07/12/14 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – B
Mc 1,1-8
TIỀN HÔ CỦA ĐẤNG KI-TÔ
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7)
Suy niệm: Thánh Gio-an Tẩy Giả được xem như bản lề của thời Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước loan báo về ông: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con… Có tiếng người hô trong hoang địa…” Tân Ước giới thiệu ông là vị Tiền Hô, đi trước dọn đường cho Đức Ki-tô qua việc “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được tha tội.” Ông làm phép rửa bằng nước, nhận chìm hối nhân trong nước; đồng thời cũng loan báo phép rửa của Đức Ki-tô sẽ nhận chìm hối nhân trong ân huệ của Chúa Thánh Thần. Vị Tiền Hô xuất hiện với hình ảnh ấn tượng: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Với cuộc sống khắc khổ, lời rao giảng thẳng thắn, thái độ khiêm tốn, ông đã hoàn thành sứ vụ của mình: dọn lòng dân Chúa và rồi giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân.
Mời Bạn: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Dọn sẵn con đường cho Chúa đến với bạn bằng cách làm chủ các khuynh hướng xấu của bản năng như tránh chè chén say sưa, phóng túng trong đời sống luân lý, thái độ vụ lợi trong tương quan với người khác. Tích cực hơn, bạn hãy siêng năng cầu nguyện, gặp gỡ Chúa qua các giờ phụng vụ, đọc Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi ý thức mình phải chuẩn bị tâm hồn mừng Lễ Giáng Sinh năm nay qua việc dọn đường trên đây.
Cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, mà chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh” (Chúa nhật II MV).
08/12/14 THỨ HAI TUẦN 2 MV
Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội Lc 1,26-38
XIN VÂNG
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lờu sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Nếu Chúa bảo: “Này con, con làm kỹ sư,” con thưa: “Xin vâng”. Và “Này con, con làm linh mục,” con thưa: “Xin vâng.” Hai tiếng “xin vâng” ấy là vâng có điều kiện, có nghĩa vụ và quyền lợi thuộc về tôi nhiều hơn. Hai tiếng “xin vâng” của Mẹ hôm nay thì khác. Qua hai tiếng ấy Mẹ đặt mối quan hệ của mình và Thiên Chúa trong mối quan hệ thấp cao: Mẹ chỉ là nữ tỳ, còn Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Vì vậy, Mẹ xin vâng không điều kiện, không mặc cả. Mẹ trao toàn thân để Chúa có thể làm bất cứ điều gì nếu Chúa muốn dù có đau thương Mẹ vẫn một lòng trung tín. Cho nên, Chân Phước mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nhưng tôi thuộc về Chúa, nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.
Mời Bạn: Lời “xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a vẫn được lặp lại trong đời sống Kitô hữu mỗi ngày. “Xin vâng” với ý thức là hiến toàn thân cho Chúa qua việc sám hối ăn năn tội và sống Lời Chúa, đồng thời hiệp thông với Ngài mọi giờ trong cuộc sống ngang qua thập giá của Chúa Kitô. Mời bạn hãy noi gương Mẹ, thưa xin vâng với Chúa qua việc sám hối, hy sinh hãm mình và làm việc lành phúc đức trong Mùa Vọng này để được Chúa Giêsu giáng sinh nơi cung lòng bạn.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm đọc Lời Chúa và sống Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm, Mẹ luôn lắng nghe, thi hành Lời Chúa và kết hiệp với Ngài. Xin Mẹ giúp con sống như Mẹ mỗi ngày bằng việc siêng năng đọc và thi hành Lời Chúa hầu tâm hồn luôn sạch mọi tội để được Chúa ở cùng con. Amen.
09/12/14 THỨ BA TUẦN 2 MV
Th. Gio-an Đi-đa-cô Mt 18,12-14
CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những hẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14)
Suy niệm: Mùa Vọng là thời gian ta sống mãnh liệt hơn tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, trong mùa Vọng, ta cử hành ba cuộc Chúa ngự đến. Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm; Chúa sẽ đến trong vinh quang của ngày cánh chung; và Chúa đang ngự đến tâm hồn ta cách huyền nhiệm. Tâm tình chờ đợi, khát mong ấy đong đầy hy vọng, vì Chúa “không muốn cho một ai” phải hư mất. Chính vì niềm hy vọng này, là niềm-hy-vọng-đáng-tin, nên dù đêm hay ngày, vui hay buồn, cơ cực hay thịnh vượng, người tín hữu đích thực luôn phải vững lòng cậy trông. Sự thất vọng không có chỗ trong con tim của Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn tìm kiếm những con chiên lạc, vác đưa về đàn. Ngài luôn mời gọi ta hãy đến với Ngài để được Ngài “nâng đỡ bổ sức cho.” Nói cách khác, nhờ Chúa đỡ nâng mà không ai có thể dễ dàng bị hư mất.
Mời Bạn: Được Chúa đảm bảo như thế, nhưng ta cũng phải đóng góp công sức của mình, thì kỳ vọng của Chúa mới thành hiện thực. Tự do của con người và ý muốn của Chúa cần phải sánh đôi, hòa nhịp mới tạo nên một khúc nhạc vui cho Ngài và cho ta.
Chia sẻ: Tìm cơ hội đến với anh chị em đang lung lay đức tin, khuyến khích, nâng đỡ họ đến với Chúa.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Ước gì niềm vui ấy là ý thức mình được Thiên Chúa cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã dựng nên con, cho con được sống, được vui, được cậy vào lời Chúa hứa. Xin đừng để con phải thất vọng, dù con là kẻ tội lỗi. Amen.
10/12/14 THỨ TƯ TUẦN 2 MV
Mt 11,28-30
LỜI CHÚA BỔ SỨC CHO TÂM HỒN
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29)
Suy niệm: THĐ Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa năm 2008 cho biết các tín hữu ít hiểu biết và ít đọc Lời Chúa. Phải chăng vì Chúa nói những lời “chói tai quá”? Hay vì người ta sợ Lời Chúa đòi hỏi triệt để quá? Quả thật, Lời Chúa như “lửa hồng và như cái búa đập vỡ tảng đá” (Gr 23,29), “sắc bén hơn gươm hai lưỡi; thấu tận nơi phân cách linh hồn và tinh thần, đến tận xương tủy” (Dt 4,12). Lời Chúa không cho phép người nghe thỏa hiệp, đi nước đôi, nhưng phải chọn lựa quyết liệt và hoán cải đến cùng. Những đòi hỏi này đã khiến nhiều người bỏ cuộc như chàng thanh niên giàu có. Nhưng cũng có những người trung kiên như Phê-rô xác tín rằng, đó là “lời ban sự sống.” Về phần mình, Mẹ Ma-ri-a đã giữ tất cả Lời Chúa và suy niệm trong lòng. THĐ Giám Mục nhắc nhở “mỗi nhà cần có cuốn Kinh Thánh, gìn giữ cẩn thận và xứng đáng, đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh; gia đình phải đề ra những hình thức và kiểu mẫu giáo dục cầu nguyện, huấn giáo, học hỏi về việc sử dụng Kinh Thánh, để các thanh niên thiếu nữ, người già cùng trẻ em lắng nghe, hiểu, chúc tụng và sống Lời Chúa.”
Mời Bạn: Giáo xứ và gia đình bạn có đọc và suy niệm Lời Chúa không? Bạn làm gì để gia đình và giáo xứ bạn bắt đầu đọc và suy niệm Lời Chúa?
Chia sẻ: Làm thế nào để giúp gia đình đọc và suy niệm lời Chúa?
Sống Lời Chúa: Bắt đầu hôm nay, mở Kinh Thánh, đọc và suy niệm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa “xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con, vì Lời Chúa là sức sống của đời con.”
11/12/14 THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Th. Đa-ma-sô I, giáo hoàng Mt 11,11-15
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÔN SỨ
“Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.” (Mt 11,11)
Suy niệm: Tại sao Gio-an Tẩy Giả quan trọng như thế trong thời gian trông đợi Chúa đến? Thánh Kinh cho biết, Gio-an Tẩy Giả là tiên tri sau cùng thời Cựu Ước tiên báo Đấng Cứu Thế đến. Ông cũng là người mở đầu cho một thời đại ngôn sứ mới trong Tân Ước, thời đại của những người biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su qua những lời họ loan báo và cuộc sống của họ. Nói tóm lại, những gì được loan báo trong Cựu ước, Gio-an Tẩy Giả làm chứng chúng đã được hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô và những gì hoàn tất nơi Chúa Giê-su, những ngôn sứ mới phải công bố như Gio-an Tẩy Giả đã thực thi. Vì thế, khi đề cập đến vai trò quan trọng của Gio-an Tẩy Giả trong mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng, chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục những gì Gio-an Tẩy Giả đã bắt đầu để loan báo Chúa Giê-su. Cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta phải làm chứng cho sự kiện siêu việt Chúa Giê-su vẫn đang đến với thế giới hôm nay. Qua đời sống đức tin, chúng ta là những Gio-an Tẩy Giả hôm nay. Mọi việc chúng ta làm, việc lớn, việc nhỏ, từ những việc công khai hay âm thầm, đều phải có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Bạn nhận thức được vai trò ngôn sứ của bạn chưa? Đừng quên bạn cũng có vai trò quan trọng, vì bạn là ngôn sứ, là người loan báo và làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nói về Chúa một lần cho người khác.
Cầu nguyện: Hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”
12/12/14 THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê Mt 11,16-19
NHẬN BIẾT CHÚA
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói …” (Mt 11,16)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã chỉ ra hai việc phải làm để chiếm hữu sự sống vĩnh cửu: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Người Do thái đương thời với Chúa Giêsu (và cho đến nay) chỉ làm việc thứ nhất: nhận biết Cha, còn việc thứ hai, họ không tin và thậm chí còn công kích, loại trừ Chúa Giê-su. Họ yêu cầu Chúa phải hành xử theo ý họ giống như hai nhóm trẻ chơi với nhau, nhóm này thổi sáo thì bắt nhóm kia phải múa nhảy để thành trò chơi đám cưới; hay nhóm này thổi kèm bắt nhóm kia phải khóc lóc cho ra trò chơi đám ma.
Mời Bạn: Ơn cứu độ là quà tặng Chúa ban không cho ta. Ngài không ban ơn cứu độ theo một kịch bản của ai đó. Ơn cứu độ của Chúa Giê-su có giá trị với tất cả mọi người vì chu toàn thánh ý Chúa Cha chứ không phải theo những chỉ định của con người. Thiên Chúa mong muốn chúng ta nhận biết và đáp lại ơn Ngài ban cho ta trong Đức Giê-su Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Hạnh phúc cho chúng ta, những người tin nhận Đức Giê-su Ki-tô và được dòng nước thanh tẩy rửa sạch tội lỗi và tháp nhập ta vào trong thân thể của Ngài, khởi đầu đời sống mới. Đời sống Ki-tô hữu phải lan tỏa niềm vui được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Dưới ánh sáng Lời Chúa, con nhận ra được những ân huệ cao quí Chúa ban cho con. Con muốn làm những người bé nhỏ khiêm nhường, luôn đặt niềm tin nơi Chúa và sẵn sàng sống theo những gì Chúa dạy dỗ chúng con. Xin cho con ơn trung thành theo Chúa và làm chứng cho tình yêu Chúa cho anh em.
13/12/14 THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Th. Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo Mt 17,10-13
CHÚA ĐẾN, NHƯNG…
“Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra… Con Người cũng sẽ phải đau khổ với họ như thế.” (Mt 17,12)
Suy niệm: Các môn đệ loáng thoáng nhận ra sự thực về Thầy trong vinh quang của biến cố Hiển Dung, họ thắc mắc tại sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước! Thật vậy, dầu thông thạo Kinh Thánh, các kinh sư đã không nhận ra vai trò của Gio-an Tẩy Giả, vì họ chờ một gương mặt khác, theo trí tưởng tượng của họ. Khi giáp mặt, hai bên đã trở nên xa lạ, và Gio-an Tẩy Giả đã bị xử theo như ý họ muốn. Với Chúa Giê-su cũng vậy, người Do Thái chờ một Đấng Ki-tô đến trong uy linh, với binh hùng tướng mạnh để giải thoát họ khỏi những bế tắc chính trị. Một Đấng Ki-tô bé nhỏ, khiêm nhường, và đau khổ xa lạ với họ biết bao! Và đôi khi, với chính chúng ta, có phải hình ảnh một Thiên Chúa vĩ đại vẫn hấp dẫn chúng ta hơn là một vị Thiên Chúa bé nhỏ, nghèo hèn, hạ mình vâng phục cho đến chết?
Mời Bạn: Chúa đến với chúng ta cách bất ngờ, không như chúng ta muốn, không theo cách chúng ta mường tượng. Hãy nhớ lại rằng vua Hê-rô-đê và cả dân thành Giê-ru-sa-lem bối rối thế nào khi nghe lời báo tin của các đạo sĩ. Chúng ta cũng dễ rơi vào tình huống như thế, nếu chúng ta cứ vẽ vời theo trí tưởng tượng của mình mà không sống tinh thần tỉnh thức của Mùa Vọng.
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về một lần bắt hụt tiếng Chúa trong đời mình.
Sống Lời Chúa: Viếng thăm một người “bé nhỏ” như viếng thăm Chúa đang nằm trong máng cỏ. Tiếp đón một người như đón Chúa giáng sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức và nhìn ra rằng Chúa đang đến trong mỗi việc con làm, trong mỗi người con gặp ngày hôm nay.