Tuần trước là lễ Ba vua cũng gọi là lễ Hiển Linh. Một em bé đến với tôi tâm sự và cho biết: gọi là lễ Ba Vua thì em hiểu có ba vua dâng của lễ như Phúc Âm đã tường thuật và như Hang đá thường trình bày, nhưng gọi là Hiển Linh thì em không hiểu. Em xin giải thích cho em hiểu “hiển linh” là gì. Tôi giải thích bằng cách cắt nghĩa chữ đơn giản: hiển là tỏ lộ ra, linh là linh thánh (là Thiên Chúa); hiển linh là Chúa tỏ mình ra. Em “vâng dạ”, nhưng nhìn vào mắt em tôi biết em chưa hiểu. Trên bàn tôi lúc đó có tấm phim nhựa nhỏ và tấm ảnh màu rửa cỡ lớn. Tôi đưa tấm phim cho em xem và hỏi em có nhìn thấy không. Em xoay ngược xoay xuôi xoay ngang xoay dọc biết rằng có hình người nhưng chịu không nhìn rõ ai cả. Tôi đưa tiếp cho em tấm ảnh mới rửa từ tấm phim ấy và em reo lên mừng rỡ đồng thời kể tên vanh vách những người trong ảnh. Thấy em vui tôi cũng vui lây. Và trong niềm vui ấy tôi tiếp tục giải thích cho em về chữ “hiển linh” một cách cụ thể. Thiên Chúa vẫn có đó như hình vẫn có ở trong phim, nhưng ta chỉ thấy Ngài khi Ngài tự tỏ mình ra như hình được in rõ ra trong tấm ảnh vậy. Tôi thấy mắt em cười và bước ra khỏi phòng tôi trong tư thế nhảy chân sáo như vừa khám phá ra một điếu gì lớn lao lắm. Tôi nhìn theo em và thầm nghĩ: có lẽ Thiên Chúa đang tỏ mình ra cho em.
Thiên Chúa tỏ mình ra là một chủ đề lớn đã trở thành mối bận tâm cho mọi người Kitô hữu trên đường tìm Chúa, mà em bé tôi kể ở trên chỉ là một điển hình; đồng thời đó cũng là chủ đề xuyên suốt cả toàn bộ Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, các chiến tích lẫy lừng, và cũng rất thường trong những biến cố kinh thiên động địa như biến cố “Vượt Qua” với vách nước vựng đứng mở lối cho dân Do Thái ra đi trên biển, rồi cột lửa soi sáng ban đêm và áng mây tạo bóng mát ban ngày… Nhưng từ ngày Con Chúa làm người, Thiên Chúa lại chỉ tỏ mình ra qua con đường tự hạ. Bài Phúc Âm hôm nay là khởi đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu tự hạ chịu phép Rửa và tỏ mình trong vinh quang Ba Ngôi là một ví dụ rõ rệt. Nhưng Chúa Giêsu tự hạ thế nào và tỏ mình ra sao trong suốt cuộc đời của Người? Ngày nay Chúa còn tỏ mình ra cho con người hay không?
Tự hạ.
Ngày Giáng Sinh, Thiên Chúa đã tự bỏ trời cao bước xuống thế trần để nhận lấy kiếp người trong Hình hài một thơ nhi bé bỏng, lại sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo hèn. Ngài là Thiên Chúa vinh quang nhưng đã để vinh quang đó lại trên trời như lời hoan ca của các thiên thần xác định, mà chỉ ôm hai chữ “bình an” xuống thế làm một con người bình thường giữa muôn người bình thường khác. Thiên Chúa sinh ra mọi loài nay chịu sinh ra bởi một người phụ nữ. Thiên Chúa vô hình nay bước xuống hữu hình, Thiên Chúa vô biên nay đón nhận mình vào những giới hạn. Thiên Chúa giàu sang nay tự hạ làm kẻ nghèo hèn.
Khởi đầu cuộc sống công khai, Thiên Chúa làm người ấy – Chúa Giêsu, lại tự hạ hơn một bước nữa khi rước vào đời mình kiếp sống tội nhân đến sông Giođan và xin ông Gioan chịu phép Rửa. Người chấp nhận bầu bạn và đánh chén với những người tội lỗi đã đành như Phúc Âm vẫn kể, Người còn chịu nhận mình là một tội nhân xếp hàng đứng chung với những tội nhân khác để đợi tới phiên mình cúi đầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa đã thánh thiện mà nhận mình là người tội lỗi, Thiên Chúa tuyệt đối không mang tì vết mà lại cầu xin ơn tha thứ làm lại cuộc đời như một người hư hỏng. Sự tự hạ của Chúa thật không hiểu nổi. Chưa hết, kết thúc cuộc đời trần thế, trên đỉnh Núi Sọ cũng gọi là cao điểm tuyệt đối của sự tự hạ, Chúa Giêsu chịu chết nhục hình giữa hai tên trộm cướp. Người bị giết như một kẻ tử tội. Cái chết thê thảm mà ngày nay các tượng thánh giá bằng kim loại quý đeo trên ngực hay được vẽ vời đánh bóng trong các giáo đường không diễn tả được. Phúc Âm kể: Người chết dữ. Thiên Chúa quyền uy đã để cho người ta trói lại và xét xử. Thiên Chúa hằng sống đã tự hạ để người ta giết chết. Ôi lạ lùng!
Tỏ mình.
Nhưng tự hạ lạ lùng đến thế để làm gì? Nếu để phô trương danh thế tiếng tâm thì chỉ là dại dột mà kẻ dại nhất trong loài người cũng không dại dột đến thế. Sự tự hạ của Chúa Giêsu là một phương tiện để Người tỏ mình ra:
– Sinh ra như một trẻ nghèo hèn giữa cánh đồng trong Hang đá Bêlem, Người tỏ mình ra là một Thiên Chúa vinh quang, như lời hát đồng thanh của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời…”
– Bước xuống đất đen của con người cần được thanh tẩy và xếp hàng đứng chung với các tội nhân chờ được dìm xuống trong nước, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối có quyền quyết định trên trời dưới đất, như Phúc Âm mô tả: “các tầng trời mở ra”.
– Lãnh nhận phép Rửa trong nước, Người tỏ mình ra là Đấng sẽ khai sinh phép Rửa trong Thánh Thần, như hoạt cảnh Tin Mừng trình bày: “Chúa Thánh Thần ngự xuống trên người như chim bồ câu”. Mang vào mình thân phận tội lỗi nhân loại đến tận gốc nguồn là sự phản bội của Adam, Người tỏ mình ra là Con Chí Ái của Chúa Cha từ thuở đời đời, như tiếng từ trời giới thiệu: “Này là con Ta yêu dấu hằng làm đẹp lòng Ta”.
– Và chính khi trần trụi bên dòng nước cầu ơn tha thứ, Người xuất hiện là một ngôi vị trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa ngời sáng uy linh. Nếu có bài hát “lung linh lung linh hai tiếng gia đình”, thì ở đây có lẽ phải hình dung là ca khúc “uy linh uy linh gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”. Cuối cùng, chết nhục hình như tên tử tội bị kết án, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa hằng sống, Đấng ban ơn cứu độ giải xá cho hết mọi người.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình.
Thiên Chúa vinh quang tỏ mình ra cho nhân loại bằng con đường tự hạ. Cái sang của đạo dường như ấn giấu trong bức màn tăm tối, đúng như Lão tử nhận xét về một đạo chân chính: “Minh đạo nhược muội”. Nếu lịch sử cứu độ là lịch sử của Thiên Chúa tỏ mình ra, thì ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho ta, dĩ nhiên trong Phụng Vụ, Bí Tích và Giáo Hội, nhưng Ngài còn thích hơn khi tỏ mình ra cho ta qua cuộc sống thường nhật, qua những biến cố, những sự kiện, qua những con người ta gặp gỡ và qua những bổn phận âm thầm mỗi ngày. Cánh Ngài tỏ mình ra cũng vẫn là cách tự hạ khiêm nhường nhỏ bé tối tăm và thầm lặng.
Trời chỉ mở ra với vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa khi Chúa Giêsu vì yêu thương đứng chung với hàng ngũ tội nhân và cầu nguyện. Muốn gặp thấy Thiên Chúa tỏ mình, chúng ta cũng phải liên kết với Ngài bằng sám hối cầu nguyện và bằng tinh thần liên đới yêu thương chia sẻ cuộc sống với những người khác.
Giữa năm 1984, ở Thụy Sĩ người ta đã phát thử thành công tivi màu với hình ảnh nổi, nghĩa là có chiều sâu của khung cảnh và người xem dường như thấy mình đang góp mặt trong khung cảnh ấy. Nhưng muốn thưởng thức, phải mang một gọng kính có hai tròng mắt khác màu nhau, một xanh một đỏ và phải ngồi đúng vị trí đối diện trực tiếp với màn ảnh. Thiên Chúa vẫn tỏ mình nổi bật trên cuộc sống từng người. Muốn gặp Ngài, hãy ngồi vào vị trí đức tin và đeo gọng kính với hai tròng cầu nguyện và yêu thương.
Trích từ ‘LÀM NỤ HOA TRẮNG’ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống