Trong trình thuật của thánh Gioan chương 1 từ câu 29 đến câu 34, nói về Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả đã thốt lên hai lần: “Tôi đã không biết Ngài” (Ga 1: 31, 33). Điều đó rất đáng ngạc nhiên! Người ta có lý khi nghĩ rằng Gioan Tẩy giả biết rất rõ Chúa Giêsu là ai, vì ông là anh họ của chính Chúa Giêsu và là người đã từng “nhẩy mừng” trong lòng mẹ mình là bà Êlisabét khi Mẹ Maria đang mang thai Chúa Giêsu đến thăm: “Vì này đây tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1: 44). Sự thiếu hiểu biết mà Gioan bộc lộ ở đây cho chúng ta thấy một điều quan trọng: chúng ta không đến với Chúa Kitô chỉ bằng cách hiểu biết qua cảm nhận thông thường của con người bởi vì, như Thánh Phaolô viết: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Chúa Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa. nếu chúng ta đã biết Ngài theo xác thịt, thì bây giờ chúng ta không còn biết Ngài theo cách đó nữa” (2 Cr 5, 16).
Vượt ra ngoài lối nhìn trần thế
Thật vậy, vì để đến gần Chúa Kitô trong mầu nhiệm của Ngài, chúng ta không thể không cần đến sự tác động của Chúa Thánh Thần: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Ngài” (Ga 1: 32). Thực vậy, sẽ có nhiều cư dân thành Nazareth, những người cũng biết Chúa Giêsu theo cách con người, sẽ sửng sốt trước những lời của Ngài trong hội đường khi Ngài bắt đầu rao giảng và sẽ kêu lên: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13: 54-56). Tất nhiên là đúng như họ nói, nhưng họ không thể vượt lên trên cái hữu hình hữu hạn để chạm đến cái vô hình vô hạn nơi Ngài.
Sự can thiệp của Chúa Thánh Thần
Gioan Tẩy giả giải thích cho chúng ta rằng: “tôi đến làm phép rửa trong nước” (Ga 1:3), nhưng để nhận ra Chúa Giêsu, “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1: 33) thì cần có sự can thiệp của Chúa Thánh Thần: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1: 33). Đây là dấu hiệu đã được công bố và không thể bác bỏ giúp Gioan Tẩy giả có thể nhận ra Chúa Giêsu nơi con người thật của Ngài, vượt khỏi con mắt xác thịt. Không lâu nữa, Hội thánh cử hành lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, còn gọi là Lễ Nến, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc gặp gỡ rạng ngời của Hài Nhi Giêsu với cụ già Simêon. Giống như Gioan Tẩy giả, đôi mắt của cụ sẽ mở ra và “thấy Đấng Mêsia của Thiên Chúa”, tất cả đều nhờ tác động của Thánh Thần: “Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Thiên Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Ngài, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 2: 25-28). trước sự kinh ngạc của cha mẹ Hài Nhi: “Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Ngài” (Lc 2: 33).
Sự hiện diện không thể thay thế
Rõ ràng là không thể nhận ra Chúa Kitô nếu không có Chúa Thánh Thần: không có con đường nào khác hơn là nhờ Chúa Thánh Thần để đến được Chúa Giêsu trong mầu nhiệm ngôi vị của Ngài là Con Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Ngài hiện diện như Ngôi Lời lên tiếng trong Kinh thánh hay như Bánh được trao ban như của ăn trong Bí Tích Thánh Thể. Chính Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con mở ra cho chúng ta mầu nhiệm Giêsu, mẩu nhiệm Thiên Chúa làm Con Người, mầu nhiệm dẫn chúng ta đến Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu (1 Ga 4: 16). Vì thế, chúng ta cảm thấy và nhận ra rằng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là không thể thiếu, không thể thay thế được!
Không có gì ngạc nhiên khi một tu sĩ Chính thống giáo có thể khẳng định rằng “Cầu nguyện, ăn chay, canh thức và các thực hành tốt lành khác của Kitô giáo, bản thân chúng rất tuyệt vời, nhưng không đủ để trở thành mục đích, mặc dù chúng không thể thiếu để đạt được mục đích đó. Mục đich thực sự của đời sống Kitô hữu chúng ta là nhận được Thánh Thần của Thiên Chúa.” [1] “Nhận được”, không phải theo nghĩa nắm giữ Ngài, mà theo nghĩa không ngừng để Ngài dẫn dắt cõi lòng của chúng ta nên cương quyết hết sức kêu xin “Veni, Sancte Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến!” [2], mở ra ngày càng sẵn sàng hơn để biến đổi bản thân thành sự ngoan ngùy vâng theo mọi ý muốn của Thánh Thần. Chủ nhật tuần trước, mắt chúng ta hướng về Ánh sao của các Hiền sĩ phương Đông. Về vấn đề này, Cha Carré dòng Đaminh đã viết rất đúng: “Ánh sao sáng trong tâm hồn của chúng ta là tiếng nói mầu nhiệm nói với mỗi người chúng ta. Chúa ban cho chúng ta ánh sao sáng đó để giúp chúng ta tìm kiếm Ngài: đó là Chúa Thánh Thần.” [3]
Trở thành chứng nhân của Tin Mừng
Điều đáng chú ý nữa là bất cứ ai bước vào kinh nghiệm ân sủng này đều lập tức trở thành chứng nhân cho cuộc gặp gỡ này với Chúa Kitô, nhờ Thánh Thần. Gioan Tẩy giả kêu lên: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1: 34). Đó là người thấy mình được ủy thác trở thành nhân chứng về những gì Thánh Thần đã mạc khải cho người ấy về Chúa Giêsu: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1: 6). Sứ mệnh này bắt đầu khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhiệm vụ của tất cả những người đã được rửa tội và nhờ đó đã lãnh nhận Thánh Thần là trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa Kitô, như tiên tri Isaia nói trong bài đọc thứ nhất: “Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang…Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Isaia 49: 3,5-6).
Chúng ta đón nhận Đấng mà Gioan đã công nhận là “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1: 29). Chúng ta vẫn lặp lại những lời này trước khi rước Mình và Máu Chúa Kitô trong Thánh lễ. Chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với đức tin và tình yêu để đến lượt chúng ta trở thành những chứng nhân dũng cảm và sáng ngời của Ngài mà thế trần đang mong đợi, như lời thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai: “những người đã được hiến thánh trong Chúa Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta” (1 Cor 1: 2).
Chúng ta được mời gọi đi từ sự không hiểu biết đến việc làm chứng tá, từ “Tôi đã không biết Ngài” (Ga 1: 33) thành “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1: 34).
Phêrô Phạm Văn Trung.
Chú thích:
[1] St Seraphim Sarov,
https://livres-mystiques.com/partieTEXTES/Seraphim/lebutde.html
[2] https://www.vaticannews.va/vi/kinh-nguyen/come–holy-spirit.html