5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 10-2012

21/10/12 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – B
Khánh Nhật Truyền Giáo
Mc 10,35-45

 

NÉT ĐẸP TRUYỀN GIÁO

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45)

Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay – Chúa Nhật 29 thường niên B – có thể sử dụng để suy niệm về một nét đẹp khác nữa của việc truyền giáo hiện nay: Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên Chúa Cha gởi đến trần gian để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Mục tiêu của Ngài là phục vụ. Trước hết là phục vụ Tin Mừng, sau là phục vụ mọi người để Tin Mừng được sáng tỏ. Nói cách khác, Chúa Giêsu trở nên chứng tá của Tin Mừng qua cung cách phục vụ, chứ không chỉ nói suông. Đây là một nét đẹp của truyền giáo. Truyền giáo là làm sao cho mọi người nhìn nhận Tin Mừng của Thiên Chúa và làm cho họ biết phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhau, xây dựng Nước Chúa thấm đẫm tinh thần hy sinh, bác ái. Bao lâu Kitô hữu còn để mình được phục vụ mà không phục vụ người khác thì Tin Mừng khó có cơ may bén rễ và phát triển trên thế gian này.

Mời Bạn: Bạn đã và đang chứng kiến bao nhiêu tu sĩ, tín hữu cúi xuống để tận tuỵ chăm sóc các bệnh nhân, bao nhiêu người thiện chí không ngại chấp nhận nguy hiểm để dấn than cho công bình xã hội, chăm sóc giáo dục cho bao trẻ em bị bo rơi… Những con người này chắc chắn ít nhiều đang làm thay đổi não trạng thế tục và thực dụng của con người ngày nay, muốn coi cuộc sống đời này như một cơ hội để giành giật những mối lợi cá nhân, những sở hữu riêng tư.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái phục vụ cụ thể để loan báo Tin Mừng nơi môi trường bạn đang sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, “xin cho con biết mến yêu và phục vụ Chúa trong mọi người.” Amen.


22/10/12 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Lc 12,13-21

 

CỦA CẢI ĐÍCH THỰC

“Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Một trong những cám dỗ thường tình của con người là tiền bạc của cải. Ai cũng hám của cải, bạc vàng: không có thì ước cho có, có ít thì mong có nhiều, có nhiều lại muốn nhiều hơn, thật là “lòng tham không đáy”! Chúa Giêsu nhiều lần cảnh giác mọi người về việc sở hữu và sử dụng của cải. Ngài dạy thái độ phải có khi đứng trước tiền bạc: không ham hố; bằng lòng với hoàn cảnh của mình; biết sử dụng của cải để mua Nước Trời; biết sẻ chia cho người không có; không dính bén tiền bạc;  không tôn thờ nó như là chúa của mình.

Mời Bạn:Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.” Bạn đừng để lời cầu nguyện trên đi ngược với thực tế, tức là miệng thì cầu xin như vậy, mà lòng lại quá bận tâm với việc tìm kiếm cơm-áo-gạo-tiền. Hãy tin rằng Chúa là Cha nhân lành sẽ quan phòng chăm nom mọi sự vật chất cần thiết cho ta.

Chia sẻ: Xã hội Việt nam còn quá nhiều người thiếu cơm ăn, áo mặc. Người Kitô hữu có nghĩa vụ chia sẻ của cải vật chất cho anh em. Hãy sống theo gương các tín hữu thuở ban đầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,44-45).

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi vui vẻ và mau mắn chia sẻ vật chất hay tiền bạc cho người anh em túng nghèo, vì xác tín rằng đang làm điều ấy cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng cơn cám dỗ về bánh ăn trong sa mạc. Xin giúp chúng con thoát khỏi sự ham hố của cải trần gian, tin rằng Nước Trời mới là của cải vĩnh hằng, và Chúa thật là gia nghiệp vĩnh cửu của con.


23/10/12 THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. Gioan Capétranô, linh mục
Lc 12,35-38

 

TỈNH THỨC SẴN SÀNG

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)

Suy niệm: Người Do-thái thường tổ chức tiệc cưới lớn, ăn uống dây dưa suốt mấy ngày đêm, có khi kéo dài cả tuần lễ. Vì thế, ngồi đợi chủ đi ăn cưới trở về không phải chuyện dễ. Có thể chủ về nửa đêm hay giữa ban ngày, có thể ông về khi đầu hôm hay lúc tảng sáng. Nhất là khi chủ đi ăn cưới xa thì không biết ngày nào ông mới về và về giờ nào. Do đó, muốn đợi chủ đi ăn cưới về thì phải sẵn sàng dầu đèn, tư thế sẵn sàng để phục vụ. Phong thái này, người ta vẫn thường nói tới như là tư thế sẵn sàng, sống trong tỉnh thức. Nghĩa là, bất cứ khi nào Chúa đến, con người ấy vẫn luôn sẵn sàng đón Ngài.

Mời Bạn: Chúa Giêsu muốn những ai tin Ngài đều sống với tinh thần này, sẵn sàng chờ Ngài lại đến. Ngài sẽ đến bất chợt như ông chủ đi xa trở về. Vì chẳng ai biết được vào ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến, nên chúng ta được mời gọi sống tỉnh thức, sẵn sàng chờ đón Chúa mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống chúng ta.

Chia sẻ: Chia sẻ một kinh nghiệm sống tỉnh thức, cách thực hành cụ thể nào đã làm để chứng tỏ sự sẵn sàng chờ Chúa.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay tôi sống tỉnh thức bằng cách chu toàn các việc bổn phận đạo đức (thánh lễ, đọc kinh…) và đời thường (lao động, việc gia đình…) một cách chu đáo, tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Cứu thế, giờ này đây, xin hãy đến và gõ cửa hồn con. Xin thúc đẩy lòng con để con ao ước Chúa đến mỗi ngày. Xin Chúa đến và ở lại với con, ngõ hầu con được ở với Chúa và để con luôn có Chúa ở trong con. Amen.


24/10/12 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Th. Antôn Maria Clarét, giám mục
Lc 12,39-48

 

ĐEM ĐỜI VÀO ĐẠO, ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI

“Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu ông chủ mới về,’ thế rồi hắn bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. Chủ hắn sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, ông sẽ tống cổ hắn đi, bắt chung số phận với những tên phản bội.” (Lc 12,45-46)

Suy niệm: Hiện diện như không hiện diện, có vẻ đang vắng mặt nhưng thực ra vẫn ở bên cạnh ta, đó là cách thế tế nhị Chúa dùng để giúp ta trưởng thành. Vì thế, lúc nào Chúa cũng có mặt trong cuộc đời ta, nhưng một cách kín đáo. Tiếc thay ta lại hay quên điều quan trọng này! Ta thường chia cuộc đời thành nhiều ô hộc, đời và đạo không hề dính líu, quan hệ gì với nhau: ô hộc này có Chúa hiện diện như ô hộc nhà thờ, ô hộc đọc kinh, v.v… còn ô hộc kia thì Chúa không có mặt hay chỉ có mặt một cách mơ hồ, như ô hộc lao động, ô hộc sinh hoạt hằng ngày, ô hộc nghỉ ngơi… Trong những ô hộc này, ta không hề nghĩ đến Chúa, thậm chí còn mời Chúa đi chơi chỗ khác cho mình dễ làm ăn!

Mời Bạn: Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban ơn… Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn tay che chở của Chúa.

Sống Lời Chúa: Để luôn nhớ của Chúa hiện diện, bạn hãy: 1) đem đạo vào đời: sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như gia đình, lao động, học hành… 2) và đem đời vào đạo: dâng lên Chúa những vui buồn của đời thường trong thánh lễ, kinh nguyện …

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh chúng con, nhưng bằng cách vô hình, kín đáo, để giúp chúng con trưởng thành. Xin cho chúng con luôn sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.


25/10/12 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Lc 12,49-53

 

BÙNG CHÁY NGỌN LỬA “GIÊSU”

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49)

Suy niệm: “Vũ khí mạnh nhất của thế giới là ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn con người” (Thống chế Foch). Lửa mà Đức Giêsu ném vào mặt đất và muốn bùng lên trong tâm hồn con người là lửa nào? Thưa là lửa từ Trái Tim của Ngài: lửa yêu mến Chúa Cha, lửa yêu thương không giới hạn với con người. Vì lửa tình yêu ấy, Ngài đã tự hủy, từ trời xuống thế làm người. Là lửa nhiệt thành của Chúa Thánh Thần Tình Yêu bùng cháy lên trong tâm hồn các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống, ngọn lửa sưởi ấm trái tim nguội lạnh hai môn đệ trên đường Emmau sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh. Đó cũng là ngọn lửa thanh luyện ta khỏi những cặn dơ của tính hưởng thụ ích kỷ, thói tôn sùng cái tôi.

Mời Bạn: Để ngọn lửa tình yêu, nhiệt thành ấy có thể bùng cháy lên trong trái tim, bạn cần -như Đức Giêsu- phải dìm sâu trong trong một kinh nghiệm kinh khủng: từ bỏ mình, từ giã ý riêng, từ biệt một số sở thích cá nhân. Vượt qua kinh nghiệm kinh khủng này, với trái tim bùng cháy lửa “Giêsu,” bạn có thể làm được cả những điều tưởng như ngoài tầm tay của mình.

Chia sẻ: Lửa “Giêsu” còn bùng cháy trong nhóm, hội đoàn, hội dòng… của bạn không, hay đã lụi tàn?

Sống Lời Chúa: Từ hôm nay tôi sẽ làm bùng cháy lên lửa “Giêsu” nơi trái tim mình bằng cách từ bỏ một sở thích không hợp với tinh thần Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong ước ngọn lửa yêu thương, nhiệt thành bùng cháy lên trong cộng đoàn chúng con. Xin cho trái tim chúng con bùng cháy lửa yêu thương, nhiệt tình ấy qua cung cách sống mỗi ngày. Amen.


26/10/12 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Lc 12,54-59

 

NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

“Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12,56)

Suy niệm: Chúng ta lắm khi bỏ quên hiện tại chỉ vì mải tiếc nuối, mơ mộng về một quá khứ vàng son. Điều vẫn thường xảy ra nhiều hơn đó là chúng ta vẫn nhìn vào hiện tại nhưng lại không đọc ra dấu chỉ của nó để thấy được những bài học, chỉ dẫn cho tương lai. Lời Chúa hôm nay cũng nói lên tình trạng đó nhưng trong lĩnh vực tinh thần và siêu nhiên. Người ta biết quan sát trời trăng, nắng gió để đoán định thời tiết, biết khảo sát thị trường để hoạch định việc sản xuất làm ăn. Thế nhưng trước những “dấu chỉ của thời đại” thì người ta lại không đọc ra ý nghĩa của chúng; và nhất là không nhận ra được thánh ý Chúa nơi những dấu chỉ đó.

Mời Bạn: Dấu chỉ của thời đại ngày nay có nhiều. Có thể kể ra một số: a/ dấu chỉ tích cực: khao khát sự thật, hoạt động cho công bằng xã hội của lớp người trẻ…; b/ dấu chỉ tiêu cực: chiến tranh sắc tộc, thiên tai, giá trị đạo đức suy đồi, khuynh hướng tục hoá, hưởng thụ… Những dấu chỉ đó có thể khích lệ ta mà cũng là lời cảnh báo ta. Chúng ta không lạc quan “tếu” trước những dấu chỉ tích cực và cũng không quá bi quan vì những tín hiệu tiêu cực. Quan trọng là “biết nhận xét” đúng-sai, lợi-hại. Cần soi rọi chúng dưới ánh sáng Tin Mừng; việc đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày sẽ giúp chúng ta đạt được điều đó.

Sống Lời Chúa: Trong giờ suy niệm Lời Chúa, bạn nhìn lại một biến cố vừa xảy đến cho bạn và suy xét Chúa muốn nói gì với bạn qua biến cố này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.


27/10/12 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Lc 13,1-9

 

CƠ HỘI ĐỂ SÁM HỐI

“Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.” (Lc 13,5)

Suy niệm: Gần đây báo chí tường thuật nhiều trường hợp cái chết “từ trên trời rơi xuống:” những chiếc “xe điên” bỗng dưng mất lái đâm thẳng vào nhà dân, gây thương tích, tử vong cho nhiều người. Dân gian dễ lấy quan niệm “ác giả ác báo” để qui kết những người bị nạn hoặc thậm chí cha ông họ đã ăn ở thất đức nên mới bị “quả báo nhãn tiền” như vậy. Lời Chúa hôm nay cũng thuật lại thái độ tương tự của người Do Thái đối với những người “chết oan” trong hai biến cố thời sự: Họ cho rằng hẳn là những người gặp nạn đó bị Chúa trừng phạt vì họ tội lỗi hơn những người khác. Chúa Giêsu bác bỏ lối lý giải kiểu “quét rác sang nhà hàng xóm” đó và mời gọi mỗi người phải coi những biến cố như vậy như một lời cảnh báo, một cơ hội để sám hối, vì “nếu không chịu sám hối thì cũng sẽ chết như vậy.”

Mời Bạn: Một nhà thơ đã nói: “Mỗi cái chết của một người khác là một tiếng chuông báo trước cho bạn biết về tương lai của chính mình”. Mọi biến cố xảy ra đều là những lời nhắc nhở chúng ta luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất đó bằng cách sống một đời sống tốt: Đó là luôn sống hết mình cho công việc mà bạn đang đảm trách trong giây phút hiện tại này.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút cuối ngày để kiểm điểm và sám hối vì những lỗi lầm và để quyết tâm sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, sám hối không phải là điều dễ dàng bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Xin Chúa giúp chúng con biết hoán cải thực sự để dám chấp nhận những cắt tỉa đớn đau và những hành động sửa lỗi cụ thể.


Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment