5 Phút cho Lời Chúa Tháng 09-2014

Mục Lục

Ngày 1 – 6: Trang 1

Ngày 7 – 13: Trang 2

Ngày 13 – 20: Trang 3

Ngày 21  – 27: Trang 4

Ngày 28 – 30: Trang 5

* * *

01/09/14                                           THỨ HAI TUẦN 22 TN

                                                                             Lc 4,16-30

ĐỂ LỜI CHÚA LÀ SỨC SỐNG…

Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,20-21)

Suy niệm: Triết gia Đức nổi tiếng Kant tuyên xưng: “Tôi tin rằng Kinh Thánh là quyển sách đem lại ích lợi nhiều nhất cho nhân loại. Tôi cũng tin rằng bất cứ nỗ lực nào làm giảm giá trị Kinh Thánh đều là tội ác chống lại nhân loại.” Một trong những cách làm giảm giá trị Kinh Thánh là để cuốn sách ấy nằm yên trong tủ sách, hay để bụi bám trên bàn thờ. Kinh Thánh hay Lời Chúa không còn là những dòng chữ chết trong sách, nhưng là sức sống nếu được đọc lên trên môi miệng, được công bố, được loan truyền, được áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc lại lời tiên báo của ngôn sứ I-sa-i-a cách đó tám thế kỷ, được ứng nghiệm, trở thành lời sống động nơi Ngài, vị Cứu Thế hôm nay.

Mời Bạn: Hoàng đế nước Pháp Napoléon nhận định: “Tin Mừng không phải là một quyển sách; nó là sự sống, với một tác động, một sức mạnh, có thể xâm nhập tất cả những gì đối kháng lại sự mở rộng của nó. Tôi không bao giờ bỏ đọc sách ấy và đọc mỗi ngày một cách thích thú.” Bạn có làm cho Lời Chúa trở thành hiện thực, được ứng nghiệm trong cuộc đời bạn hôm nay và mỗi ngày không?

Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực để Lời Chúa được ứng nghiệm trong đời sống mình qua việc siêng năng đọc, suy gẫm và để Lời ấy hướng dẫn suy nghĩ, lời nói, việc làm, cách ứng xử của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời ngôn sứ I-sa-i-a tiên báo về Chúa đã được Chúa thực hiện trọn vẹn. Xin cho chúng con biết quan tâm áp dụng Lời Chúa vào đời sống cụ thể của mình.


02/09/14                                            THỨ BA TUẦN 22 TN

                                                                             Lc 4,31-37

ĐỪNG NGHE THEO THẦN Ô UẾ

Có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Lc 4,33-34)

Suy niệm: Thần ô uế là thứ thần khi nhập vào ai, xúi dục họ thực hiện những hành vi đồi bại, làm họ trở nên đốn mạt, đánh mất nhân phẩm cao quí của mình. Biết Chúa Giê-su là Đấng Thánh, chúng muốn Ngài để cho chúng yên thân: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Thật vậy, Đấng Thánh thì không liên can đến sự ô uế, nhưng lại liên can đến những con người, vì họ được dựng nên giống hình ảnh Chúa, tâm hồn là đền thờ của Thiên Chúa, chứ không phải chỗ ở của thần ô uế. Làm sao Thiên Chúa chịu bó tay khi thấy những kẻ Ngài yêu thương thuộc về thần ô uế? Vì thế, Chúa Giê-su không đôi co, tranh luận với thần ô uế, nhưng trục xuất chúng ngay lập tức, vì chỗ ở của chúng không phải là tâm hồn con người.

Mời Bạn: Thần ô uế rất ranh mãnh, chúng xúi dục con người rằng những điều xấu không liên can đến Thiên Chúa. Vì thế, không ảnh hưởng gì đến Ngài khi thực hiện những hành vi đê tiện để thỏa mãn những đam mê thể xác. Dường như với chiêu thức này, thần ô uế dễ đánh gục chúng ta?

Chia sẻ: Trong lãnh vực nào, thần ô uế thường đồn trú nhất?

Sống Lời Chúa: Tôi cảnh giác về sự rình rập của thần ô uế khi sử dụng những phương tiện như điện thoại hay mạng truyền thông internet.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được nghỉ ngơi bên Chúa.” Amen.          (Thánh Augustinô)


03/09/14                     THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Th. Grê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT    Lc 4,38-44

TRUYỀN GIÁO: ƠN GỌI VÀ BỔN PHẬN CỦA KITÔ HỮU

“Tôi phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.(Lc 4,43)

Suy niệm: Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô, một thân thể với nhịp đập của trái tim là việc truyền giáo. Một thân thể bình thường sẽ như thế nào nếu không có nhịp đập của quả tim; cũng vậy, Thân Thể Mầu Nhiệm là Giáo Hội sẽ chết nếu không truyền giáo. Sứ mạng truyền giáo ấy đã được  Chúa Cha giao phó cho Chúa Giê-su và luôn nung nấu lòng Ngài trong mọi hoàn cảnh: “Tôi phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa.” Chúa Giê-su lại trao sứ mạng truyền giáo cao quý ấy cho Giáo Hội và trở thành bản chất của Giáo Hội. Là thành viên của Giáo Hội, mỗi Ki-tô hữu đều có bổn phận truyền giáo với cung cách truyền giáo riêng của mình. Trong nền văn hoá tiêu thụ thực dụng hiện nay, người ta có xu hướng đáng sợ là mải mê tìm kiếm tiện nghi vật chất, hưởng thụ… mà quên ơn gọi và sứ mạng giúp những người lân cận nhận biết Chúa.

Mời Bạn: Các tạo vật dùng hình thái, sắc màu, tiếng kêu, đời sống… để nói lên vinh quang của Thiên Chúa. Còn bạn, bạn có dùng lời nói và cuộc sống tốt đẹp giúp cho con người thời nay tin vào Chúa và hưởng ơn cứu độ của Ngài?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết sống vui tươi, lạc quan và cư xử bác ái, yêu thương với những người chung quanh như một cách loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu mến truyền giáo, để mỗi sớm mai thức dậy, con có được niềm vui mới, niềm vui được Chúa thương chọn và sai đến với những con người con gặp gỡ, giúp họ tìm gặp được Chúa và yêu mến Chúa như đã được Chúa yêu. Amen.


04/09/14                  THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

                                                                               Lc 5,1-11

TỪ KINH NGẠC HƯỚNG ĐẾN SỰ VÔ TẬN

“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5,10)

Suy niệm: Một trong những đặc tính cho thấy quyền năng Thiên Chúa là sự đa dạng, phong phú của vạn vật, sự hoành tráng, hùng vĩ của thiên nhiên. Nếu sự hiện hữu của mỗi tạo vật đã cho thấy sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, thì con số hàng tỉ tỉ của chúng lại càng là lời công bố sự hiện hữu ấy cách mạnh mẽ hơn biết mấy. Kinh ngạc trước mẻ cá vĩ đại vừa bắt được, ông Si-mon nhìn nhận giới hạn nhỏ bé của mình: “Xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi!” Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa được bày tỏ không phải để lấn át hay đẩy con người vào trong giới hạn nhỏ bé của mình. Trái lại, quyền năng ấy mở rộng tầm nhìn của con người, đưa con người lên tầm cao mới, đến sự vô tận vốn là khát vọng thâm sâu của mình: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta!”

Mời Bạn: Con người cảm thấy choáng ngợp trước một sự dồi dào, phong phú về số lượng của tạo vật, nhưng trái tim con người chỉ có thể bị khuất phục bởi sự phong phú khôn lường, sự bao la vĩ đại của tình yêu. Mời bạn hãy sống và làm chứng cho mọi người rằng tình yêu Chúa thật bao la, vĩ đại và ơn cứu độ nơi Ngài thật chan chứa, kỳ diệu.

Chia sẻ: Điều gì làm bạn thán phục, kinh ngạc nhất nơi cách sống của một con người? Hãy cố gắng sống như thế để làm chứng cho Chúa chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tôi nhẩm đi nhắc lại rằng “Ơn cứu độ nơi Ngài chan chứa” và tìm cách chia sẻ ơn cứu độ ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho trái tim con niềm vui ơn cứu độ để con chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người chung quanh. Amen.


05/09/14                  THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

                                                                             Lc 5,33-39

SỐNG ĐẠO CÁCH PHÙ HỢP

“Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.(Lc 5,36)

Suy niệm: Thật điên rồ khi làm hỏng một chiếc áo mới mà không ‘cứu’ được chiếc áo cũ. Mất cả chì lẫn chài! Xem chừng không làm gì cả lại tốt hơn. Chúa dạy về hành động phù hợp, đúng đắn. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang tha thiết mời gọi Hội Thánh phải sống và làm sứ mạng sao cho phù hợp với hoàn cảnh thế giới và con người ngày nay. Ngài kêu gọi một cuộc hoán cải mục vụ và canh tân sứ mạng: “Trên đường lữ hành, Hội Thánh được Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Hội Thánh, vì là một định chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến” (Niềm Vui Tin Mừng, 26). Ngài nhận định rằng thái độ nhắm mắt lặp lại mọi sự y như cũ là thái độ tự mãn, và ngài “kêu mời mọi người mạnh dạn và sáng tạo trong việc suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp thi hành sứ mạng tại các cộng đoàn của mình” (số 33). Đức Thánh Cha nhấn mạnh nguyên tắc của cuộc canh tân là nêu bật cho được điều cốt yếu, tức tâm điểm của Tin Mừng, qua đó làm “tỏa sáng vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô” (số 36).

Mời Bạn xem xét lại tính phù hợp và đúng đắn của cách sống đạo của mình, của vai trò mình đảm nhận trong Giáo Hội. Đời sống của tôi có đang là chứng tá Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô cho con người và xã hội chung quanh mình không? Tôi cần điều chỉnh những gì để trở nên phù hợp và đúng đắn?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết sống sao cho đúng với danh nghĩa do ơn gọi Phép Rửa của mình là men, muối và ánh sáng cho đời. Amen.


06/09/14                  THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

                                                                                 Lc 6,1-5

CỨU TRỢ KHẨN CẤP

“Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” (Lc 6,4)

Suy niệm: Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “thảm họa nhân đạo” được sử dụng nhiều như trong thời gian qua, bởi vì những thiên tai như bão lụt, động đất hoặc “nhân tai” như các cuộc giao tranh đã đẩy nhiều người vào cảnh màn trời chiếu đất, cuộc sống hết sức bấp bênh. Dù tiếng súng chưa yên, thiên tai còn hoành hành, nhưng từng đoàn cứu trợ đã bất chấp tất cả để lên đường. Vì thế, chẳng có lý do nào, kể cả lý do “ngày Sa-bát” hay “bánh tiến chỉ dành cho tư tế” ngăn cản chúng ta không cấp thời cứu giúp những con người đang đối điện với nguy cơ sinh tử. Tinh thần bác ái Ki-tô giáo càng thúc đẩy ta quảng đại hơn nữa, không nại lý do “luật lệ” nào, để cứu những người đang gặp nguy hiểm cả phần xác lẫn phần hồn.

Mời Bạn: Bạn và tôi thường hay sống đạo dựa trên luật lệ; vì thế mà nhiều khi bỏ qua những cơ hội để thực thi tình bác ái đối với tha nhân. Bạn thấy cần làm gì để cải thiện tinh thần sống đạo hôm nay?

Chia sẻ một kinh nghiệm vì quá câu nệ luật lệ mà đánh mất dịp thuận tiện làm chứng cho lòng quảng đại của Chúa.

Sống Lời Chúa: Thực hành câu Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế; thích được các ngươi nhận biết hơn là của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chính vì yêu thương nhân loại sa ngã, mà Chúa đã xuống thế để gánh lấy tội lỗi trần gian. Xin cho mỗi người chúng con cũng đừng nại bất kỳ lý do gì để không rộng tay cứu giúp anh chị em con đang gặp khốn khó. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment