CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG CƠN HOẢNG LOẠN CỦA TÔI

Chúng ta đã nghe khá nhiều bài giảng về đoạn Kinh thánh này, có người khen ngợi đức tin của Phêrô vì đã can đảm “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa Giêsu” (Mt 14: 29) dù ông mới chỉ được nghe bóng người ấy nói: “Cứ đến!” (Mt 14:29) và chưa mấy tin rằng người đang đi trên mặt biển là Thầy Giêsu: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14:28). Dường như ông không đặt vấn đề, lỡ ra đó không phải là Thầy Giêsu mà là một bóng ma hay một ảo ảnh gì đấy thì sao. Hành động của ông thật liều lĩnh nhưng cũng thật tin tưởng! Tuy nhiên, vấn đề mà người ta thường đặt ra là khi ông không nhìn vào Chúa Giêsu, thì đức tin của ông bắt đầu lung lay, và Chúa Giêsu ở đó để cứu ông. Vì vậy, bài giảng kết luận: hãy can đảm, ra khỏi thuyền, nhưng hãy tập trung vào Chúa Giêsu.

  1. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa toàn năng.

Đó là lời khích lệ tốt lành cho những ai muốn biến niềm tin của họ thành hành động. Đúng là đức tin cần hành động vì: “Quả vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2:17). Tuy nhiên, nhân vật chính của câu chuyện không phải là Phêrô. Thực tế là, “Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Ngài và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14: 32-33). Người ta không thấy một môn đệ nào chúc mừng Phêrô vì đã bước đi trên nước khá tốt và chúc ông may mắn hơn vào lần sau! Vì thật ra, nhân vật trọng tâm thực sự trong câu chuyện là Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa, Đấng mà các môn đệ bái lạy; chi tiết này lần đầu tiên được thuật lại trong sách Tin mừng Mátthêu. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời, núi cao, biển sâu…quyền năng của Ngài “thực hiện giữa dòng nước lũ. Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn. Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc, bị quay cuồng, lảo đảo như say, khéo cùng khôn đã chìm đâu mất. Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ” (Tv 107: 23-30). Tất cả những ai theo Chúa Giêsu cần phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài, suy phục và tín thác hoàn toàn sự sống của mình nơi quyền năng và lòng thương xót của Ngài. Do vậy, khi họ “ngó quanh”, không nhìn vào Ngài nữa thì họ bắt đầu chìm xuống. Phêrô chỉ là một minh chứng; ông đã có thể “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa Giêsu” khi ông còn tin cậy và tập trung vào Ngài, nhưng lại lung lay khi tập trung vào bản thân và hoàn cảnh của mình.

Chúng ta cũng bước đi trên mặt nước mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống. Có những cơn bão đi qua cuộc đời chúng ta và dường như không bao giờ kết thúc. Đôi khi chúng là những cơn bão buộc chúng ta phải lèo lái con thuyền nhỏ của mình bằng mọi cách để nó không bị vỡ tan trên những tảng đá ngầm vô vọng là “thế gian, ma quỷ, xác thịt”. Cuộc đời như một chuyến hành trình trên đại dương; trong đó con người giống như những người đi biển mang trong tim một khát vọng. Một số người không bao giờ có thể ra khơi. Những người khác thực hiện cuộc hành trình một cách liều lĩnh và cuối cùng bị lạc hướng vả cuốn trôi trong những cơn bão lớn, không bao giờ đạt được mục tiêu mong muốn của họ. Nhưng có những thủy thủ, dù bị vùi dập, vẫn xoay sở để đưa tàu của họ trở về bến cảng mong chờ nhờ tìm thấy và chăm chú nhìn vào ánh sao Bắc Đẩu. Cuộc sống của con người vốn như vậy, rất ít an toàn, bếp bênh luôn mãi, như con thuyền trên mặt biển đầy sóng gió gập ghềnh, như Phêrô “thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm” (Mt 14:30). Điều quyết định đến sự sống là Phêrô đã biết kêu lên Chúa Giêsu, Đấng vốn là Con Thiên Chúa toàn năng.

  1. Bàn tay Giêsu, bàn tay yêu thương cứu độ của Thiên Chúa.

Trong cuộc hải hành trần gian, chúng ta cần phải lèo lái con thuyền đời mình trong sự tin cậy vào Thiên Chúa, và biết rằng sự tin tưởng cậy trông như thế là cần thiết đến nỗi chúng ta phải luôn kêu lên như Phêrô: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” (Mt 14: 30) để được bảo vệ trong những lúc đáng sợ nhất của cuộc đời, chẳng hạn như vào giờ chết. Để có thể được như vậy, chúng ta cần phải kêu cầu với Chúa Giêsu luôn mãi, ngay bây giờ, từng giây phút: “Muôn lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc, đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa con thờ. Lạy Chúa cứu độ con, xin Ngài mau phù trợ” (Tv 38: 22-23). 

Có những lúc trong cuộc sống dường như Chúa đã thực sự quên chúng ta và hy vọng của chúng ta bắt đầu tàn lụi. Có một sự im lặng không thể giải thích được cứ như buộc chúng ta phải tự mình vận dụng mọi sức lực trong chúng ta để tiếp tục sống. Các môn đệ hoảng sợ, sợ cái chết sắp xảy ra và dường như những gì họ đang thi hành theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu chỉ là ảo ảnh, là bóng ma: “Thấy Ngài đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên” (Mt 14:26). Như thể tâm trí và cõi lòng của họ đã từ bỏ niềm tin rằng Thiên Chúa vẫn nhớ đến họ. Các môn đệ phải bắt tay vào việc; họ phải khám phá ra cách đối mặt với những cơn bão bất ngờ của cuộc đời; họ buộc phải học cách cứu con tàu. Chính khi đương đầu với nỗi sợ hãi, các môn đệ sẽ nhìn ra những gì thực sự là con người của họ, họ đang mang trong lòng những gì. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài cảm nhận và thấy rõ sự yếu đuối bất lực của họ ngay chính nơi tưởng chừng như quá quen thuộc với họ, qua đó Ngài cũng chỉ cho họ thấy họ cần tin tưởng và cậy dựa không vào ai khác ngoài chính Ngài, Đấng đầy quyền năng và lòng yêu thương “đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14: 25). Khi chúng ta bị tra tấn bởi nỗi sợ hãi và sự nản lòng, chúng ta cần phải chiến đấu kiên trì để vững tin rằng cuối cùng Chúa Kitô cũng sẽ tỏ mình ra, “đưa tay nắm lấy” chúng ta và rồi chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện cứu độ của Ngài.

Bàn tay Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, là bàn tay luôn chìa ra cho con người. Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian là để chìa tay ra cho tất cả và mỗi người chúng ta, như ánh sao Phương Bắc chỉ đường, để hướng dẫn chúng ta, nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta vững vàng, và cứu chúng ta khỏi chìm xuống những đáy sâu tuyệt vọng của kiếp người muôn ngàn bất trắc. Một cái chạm tay của Chúa Giêsu đã cứu Phêrô khỏi hoảng sợ và khỏi chìm xuống: “Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông” (Mt 14:31) và Phêrô tìm thấy sự cứu thoát nơi bàn tay nắm chặt của Chúa Giêsu.

  1. Kiên trì vững tin vào Chúa Giêsu.

Không phải các môn đệ là những người quyết định giong buồm ra khơi. Chính Chúa Giêsu đã buộc họ phải đương đầu với những nỗi sợ hãi của họ: “Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước” (Mt 14:22). Lúc đó là chiều tối rồi, nhưng họ phải “xuống thuyền”, bước vào cuộc sống với những mối nguy hiểm và đối mặt với sự mất an toàn của họ. Ra biển, đối với một người Do Thái, là đi vào nơi dễ chết chóc nhất. Các môn đệ vừa cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi sống đám đông (Mt 14: 15-21), thế nhưng kinh nghiệm đó về Thiên Chúa không giúp các ông thoát khỏi nỗi sợ hãi bị bỏ rơi: “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Ngài vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:23-24). Sóng gió kéo dài lạ thường “Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:24), nó bắt đầu từ chiều tối nhưng mãi đến khi đêm gần tàn, Chúa Giêsu mới quyết định ra đón các ông: “Vào khoảng canh tư, Ngài đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14: 25).

Đôi khi giữa những cơn sóng nghi ngờ của một lý trí đầy suy nghĩ trăn trở về kiếp người, chúng ta không tin rằng mình có thể bước đi trên mặt nước xao động. Đoạn Tin mừng nhắc nhở chúng ta đừng như Phêrô, ban đầu bất chấp nỗi sợ hãi của chính mình, “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm”, mà hãy cùng với các anh em, dù có thể cũng đang hoảng hốt trong con tàu Giáo hội, chúng tay đừng rời mắt khỏi Chúa Giêsu và đừng cứ nhìn vào những yếu đuối, tội lỗi và giới hạn của chính mình, của người khác, là điều khiến chúng ta bắt đầu chìm xuống, nhưng hãy nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, vững tin không sợ chìm. 

  1. Kinh nghiệm về chết đuối và được cứu thoát

Phêrô hiểu rằng, tự mình, ông sẽ chẳng đi đến đâu; nếu không có Chúa Giêsu, chắc chắn ông sẽ chìm xuống dưới sức nặng của con người yếu đuối tội lỗi là chính mình. Tuy nhiên, chính khi ông đang chìm xuống, ông cầu cứu Chúa Giêsu “xin cứu con với” và ông cảm nghiệm được bị Ai đó tóm lấy và kéo ra khỏi vùng nước tuyệt vọng. Đây là kinh nghiệm được ghi khắc trong đức tin của mỗi người chúng ta: không có Chúa, chúng ta chết đuối, nhưng khi chúng ta đuối sức, Chúa đưa tay ra nắm chặt chúng ta và cứu chúng ta trong những cơn bão của cuộc đời. 

Kinh nghiệm về chết đuối và được cứu thoát này là kinh nghiệm của các Tông đồ, của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, và của tất cả các Kitô hữu mọi thời đại. Chúng ta thấy có hai câu nói, một cầu xin, một tuyên xưng: “Lạy Chúa, xin cứu con!” và “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa.” Toàn bộ cuộc sống của chúng ta là một chuyển động giữa hai lời cầu xin và tuyên xưng này, từ bao nỗi sợ hãi trong cuộc sống, cuối cùng là cái chết không tránh khỏi, đến việc nhận ra rằng chúng ta đã được Thiên Chúa cứu độ, nhờ Chúa Giêsu Kitô.

Nhiều khi chúng ta không thể làm gì cho chính mình và cho những người chúng ta yêu thương ngoại trừ giao phó chính mình và những người chúng ta yêu thương trong bàn tay của Thiên Chúa, vì tin rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta và Ngài biết rõ hơn chúng ta những gì tốt lành cần phải làm cho chúng ta, như đã làm cho tiên tri Êlia trong bài đọc thứ nhất: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Chúa. Kìa Chúa đang đi qua” (1 V 19: 11). Thiên Chúa làm cho Êlia kiên vững trong đức tin và xác tín vào quyền năng của Chúa là Đấng thống trị trần gian, luôn bước đi và hành động ngay bên, để giữa cơn sóng gió làm chao đảo tâm hồn và cuộc sống của ông, ông vẫn vững tin có Chúa hiện diện với mình: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Chúa, nhưng Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlia, ngươi làm gì ở đây ?” (1 V 19: 11-13).

Hôm nay, Tin mừng đảm bảo với tất cả những ai, dù đức tin còn yếu ớt, nhưng đang dần lớn lên, rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu với Giáo hội của Ngài, trong các Bí tích, trong Lời Chúa, trong cộng đoàn Dân Chúa, và nơi những người anh em bé nhỏ nhất của Ngài, là một điểm tựa mà chúng ta có thể dựa vào, khi an lành cũng như lúc hoảng sợ, như thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc thứ hai rằng Chúa Kitô: “là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời. A-men” (Rm 9: 5).

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts