5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 12-2014

14/12/14                               CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B

                                                                      Ga 1,6-8.19-28

NGƯỜI LÀM CHỨNG TRUNG THỰC

“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.(Ga 1,23)

Suy niệm: Gio-an Tiền Hô, người kêu gọi “sửa đường cho thẳng,” cũng là người làm chứng trung thực. Dân chúng tin lời Gio-an tuốn đến lãnh nhận phép rửa từ tay ông vì lối sống của ông tương hợp với lời ông rao giảng. Với thế giá đó, nếu Gio-an mạo nhận mình là Đấng Ki-tô hẳn là người ta tin vào ông răm rắp. Nhưng Gio-an vẫn luôn nói thật về mình. Ông là gì, ông nhận mình là thế. Ông nhận mình là “tiếng” người hô trong hoang địa. “Tiếng” chỉ là âm thanh để chuyển đạt nội dung là “Lời”. Càng chuyển đạt “Lời” cách trọn vẹn, chính xác, “tiếng” càng trung thực. Như thế, Gio-an càng xoá mình đi để Đức Ki-tô được lớn lên, lời chứng của ông càng trung thực và càng đáng tin hơn.

Mời Bạn: Trung thực là đức tính cao quý của con người. Người trung thực thì lời chứng của họ có giá trị thuyết phục và đáng tin. Sứ mạng của người Ki-tô hữu là làm chứng về Đức Giê-su. Thánh Gio-an Tiền Hô là gương mẫu cho chúng ta khi làm chứng về Đức Giê-su bằng chính con người và lời chứng trung thực của mình. Sống trong một thời đại mà sự thật nhiều khi không được tôn trọng, người Ki-tô hữu phải trở nên chứng nhân đầy thuyết phục về Đức Ki-tô bằng lời nói cũng như đời sống trung thực của mình.

Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa: “Có nói có, không nói không” (Mt 5,37).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con một gương mẫu về chứng nhân trung thực của Đức Giê-su là thánh Gio-an Tiền Hô. Xin cho chúng con biết noi gương bắt chước ngài mà làm chứng cho Đức Giê-su bằng đời sống trung thực của mình.


15/12/14                                             THỨ HAI TUẦN 3 MV

                                                                           Mt 21,23-27

CHỮA BỆNH “GATO”

Các thượng tế và kỳ mục hỏi Chúa Giê-su: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, ai cho ông quyền ấy?” (Lc 18,7)

Suy niệm: Có một căn bệnh xã hội nguy hiểm đang lây lan với mức độ báo động mà giới trẻ ngày nay gọi là bệnh “gato”, bệnh “ghen ăn tức ở”. Người mắc bệnh này mỗi khi thấy ai trổi vượt hơn mình thì trong bụng họ nổi lên một “cục tức”; thế là họ ra sức bới lông tìm vết “đối thủ” và tung hê mọi thứ thông tin, bất kể đúng sai, lên các phương tiện truyền thông, miễn sao hạ bệ được “người nổi tiếng”. Căn bệnh ấy ngay từ thời Chúa Giê-su, các thượng tế và kỳ mục đã mắc phải. Quả thế, khi Chúa Giê-su đuổi người buôn bán trong đền thờ, họ bực tức và hạch sách Chúa: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” Muốn chữa tận căn chứng bệnh này phải điều trị từ trong nhận thức. Đó là lý do tại sao Chúa đặt câu hỏi: Phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Có nhận thức rằng mọi quyền bính và mọi điều tốt đẹp là bởi Chúa mà ra thì mới trừ được chứng ghen tương đố kỵ ấy.

Mời Bạn: Lòng đố kỵ ghen tương là tảng đá vấp phạm và cản trở sự phát triển của cá nhân cũng như cộng đồng. Chúng ta không sống cô lập mà là sống trong cộng đoàn; mỗi người chúng ta được mời chung tay xây dựng cộng đoàn với một tinh thần quảng đại, tôn trọng nhau. Ý thức rằng quyền bính và mọi sự tốt lành đều bởi Chúa, trong mọi việc chúng ta luôn nhắm trước tiên đến quyền lợi và thiện ích của tha nhân.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái kín đáo cho một người anh em bé mọn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.” Chúng con nguyện sống yêu thương để có thể đem Chúa đến với mọi người.


16/12/14                                              THỨ BA TUẦN 3 MV

                                                                           Mt 21,28-32

LỜI CẢNH CÁO GÂY “SỐC”

“Thật, Tôi bảo các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)

Suy niệm: Với tuyên bố “cực sốc” này, Chúa Giê-su quyết liệt cảnh cáo các thượng tế và các kỳ mục vào thời của Ngài. Sau hai ngàn năm, lời cảnh cáo này vẫn còn nguyên các hàm ý của chúng, ấy là Nước Thiên Chúa dành cho những ai thành tâm thống hối, sống công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Hôm nay Chúa Giê-su cũng vừa nhìn mỗi người chúng mình, vừa nói rõ từng lời trên của Ngài trong bối cảnh xã hội hôm nay: “Tôi bảo thật, những quan chức thuế vụ, những cảnh sát giao thông chuyên ăn hối lộ, những gái đứng đường, những má mì, bọn đầu trộm đuôi cướp… sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông các bà!” Vì sao? Bởi họ đã biết thống hối và từ bỏ những việc làm bất chính, những áp bức bất công. Nay họ sống công bằng, tuân theo tiếng lương tâm và vui sống trong sự thật dù thiếu thốn tiền của hơn. Lời cảnh cáo của Chúa không phải để loại trừ ai, nhưng nhắc nhở chúng ta nỗ lực sửa đổi đời sống hằng ngày cho xứng danh công dân Nước Thiên Chúa.

Mời Bạn: Chúng ta không khó lên danh sách những hạng người cần sám hối, cũng dễ dàng vạch rõ ai là người phải thay đổi. Nhưng hôm nay, Lời Chúa muốn ta chân thành nhìn nhận rằng tôi, chính tôi là kẻ tội lỗi cần sám hối trước bất cứ ai khác.

Chia sẻ: Bạn cảm nghĩ gì khi nghe lời cảnh cáo của Chúa Giê-su hôm nay?

Sống Lời Chúa: Ta thường xuyên xét mình hằng ngày để ý thức mình là tội nhân cần ơn Chúa tha thứ. Đồng thời ta tập khám phá những điểm tốt nơi anh chị em xung quanh.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn năn tội.”


17/12/14                                              thứ tƯ TUẦN 3 MV

                                                                               Mt 1,1-17

con thiên chúa, trong cùng gia phả với con người

Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham. (Mt 1,1)

Suy niệm: Năm 2008 khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang diễn ra sôi nổi, các ứng viên được dư luận săm soi kỹ lưỡng về tông chi họ hàng. Đặc biệt ứng viên Obama, sau đó  là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, gốc gác tổ tiên của ông ở Kenya thế nào đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Chúa Giêsu cũng được đưa ra “trình làng” như một người con trong đại gia đình nhân loại bằng một bản gia phả. Gia phả ấy không chỉ gồm ba, bốn thế hệ mà ngược lên đến tận tổ phụ Áp-ra-ham, cho thấy Chúa Giê-su là người kế tục và hoàn tất giao ước Thiên Chúa ký kết với con người qua Áp-ra-ham. Gia phả ấy kể lại Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng cũng không che dấu những vết nhơ. Điều đó có nghĩa là Ngài tự nhận mình là bà con thân thuộc với cả những tội nhân, để đền bù muôn tội lỗi và phục hồi quyền thừa kế chức vị tư tế hoàng vương cho toàn thể nhân loại là anh em của Ngài.

Mời Bạn đọc lại chậm rãi bản gia phả Chúa Giê-su. Giữa những cái tên lạ lẫm, bạn có cảm nghiệm được niềm sung sướng bồi hồi khi bắt gặp những tên gọi thật quen thuộc như “Giu-se, chồng bà Ma-ri-a, mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” không? Những tên gọi đó có gắn với kỷ niệm nào liên quan đến câu chuyện bạn nhận được ơn cứu độ không? Bạn có nhận ra tình liên đới ấm cúng với những người chung quanh vì có chung bản gia phả cứu độ này không?

Sống Lời Chúa: Ghi tiếp bản gia phả trên như sau: “X. (tên một người mà bạn không ưa), con cái Chúa, được cứu độ trong Đức Kitô, là anh em của tôi.”

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


18/12/14                                           THỨ NĂM TUẦN 3 MV

                                                                             Mt 1,18-21

VÂNG THEO Ý CHÚA

“Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,23-24)

Suy niệm: Các sách Tin Mừng không tường thuật bất kỳ lời nào của thánh Giu-se, ngay cả lúc tìm thấy trẻ Giê-su trong Đền thờ. Sự thinh lặng ấy, đối với gia đình, hàm chứa yêu thương; còn đối với Thiên Chúa, có nghĩa là vâng phục, vâng phục khi chân thành giữ Luật của Thiên Chúa. Con trẻ Giê-su được tám ngày tuổi, ngài giữ luật cắt bì và đặt tên cho con. Con trẻ được bốn mươi ngày tuổi, ngài đem con lên Đền Thờ để tiến dâng con cho Thiên Chúa cũng đúng theo luật. Thinh lặng là bầu khí cho cuộc sống kết hợp thân mật với Chúa; vì thế mà thánh Giu-se dễ dàng nhận ra ý Chúa và vâng theo. Khi băn khoăn về bào thai trong lòng Ma-ri-a, Giu-se tìm kiếm Thiên Chúa và vâng phục ý Ngài để đón nhận Ma-ri-a. Khi gia đình gặp cơn nguy khốn, thánh Giu-se tìm gặp Thiên Chúa để vâng theo, đem gia đình thoát cơn bách hại. Tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và thinh lặng vâng theo là gương mẫu của thánh Giu-se cho chúng ta.

Mời Bạn: Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta đón nhận và vâng phục Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Theo gương thánh Giu-se, bạn vâng giữ luật Thiên Chúa và suy niệm tìm thánh ý Ngài.

Chia sẻ: Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa qua kêu gọi bạn làm gì?

Sống Lời Chúa: Trang hoàng bàn thờ và đặt Kinh Thánh ở chỗ trang trọng để khởi đầu chương trình đọc, suy niệm và sống với Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ngự đến và biến đổi gia đình con kể từ hôm nay.


19/12/14                                           THỨ SÁU TUẦN 3 MV

                                                                               Lc 1,5-25

CON NGƯỜI BẤT LỰC NHƯNG THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG

“Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.” (Lc 1,7)

Suy niệm: Hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét quả là một cặp vợ chồng gương mẫu: họ sống “công chính trước mặt Thiên Chúa;” còn trước mặt mọi người thì “không ai chê trách điều gì” và chắc hẳn được mọi người thương mến (x. Lc 1,57-58). Thế nhưng điều đáng buồn là “họ lại không có con”. Có lẽ hai ông bà đã tìm đủ mọi phương thế, nhưng sự son sẻ vẫn đeo đẳng mà họ thì đã cao niên. Nỗi đau thầm kín của bà Ê-li-sa-bét khi những năm tháng tuổi thanh xuân lần lượt trôi đi, những bước chân trĩu nặng của ông tư tế già Da-ca-ri-a trước những con mắt soi bói của người đời như xác nhận rằng sự hiếm muộn là dấu chỉ Gia-vê trừng phạt một tội lỗi nào đó của họ. Nhưng trước cái tưởng chừng như bất lực và vô vọng của con người, Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài, đã làm cho ông bà sinh hoa trái trong tuổi về chiều già nua. Một con trẻ làm cho nhiều người được hỉ hoan, một con trẻ đầy tràn thần khí và quyền năng của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Có khi nào bạn đứng trước tình huống mà mọi giải pháp đều tỏ ra bế tắc và bạn cảm nhận được sự bất lực của mình? Đó chính là dịp để bạn khám phá tình thương của Chúa và tin cậy vào quyền năng của Ngài.

Sống Lời Chúa: Mời bạn thưa với Chúa như bà Ê-li-sa-bét: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắm lúc con đã ngã lòng, mọi hy vọng tưởng như đã lụn tắt. Xin cho con luôn kiên định cậy trông nơi tình thương của Ngài.


20/12/14                                           THỨ BẢY TUẦN 3 MV

                                                                             Lc 1,26-38

BƯỚC NHẢY VỌT TRONG ĐỨC TIN

“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31)

Suy niệm: Thử đặt mình vào trong khung cảnh của buổi truyền tin hôm nay, chúng ta mới thấy rằng, đón nhận lời thiên sứ chẳng phải là chuyện dễ dàng. Một thiếu nữ được một người lạ mặt đón gặp và đề nghị một việc ‘động trời’: mang thai. Nếu là chúng ta, có lẽ sẽ từ chối và xin hai chữ bình an thôi. Nhưng đối với Mẹ, khi nhận ra rằng lời truyền tin là lời mời gọi của Thiên Chúa và cũng là sứ mạng của mình, Mẹ đã can đảm đón nhận, vượt qua những suy tính bình thường, mạo hiểm chấp nhận những hệ lụy của ơn gọi. Niềm tin vào Thiên Chúa là câu trả lời cho lý do Mẹ dám tham dự vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ không biết rõ điều gì sẽ xảy ra, nhưng chỉ như người môn đệ của Chúa, Mẹ nghe Lời Chúa và thực hiện, bởi lịch sử dân Chúa và kinh nghiệm đức tin cho Mẹ hiểu thế nào là người được ân nghĩa với Chúa. Những suy tính tầm thường nhường bước cho niềm tin yêu phó thác.

Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn hằng mời gọi bạn tham dự vào công cuộc truyền giáo của Ngài, vậy bạn dám chấp nhận hệ luỵ để nhập cuộc cùng với Ngài và với các anh chị em khác không?

Chia sẻ: Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm về những ‘thiệt thòi’ và hạnh phúc khi cố gắng sống theo Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Hướng lòng về Chúa và thân thưa cách chậm rãi, đầy ý thức: Vâng, con đây là tôi tớ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, để làm môn đệ Chúa, con cần tăng thêm lòng cam đảm. Xin gia tăng trong con lòng quả cảm để dám đảm nhận sứ mạng Chúa trao như Đức Maria hôm nay vậy. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment