16/12/12 chúa nhật tuần 3 mv – c
Lc 3,10-18
chúng tôi phải làm gì đây?
Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa; họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có…” (Lc 3,10-11)
Suy niệm: Ngạn ngữ Anh nói với chúng ta: “Con đường xuống hoả ngục được lát bằng những ý hướng tốt”. Vì thế, điều quan trọng không phải là dốc lòng chừa khi xưng tội, nhưng là thực hiện điều dốc lòng ấy, bởi vì đã bao lần mình dốc lòng chừa, nhưng rồi khi xét mình, thấy các tội cũ lại “nguyễn y vân” (vẫn y nguyên!). Để bày tỏ lòng sám hối, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan, các hối nhân đều lên tiếng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” Họ hiểu rằng lòng sám hối thật sự không phải chỉ là những cảm xúc chân thành, hay những suy tư hoa mỹ, mà phải được diễn tả bằng việc làm: phải làm gì đây? Sám hối không phải chỉ là đổi mới trong nếp nghĩ, nhưng còn đổi mới cung cách hành xử của bàn tay, đôi mắt, môi miệng… cho hợp với Lời Chúa.
Mời Bạn: Bạn cũng hãy tự hỏi: tôi phải làm gì đây trong mùa Vọng này? ông Gioan cũng cho bạn câu trả lời: tiếp tục làm công việc nghề nghiệp, bổn phận nhưng với tinh thần bác ái, công bằng, tận tâm và vui tươi…
Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để việc sám hối thật sự đổi mới cuộc đời tôi?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ lãnh nhận bí tích Hoà giải trong mùa Vọng với một quyết tâm thực hiện điều dốc lòng chừa cách mạnh mẽ hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con được no nê mà vẫn thiếu ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mát mà họng vẫn khô rang, vì bên con còn có người đang khát. Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi, vì bên con còn có người phiền muộn. Amen. (Rabbouni)
17/12/12 THỨ HAI TUẦN 3 MV
Mt 1,1-17
TRIỆT HẠ CÁC HÀNG RÀO
Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. (Mt 1,16)
Suy niệm: “Những người đàn bà đức hạnh hiếm khi nào tạo ra lịch sử” (L. Ulrich). Năm người đàn bà không thuộc loại đức hạnh lại được nhắc đến trong bản gia phả là một điều rất lạ, vì gia phả Do Thái vốn chỉ dành chỗ cho những đàn ông. Tên của năm người phụ nữ này được nêu lên không phải cho vui, nhưng cho thấy với việc xuất hiện của Con Thiên Chúa ở trần gian, mọi bức tường ngăn cách do con người tạo ra phải bị hạ xuống. Không còn sự phân cách, kỳ thị giữa Do Thái với dân ngoại (bà Rakháp và bà Rút là dân ngoại) cũng chẳng còn sự trọng nam khinh nữ, hay sâu xa hơn nữa, không còn việc ngăn cách kẻ tội lỗi với người thánh thiện, vì Con Thiên Chúa cũng phát sinh từ một nguồn gốc nhân loại trong đó có bậc thánh nhân với kẻ tội lỗi.
Mời Bạn: “Đấng Tạo Hóa đã dựng nên người nữ để làm vui mắt, và để làm rối ren tâm trí” (R. Jordan). Đây đó vẫn còn nặng đầu óc trọng nam khinh nữ, coi phụ nữ không quan trọng, hay tệ hơn, là cội rễ những rắc rối. Tin Mừng hôm nay mời gọi bạn điều chỉnh lại quan niệm của mình, để biết quý trọng người nữ, dành cho họ địa vị xứng với phẩm giá của họ.
Sống Lời Chúa: Giữa tôi và những người xung quanh đang có những hàng rào ngăn cách nào: lương-giáo, nam-nữ, quan điểm khác biệt? Tôi sẽ làm gì để triệt hạ những hàng rào này?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ngay trong bảng gia phả, Chúa đã thực hiện một cuộc cách mạng, triệt hạ tất cả những hàng rào phân cách giữa người với người. Xin cho chúng con biết sống tinh thần yêu thương này. Amen.
18/12/12 THỨ BA TUẦN 3 MV
Mt 1,18-24
MẠO HIỂM TRONG NIỀM TIN
“Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mc 13,31)
Suy niệm: Suốt dòng lịch sử cứu độ, không thiếu những mẫu gương “mạo hiểm” đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, dù chưa thấu hiểu hoàn toàn: Ápraham bỏ quê hương để lên đường về miền Đất Hứa; Đức Maria thưa tiếng xin vâng, dù không biết thánh Giuse, bạn mình, sẽ phản ứng thế nào trước việc thụ thai bí nhiệm. Tin Mừng thánh Máccô hôm nay thuật lại phản ứng mạo hiểm tương tự của thánh Giuse. Toan tính “rút lui có trật tự” của ngài cuối cùng cũng nhường bước cho chương trình của Thiên Chúa. Ngài đã mở rộng tấm lòng để đón nhận mạc khải của Thiên Chúa dù trái với dự tính riêng.
Mời Bạn: Thiên Chúa thường nói với con người rất khẽ, nhẹ nhàng: một câu lời Chúa, một tấm gương sáng, một biến cố… “Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời! Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi” (Thông Vi Vu, Một Chút). Vậy đó, một chút “liều” của Ápraham, của Mẹ Maria, hay của thánh Giuse, kết dệt và hoàn thành Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Một chút ‘liều’ để cộng tác, sản sinh những hoa trái thiêng liêng, tại sao không?
Sống Lời Chúa: Theo gương Thánh Giuse, tôi sẽ sống thầm lặng, khiêm nhu đón nhận những tác động của ơn thánh Chúa, như cọng rơm nhỏ bé góp vào máng cỏ cho Hài Nhi Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đôi khi con miệt mài với những bận tâm vô bổ, để rồi vô cảm trước ánh mắt mời gọi sẻ chia, ngại ngùng giơ tay để tạo sự đồng cảm. Xin cho con nhạy cảm nhận ra tiếng gọi mời của Chúa qua tha nhân, chung một bàn tay để kết nên tình mến chân thành.
19/12/12 THỨ TƯ TUẦN 3 MV
Lc 1,5-25
THÁI ĐỘ SẴN SÀNG CỦA ÊLISABÉT
Ít lâu sau, bà Êlidabét có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1,24-25)
Suy niệm: Một câu chuyện có hậu, đẹp như cổ tích. Song trước khi có hậu thì nó đã…không có hậu mà đầy kịch tính! Nghĩa là nó vốn éo le: hai ông bà đều là người tốt lành trước mặt Thiên Chúa và người xung quanh; thế nhưng họ không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại cả hai đều cao tuổi rồi. Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn Êlisabét gần ngót cả đời người, ít là kể từ khi bà kết hôn? Làm vợ mà không được làm mẹ, trong xã hội Do Thái thời ấy, chắc chắn là “một nỗi hổ nhục trước mặt người đời”. Trong nỗi hổ nhục này, Êlisabét đã có thái độ ra sao? Cùng với chồng mình, bà vẫn sống “công chính trước mặt Thiên Chúa”, vẫn vâng giữ “mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì”. Cuối cùng, niềm vui đã đến. Niềm vui không ầm ĩ (c. 24), nhưng ngập tràn cõi lòng Êlisabét: Bà có thai và sắp được làm mẹ; hơn nữa, đứa con của bà được trao cho một vai trò rất đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa!
Mời Bạn: Nhìn lại bao lần mình phản ứng bốc đồng, kêu ca than oán khi gặp điều bất như ý xảy đến với mình. Chúa có cách của Ngài để rút điều tốt lành ra từ những gì tệ hại. Như Êlisabét, bạn hãy kiên trung tin tưởng vào Chúa.
Sống Lời Chúa: Hiện tại, bạn còn “cay đắng” với Chúa về điều gì? Hãy hóa giải bằng cách cầu nguyện chân thành cởi mở với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vẫn trung thành với Chúa dù gặp nghịch cảnh, xin ban con niềm vui được Chúa ở cùng con và thương cứu độ.
20/12/12 THỨ NĂM TUẦN 3 MV
Lc 1,26-38
THÁI ĐỘ SẴN SÀNG CỦA MARIA
“Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Maria không gật đầu bừa. Cô đã bối rối và chất vấn, được thuyết phục trước khi nói lên lời Xin Vâng ấy. Nhưng Maria đã được thuyết phục bởi chứng lý gì? Không phải vì nghe tin chị Êlisabét đã có thai (chị ấy tuy tuổi già nhưng ít ra cũng có việc vợ chồng!). Maria xin vâng vì tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Thì ra, lời chất vấn trên kia – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào” – chẳng hề có ý nghĩa chất vấn chút nào cả. Đó chỉ như chút ‘đủng đỉnh làm bộ’ thường thấy nơi các cô gái mà thôi. Bởi chất vấn là để đòi giải thích, để hiểu rồi mới chấp nhận – còn ở đây, rốt cục Maria chấp nhận mà chẳng hiểu gì, chẳng hiểu bằng cách nào mình sẽ thụ thai, sinh con trai… Rồi sau này, suốt nhiều chục năm, cho đến tận lúc đứng dưới chân thập giá, Maria vẫn chẳng hiểu bằng cách nào mà Giêsu sẽ nên cao cả, sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, sẽ được Thiên Chúa ban cho ngai vàng Đavít, sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời … Điều duy nhất mà Maria hiểu, đó là hiểu rằng mình là nữ tì của Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự.
Mời Bạn: Lắng nghe hai tiếng Xin Vâng của Đức Maria, và bắt chước ngài, bạn buông mọi khí giới chống chế của mình xuống.
Sống Lời Chúa: Lâu nay, bạn cảm nhận Chúa mời gọi mình điều gì và mình còn chống chế, chưa đáp trả? Có gì trở ngại để bạn bắt đầu đáp trả từ hôm nay không?
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, “đời con dõi bước theo Mẹ.” Xin Mẹ dạy con biết sống “Xin Vâng” như Mẹ khi vui cũng như lúc buồn trong đời sống con. Amen.
21/12/12 THỨ SÁU TUẦN 3 MV
Lc 1,39-45
NIỀM VUI GẶP GỠ NIỀM VUI
“Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.” (Lc 1,39-40)
Suy niệm: Cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ diễn ra trong một ngôi nhà hiu quạnh miền núi của một tiểu quốc bị trị. Thật lặng lẽ. Có gì đáng kể đâu! Làm sao thu hút được sự quan tâm của mọi người như những hội nghị thượng đỉnh giữa các nguyên thủ quốc gia quyết định vận mệnh của nhiều quốc gia, sự an nguy và sinh mạng của hàng triệu con người. Song đây lại là cuộc gặp gỡ có một không hai của lịch sử loài người, một cuộc gặp gỡ được chuẩn bị bằng cả dòng lịch sử trước đó. Hai người phụ nữ ấy gặp nhau, hai bào thai trong họ gặp nhau. Vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước gặp gỡ Đấng Cứu Tinh của lời hứa mà bao thế hệ từng khắc khoải chờ mong và nay đã được hoàn toàn lấp đầy. 30 năm sau, Giêsu sẽ đến xin Gioan dìm mình xuống nước sông Giođan; nhưng ngay lúc này, Gioan được gặp Đức Giêsu và được rửa bằng Thánh Thần. Êlisabét mô tả: bào thai trong bụng bà “nhảy lên vui sướng”! Chính Êlisabét cũng đầy tràn Thánh Thần (c. 41). Một cuộc gặp gỡ đầy ắp Thánh Thần! Còn gì vui hơn? Và cuộc gặp gỡ này có được là nhờ Maria đã “vội vã lên đường”!
Mời Bạn: Nhìn xuyên qua cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabét, để biết trân trọng và không bắt hụt giá trị cứu độ vốn thường ẩn giấu trong những thực tại, những con người xem ra bé nhỏ, tầm thường. Không ra đi thì làm sao gặp gỡ? Bạn có ngại ra đi không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn đặc biệt trân trọng các giây phút gặp gỡ người khác, nhất là những người có vẻ như không mấy quan trọng.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Kính Mừng.
22/12/12 THỨ BẢY TUẦN 3 MV
Lc 11,46-56
KHIÊM-TIN NHƯ MẸ
“Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới!” (Lc 11,48)
Suy niệm: Trong tuần cửu nhật trước lễ Giáng Sinh (17-25/12), và đặc biệt trong Năm Đức Tin này, Hội Thánh mời ta nhìn vào Đức Maria, nhân vật gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, là gương mẫu đức tin cho Hội Thánh và mỗi người. Bài ca Magnificat là một lời nguyện tuyệt đẹp, dâng lên Chúa trong niềm thành tín. Mẹ ca tụng Chúa là Đấng Cứu độ (c.47), Đấng Toàn Năng (c.48), Đấng trung tín, giàu lòng thương xót (c.55), đoái nhìn kẻ khiêm nhu (c.52)… Phần Mẹ, Mẹ tự nhận là một nữ tì hèn mọn (c.48). Nhưng chính vì sự khiêm tốn thẳm sâu trong lòng tin tuyệt đối mà Chúa đã đoái thương làm cho Mẹ bao điều cao cả, nhờ đó Mẹ trở nên người diễm phúc nhất (c.48) của mọi thời, như lời bà Êlisabét: “Em thật diễm phúc vì đã tin!” (Lc 1,45). Đức tin đã nâng Mẹ lên địa vị cao trọng làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội Thánh, Mẹ của những kẻ tin.
Mời Bạn: “Khi viếng thăm bà Êlisabét, Mẹ cất bài ca chúc tụng Đấng Tối Cao vì những kỳ công Chúa thực hiện nơi những người tín thác nơi Ngài” (x. Tông huấn Cửa Đức Tin, số 13). Xác tín rằng nếu bạn muốn được diễm phúc như Mẹ, bạn cần khiêm tốn tín thác vào Chúa.
Sống Lời Chúa: Suy gẫm những lời nguyện khiêm-tin trong Tin Mừng như: ‘Lạy Thầy xin hãy xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8); “Lạy Thầy tôi tin, nhưng xin nâng đỡ lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24); “Lạy Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi,…” (Mt 8,8); “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mt 15,22).
Cầu nguyện: Cùng hát vang bài ca MAGNIFICAT trong tâm tình tin-yêu-khiêm-thác như Mẹ Maria.