CHÚA GIÊSU GIÚP KHÁM PHÁ VÀ GIẢI TỎA CƠN KHÁT VÔ BIÊN NƠI CÕI LÒNG TA

Vào thế kỷ thứ I, cách gọi “một tên Samari” là điều kinh khủng nhất người ta có thể gọi một người Do thái, có thể coi đây là một lời “xỉa xói, khinh bỉ” – điều mà những kẻ gièm pha Chúa Giêsu gọi Ngài trong Tin mừng Gioan: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” (Gn 8: 48). Cách gọi đó là một trong những cách sỉ nhục trầm trọng nhất đối với một người Do Thái; nó đồng nghĩa với gọi người ấy là đồ con hoang, một kẻ bỏ đạo, một kẻ lạc giáo. Vậy nên thật táo bạo biết bao khi Chúa Giêsu kể câu chuyện về người Samari nhân hậu! (Lc 10: 30). Và hôm nay, Ngài tham gia cuộc trao đổi kéo dài với một phụ nữ Samari mà Ngài gặp bên bờ giếng, rồi sau đó chào đón cả cộng đồng Samari của cô khi họ tìm gặp Ngài: “Họ ra khỏi thành và đến gặp Ngài” (Gn 4: 30).

Đây là câu chuyện về một người phụ nữ gặp Chúa Giêsu bên giếng nước. Cô ấy đến giếng vào giữa trưa nắng nóng: “Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa” (Gn 4: 6) để né tránh những người phụ nữ khác trong thị trấn của cô; cô sợ phải chịu những lời đàm tiếu và phán xét của họ đối với cô, vì trong thị trấn của cô hầu như ai cũng biết cô là một phụ nữ tội lỗi công khai. Cô bị các phụ nữ khác xa lánh, bởi thế cô phải ra giếng vào giữa trưa, là giờ dành cho đàn ông, thay vì vào buổi sáng hay ban chiều cùng với các phụ nữ trong sạch khác.

Tại giếng cô gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói chuyện với cô một lúc và cô vô cùng xúc động trước cuộc trò chuyện xem ra bình thường nhưng lại có sức biến đổi này.

Chính Chúa Giêsu ngỏ lời trước với cô: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Gn 4: 3-7), điều này đã làm cô rất sửng sốt. Cô là một phụ nữ Samari và Chúa Giêsu là một người Do Thái. “Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samari” (Gn 4: 9). Đàn ông Do Thái lại càng không nói chuyện với phụ nữ Samari: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Gn 4: 9).

Chúng ta ngày nay cần hiểu phụ nữ bị đối xử như thế nào trong văn hóa Trung Đông thời đó. Trong bài chú giải về Tin mừng Gioan, William Barclay viết:

Các Giáo sĩ nghiêm khắc cấm một Giáo sĩ chào hỏi một người phụ nữ ở nơi công cộng. Một Rabbi ngay cả có thể không nói chuyện với vợ, con gái hoặc em gái của mình ở nơi công cộng. Thậm chí có những người Pharisêu bị gọi là “những người Pharisêu chết tiệt và dã tâm” vì họ nhắm mắt khi nhìn thấy một người phụ nữ trên đường phố và họ liền tránh đi, nép vào các bức tường của ngôi nhà gần đó! Đối với một Rabbi mà người ta thấy nói chuyện với một phụ nữ ở nơi công cộng là dấu chấm hết cho tiếng tăm của ông ta – vậy mà Chúa Giêsu lại nói chuyện với người phụ nữ này. Không chỉ là một phụ nữ; cô ấy cũng là một phụ nữ tai tiếng. Không một người đàn ông tử tế nào, chứ đừng nói đến Rabbi, lại để cho mình bị nhìn thấy chung với cô ấy, hoặc thậm chí trao đổi một lời với cô ấy – vậy mà Chúa Giêsu đã nói chuyện với cô ấy. [1]

Chúa Giêsu xin uống nước từ vò nước của cô. Yêu cầu này đã gây sốc cho người phụ nữ này. Cô có thể nhận biết người đàn ông này là người Do Thái, đơn giản bởi vẻ ngoài của Ngài và bởi những chiếc tua trên gấu áo cầu nguyện của Ngài. Cô không chỉ là một người Samari, mà còn là một phụ nữ, nhưng Ngài đã xin uống nước từ vò nước của cô, một điều thường là kinh tởm đối với một người Do Thái. Tuy nhiên, các rào cản tập tục, văn hóa, niềm tin của các dân tộc ở những vùng miền khác nhau không ngăn cản được Chúa Giêsu. Cô là một người phụ nữ cần sự giúp đỡ, và vì vậy, Chúa Giêsu đã tìm đến cô. Chúa Giêsu không nói với cô về vấn đề quan hệ tình cảm riêng tư của cô mà về sự nhận biết ân huệ của Thiên Chúa: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Gn 4:10). Đó không phải là “một trong muôn ngàn điều thường ngày” mà người ta tìm kiếm, ngay cả đó là một hệ thống niềm tin cụ thể hoặc một mầu nhiệm nào đó được mặc khải; thay vào đó, Tin Mừng là về con người của Chúa Kitô và sứ điệp mà Ngài mang đến: Ngài là Nước Hằng Sống cho linh hồn chúng ta.

Không chỉ vậy, lời của Chúa Giêsu đã tác động sâu sắc đến cô tới mức cô quên mất mình đang đến giếng lấy nước: “Người phụ nữ để vò nước lại” (Gn 4: 28) mà chỉ còn quan tâm đến việc: “vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm” (Gn 4: 29)

Cô ấy bị ấn tượng rằng Chúa Giêsu biết tất cả về quá khứ của cô ấy như thể Ngài là một thầy pháp thuật đọc được tâm trí của người đối diện. Chúa Giêsu đã nói với cô tất cả về những va vấp đổ vỡ hoặc tội lỗi trong quá khứ và hiện tại của cô: “Ngài bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây .” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng .” Chúa Giêsu bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng” (Gn 4: 16-18).

Điều thực sự khiến cô xúc động sâu xa là cho dù Chúa Giêsu biết tất cả về cô, về những mối quan hệ tình cảm tan vỡ trước đây và về người mà hiện nay cô đang sống chung nhưng không phải là chồng của cô, Ngài vẫn đối xử với cô bằng sự tôn trọng cao nhất và vẫn coi cô là người có phẩm giá cần được tôn trọng. Đây là một cung cách đối xử mà cô không nhận được từ những người khác, thậm chí từ những người Samari đồng hương của cô, nói chi từ người Do thái vốn coi người Samari là người ngoại giáo! Chúa Giêsu có đủ lý do để coi khinh cô, một người Samari, vì dân tộc của cô đã bỏ các truyền thống của tiền nhân, đã để cho đạo giáo của họ lây nhiễm thói tục ngoại giáo và sống trong tình trạng ô uế về tế tự và bất tuân Lề luật Môsê. Thế nhưng ở đây, Chúa Giêsu không hề tỏ ra một chút gì khinh bỉ hoặc sỉ nhục như thế với cô. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ với cô ấy!

Chúng ta căm ghét người khác vì nhiều lý do: chính trị, lịch sử, tôn giáo, huyết thống, cách nghĩ…và chúng ta bắt đầu đối xử với họ như kẻ thù.

Chúng ta ghét người khác vì họ không giống chúng ta, và vì điều đó làm chúng ta khó chịu. Chúng ta không bằng lòng về cách họ sinh hoạt và cư xử khác chúng ta, cứ như họ cố tình xúc phạm các chuẩn mực cuộc sống hoặc đang đánh cắp mất đạo lý của chúng ta… Sự thù ghét bắt đầu từ đâu đó giống như vậy.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng người phụ nữ Samari ấy hàng ngày đã phải chịu đựng  một thứ khinh bỉ từ cộng đồng của cô. Cách cô ấy sống trong quá khứ và cách cô ấy sống ở hiện tại không phải là một lối sống chấp nhận được. Và cô ấy cảm thấy xấu hổ vì mất nhân phẩm, vì không có danh phận, vì khả năng yêu thương chân thành đáng trân trọng của một người phụ nữ bị phủ nhận…Khát khao của cõi lòng sâu thẳm của cô bị phủ nhận, vùi dập, dù nó vẫn còn âm ỉ ở đó, nhưng dường như không ai biết, ngay cả chính cô cũng không biết cách nào để khơi nguồn hoặc đốt lên một đốm lửa cho khát vọng đang lụi tàn đó của cô! Cô đến giếng nước vào giữa trưa, nóng bức, đơn chiếc, cô quạnh. Cô đang trốn tránh những người khác, che dấu nỗi lòng đầy u uẩn của mình. 

Nhưng đây là Chúa Giêsu. Ngài biết tất cả về cô nhưng vẫn muốn ban cho cô Nước Hằng Sống. Ngài muốn thỏa mãn cơn khát mà cô đang cảm thấy trong tâm hồn. Khi Ngài nói chuyện với cô, và khi cô kinh nghiệm được sự dịu dàng và chấp nhận của Ngài, cơn khát đó bắt đầu được giải tỏa.

Điều cô ấy thực sự cần, tất cả chúng ta cần, là tình yêu và sự chấp nhận trọn vẹn con người của mình, kể cả vô vàn tội lỗi và thất bại hoặc thất vọng trong đời. Điều này chỉ mình Chúa Giêsu mới thực hiện được. Ngài thực hiện điều đó cho cô, và Ngài thực hiện điều đó cho mỗi người chúng ta.

Người phụ nữ đã bỏ đi và “để vò nước lại” (Gn 4: 28) bên giếng. Cô chưa lấy được nước uống mà cô ấy đến giếng để lấy, nhưng cơn khát nơi sâu thẳm cõi lòng của cô đã được giải tỏa nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Cô không còn khát nữa, về mặt tâm linh. Chúa Giêsu, Nước Hằng Sống, đã giải tỏa sự khát khao sâu kín của lòng cô.

Không chỉ giải tỏa niềm khát mong của một mình cô, lời giảng dạy của Chúa Giêsu còn mang lại niềm tin cho nhiều người Samari đồng hương của cô: “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Chúa Giêsu” (Gn 4: 39). Hơn thế nữa, lời của Chúa Giêsu như cơn mưa tưới mát tâm hồn lâu nay khô cằn của họ đến mức “khi đến gặp Ngài, dân Samari xin Ngài ở lại với họ.” Chúa Giêsu luôn dành thời gian cho mọi người, bất kể họ đã phạm tội gì, bất kể lối sống của họ ra sao, Ngài sẽ tiếp cận họ, gần gũi bên họ, sống cùng họ: “và Ngài đã ở lại đó hai ngày” (Gn 4: 40). Chúa Giêsu đã thu hút những người khao khát tâm linh. Ngài đang thực hiện điều mà khi xưa Thiên Chúa phán với Môsê trong bài đọc thứ nhất: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khôrếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống” (Xh 17: 5-6). Ngài luôn sẵn sàng bộc lộ tấm lòng Chúa Cha cho họ: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Gn 4: 2-24).  

Hôm nay, chúng ta hãy suy ngẫm về sự khao khát không thể phủ nhận trong tâm khảm của chúng ta. Một khi nhận thức được điều đó, chúng ta hãy đưa ra lựa chọn có ý thức để Chúa Giêsu làm chúng ta thỏa thuê bằng Nước Hằng Sống, tức là Tình Yêu của Thiên Chúa trong Thánh Thần của Ngài, như Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Rôma: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5: 5).

Lạy Chúa, Ngài là Nước Hằng Sống mà linh hồn con cần đến. Xin cho con biết “để vò nước lại” đàng sau, những thứ vò nước trần gian không bao giờ thỏa mãn sự khao khát vô biên của chúng con. Xin cho con được gặp Ngài trong ngày nắng nóng, trong những thử thách của cuộc đời, trong sự xấu hổ và tội lỗi của con. Xin cho con gặp được tình yêu, sự dịu dàng và sự chấp nhận của Ngài trong những lúc như vậy, và xin cho Tình yêu đó trở thành nguồn sống mới của con. Amen.

Phêrô Phạm Văn Trung.

[1] https://www.studylight.org/commentaries/eng/dsb/john-4.html

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts