BÍ TÍCH THA TỘI – BÍ TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Ơn tha thứ khắc sâu khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa. Nó cần thiết để mang con người đến gần Thiên Chúa, mỗi khi con người sa ngã, lỗi phạm.

Chúa Giêsu biết rõ sự cần thiết này, nên vừa phục sinh, ngay sau khi trao ban một chuỗi đầy nghĩa xót thương: ơn bình an, ơn nối tiếp sứ mạng truyền giáo, ơn Chúa Thánh Thần, lập tức Đấng Phục Sinh ban ơn tha thứ:

“Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!’. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em’”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 19-22).

Nhận sứ mạng và kho tàng ơn tha thứ từ Chúa Kitô, Hội Thánh có nhiều hình thức khác nhau, giúp các tội nhân ăn năn tội lỗi của mình: nghi thức sám hối trong Thánh lễ, các cuộc hành hương, các việc làm bác ái, ăn chay hãm mình…

I. BÍ TÍCH THA TỘI VÀ SỨ MẠNG HỘI THÁNH.

Tuy nhiên, “không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa giải” (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 28).

Ý thức tầm quan trọng và cần thiết của bí tích xót thương ấy, Hội Thánh nhấn mạnh: “Những ai đến nhận lãnh Bí tích Hòa Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời, họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nghiệm để hoán cải họ” (Lumen Gentium số 11).

Tin lời Chúa của mình bảo đảm: Hết thảy những gì Hội Thánh dưới đất thực hiện đối với tội lỗi và tội nhân, thì cũng được Thiên Chúa chuẩn nhận: “Dưới đất các con tháo cởi cho ai, trên trời cũng tháo cởi” (Ga 20, 22), Hội Thánh luôn công bố ơn tha tội, mời gọi từng người con của mình siêng năng lãnh nhận bí tích tha tội, đồng thời sẵn sàng để được thực thi sứ mạng tha thứ trên tất mọi con người.

Khi sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, Hội Thánh cũng muốn công bố cho toàn thế giới về LÒNG XÓT THƯƠNG THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA là cao cả, lớn lao, lớn đến không có bất cứ bến bờ nào. Lòng thương xót ấy luôn mời gọi để được trao ban, luôn chờ đợi để được đáp trả, luôn sẵn sàng để được cống hiến, luôn thổn thức nếu bị làm ngơ ngoảnh mặt.

Khi sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, Hội Thánh dạy họ biết, chính Thiên Chúa dẫn đưa những người được cứu độ đến với Hội Thánh (x.Cv 2, 47) và mỗi hối nhân là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Từng người trong cộng đoàn Hội Thánh đã được lòng thương xót của Chúa triệu tập. Hội Thánh vừa là cộng đoàn đã được thương xót, vừa là dụng cụ của lòng thương xót.

Khi sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, Hội Thánh mang sứ mạng tha thứ không ngừng, tha thứ vô cùng. Qua đó dạy cộng đoàn gồm tất cả con cái mình cũng tha thứ cho nhau cách quảng đại, nhân ái, đầy lòng thương xót như Chúa của mình từng đòi hỏi: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).

II. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH LÒNG THƯƠNG XÓT.

Bởi là bí tích của lòng thương xót, bí tích tha tội:

 Là phương thức hiệu quả nhất để chuyển tình yêu tha thứ của Thiên Chúa từ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu đến với phận người tội lỗi. Nhờ đó, tội nhân thực sự giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Đức Phanxicô khẳng định điều đó trong Tông sắc Misericordiae Vultus – Dung mạo Lòng Thương xót:

“Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt qua và qua trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ” (số 22).

 Là cầu nối của lòng thương xót. Bởi bí tích thiêng liêng ấy không những giúp ta “phục hồi trong ơn nghĩa Chúa và liên kết với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1468), mà còn là cơ hội để ta “tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, mà tội lỗi làm tiêu hao hay cắt đứt” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1469). Bí tích của lòng thương xót còn là cầu nối vì là nguồn ban ân sủng hữu hiệu giúp ta tìm về với chính mình, để càng nâng cao sự giao hòa giữa mình cùng Thiên Chúa, cùng muôn loài xung quanh.

– Là sức mạnh tẩy xóa mọi vết nhơ do tội gây ra, giúp ta can đảm chống lại chúng. “Nhờ Bí tích Hòa giải, Thiên Chúa thứ tha tội lỗi, những tội ấy hoàn toàn bị xóa bỏ; tuy nhiên, vẫn còn đó những dấu vết xấu xa do tội lỗi để lại trong lối hành xử và cách suy nghĩ của chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn. Lòng thương xót trở thành những ân xá của Chúa Cha, qua trung gian Hiền thê của Đức Kitô, được ban cho tội nhân vừa lãnh ơn giao hòa, sẽ giải gỡ người ấy khỏi tất cả những hậu quả của tội lỗi, để có thể hành động với đức ái và lớn lên trong tình yêu, hơn là lại rơi vào tội lỗi” (Misericordiae Vultus, số 22). 

Hơn ai hết, hiểu biết sâu xa tầm quan trọng và tính thiêng liêng của bí tích tha tội trong hành trình đời sống Đức tin của mình, nhất là ý thức luôn luôn về Lòng thương xót, tất cả chúng ta tìm về với lòng thương xót của Thiên Chúa, tìm về với tình yêu Chúa Kitô ngang qua việc xưng thú tội lỗi. Nhờ đó, mỗi người trở nên khí cụ đắc lực của Lòng Thương xót cho tha nhân và thế giới.

Đó cũng chính là điều mà thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nhắn nhủ: “Anh chị em hãy cùng hướng về trái tim Đức Kitô, dấu chứng hùng hồn của lòng thương xót Thiên Chúa, của lễ đền tội chúng ta, niềm bình an và hòa giải của chúng ta, hầu kín múc nơi đó sức mạnh nội tâm dẫn đưa chúng ta ra khỏi tội lỗi và quy hướng chúng ta về Thiên Chúa, đồng thời tìm thấy nơi đó lòng nhân ái của Thiên Chúa như lời đáp trả thân tình cho hối nhân” (Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 35).

III. CHÚNG TA LÃNH NHẬN BÍ TÍCH XÓT THƯƠNG.

Mỗi lần đến với tòa cáo giải, là mỗi lần tâm hồn ta chạm đến Lòng Nhân Từ xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Ngang qua bí tích của lòng xót thương này, Chúa ban cho ta sự bình an trong tâm hồn.

Nơi Chúa Giêsu, trong tình thương hiệp nhất với Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần chỉnh trang lại, làm mới lại, tô điểm lại và làm cho mạnh mẽ cả nội tâm và trọn linh hồn ta. Chính trong ơn tha thứ của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần biến đổi ta thành người mới, con người đã được phục sinh cùng với Chúa Kitô.

Trở về với Chúa trong ơn tha thứ, chúng ta còn được trở về với nguồn sự sống, có Chúa là Đấng vẫn hằng chờ đợi để có dịp bày tỏ sự yêu thương, sự âu yếm, sự quan phòng rất mực của Người.

Hãy nhớ, lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, nơi tòa cáo giải, ta sẽ gặp gỡ Chúa Kitô của sự sống, của tình yêu tha thứ, của ơn phục sinh tuôn trào.

Nơi tòa cáo giải ấy, vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, chứa đầy trong Trái Tim Thiên Chúa qua hình tượng của Chúa Giêsu chết và sống lại vì ta.

Vì thế, càng thấy mình nhiều tội lỗi, anh chị em hãy càng nhanh chân chạy đến tòa cáo giải. Bất cứ ai chạy trốn bí tích xót thương đã lâu, hãy nhớ, một khi quyết tâm xưng thú tội mình, sẽ càng làm cho Thiên Chúa hạnh phúc, càng dễ dàng lôi kéo lòng thương xót của Thiên Chúa hơn, càng được Chúa dễ dàng trao bình an để tâm hồn họ khỏe mạnh hơn, vui sống hơn, tràn ngập ơn Chúa hơn.

Hãy nhớ lời Chúa Giêsu, nhờ đó ta càng có động lực để thường xuyên tìm đến bí tích của lòng xót thương không bao giờ vơi cạn: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải” (Lc 15, 6).

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts