BẤY GIỜ LÀ ĐÊM TỐI !

          Đối với Giu Đa kẻ phản bội, người Công Giáo thường có thái độ khinh bỉ gọi là…thằng nhưng trong một góc nhìn khác, người ta lại đặt câu hỏi: Sự thật về Judas. Kẻ phản Chúa hay môn đồ đáng kính nhất ? “ Câu chuyện này mới được phát hiện gần đây có tựa đề Tin Mừng theo Judas nghĩa là toàn bộ sự kiện về cái chết của Chúa Giê Su dưới góc nhìn của Judas. Câu chuyện này được viết trên văn tự cổ rách nát và mới được tìm thấy gần đây nhưng nó được các nhà khoa học xác minh đúng là được viết ra từ thời Chúa không phải thứ giả mạo. Và từ những mảnh rách nát của bức văn tự cổ ấy, một câu chuyện khác đã được hé lộ, một sự thật nhìn từ góc nhìn của người trong cuộc  là chính Judas chứ không phải góc nhìn của người ngoài cuộc là các vị tông đồ khác. Vì trong câu chuyện này chỉ có mình Judas và Chúa Giê Su là biết được sự thật là gì ?…

          …Đây là đoạn hội thoại được kể lại trong văn tự cổ “ Tin Mừng theo Judas” về mối quan tâm chung của Judas và Jesus trong mối quan hệ thầy trò của họ:

  • Ngài muốn giải phóng Do Thái khỏi người La Mã à ?
  • Ta muốn giải phóng linh hồn khỏi tội lỗi

Judas giật vai Jesus trong sự điên cuồng và đấm vào thân cây oliu, tức

giận nói: Đây là chỗ mà hai con đường của chúng ta tách rời nhau. Trước tiên thân xác phải được giải phóng khỏi người La Mã và sau đó là linh hồn khỏi tội lỗi. Đó là con đường, Ngài có thể hiểu nó không ? Một căn nhà không thể được xây từ trên nóc trở xuống, nó phải được từ dưới móng đi lên.

  • Nền móng chính là linh hồn, Judas.
  • Nền móng là thể xác. Đó là nơi mà ta phải bắt đầu. Coi chừng con trai

của Mary. Trước kia tôi đã nói một lần rồi và tôi nói lại lần nữa, hãy coi chừng, hãy chọn con đường mà tôi nói với Ngài. Tại sao Ngài nghĩ rằng tôi đi theo Ngài ? Thế đấy, tốt hơn ngài nên biết, chính là để chỉ cho Ngài con đường phải đi” ( Nguồn: Góc Nhìn Mới – Phi Tuyết 12/8/2016 ).

          Kinh Thánh chép rất rõ  Giu Đa là kẻ phản bội. Thế nhưng ở đây trong cái gọi là Tin Mừng Theo Judas  lại đặt ra câu hỏi y là kẻ phản Chúa hay môn đồ đáng kính nhất ?

          Thật sự thì ngoài Chúa Giê Su, các tông đồ không ai biết Giu Đa là kẻ phản bội và tại sao lại phản bội ? Trong bữa Tiệc Ly trước khi nộp mình chịu chết, Chúa Giê Su nói với các tông đồ: “ Quả thật Ta nói: Một người trong các ngươi sẽ phản Ta. Các tông đồ ngó nhau không rõ Ngài nói về ai. Có môn đồ dựa vào ngực Chúa Giê Su là người mà Ngài thương yêu. Simon Phê Rô ra hiệu bảo người đó rằng: Hãy tỏ cho chúng ta biết Thầy phán về ai ? Chúa Giê Su đáp: Ấy là kẻ mà Ta  đưa cho miếng bánh Ta nhúng đây. Khi nhúng một miếng bánh rồi, bèn lấy đưa cho Giu Đa con trai của Si Mon Ích Cariot. Sau khi ăn miếng bánh ấy rồi thì Sa Tan nhập vào người hắn. Chúa Giê Su bèn phán cùng người rằng: Việc ngươi làm thì hãy làm mau đi nhưng chẳng ai đồng bàn biết vì sao Ngài phán cùng người ấy như vậy. Có kẻ tưởng rằng tại Giu Đa  giữ túi tiền  nên Chúa Giê Su biểu người rằng: Hãy mua đồ chúng ta cần dùng về kỳ lễ hay là phải giúp chi cho kẻ nghèo…Giu Đa nhận lấy miếng bánh rồi liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối” ( Ga 13, 21 -30 )

          Các tông đồ không biết Giu Đa đi đâu và với mục đích gì nhưng Chúa biết và Ngài lấy làm thất vọng cho con người được chọn. Ở đây có một câu hỏi được nêu: Chúa có biết ngay từ ban đầu Giu Đa sẽ phản bội Ngài không ? Nếu biết, tại sao Ngài vẫn chọn ?

          Câu trả lời chỉ có thể, đó là mầu nhiệm sự dữ, Chúa Giê Su nhất thiết cần bị phản bội và chết để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “ Con Người hẳn đi như đã chép về ngài. Song khốn thay cho người này là kẻ phản Con người, thà rằng nó chẳng sinh ra thì hơn” ( Mt 26, 24 ).

          Nếu số phận của Giu Đa đã được tiền định như thế  thì thật ra hắn đâu có tội tình gì ? Giả dụ như hắn không  nộp Chúa cho quân dữ thì có lẽ Ngài đâu có bị bắt để rồi bị giết chết và như thế thì công cuộc của Đức Ki Tô làm sao mà thành tựu ?

          Với tầm nhìn hữu hạn của con người thì như vậy nhưng với Thiên Chúa lại khác. Trong tính chất mầu nhiệm của sự sữ, Giu Đa đã chọn con đường của mình và hắn ta đã đi trọn con đường ấy để rồi kết cuộc phải lãnh lấy cái chết bi thảm. Con đường của Giu Đa theo như ngụy thư “ Tin Mừng Theo Judas” đó là giải phóng thân xác tức giải phóng Itsraen khỏi ách nô lệ La Mã.

          Thực ra con đường này không riêng là chủ trương của Giu Đa nhưng là của…các tông đồ trước khi được Ơn CTT soi dẫn trong Ngày Lễ Ngũ Tuần ( Cv 2, 1 -2 ). Đức Ki Tô sau khi tuyên bố thiết lập Hội Thánh, Ngài nói cần phải đi lên Gierusalem, chịu khổ nhiều nỗi bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm và sẽ bị giết chết  thì Si Mon Phê Rô lên tiếng trách: “ Chúa ôi ! ĐCT nào có nỡ vậy đâu. Sự đó hẳn chẳng xảy đến với Thầy đâu. Nhưng Chúa Giê Su quay lại phán cùng Phê Rô: Ớ Sa Tan, hãy lui ra khỏi Ta. Ngươi làm cớ vấp phạm cho Ta. Vì tâm ý ngươi chẳng chăm về việc ĐCT, song chăm về việc loài người ta” ( Mt 16, 16 -23 ).

          Chăm về việc loài người ở đây tức là lo giải thoát Itsraen khỏi ách nô lệ La Mã. Với các tông đồ thì …việc lo ấy còn diễn ra ngay cả sau khi Chúa Ki Tô Phục Sinh. Trước khi Chúa về trời, các tông đồ nhóm lại và hỏi: “ Thưa Chúa, có phải lúc này là lúc Ngài khôi phục nhà Itsraen hay không ? ( Cv 1, 6 ).

          Bởi đã lầm về Con Đường Cứu Rỗi của Chúa như vậy, thế nên các tông đồ cũng chẳng hiểu gì về ý nghĩa cái chết cần có của Ngài: “ Đương khi ai nấy đều lấy làm lạ về các việc Ngài làm thì Ngài phán cùng các môn đệ: Hãy để những lời này lọt vào tai các ngươi: Con Người sắp phải bị nộp vào tay người ta. Nhưng họ không hiểu lời ấy vì nó bí ẩn, họ chẳng thể nhận biết lại sợ không dám hỏi Ngài về lời ấy” ( Lc 9, 43 -45 ).

          Riêng với Giu Đa chẳng những hắn ta không hiểu mà còn ra mặt chống đối con đường của Chúa: “ Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giê Su đến làng Bê thania nơi Lazaro ở là người Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại. người ta đãi tiệc tối cho Ngài tại đó. Mattha phục vụ, còn Lazaro là một trong đám đồng bàn với Ngài. Maria liền lấy một cân dầu thơm cam tùng rất quý xức chân Chúa Giê Su  rồi lấy tóc mình mà lau, cả nhà thơm nức mùi dầu đó. Nhưng Giu Đa Ích Cariot là tông đồ sắp phản Ngài nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền để giúp cho kẻ nghèo ?…

          …Người nói chẳng phải vì đoái đến kẻ nghèo, bèn vì người vốn là tay trộm cắp, giữ túi tiền và ăn cắp vật để trong đó. Nên Chúa Giê Su phán rằng: Hãy để mặc nàng, nàng đã để dành  dầu này cho ngày chôn Ta. Vì các ngươi có kẻ nghèo luôn luôn. Song không có Ta luôn mãi đâu !” ( Ga 12, 1 -8 ).

          Các tông đồ vì…ghét Giu Đa, kẻ phản bội  thế nên mới cho y là tên trộm cắp  nhưng thật sự thì không phải vậy, nếu quả thật Giu Đa là người như thế  thì Chúa đâu có để cho y làm người quản lý tiền bạc ? Vấn đề ở đây không phải là vì lòng tham tiền mà hắn đã bán Chúa nhưng đó là chủ trương của Giu Đa chống trái với Con Đường Cứu Rỗi của Chúa và lần này thì hắn đã bộc lộ  đường lối ấy ra và bị Chúa Giê Su nhắc nhở cách nhẹ nhàng: “ Các ngươi có kẻ nghèo ở với mình luôn luôn. Song không có Ta luôn đâu !

          Giu Đa đặt câu hỏi sao không bán cân dầu thơm đó lấy tiền mà giúp kẻ nghèo vừa có ý trách Maria người xức dầu vừa tỏ ý bất mãn với đường lối Chúa. Chính cái sự …bất mãn ấy mà y đã theo đuổi con đường phản bội cho đến cùng. Khi Chúa Giê Su đang ở trong Vườn Cây Dầu  thì Giu Đa đến với một lũ cầm gươm giáo, gậy gộc  từ các thầy tế lễ cả, các trưởng lão đến gặp Chúa Giê Su, ôm hôn Ngài mà nói rằng: Rabi, quân dữ bèn đến bắt Ngài ( Mc 14, 43 -46 ).

          Nếu chỉ vì lòng tham tiền bạc mà Giu Đa đã bán rẻ Chúa thì có lẽ y ta không đến nỗi rơi vào tình trạng tuyệt vọng khi biết Chúa Giê Su bị kết án tử. nguyên nhân khiến Giu Đa tuyệt vọng là vì nghĩ rằng mình đã lầm khi theo đuổi con đường chống lại Chúa Giê Su, Đấng Cứu Chuộc mình.

          Giu Đa đã chết trong cơn tuyệt vọng: “ Khi ấy Giu Đa là kẻ phản bội thấy Ngài bị kết án thì hối hận, bèn đem ba mươi đồng bạc trả cho các thầy tế lễ cả và trưởng lão mà nói rằng: Tôi đã phạm tội mà nộp kẻ vô tội. Song họ đáp rằng: Sự đó có can chi đến chúng ta. Ngươi hãy chịu lấy. Người bèn ném những miếng bạc vào đền thờ rồi trở ra đi thắt cổ tự tử” ( Mt 27, 3 -5 ).

          Con người ta chọn lấy cái chết vì thấy mình ở trong hoàn cảnh bế tắc cùng cực. Có người tự tử vì món nợ nào đó không thể trả. Có người vì chán cuộc sống không thấy ở đó có một ý nghĩa nào cả, có người vì bị phụ tình v.v…Riêng Với Giu Đa  thì hối hận vì đã chối bỏ  Con Đường Cứu Rỗi mà lẽ ra hắn có thể ở trong đó. Sự chối bỏ này cho đến những giờ phút cuối cùng vẫn thôi thúc hắn theo mệnh lệnh của Sa Tan, một ông chủ tàn nhẫn, độc ác !!!

          Trái ngược với Giu Đa, từng giờ từng phút càng lún sâu vào cơn tuyệt vọng. Phê Rô đã chối Chúa tới 03 lần và trong lần cuối còn thề với con đầy tớ: Thật ta không biết người đó đâu. Vừa dứt lời tức thì gà liền gáy sáng. “ Phê Rô bèn nhớ lại lời Chúa Giê Su đã phán: Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta ba lần. Rồi người đi ra khóc lóc thảm thiết” ( Mt 26, 69 – 75 ).

          Hối hận trong tuyệt vọng khiến người ta đánh mất Chúa. Trái lại ân hận vì tội lỗi mình trót phạm để rồi hết lòng ăn năn sám hối lại khiến càng thêm ơn nghĩa với Chúa. Giu Đa đã bỏ Chúa và các bạn tông đồ mà đi đến chốn khốn cực đời đời chỉ có khóc lóc và nghiến răng…( Mt 22, 13 )./.

Trà Cổ, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh – 22/4/2022

Phùng  Văn  Hóa

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts