5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 09-2013

15/09/13 chúa nhật tuần 24 tn – c

Lc 15,1-32

ngưỜi cha đau khỔ

 

“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy.” (Lc 15,1-32)

Suy niệm: Thật vậy, người cha trong dụ ngôn không bao giờ hết đau khổ. Có hai mụn con, nuôi cho khôn lớn, đứa thì ngỗ nghịch bỏ đi, đứa thì hờn lẫy không chịu bước vào nhà. Người cha đáng thương hết khổ vì đứa con thứ bỏ nhà đi hoang, ngày ngày ông ngong ngóng trông chờ, nay nó trở về chưa kịp mừng thì đến lượt “cậu cả” làm eo, không chịu vào nhà dự bữa tiệc mừng thằng em “trời đánh”, ông lại phải thân hành ra tận ngõ hạ mình năn nỉ. Như người ta thường nói, cha mẹ thương con nên phải khổ vì con. Người cha đau khổ không phải vì những đứa con đã trực tiếp xúc phạm đến ông, mà còn phải khổ vì lối sống ích kỷ: đã không nghĩ đến tình cha thì cũng không thể đón nhận nhau như anh em được.

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy lối sống của hai anh em nhà đó phản ánh cách con người chúng ta đang đối xử với nhau không? Từ những việc nhỏ như anh em một nhà phân bì ghen tỵ với nhau, đến những bất công xã hội, những cuộc chiến giữa các quốc gia, bạn có thấy chúng có một điểm xuất phát chung là tính ưa thụ hưởng ích kỷ không?

Chia sẻ: Lối sống theo kiểu văn minh tiêu thụ hiện nay có nguy cơ đi ngược với đức bác ái Ki-tô hữu như thế nào?

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể với người anh em gần nhất với mình (trong gia đình chẳng hạn).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là người Cha đang đau khổ vì chúng con đối xử không tốt đối với nhau. Xin giúp con vì yêu Chúa mà từ bỏ lối sống ích kỷ, để sống bác ái với anh chị em con.

 

 

16/09/13 thứ hai tuẦn 24 tn

Th. Conêliô, giáo hoàng và Síprianô, giám mục, tử đạo

Lc 7,1-10

 

thánh hoá trẦn thẾ

 

“Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,7)

Suy niệm: Quân đội đế quốc Rôma một thời bá chủ thế giới nhờ kỷ luật chặt chẽ theo đúng “hệ thống quân giai”. Viên đại đội trưởng này là mẫu mực cho hệ thống đó: “Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền người khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Tới!’ là nó tới.” Khi ông áp dụng trật tự đó vào việc nài xin Chúa chữa lành cho người thuộc hạ của ông: “Xin Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh”, ông đã tự đặt mình dưới quyền chỉ huy trưởng của chủ tướng Giêsu, và mặt khác, ông đã đem niềm tin Kitô vào nếp sống Rôma của ông, nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay, ông đã “rửa tội” cho trật tự xã hội mà ông đang sống, ông đã “mở cửa” để Đức Kitô vào thánh hoá những giá trị của trần thế mà ông đang theo đuổi.

Mời Bạn: Chúng ta đang quan tâm đến việc hội nhập văn hoá trong cung cách sống đạo, truyền giáo. Chúng ta chắp thêm những mái cong vào ngôi nhà thờ theo kiến trúc Tây phương, mặc những y phục cổ truyền trong nghi thức phụng vụ… Phải chăng khi làm thế chúng ta đang đi “từ ngọn đến gốc” và đang dừng lại ở những yếu tố hình thức?

Chia sẻ: Cách viên sĩ quan Rô-ma đến với Đức Ki-tô có giúp bạn thấy được một nét lớn của việc truyền giáo theo tinh thần hội nhập văn hoá? Áp dụng bài học kinh nghiệm ấy cho việc truyền giáo như thế nào?

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để qua công việc bạn làm, Chúa dùng lời Ngài thánh hoá trần thế.

Cầu nguyện: Khi bắt đầu việc gì, bạn nài xin Chúa “Xin Ngài cứ nói một lời”.

 

 

17/09/13    thứ ba tuần 24 tn

Th. Rôbetô Belaminô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Lc 7,11-17

 

ngưỜi mẸ goá mẤt con

 

Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa.” (Lc 7,12-13)

Suy niệm: Ai mà không xúc động trước cảnh tượng thương tâm: người mẹ goá mất đi đứa con một. Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” người goá phụ làng Nain vì Ngài cũng có một trái tim nhân loại nhạy cảm; mà hơn nữa, đám tang này còn là một lời tiên báo một ngày kia, người mẹ goá là Đức Maria cũng khóc thương Người Con Một là chính Ngài. Và như thế, cử chỉ Ngài “sờ vào quan tài” và truyền cho chàng trai “chỗi dậy” cũng mang đậm tính cách ngôn sứ: một dấu chỉ tiên báo chính Ngài cũng sẽ chỗi dậy như thế. Phải chăng chúng ta cũng có thể nói về Đức Maria rằng: trước nỗi đau của người mẹ goá đứng dưới chân thập giá, Thiên Chúa cũng “chạnh lòng thương”, nên đã cho Người Con Một được chỗi dậy?

Mời Bạn: Bắt chước Chúa Giê-su biết cảm thông, biết cùng đau với nỗi đau của biết bao người Mẹ ngày nay đang mất con vì những cái chết quái ác: cái chết do tội lỗi. Chính sự cảm thông đó sẽ khiến Chúa chạnh thương và ban ơn cứu độ.

Chia sẻ: Kiểm điểm xem mình có thiếu sự cảm thông với chính những thân trong gia đình mình không.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho những người đang đau khổ vì sự sa sút, tội lỗi của những người thân của họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin ban cho con tấm lòng biết cảm thông với anh em, và xin cho con biết sẵn sàng làm một cái gì đó tốt đẹp để làm dịu nỗi đau khổ của anh em.

 

 

18/09/13 THỨ TƯ TUẦN 24 TN

Lc 7,31-35

 

CON CÁI ĐỨC KHÔN NGOAN

 

“Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.” (Lc 7,35)

Suy niệm: Các sứ giả Chúa diễn tả sứ điệp của Người không theo kiểu rập khuôn, nhưng “mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười,” không ai giống ai! Vì thế, cần có một thái độ bình tâm để nhận định, một trái tim sẵn sàng rộng mở để đón nhận sứ điệp Lời Chúa qua cung cách khác biệt của các ngôn sứ của Ngài. Rất tiếc, người Do Thái đương thời với Đức Giêsu thiếu sự uyển chuyển và thành tâm này! Đức Giêsu so sánh họ như những đứa trẻ đành hanh đòi mọi người phải chiều theo tính “chướng” của chúng. Ông Gioan Tẩy Giả với đời sống khổ hạnh thì bị cho là quỷ ám. Đức Giêsu với đời sống dấn thân chia sẻ buồn vui với mọi thành phần bị chê là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi. Dù vậy, những việc làm của chân lý thì vẫn là chân lý và cuối cùng vẫn được nhìn nhận.

Mời Bạn: Lòng chai đá và tự phụ là con đường ngắn nhất dẫn ta đến những định kiến hẹp hòi, cứng nhắc và làm tê liệt khả năng nhận biết sự thật; từ đó phát sinh những hệ luỵ đáng sợ cho đời sống cộng đoàn: lối phê phán thiên lệch nghiệt ngã, cách hành xử độc đoán, khắt khe hay ngược lại bệnh bất mãn triền miên, v.v… chỉ là một vài trong số những triệu chứng nguy hiểm hơn cả.

Sống Lời Chúa: Tôi từ bỏ thói phê phán độc đoán thiếu xây dựng, thay vào đó, tôi tập sống thái độ bao dung, nhẫn nại để xây dựng cộng đoàn của tôi (gia đình, giáo xứ, đoàn thể…) trong tình yêu thương hợp nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con ra khỏi sự chai lỳ ngoan cố và xin chỉ bảo con đường Chúa muốn chúng con đi, và hướng dẫn chúng con bước theo chân lý của Ngài. Amen.

 

 

19/09/13 THỨ NĂM TUẦN 24 TN

Th. Gianuariô, giám mục, tử đạo. Tết Trung Thu        

Lc 7,36-50

“XOÁ”

 

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,47)

Suy niệm: “Tôi khóc tội lỗi tôi, vì nếu chúng ta chỉ phạm đến Chúa một lần thôi, chúng ta cũng không đủ nước mắt để đền bù tai hại ghê gớm ấy” (Thánh Isiđôrô). Người phụ nữ trong bài Tin mừng bị đè nặng dưới gánh nặng của tội lỗi. Nước mắt không thể bù đắp tai hại của tội, cũng chẳng thể xóa đi tội chồng chất tội nơi chị. Thế nhưng, tội chị được tha, được xóa nhờ: (1) lòng sám hối: biết đấm ngực công khai nhìn nhận mình là tội nhân; (2) niềm tin mạnh mẽ vào lòng khoan dung của Chúa Giêsu: tin Ngài có thể tha thứ tội mình, dù tội ấy lớn đến đâu; và (3) tấm lòng mới, tấm lòng yêu mến nhiều: được bày tỏ qua việc không tiếc nuối bình bạch ngọc đựng dầu thơm, lau chân Chúa bằng tóc, và hôn chân Ngài không ngớt.

Mời Bạn: Là tội nhân, bạn cũng đau đớn, dằn vặt khi sống trong vũng lầy của tội như chị. Thật hạnh phúc và vui mừng cho bạn, Chúa Giêsu không nhìn bạn như tội nhân đáng trách, nhưng như hối nhân đáng được thương xót và tha thứ. Sau khi được tha thứ, bạn cũng hãy bày tỏ tấm lòng mới, tấm lòng yêu mến nhiều qua những nghĩa cử tốt đẹp cho Chúa và cho nhau.

Chia sẻ: Được Chúa xóa tội nhiều lần, tại sao bạn chưa có tâm tình biết ơn Chúa như người phụ nữ hôm nay?

Sống Lời Chúa: Ngẫm lại hành động biết ơn của người phụ nữ, tôi làm một việc tốt cho người thân cận hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa không để cho đời chúng con chồng chất trong tội lỗi, nhưng luôn sẵn sàng xóa tội chúng con, khi chúng con đến với Chúa. Chúng con xin tạ ơn và ca khen tình Chúa quá thương chúng con. Amen.

 

 

20/09/13 THỨ SÁU TUẦN 24 TN

Th. Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn tử đạo

Lc 8,1-3

 

TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA

 

Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ. (Lc 8,1.3)

Suy niệm: Trả lời cho phóng viên tờ La Croix trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng không có phụ nữ, Giáo Hội mất đi sức phong phú của mình. Vì chưng, một Giáo Hội không có các phụ nữ cũng giống như đoàn Tông Đồ không có Mẹ Maria. Vai trò của phụ nữ không chỉ là người mẹ trong gia đình mà còn là hình ảnh của Đức Maria, Đấng làm cho Giáo Hội sinh ra và lớn lên. Trong Tin Mừng Luca, cùng với nhóm Mười Hai, còn có các “nữ tông đồ” đi theo Chúa “trên từng cây số,” hỗ trợ vật chất cho các ngài. Nhờ đó, việc loan báo Tin Mừng được thuận lợi hơn.

Mời Bạn: Hội Thánh được khai sinh để làm cho Nước Thiên Chúa rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu mọi dân nhận biết danh Thiên Chúa. Bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Cho nên, dù bạn là nam giới hay phụ nữ, giáo sĩ hay giáo dân, hãy tích cực đóng góp công sức, thời gian, khả năng, vật chất cho sứ vụ cao quý ấy của Hội Thánh.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi đọc điều răn thứ năm của Hội Thánh: “Đóng góp theo khả năng cho nhu cầu của Hội Thánh”? (Toát Yếu GLCG, số 432).

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tự nguyện và thành tâm đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận, hay Tòa Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả những gì con có là của Chúa ban; xin cho con biết sử dụng những nén bạc ấy cách tích cực và xứng hợp, hầu làm rạng danh Chúa và mưu ích cho tha nhân.

 

 

21/09/13 THỨ BẢY TUẦN 24 TN

Th. Mátthêu, tông đồ                  

Mt 9,9-13

GẶP ĐƯỢC ĐẤNG CỨU ĐỘ

 

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)

Suy niệm: Chúa Giêsu cho biết Ngài đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính mà kêu gọi người tội lỗi. Nhưng thử hỏi ai là người công chính trên trần gian? – Chẳng có ai, trừ một mình Thiên Chúa. Vì vậy, Ngài đến để kêu gọi mọi người, không trừ một ai! Một người trong muôn người được gọi và được cứu đó là Mátthêu, một kẻ tội lỗi. Sau tiếng gọi “Anh hãy theo tôi,” Mátthêu “đứng dậy đi theo Người” cho thấy thái độ sẵn sàng vốn được chuẩn bị từ trước của ông. Tiền bạc lúc này không còn là cứu cánh của ông nữa, nhưng là Đấng đang gọi chính tên ông. Đấng ấy mới đem lại cho ông sự sống đời đời. Ông đi theo Chúa vì biết mình tội lỗi và biết chỉ có Chúa Giêsu mới thỏa mãn khát vọng của ông.

Mời Bạn: Không ít người từ kẻ tội lỗi  trở thành đấng thánh. Bí quyết của sự thành công này là biết mình đã làm gì, đang làm gì, và sẽ phải  trở thành con người như thế nào. Quá trình này được gọi là sám hối. Không sám hối thì con người sẽ khó gặp được Đấng đến để kêu gọi người tội lỗi. Mátthêu có đủ tố chất và điều kiện cho một sự hoán cải tận căn nhờ biết đứng dậy và đi theo Ai.

Sống Lời Chúa: Có những việc làm, những tiếng thị phi khiến ta ray rứt; nhưng chưa phải là hết cách. Noi gương thánh Mátthêu và tin tưởng vào lời Chúa: “Ta đến để kêu gọi người tội lỗi” mà mạnh dạn kêu xin Ngài rằng:

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa thấy rõ lòng con, và con cũng biết Chúa chỉ “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,” thì con đây xin Chúa thương hoán cải và cứu độ. Amen.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment