Cho con vô đạo

Mỗi ngày sống là mỗi ngày sờ đụng huyền nhiệm.

Kính thưa Anh Chị em,

Mỗi ngày sống là mỗi ngày sờ đụng huyền nhiệm: vũ trụ huyền nhiệm, tha nhân huyền nhiệm và Thiên Chúa lại càng huyền nhiệm hơn.

Một sáng thức dậy, ve sầu hát sớm, triệu báo một ngày hè oi ả; bước những bước ngái ngủ ra mảnh vườn cỏn con, nghe côn trùng khoan thai rả rích… đã là một cái gì huyền nhiệm với chúng ta, phương chi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay Giáo Hội mừng kính. Đây là mầu nhiệm sự sống, mầu nhiệm tình yêu. Trí khôn hạn hẹp của con người dù là các nhà chuyên khoa thần học hay triết học cũng không làm sao hiểu thấu; nhưng chỉ những ai sống cho tình yêu, sống cho Thiên Chúa, người ấy mới có thể hiểu được đôi chút mầu nhiệm cao cả này.

Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trước hết là một mầu nhiệm sự sống, “Từ nguyên thuỷ, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình và thông chuyển sự sống thần linh cho con người qua Chúa Giêsu, “Thiên Chúa, chưa ai thấy bao giờ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”.

Qua Chúa Giêsu, sự sống và tình yêu Thiên Chúa được ban cho con người như lời Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô trong Tin Mừng hôm nay, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để ai tin vào người con đó thì được sống đời đời”. Đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhân loại thể hiện nơi thập giá Chúa Giêsu Kitô. Chúa Cha đã để Con Một mình đón nhận cái chết thập giá và tình yêu của Chúa Con là tình yêu bị đóng đinh trong sức mạnh yêu thương của Thánh Thần.

Vì thế, ai sống trong tình yêu, người ấy sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong những ngày tháng qua, khi dịch bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới, chúng ta chứng kiến bao con người tốt lành đã sống cho tình yêu. Dù họ biết Thiên Chúa hay không biết Thiên Chúa nhưng vì họ đã sống yêu thương, thể hiện qua việc hy sinh của cải, sức lực, thời giờ; phục vụ quên mình, sống cho người khác thì chúng ta vẫn tin chắc họ đã sống mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Gioan nói, “Ai yêu thương, người ấy ở lại trong ánh sáng của Thiên Chúa”.

Thiên Chúa đó là một Thiên Chúa giàu nhân nghĩa và đầy từ tâm. Lần thứ nhất, Môisen lên núi gặp Chúa để nhận bia đá thì bên dưới, dân chúng đúc bò vàng để thờ lạy; đi xuống, thấy sự tình, Môisen nổi giận, đập bia đá tan tành. Ông lại phải lên núi và Thiên Chúa ban lề luật cho dân lần thứ hai. Bài đọc Xuất Hành hôm nay đã tường thuật cuộc gặp gỡ của Môisen với Chúa; qua đó, cho thấy Người thật giàu lòng xót thương, hay tha thứ, chậm bất bình và rất mực khoan dung.

Ai sống yêu thương là sống trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay nói, “Anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn mạch bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em”. Mỗi ngày, làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi thì chớ gì, gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta cũng phải là một gia đình, một cộng đoàn yêu thương, trân trọng và quên mình như gia đình Ba Ngôi. Thiên Chúa không muốn chúng ta trở nên những pháo đài đóng kín hay những ốc đảo của những người may mắn; trái lại, Người muốn chúng ta đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Trong tuần qua, một thanh niên bấm chuông xin gặp tôi, anh ta có vẻ vội vã. Tôi chưa kịp mời anh ngồi thì anh nói, “Thưa cha, con muốn vô đạo”. Tôi khoan thai trả lời, “Được thôi, bình tĩnh, ngồi xuống nói chuyện đã”. Anh không chịu ngồi nhưng nằng nặc đòi xin một tờ giấy. Tôi bảo anh, “Chuyện đâu còn đó, cứ từ từ. Vào đạo khó lắm anh ơi, anh phải tìm hiểu, học đạo, tập đi nhà thờ… từ sáu tháng đến một năm nhưng trước hết tôi muốn biết động lực nào khiến anh muốn nhập đạo”. Anh trả lời nhanh gọn như trả lời phỏng vấn đi Mỹ, “Vô đạo, cưới vợ” và anh tiếp tục xin tờ giấy. Thấy anh khác thường, nhưng tôi vẫn đưa giấy bút cho anh vì cũng muốn biết đôi chút thông tin về anh và người bạn anh quen. Anh vội ghi, “Cọng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Đơn Vô Đạo”. Nhìn thấy thế, tôi quá tức cười nhưng cũng cầm mình vì suýt chút nữa phải nổi nóng. Tôi đưa cho anh tờ giấy khác và anh vẫn ghi Đơn Vô Đạo với một vài thông tin của anh, của bạn gái và anh lặng lẽ bỏ lại, ra về lúc nào không hay.

 

Anh Chị em,

Sự việc buồn vui lẫn lộn ấy khiến chúng ta suy nghĩ. Không lẽ gia đình công giáo chúng ta đã không nói một chút gì về Chúa, về đạo cho một người bạn hay một chú rể, cô dâu tương lai nào đó của mình hay sao? Cách sống của chúng ta thế nào để chưa bao giờ là câu hỏi cho một người khác rằng, Chúa chúng ta là ai, đạo chúng ta là gì? Người khác nhìn chúng ta làm sao? Có lẽ chúng ta đã quá hời hợt với đời sống đức tin của mình chăng khiến cho người khác tưởng muốn vô đạo, chỉ cần ghi danh là đủ. Nếu quả như vậy thì thật đáng buồn.

Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta coi lại cung cách sống đạo của mình, của gia đình mình. Mỗi lần làm dấu thánh giá thì chớ gì khi tuyên xưng Ba Ngôi tình yêu, chúng ta cũng sống yêu thương như Ba Ngôi, quên mình như Ba Ngôi và như thế, chúng ta đã trở nên một câu hỏi lớn cho những người chung quanh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là con cái Chúa, xin đừng để con hữu danh vô thực; tệ hơn là vô đạo, khiến người khác mù tịt về Chúa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts