“Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhân Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, bạn và tôi cùng quan chiêm trái tim Chúa Giêsu, trái tim người Thầy; thoáng nhìn trái tim Tôma, trái tim học trò… hầu có thể hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta! Và nhất là, bắt chước Ngài, chúng ta biết ‘chạnh thương’ anh chị em mình. Trái tim Giêsu, một trái tim bằng thịt chan chứa yêu thương mà Tin Mừng không ngừng lặp đi lặp lại đã bao lần ‘chạnh thương’ những con người cùng khốn. Thấy dân chúng tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn, “Ngài chạnh thương”; thấy người ta khiêng đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, “Ngài chạnh thương”; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, “Ngài chạnh thương”; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, “Ngài chạnh thương”… và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều trải nghiệm cái ‘chạnh thương’ đó nơi Thầy mình. Cũng trái tim đó, bởi đã ‘chạnh thương’ đến cùng nên bị đâm thâu, để giọt máu và giọt nước cuối cùng rỉ ra mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa nghe thuật lại chiều ngày Thứ Sáu u buồn.
Trái tim Tôma, một trái tim ngờ vực. Thầy mất, không ai biết lý do, “Đi Đi Mô” rời cộng đoàn. Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì những thương tích dù không thấy nhưng là những thương tích có thật và đau thật. Một trái tim khủng hoảng đến tội nghiệp, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Thầy, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, không thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy thì tôi không tin”. Thật là mỉa mai, thật là chua xót cho môn sinh tuyệt vọng; thật là vô ích, thật là thất đoạt cho người Thầy luống công! Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm đến Thầy đâu kém việc bán hay chối Thầy của hai bạn đồng môn. Có khi còn tệ hơn! Bởi lẽ, Giuđa và Phêrô tránh né liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống, đang khi Tôma lại chối nhận một Đấng trở về từ cõi chết.Vì thế, cũng bởi ‘chạnh thương’, tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra một lần nữa và trái tim đã yêu dấu loài người quá bội đó đã biết lựa lời khôn khéo trách yêu Tôma. Thay vì mắng mỏ, Ngài dỗ dành; thay vì phỉ báng, Ngài chiều chuộng; thay vì chì chiết, Ngài vỗ về, “Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Lạ thay, Tin Mừng không nói đến việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh, đặt tay vào cạnh sườn Thầy mà trong đó cũng có một trái tim hay không; nhưng chúng ta có thể đoan chắc, một lần nữa, trái tim Thầy đã ‘chạnh thương’ chạm đến trái tim tan nát của trò. Tim đụng tim, lòng chạm lòng! Nhờ đó, tâm hồn người môn đệ hân hoan, bình an và thay vì cất lên “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Magnificat”, thì cách nào đó, Tôma đã hát Kinh Tin Kính “Credo, Tôi tin!”. Bởi lẽ, trước tiên là phải tin, sau đó mới có thể ca khen Đấng mình tuyên xưng!Anh Chị em,
“Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Tôma đã tin! Nhờ đâu? Chúa Phục Sinh đã lấy tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng; tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ. Nhờ Thầy ‘chạnh thương’ mà từ đây, lòng người môn đệ đổi mới: xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy; và bình an thay cho bất an! Phần chúng ta, phải chăng nhiều lúc, lòng chúng ta cũng đang “đi đi mô” khi chúng ta quỵ ngã vì yếu đuối, bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì sợ hãi? Hãy đến, xin Chúa Phục Sinh chữa lành như đã chữa lành Tôma, để đến lượt mình, bạn và tôi “trở nên những ốc đảo yêu thương của lòng thương xót Chúa giữa một đại dương lạnh lùng, trong một thế giới vắng bóng tình yêu!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì tim con luôn ‘chạnh thương’, hầu người ta có thể nói, ‘Trong tâm hồn người nầy có một trái tim; đồng thời, có một “Ai đó” đang sống và thổi hơi yêu thương cho nó!’”, Amen.(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)