Một lần nữa “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”, Chúa Nhật thứ tư sau Lễ Phục Sinh, lại đến với chúng ta. Trọng tâm suy niệm hôm nay là đoạn Tin mừng theo thánh Gioan, chương 10, nói về Chúa Giêsu với tư cách là người chăn chiên tốt lành và cửa chuồng chiên.
Phải thừa nhận so sánh Chúa Giêsu là người chăn chiên thì sinh động hơn khi so sánh Ngài với một cái cửa vô tri vô giác. Làm thế nào Chúa Giêsu có thể là cả hai cùng một lúc? Thực ra hai hình ảnh này là một ẩn dụ hàm chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa nói về chiên cừu, người chăn chiên, cửa, người giữ cửa, người làm thuê, khách lạ, kẻ trộm, kẻ cướp và chó sói. Tất cả những điều này đều xuất hiện trong đoạn Tin mừng hôm nay, và tất cả các yếu tố của phép ẩn dụ được mở rộng này góp phần trình bày Chúa Giêsu là ai và chúng ta là ai trong mối tương giao với Ngài.
Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách mô tả Ngài không phải là ai. Ngài không phải là những kẻ lén lút “không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào” (Ga 10: 1). Chúa Giêsu khẳng định ngay: “người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10: 1). Trái lại, “ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10: 2). Người mục tử là người thế nào? Người khác và bầy chiên của ông ứng xử với ông như thế nào? Chúa Giêsu muốn cho thấy rõ hành vi và cung cách của người mục tử đích thực là như thế này: “Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau” (Ga 10: 3-4). Rồi Ngài liền cho thấy lý do: “vì chúng nhận biết tiếng của anh” và bấy giờ Chúa Giêsu mới cảnh báo: “Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10: 4-5), ám chỉ đến những người Pharisêu, vốn vừa chất vấn Ngài:“Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” (Ga 9: 41). Thánh Gioan dường như muốn nhấn nhá, nói đến vậy rồi mà “họ không hiểu những điều Ngài nói với họ” (Ga 10: 6); những người Pharisêu, vốn là những bậc thầy trong dân, quả thực đã tự hỏi và cũng đã tự trả lời! Có vẻ như trong tình huống những người nghe vẫn “đui mù tâm trí” mà không hiểu, Chúa Giêsu đành phải nói thẳng ra: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10: 7), và Ngài không do dự khẳng định luôn: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10: 8-10). Sau đó Chúa Giêsu mặc khải sứ mạng, căn tính của Ngài và cách thế Ngài dùng để thực hiện sứ mạng mà vì đó Ngài được sai đến trần gian: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10: 10).
Chức năng của cửa là đóng lại để giữ chiên ở cùng với nhau trong chuồng vào ban đêm, an toàn khỏi kẻ trộm và kẻ cướp. Vào ban ngày, cửa được mở ra để chiên đi ra ngoài, theo người chăn của chúng, đến đồng cỏ. Cánh cửa và người chăn cùng hoạt động vì hạnh phúc của đàn chiên, để đàn chiên phát triển. Chúa Giêsu vừa là cửa vừa là mục tử; Ngài canh giữ và bảo vệ chiên của mình khỏi nguy hiểm, và Ngài cung cấp thức ăn cho chiên, “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10: 10).
Bài giảng này của Chúa Giêsu nối tiếp ngay sau khi Ngài chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh trong chương 9, ngay trước chương này. Thánh Gioan không viết chèn vào giữa hai chương này một câu nào sau khi Chúa Giêsu nói với những người Pharisêu: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9: 41). Thay vào đó, Chúa Giêsu ngay lập tức bắt đầu bài giảng về chiên, cửa và người chăn chiên. Do đó, bài giảng này giải thích lý do Ngài đã thực hiện phép lạ để phục hồi thị lực cho người mù.
Cách sắp xếp này của thánh Gioan cho phép người đọc có một số liên tưởng nhất định. Những người Pharisêu đã thẩm vấn người mù trong chương 9 Gioan được cho là những người chăn dắt Israel, những người chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng dân chúng. Nhưng thực tế, họ trục xuất người mù được Chúa Giêsu chữa lành ra khỏi hội đường của họ, không chấp nhận tin rằng Chúa Giêsu và công việc chữa lành của Ngài đến từ Thiên Chúa. Họ quan tâm đến việc bảo vệ quyền lực và thẩm quyền của họ hơn là chăm lo cho hạnh phúc của người dân, ngay cả của những người “thấp cổ bé họng”!
Sau khi đã phục hồi thị giác cho người mù, Chúa Giêsu tìm kiếm anh ta một lần nữa khi anh ta bị trục xuất khỏi hội đường và đưa anh ta vào cộng đoàn những người theo Ngài: “Chúa Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Ngài hỏi: “Anh có tin vào Con Người không? ” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Ngài. Chính Ngài đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Ngài” (9:35-38). Đối với người mù, sự cứu rỗi không chỉ là nhận được ánh sáng thể xác mà còn là ánh sáng tâm linh, nhận ra Chúa Giêsu là ai, tin vào Ngài và trở thành một thành phần trong cộng đoàn những người tin và theo Ngài. Anh đã đi theo tiếng nói của Chúa Giêsu và điều đó đã dẫn anh đến cuộc sống mới. Những ngày bị cô lập của anh đã qua rồi; giờ đây anh biết mình là một thành viên quý giá trong đoàn chiên của Chúa Giêsu, được chăm sóc và bảo vệ.
Ngày nay, với tư cách là những người theo Chúa Giêsu, trong hoàn cảnh của chúng ta, việc được bảo vệ bởi cánh cửa và người chăn chiên, là Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, và vui hưởng cuộc sống dồi dào, có ý nghĩa gì đối với chúng ta không?
Điều quan trọng cần lưu ý là cánh cửa không dùng để loại trừ, không cho phép chúng ta đóng mình lại trong “cái tôi hoặc chúng tôi”, rồi nghĩ mình là chiên thật của Chúa Giêsu, còn những người khác là người bên ngoài. Nếu chúng ta sử dụng cửa theo cách đó, chúng ta sẽ trở nên giống như những người Pharisêu đã đuổi người mù ra khỏi hội đường của họ. Mục đích của cửa không phải là để ngăn những con chiên khác. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10: 16). Mục đích của cửa còn là mở ra tiếp nhận tất cả những ai muốn trở nên thành viên của đàn chiên để được bảo vệ chống lại tất cả những kẻ trộm, kẻ cướp và chó sói đe dọa đến sự sống của mình, như sứ mệnh Chúa Giêsu ba lần giao phó cho vị tông đồ trưởng Phêrô: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21: 15-17).
Có rất nhiều kẻ trộm và kẻ cướp trong thế giới của chúng ta, những kẻ tìm cách ăn cắp, ăn cướp, giết chóc và hủy diệt. Ngoài ra còn có “Những người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10: 12-13). Thậm chí có những con sói đội lốt chiên hoặc đội lốt người chăn cừu, đến gần bầy chiên không phải vì quan tâm đến nhu cầu của chiên, hoặc để bảo vệ chiên khỏi nguy hiểm; nhưng mục đích là để ăn thịt chiên: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai…Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt…Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7: 15-20).
Vậy thì sự sống dồi dào mà Chúa Giêsu hứa ban là gì? “Sự sống” hay “sự sống đời đời” trong Tin mừng theo thánh Gioan không chỉ nói về sự sống sau khi chết. Đó là sự sống bắt đầu ở đây và bây giờ; đó là biết một Thiên Chúa chân thật và Chúa Giêsu Kitô là Đấng Chúa Cha sai đến, là vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng thực sự quan tâm đến chúng ta. Đó là sự sống hôm nay trong cộng đoàn, được bình an và được chăn dắt, được dưỡng nuôi như một thành viên của đàn chiên, trong đồng cỏ xanh tươi là phụng vụ các bí tích, là giáo huấn chân thật của “Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, là sự hiệp thông nên một với Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ Chúa Giêsu Kitô, “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta…Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17: 21-23). Đó là sự sống tràn đầy ý nghĩa, có giá trị vĩnh cửu mai sau.
“Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10: 5). Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có nhận ra tiếng nói của vị mục tử tốt lành hơn tất cả những tiếng nói khác của trần gian hứa hẹn nhiều sự sung sướng vốn mau qua không? Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tiếng nói đó? Chúng ta hãy nghe thánh Phêrô nói trong bài đọc thứ hai: “Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Pr 2: 25) và ngài chỉ bảo: “Thật vậy, Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài. Ngài không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Ngài nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.” (1Pr 2: 21-23).
Phêrô Phạm Văn Trung.