản ánh một quan niệm hạnh phúc bị giới hạn trong cõi trần ai này. Chúa Giêsu đề nghị cho chúng ta một con số khác, không phải là 6 mà là 8 mối phúc thật: đó là nghèo khó, hiền lành, là “phải đói”, “phải khóc”, là “bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả” vì Đức Kitô. Con đường 8 mối phúc đầy nghịch lý ấy, chúng ta chỉ có thể hiểu được giá trị khi chúng ta đọc nó từ trên thập giá của Đức Kitô.
Mời Bạn: Bác sĩ Albert Schweitzer nói: “Tôi không biết số phận của bạn thế nào, nhưng có một điều tôi biết là trong số các bạn, những ai đi tìm và tìm ra cách làm thế nào để phục vụ, chỉ những người đó mới thực sự là hạnh phúc.” Lời chia sẻ của vị bác sĩ đạt giải Nobel Hoà Bình (1952) dành cả nửa đời người để phục vụ người nghèo, phong cùi tại Châu Phi, chỉ cho chúng ta cách để hiểu và sống những mối phúc trên thập giá của Đức Kitô. Bạn đã sẵn sàng sống các mối phúc của Đức Kitô chưa?
Sống Lời Chúa: Đừng để một ngày trôi qua mà bạn chưa làm gì để phục vụ những người nghèo khó quanh bạn.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.
12/09/13 THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Danh Thánh Đức Maria
Lc 6,27-38
ANH DŨNG SỐNG LỜI CHÚA
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6,27-28)
Suy niệm: Nietzsche (Nít-chơ), một triết gia người Đức, đã gọi nhân đức hiền lành trên của Ki-tô giáo là hành động của những người hèn kém. Theo bản tính tự nhiên, người ta dễ dàng niềm nở với người có thiện cảm với mình mà không cần một cố gắng nào; Đức Giê-su bảo những kẻ tội lỗi cũng làm được như thế. Nhưng sẽ không dễ chút nào khi phải nhoẻn miệng cười thân ái với người mình không hy vọng gì được chào đáp lại hay phải tha thứ cho một người đã cho mình thấm thía kinh nghiệm “làm ơn mắc oán”. Vì thế, sống nhân đức yêu thương Ki-tô giáo không phải là việc dành cho những người khiếp nhược, trái lại phải dũng cảm và nỗ lực vượt trên tính tự nhiên. Người ki-tô hữu nhờ ơn Chúa giúp, ý thức mình được Thiên Chúa tha thứ, hiểu rõ Chúa đang dùng đời họ để trải dài tình yêu của Ngài, và bằng ý chí kiên vững, họ dám sống như Đức Giê-su sống, “người mẫu” của đức yêu thương.
Mời Bạn: Bạn có nhiều lý do để thoái thác sống nhân đức yêu thương kẻ thù. Hôm nay, Đức Giê-su cho bạn biết lý do lớn hơn: bạn là môn đệ Ngài, hãy sống yêu thương như Ngài đã sống với bạn.
Chia sẻ: Bạn chia sẻ kinh nghiệm sống nhân đức yêu thương cho bạn bè.
Sống Lời Chúa: Niềm nở và tươi vui với hết mọi người, nhất là với người mà bạn đang có chuyện bực mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi tâm hồn con buông xuôi vì thấy cảnh đời trớ trêu, xin cho mắt con mau mắn nhìn lên Thánh Giá Chúa, cho tai con lắng nghe được lời Chúa mời gọi con sống yêu thương như Chúa yêu thương.
13/09/13 THỨ SÁU TUẦN 23 TN
Th. Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 6,39-42
BIẾT MÌNH, BIẾT NGƯỜI
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?” (Lc 6,41)
Suy niệm: Ở đời, có người muốn mua vui cho thiên hạ, nên thường hay diễn trò bắt chước cái khuyết tật chân đi xẹo nẹo của người khác; có người vì để che giấu những khuyết điểm to đùng của mình, nên thường lên án gắt gao những khuyết điểm nhỏ xíu của anh em trước mặt mọi người; có người “thích” thương hại anh chị em bằng cách đi “phóng thanh” những lỗi lầm của họ cho người này người khác nghe với cái cớ là : để cho mọi người biết mà giúp họ sửa đổi!!! Chúa Giêsu dạy chúng ta: là người Kitô hữu khi nhìn thấy một khuyết tật của người khác thì trước tiên hãy nhìn lại bản thân mà sửa chữa cái khuyết tật của chính mình đã; và một mặt tự nhủ trong lòng rằng: mình còn lỗi lầm có khi còn nặng nề hơn họ nữa, một mặt giúp đỡ người anh em sửa lỗi với tinh thần khiêm tốn và cảm thông.
Mời Bạn: Người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Bạn có thường xuyên nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo và rút kinh nghiệm sống cho bản thân không?
Chia sẻ: Thánh Âu-tinh thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Đó có phải là điều kiện cần thiết để có thể biết tha nhân?
Sống Lời Chúa: Tập cho mình tính kiểm điểm và tự kiểm sau mỗi công việc, nhất là trong bổn phận thờ phượng Chúa và phục vụ cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng đại lượng và yêu thương, luôn nhận ra những gì tốt đẹp nơi anh em, để khuyến khích và nâng đỡ họ như con muốn họ làm điều đó cho con.
14/09/13 THỨ BẢY TUẦN 23 TN
Suy Tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17
NỖI BUỒN VÀ SỰ ĐIÊN RỒ CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Không nỗi buồn nào tê tái hơn nỗi buồn bị người mình yêu phản bội; và càng đau xót hơn khi người ấy cố tình đẩy mình vào một cái chết đau thương, nhục nhã. Vâng, thế mà Thầy Giêsu đã tự nguyện chấp nhận để người mình yêu phản bội và đưa mình lên cây thập giá. Và đàng sau “nỗi buồn Giêsu” là “sự điên rồ, liều lĩnh” của một vị Thiên Chúa đã dám hy sinh Người Con Một của Ngài để chết thay cho loài tạo vật mà Ngài đã tạo dựng nên nhưng đã phản loạn chống lại Ngài. Chỉ có một lời giải đáp thoả đáng cho sự phi lý cùng cực đó của thập giá Chúa Kitô, đó là tình yêu của Thiên Chúa quá lớn “đến nỗi đã ban Con Một” để nhờ Người Con đó chịu chết, chúng ta khỏi phải chết; và nhờ Ngài phục sinh, chúng ta được sống mãi với Ngài.
Mời Bạn: Thập Giá vốn là biểu tượng của đớn đau và sỉ nhục, đã trở thành cây thập giá nở hoa, đoá hoa của Tình Yêu tự hiến của Đức Kitô. Cả bạn nữa, bạn cũng hãy làm cho cây thánh giá bạn mang trong mình được nở hoa mỗi ngày bằng những hành động hiến thân phục vụ anh chị em của bạn.
Chia sẻ: Có khi nào bạn dám làm điều gì đó “rồ dại”, dám “liều” để phục vụ người thân, phục vụ tha nhân chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm làm một việc hy sinh trong ngày hôm nay để tôn vinh Thánh Giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Thánh Giá của Chúa là biểu tượng của Tình Yêu và ơn cứu rỗi. Xin cho con luôn biết tìm ra thánh ý Chúa mỗi ngày trong những biến cố lớn nhỏ.