“Ta sẽ sai ai đi, ai sẽ đi cho chúng ta?
‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ là chủ đề sứ điệp Khánh nhật Thế giới Truyền giáo Đức Phanxicô gửi đến cho toàn thể dân Chúa năm nay. Thiên Chúa đang chờ đợi mỗi người chúng ta ‘bước những bước thật đẹp’ đến với các tâm hồn đang thiếu vắng Người, ngay hôm nay, khi dịch bệnh đang đe doạ nhân loại; khi địa cầu đang nóng lên khiến lụt lội thiên tai chồng chất. Thiên Chúa muốn chúng ta có thể nói với Người cách cương quyết, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’.
Trong một cuộc phỏng vấn, một phóng viên hãng tin Fides hỏi Đức Phanxicô rằng, thưa Đức Thánh Cha, hồi trẻ, Đức Thánh Cha muốn đi truyền giáo ở Nhật; vậy có thể nói, Đức Thánh Cha chưa bao giờ trở thành nhà truyền giáo? Ngài dè dặt trả lời, “Tôi không biết, tôi vào Dòng Tên vì được đánh động bởi ơn gọi truyền giáo của họ, họ luôn luôn đi đến những vùng biên giới. Lúc đó tôi không thể đến Nhật, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng, để loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, thì nhất định phải ra đi, và tiến về phía trước”. Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người có sứ mệnh ra đi như Hội Thánh vì “Hội Thánh truyền giáo hoặc không phải là Hội Thánh”; cũng thế, Kitô hữu luôn luôn nói ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ và ra đi, hoặc không phải là Kitô hữu.
Nhìn lại lịch sử truyền giáo khi Hội Thánh còn trong phôi, với mười hai tông đồ hèn mọn; vậy mà, đó là những con người dám nói, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ và Chúa Kitô Phục Sinh cùng Thánh Thần của Ngài đã thổi hơi để họ ‘bước những bước thật đẹp’ đến với các tâm hồn và làm nên bao việc kỳ vĩ, để danh Chúa được nhận biết. Gần hơn, lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam cũng không kém kỳ tích; không tài nào chúng ta hiểu được sự linh diệu của hạt giống Tin Mừng và sự tự do ẩn tàng của Thánh Thần ở những tâm hồn quảng đại vốn đã được Ngài run rủi.
Cách đây gần 500 năm, lần đầu tiên, các thừa sai phương Tây, vốn có một nền văn minh đi trước Việt Nam cả ngàn năm, là những con người đã liều lĩnh thưa lên, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’, đã đến, đã sống với tổ tiên chúng ta để loan báo Tin Mừng. Các ngài đến An Nam, một dân tộc bán khai; lạ nước, lạ cái, với mọi khác biệt ngôn ngữ, tập tục, văn hoá và nhất là tôn giáo. Đến An Nam, các ngài gặp phải các tôn giáo lớn như Phật giáo với từ bi; Khổng giáo với trung dung; Lão giáo với vô vi và nhất là Đạo Ông Bà với hiếu đễ… Đó là chưa nói đến những trở ngại mà các ngài gặp phải như cấm cách, bắt bớ và bệnh sốt rét của miền nhiệt đới, nơi mà dân chúng đang đói ăn thiếu mặc. Vậy mà các ngài đã ‘bước những bước thật đẹp’ để có đồng lúa chín vàng hôm nay.
Một chi tiết khá thú vị mà chúng ta đừng quên, là mãi về sau, những bốn thế kỷ, tức là 400 năm, nghĩa là từ 1965, Công Đồng Vaticanô II mới cho phép phụng vụ dùng tiếng bản xứ; và trong Thánh Lễ, vị chủ tế được phép quay xuống cộng đoàn. Nghĩa là trước đó, chủ lễ luôn luôn quay mặt lên phía nhà tạm và mọi sự được cử hành bằng tiếng Latin; chủ tế xướng, hai chú giúp lễ đáp lại trọ trẹ; có lẽ cả cha lẫn con, “xịp xịp xịp” mà không hiểu hết mình đọc cái gì và thưa cái gì. Ấy thế, Tin Mừng vẫn được rao giảng, các tín hữu vẫn ngày một tăng số. Và như thế, chúng ta có thể tin chắc, Tin Mừng không chỉ được giảng dạy nhưng quan trọng hơn, được sống, được làm chứng; và như vậy, có sức toả lan như Đức Thánh Cha nói, “Hội Thánh phát triển nhờ sự cuốn hút bằng các chứng tá”. Và chúng ta có thể đoan chắc, các thừa sai và các tín hữu An Nam tổ tiên là những con người dám nói, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ đã ‘bước những bước thật đẹp’ trong các tâm hồn anh chị em lương dân; bởi lẽ, chỉ cần lãnh nhận phép Rửa, ai ai cũng đã trở nên tông đồ, như kinh nghiệm của thời Hội Thánh sơ khai.
Để có thể bước đi trong tâm hồn người khác, các tín hữu đầu tiên đó hẳn đã để cho Chúa Giêsu ‘bước những bước thật đẹp’ trong tâm hồn mình; từ đó, họ có thể bước những bước tiếp theo. Như thế, truyền giáo, trước hết là sống chứng tá về một đời sống hiểu biết Thiên Chúa và yêu mến Chúa Giêsu vốn đã đầy ắp trong tâm hồn người môn đệ; ở đó, đầy những dấu ấn của chính Chúa Giêsu và rồi, cùng Ngài, họ ‘bước những bước thật đẹp’ trong các tâm hồn bằng một chứng tá yêu thương. Vì thế, truyền giáo không còn là lời nói mà là cả cuộc sống; là đi vào trong tim, bước vào trong tâm người khác với những bước thật đẹp vốn có thể ghi được ở đó những dấu ấn Giêsu.
Tại một bệnh viện vào một đêm kia, trời đã rất khuya, một bệnh nhân đi dọc hành lang, ông nhìn vào phòng trực, thấy cô y tá đang quỳ gối. Thắc mắc, ông gõ cửa và hỏi, “Cô đang làm gì thế?”. Cô y tá trả lời, “Tôi đang cầu nguyện cho ông”. Về sau, bệnh nhân ấy kể, “Tôi đau rất nặng, người ta đưa tôi vào bệnh viện, không ai chăm sóc tôi ngoài cô y tá ấy; cô ấy tỏ ra rất tốt và tận tình giúp đỡ tôi cũng như mọi người. Cho đến khi sự việc xảy ra tối hôm ấy, câu trả lời thánh thiện đầy yêu thương của cô ấy đủ làm cho tôi, người bấy lâu không biết Chúa, nay, biết Người; tôi thấy Chúa ở người y tá đôn hậu ấy, cô ấy đã ‘bước những bước thật đẹp’ trong tim tôi. Giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, sự săn sóc đầy tình người và lời cầu nguyện của cô đã giúp tôi gặp được Chúa”.
Anh Chị em,
Truyền giáo không phải là thuyết phục người khác cải đạo bằng những lý lẽ, luận điệu hùng hồn, nhưng là sống và tặng trao; truyền giáo là cúi xuống, phục vụ, yêu thương và tha thứ. Đó là ‘bước những bước thật đẹp’ trong các trái tim, các tâm hồn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết để Chúa tự do bước những bước trong tâm hồn con, dẫu là những bước đau thương, ít đẹp, nhưng cần thiết; nhờ đó, con có thể thưa lên, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ và con sẽ ‘bước những bước thật đẹp’, ‘những bước mang tên Giêsu’ trong tâm hồn anh chị em con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)