5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 10-2012

28/10/12 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – B
Mc 10,46-52

 

NHÌN BẰNG CẶP MẮT ĐỨC TIN

“Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! ” (Mc 10,47-48)

Suy niệm: Không phải vô cớ mà có người nói: Cần phân biệt thị giác và thị lực! Quả thật, lắm khi các bộ phận của thị giác có đầy đủ nhưng người ta ‘nhìn’ mà vẫn không ‘thấy’, hoặc thị lực lại có vấn đề nên chỉ thấy những hình ảnh mập mờ, méo mó. Ngược lại có người mắt mù nhưng lại ‘thấy’ tinh tường hơn cả người sáng mắt, bởi vì họ nhìn với cả trí óc và con tim. Anh mù Batimê là một trong số những người đó: Anh ‘nhìn’ bằng đôi tai thay cho cặp mắt để nghe biết người đang đi qua đời anh “đó là Đức Giêsu Nadarét.” Và nhờ ‘cặp mắt đức tin’ anh ‘thấy’ Đức Giêsu Nadarét chính là “Con Vua Đavít” có quyền năng chữa lành anh. Được Chúa gọi tới, anh đã nói lên nỗi khao khát của anh: “Xin cho tôi được thấy.” Và Chúa đã đáp lời: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh!”

Mời Bạn: Nhìn bằng cặp mắt đức tin là cái nhìn ‘thấy’ được Thiên Chúa trong mọi sự và ‘thấy’ được mọi sự trong Chúa. Đó là cái nhìn của Đức Kitô, cái nhìn đầy lòng thương xót, biết nhạy bén cảm thông những nỗi niềm của anh em; đó là cái nhìn bao dung, nhẫn nại để loan báo sứ điệp của Chúa “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Sống Lời Chúa: Kiểm tra thị lực thiêng liêng của mình bằng cách xét mình: Trong việc này, việc khác, tôi có nhìn bằng cái nhìn của Đức Kitô không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đôi mắt tâm hồn con được sáng, để con thấy Chúa là tất cả, thấy anh em mình thật dễ thương, dễ mến và thấy con càng nhỏ bé đi trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.


29/10/12 THỨ HAI TUẦN TN
Lc 13,10-17

 

ĐỨC ÁI: LINH HỒN CỦA LỀ LUẬT

“Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” (Lc 13,17)

Suy niệm: Chứng kiến phép lạ Chúa làm, và nhất là nghe câu trả lời của Chúa, không chỉ người đàn bà bị còng lưng được Chúa chữa lành mới vui mừng, mà dân chúng cũng hân hoan, bởi vì cả họ nữa, họ cũng được giải thoát khỏi những trói buộc ngặt nghèo của những người canh giữ lề luật. Ngược lại, viên trưởng hội đường bị đặt vào một vị thế khó chịu: ông này “tức giận và hổ thẹn” vì Chúa vạch rõ một lẽ phải hết sức hiển nhiên của lòng nhân ái mà ai ai cũng đều thấy rõ chỉ trừ một mình ông. Quả thế, bò lừa còn được các ông dẫn đi uống nước trong ngày sabát, phương chi là người con gái của Abraham, một người chị em với ông, đã bị trói buộc 18 năm: tại sao phải nấn ná đợi chờ? Không phải vì ông không có khả năng hiểu được điều này; nhưng ông chỉ biết khư khư giữ luật mà quên mất cứu cánh và linh hồn của lề luật là bác ái. Vì óc nệ luật mà ông trở nên tàn nhẫn trước nỗi đau của người đồng loại và người chị em của mình.

Mời Bạn: Thiếu tình bác ái còn có thể dẫn đến những hậu quả nào nữa trong đời sống đạo, trong tương quan với người khác?

Chia sẻ: Luật bác ái được Chúa dạy ở những nơi nào nữa trong Kinh Thánh?

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, chẳng hạn viếng thăm hoặc giúp đỡ một ai đó cách kín đáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng Toàn Ái, Chúa đã dạy chúng con: yêu thương là chu toàn lề luật, xin ban cho chúng con những ơn cần thiết và sức mạnh để sống đức ái với anh chị em con.


30/10/12 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21

 

LÀ MEN TRONG BỘT

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho tới khi tất cả dậy men.” (Lc 13,21)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó “giống như chuyện nắm men trong bột”: Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột, Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội, Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố của thế giới.

Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ, nhưng là chính thời gian bạn ở gia đình, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp, v.v… mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Là men trong bột, sứ mạng của người môn đệ Chúa Kitô là thực thi giáo huấn Tin Mừng ngay trong những bổn phận của mình tại gia đình, trong môi trường học hành làm việc hằng ngày của mình.

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm hằng ngày để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,… xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu và lẽ sống của con.

(Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ, tr 5-6)

 

31/10/12 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30

 

CHỌN CỬA HẸP

“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào.” (Lc 13,24)

Suy niệm: Chúng ta thường chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng, những bộ vía “hoành tráng” hơn là phẩm chất của cuộc sống. Chẳng hạn: lãnh đạo các nước thích nói đến tăng trưởng GDP bình quân hằng năm, hơn là chú tâm làm cho chất lượng hạnh phúc của đời sống dân chúng tiến triển theo năm tháng. Không lạ gì Đức Giêsu không trả lời câu hỏi có nhiều hay ít người được vào Nước Trời nhưng chỉ quan tâm nhấn mạnh điều kiện, phẩm chất để được vào Nước Trời. Với Ngài, cửa rộng thêng thang, con đường hưởng thụ thoải mái dễ chịu là con đường đưa đến sự hư mất. Trái lại, cửa hẹp của đời sống kỷ luật, nỗ lực hy sinh, chiến đấu với bản năng, sự ích kỷ lại là con đường đưa đến nguồn vui, hạnh phúc vĩnh cửu.

Mời Bạn: Bạn cũng thích cửa rộng của sự hưởng thụ, dễ dãi với bản thân, chạy theo những thú vui mau qua của trần thế hơn là cửa hẹp của lối sống đạo đòi hỏi sự quên mình, khổ chế, vác thập giá mỗi ngày. Mong rằng Lời Chúa hôm nay thức tỉnh bạn để bạn vui vẻ và hạnh phúc khi chọn sống theo cửa hẹp.

Chia sẻ: Đâu là cửa rộng nhóm bạn cần loại bỏ và cửa hẹp cần phát huy?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chọn “cửa hẹp”  trong việc sử dụng của cải, tiện nghi, hưởng thụ để bớt đi sự ích kỷ và thêm lòng quảng đại quên mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đi vào cửa hẹp của sự từ bỏ, vì cửa rộng thênh thang của sự dễ dãi, nuông chiều thân xác đưa chúng con đến chỗ hư mất linh hồn. Xin giúp chúng con ghi khắc Lời Hằng Sống của Chúa, và vui vẻ thực hiện lối sống “cửa hẹp” trong sinh hoạt hằng ngày của chúng con. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment