5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 10-2013

13/10/13                              CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – C

                                                                           Lc 17,11-19

TÂM TÌNH BIẾT ƠN

Đang khi đi, họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. (Lc 17,14-16)

Suy niệm: Bộ phim Danh sách Schindler (từng được giải thưởng Oscar) có một kết thúc thật cảm động. Schindler là một nhà công nghiệp người Đức đã cứu trên ngàn người Do Thái khỏi trại tập trung. Trước ngày ông tháo chạy về phía tây, những người Do Thái đã tháo chiếc răng vàng còn sót lại để luyện thành chiếc nhẫn tặng ân nhân mình với dòng chữ: “Ai cứu được một mạng sống là cứu được cả thế giới”. Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Làm ơn chớ nên nhớ, được ơn chớ nên quên”. Cũng như những người Do Thái Ba Lan, Người phong Samari đã ghi nhớ “được ơn chớ nên quên”, nên đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Đức Giêsu tỏ lòng biết ơn. Còn chín người phong Do Thái kia chỉ dừng lại ở quà tặng, mà không biết hướng đến Đấng ban tặng. Thật đáng tiếc!

Mời Bạn: Hãy luôn nói tiếng cám ơn mỗi khi nhận được một điều gì từ người chung quanh. Bạn cũng đừng coi những gì Chúa ban là điều bình thường mà quên cảm tạ Chúa, bạn nhé!

Chia sẻ: Làm cách nào để cuộc đời tôi luôn là lời tạ ơn Thiên Chúa?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nói tiếng cám ơn với người thân và nói lời tạ ơn với Chúa mỗi tối trước khi đi ngủ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban vì có hại cho con.         (Rabbouni)


14/10/13                                           THỨ HAI TUẦN 28 TN

Th. Calíttô I, giáo hoàng, tử đạo                   Lc 11,29-32

LỜI MỜI SÁM HỐI

Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. (Lc 11,32)

Suy niệm: Người Do Thái xin Chúa Giêsu cho họ dấu lạ; Ngài đưa ra hai trường hợp rất quen thuộc đối với họ, đó là Giôna và Salômon. Có ai khôn ngoan hơn Salômon? Thế mà ở đây, Thầy Giêsu là chính “Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Có gì lạ hơn chuyện người nằm “trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm” (Gn 2,1; Mt 12,40)? Nhưng Giôna chỉ là hình ảnh tiên báo Chúa Giêsu nằm trong lòng đất ba ngày rồi sống lại. Giôna và Salômon đã là “lạ” nhưng vẫn không “qua mặt” được dấu lạ Giêsu. Hơn nữa, dấu lạ Giôna là lời mời gọi dân thành Ninivê sám hối, thì dấu lạ Giêsu cũng là lời mời gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.

Mời Bạn: Ngày nay, người ta vẫn “đòi” dấu lạ: nghe biết nơi nào có “chuyện lạ” thì đổ xô nhau tìm đến, lắm khi chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ, để cầu xin cách vụ lợi chứ không phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc sống. Quả thực, dấu lạ ở ngay trong lòng bạn khi bạn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để bạn trở nên con cái Chúa; dấu lạ vẫn diễn ra hằng trong bí tích Thánh Thể nơi Chúa Giêsu hiện diện. Mời bạn đến với dấu lạ hàng ngày là Thầy Giêsu đang ở trong bạn và hãy làm cho Ngài lớn lên trong bạn mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ ngày thường khi có thể và bạn dành thời gian đến nhà thờ để thờ lạy dấu lạ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải để lòng chúng con xứng đáng với dấu lạ Chúa ban cho chúng con.


15/10/13                                            THỨ BA TUẦN 28 TN

Th. Têrêxa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh Lc 11,37-41

SỐNG TRINH NGUYÊN NHƯ THUỞ BAN ĐẦU

“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi.” (Lc 11,41)

Suy niệm: Nhu cầu làm sạch là nhu cầu thiết yếu của con người. Trong điều kiện môi trường ô nhiễm ngày nay, đây lại là vấn đề sống còn. Tẩy rửa, làm sạch là nỗ lực tách những gì dính bám vào làm cho đồ vật đó ra mất đi giá trị, vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Trong đời sống tâm linh, cũng có một nhu cầu tương tự. Người Do Thái rất coi trọng nghi thức thanh tẩy để giữ mình khỏi dơ bẩn: họ cẩn thận rửa tay trước khi ăn để khỏi bị ra nhơ uế. Nhưng những thực hành đó chỉ là dấu chỉ bên ngoài, làm sao người ta có thể dùng để thanh tẩy tấm lòng là thứ nằm sâu bên trong được? Phương thế mà Chúa Giêsu dạy là hãy đem “bố thí” tất cả những gì ở bên trong thì mọi sự sẽ nên trong sạch. Bởi vì Đấng làm ra cái bên ngoài cũng là Đấng đã làm ra cái bên trong.

Mời Bạn: Thanh tẩy đích thực được Chúa Giêsu gọi tên là “bố thí” có nghĩa là gỡ bỏ mọi thứ vỏ bọc, tức là những thứ “TÔI CÓ”, -đó là tiền của, chức quyền, địa vị,v.v…- đang bám dính quá chặt vào linh hồn tôi đến độ tôi tưởng lầm đó là cái “TÔI LÀ”, là con người thật của tôi. Thanh tẩy là cho đi, là chia sẻ, để trả lại vẻ đẹp rực rỡ của linh hồn mà Chúa đã tạo dựng từ thuở ban sơ, để dâng cho Ngài chính bản thân mình trinh nguyên như thuở ban đầu.

Sống Lời Chúa: Để thanh tẩy chính mình, mời bạn sống giản dị với bản thân, và luôn chân thành, sẵn sàng chia sẻ với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con phó thác mọi sự trong tay Chúa để vui sống trong tình trạng nguyên tuyền mà Chúa đã dựng nên con. Amen.


16/10/13                                            THỨ TƯ TUẦN 28 TN

Th. Magarita Maria Alacốc, trinh nữ              Lc 11,42-46

XẮN TAY ÁO LAO VÀO TRUYỀN GIÁO

“Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 11,46)

Suy niệm: Sự kiện một số giám đốc doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng” trong khi công nhân vất vả vật lộn với lương “còm” đã bùng lên nỗi bất bình trong xã hội. Dư luận không chỉ bất bình vì sự chênh lệch lương quá lớn, mà còn vì tình trạng thiếu công bằng trong việc san sẻ công việc và trách nhiệm. Trên cánh đồng truyền giáo bao la, biết bao người đang tất bật với những gánh “không thể gánh nổi”, mà vẫn có những người “một ngón tay cũng không động vào” thì quả là một thảm hoạ. Đòi hỏi này không phát xuất từ những xung đột quyền lợi, nhưng từ bản tính của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu khi được lãnh bí tích Rửa Tội. Bản tính của Giáo Hội là truyền giáo và mọi Kitô hữu là những nhà truyền giáo. Theo Đức Gioan Phaolô II, càng truyền giáo thì đức tin càng mạnh mẽ và khi không truyền giáo, thì đó là dấu hiệu đức tin đang bị khủng hoảng.

Mời Bạn: Bạn đang đóng góp gì cho cho việc truyền giáo ở nơi bạn đang sống? Hay bạn đang thuộc diện “một ngón tay cũng không động vào” công việc truyền giáo?

Chia sẻ cho nhau những gương sáng truyền giáo mà bạn ấn tượng nhất và đề ra quyết tâm của bạn.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày có một việc truyền giáo làm hy lễ dâng lên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trách những kẻ không san sẻ gánh nặng trách nhiệm với anh chị em. Xin cho con thức tỉnh vì Lời Chúa hôm nay, để con xăn tay áo lao vào công việc truyền giáo với Giáo Hội.


17/10/13                                         THỨ NĂM TUẦN 28 TN

Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo       Lc 11,47-54

NỢ MÁU CÁC NGÔN SỨ

“Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị biết giữa bàn thờ và Thánh Điện.” (Lc 11,50-51)

Suy niệm: Cái chết của Aben, người công chính đầu tiên của loài người bị sát hại bởi chính anh mình được Chúa Giêsu kể như cái chết của một ngôn sứ. Là ngôn sứ, không nhất thiết phải là những nabi (ngôn sứ “chuyên nghiệp”) của Do thái thời xưa. Cũng không nhất thiết phải rao giảng như Isai hay Êdêkien, mà chỉ nguyên đời sống công chính thánh thiện, như của Aben, đã đủ là một lời ngôn sứ đích thực và có giá trị rồi. Mặt khác, các ngôn sứ bị bách hại bằng nhiều cách. Không đợi đến khi ném đá, chém đầu các ngài, tôi mới trở thành kẻ giết các ngôn sứ, mà ngay khi từ chối lắng nghe lời mời gọi sống công chính, tôi đã góp phần bách hại các ngôn sứ và “bị đòi nợ máu” các ngài rồi.

Mời Bạn: Có khi nào bạn châm chọc chế diễu, vì vô tình hoặc chỉ để mua vui, một người bạn đang làm một điều tốt? Hoặc có khi nào bạn cảm thấy tức tối khi cuộc sống công chính của ai đó trở thành lời tố giác lối sống bê bối của mình? Hẳn bạn không ngờ rằng những lúc đó, bạn đang “bách hại” hoặc đang “xây mộ” cho người “bạn ngôn sứ” ấy.

Chia sẻ: Bạn chia sẻ về một ai đó làm một việc gì đó mà bạn cho là có tính cách ngôn sứ, nghĩa là có thể chuyển đạt cho mình lời của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập đón nhận điều tốt cách thành tâm: người làm điều tốt, ta khen ngợi, noi theo; người nhắc nhở sửa lỗi cho ta, ta nhìn nhận khuyết điểm, cám ơn và sửa chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn phục thiện biết sẵn sàng đón nhận lời người khác sửa lỗi cho con.


18/10/13                                          THỨ SÁU TUẦN 19 TN

Th. Luca, tác giả sách Tin Mừng                       Lc 10,1-9

LÀ SỨ GIẢ TIN MỪNG

Sau đó, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (Lc 10,1)

Suy niệm: Trong Tân Ước, môn đệ là những người đi theo Đức Giêsu; từ các môn đệ này, Ngài chọn riêng Nhóm Mười Hai và gọi là tông đồ (x. Lc 6, 12-16; Mt 10,1-4; Mc 3,13-19). Lần thứ nhất Ngài đã sai mười hai tông đồ đi loan báo Tin Mừng (Lc 9,1-6), lần này Ngài sai bảy mươi hai môn đệ khác thi hành sứ vụ ấy. Điều đó cho thấy sứ mạng truyền giáo không dành riêng cho các tông đồ, nhưng là cho tất cả mọi môn đệ. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ công bố Tin Mừng bình an của Ngài cho con người. Họ làm việc trong tinh thần cộng đoàn hòa hợp “từng hai người một,” tín thác vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, và trong tinh thần khó nghèo.

Mời Bạn:Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3) trong tâm hồn bạn và những người chung quanh. Chúa mời gọi bạn trở thành sứ giả Tin Mừng, người đi tiền phong, dọn đường cho Đức Giêsu. Bạn hãy chuẩn bị cho những ai nghe Lời một tâm hồn khiêm nhu, biết lắng nghe mà đón nhận sự thật; “để khi đến, Ngài chiếu sáng cõi lòng chúng ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài” (Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả).

Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện điều quyết tâm sau đây: lời rao giảng hữu hiệu nhất là đời sống bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Luca đi rao giảng và viết sách Tin mừng cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ bé mọn. Xin cho các Kitô hữu đồng tâm nhất trí với nhau, hầu muôn dân được nhận biết ơn cứu độ của Ngài. Amen.


19/10/13                                          THỨ BẢY TUẦN 28 TN

Th. Brêbớp, lm, Giogơ, lm và các bạn tử đạo Lc 12,8-12

TUYÊN XƯNG CHÚA

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Suy niệm: Có thể ta chưa công khai chối Chúa, nhưng cũng chưa dám mạnh dạn tuyên xưng Ngài trước mặt mọi người. Làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn ở nơi công cộng đôi khi đã gây cho ta chút ngại ngùng, huống chi do việc tuyên xưng ấy mà công ăn việc làm có thể bị đe dọa, gia đình bị phiền phức, bạn bè chê cười. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta đừng sợ khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa vì: (1) người đời chỉ có quyền trên thân xác và cuộc sống hôm nay, duy mình Chúa mới có toàn quyền trên linh hồn và cuộc sống đời đời; (2) mỗi người có giá trị lớn lao trước mặt Chúa, được Chúa ân cần chăm sóc đến từng sợi tóc; và (3) Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong mỗi người chúng ta.

Mời Bạn: Chúng ta tin Chúa Giêsu là Chúa, là chủ của lịch sử nhân loại và của mỗi người chúng ta. Chỉ khi tín thác vào Chúa, vững tin vào sự sống đời sau và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mình và vũ trụ, chúng ta mới có đủ sức mạnh để sống Lời Chúa dạy, đủ can đảm vượt thắng nỗi sợ.

Chia sẻ: Môn đệ Chúa Kitô là người nên cũng biết sợ, nhưng không vì sợ mà không dám sống niềm tin. Điều gì giúp người Kitô hữu vượt lên nỗi sợ?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ vượt thắng nỗi sợ bằng cách mạnh dạn hơn trong việc tuyên xưng niềm tin như làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn nơi công cộng, hay thực hiện điều răn Chúa dạy…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con sống tốt lành, thật thà, quan tâm giúp đỡ người anh em, xin cho chúng con luôn làm vì yêu mến Chúa và để rao truyền danh Chúa. Amen.


Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment