CHÚA KITÔ LÀ ĐẤNG ĐEM LẠI SỰ SỐNG

Khi một người mà chúng ta yêu thương qua đời, cõi lòng của chúng ta dường như tan nát, khiến chúng ta cảm thấy như thể cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Cuộc sống giống như đã kết thúc đối với chúng ta. Lúc chúng ta đang chìm trong nỗi buồn thương và đau khổ, không lời nào có thể mang lại cho chúng ta bất cứ cảm giác an ủi nào, vì chúng ta cảm thấy tan nát trong lòng, như tiên tri Êdêkiel tuyên sấm trong bài đọc thứ nhất: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời !” (Ed 37: 11). Tuy nhiên, việc Thiên Chúa nhà Israel cải tử hoàn sinh dân Ngài cũng đã được phán hứa: “Thiên Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Thiên Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh” (Ed 37: 12-3).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Thánh Gioan mô tả việc Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại, Ngài có ý thức tỉnh đức tin của chính chúng ta, rằng sự sống trong Thiên Chúa không phải là điều xảy ra vào một lúc nào đó trong tương lai xa xôi, nhưng là một thực tại sống động ở đây và ngay bây giờ. Chính lúc này đây Thiên Chúa ban sự sống cho những người mà chúng ta phó thác cho Ngài, vì trong Ngài tất cả đều sống thực sự, “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12, 18-27).’ 

Điều đầu tiên cần chú ý là khi Chúa Giêsu đến mộ người bạn là Ladarô, trái tim của Ngài thực sự tan nát vì Ngài đã khóc một cách công khai: “Chúa Giêsu liền khóc. Người Do thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” (Ga 11: 36-36). Ngôi mộ được đóng kín bằng một phiến đá, phiến đá đó chặn đường chúng ta. Phiến đá tượng trưng cho rào cản tồn tại giữa thế giới của người sống và thế giới của người chết. Chúng ta không biết điều gì nằm sau phiến đá đó, tất cả những gì chúng ta có thể làm là chờ đợi; chờ đợi đến ngày cuối cùng. 

Mátta biểu lộ cách hiểu biết như vậy về đức tin của chúng ta khi cô nói với Chúa Giêsu: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11: 24). Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ đối với Chúa Giêsu! Chúa Giêsu muốn dẫn chúng ta đến đức tin đích thực rằng chính Ngài là Thiên Chúa, Đấng ban Sự Sống thật. 

Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng và chính xác, “Đem phiến đá này đi!” (Ga 11: 39). Chúa Giêsu sắp tỏ lộ cho tất cả những người có mặt ở đó thấy rõ điều gì sắp xảy ra cho Ladarô, vốn đã được chôn trong ngôi mộ đó. Một lần nữa, Mátta quay lại với Chúa Giêsu cầu xin Ngài hãy hành động theo thực tế vì em trai cô đã chết được bốn ngày rồi: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày” (Ga 11: 39). Vào thời kỳ đó, người Do Thái tin rằng linh hồn của một người chết vẫn ở lại với cơ thể của người chết trong ba ngày trước khi rời đi. Vì vậy, đến ngày thứ tư, Ladarô đã chết thực sự, cơ thể của anh ta đã bị phân hủy và bốc mùi. Nghi thức chôn cất của người Do Thái không bao gồm việc ướp xác. Dầu thơm và hương liệu được sử dụng để ngăn mùi khó chịu trong một thời gian, nhưng sau bốn ngày, mùi đó sẽ trở nên khó chịu, nếu mùi hôi thối của sự chết này không gặp được hương thơm của quyền năng phục sinh của Đấng là Con Thiên Chúa, là Nguồn Sự Sống. Khi Chúa Giêsu phán: “Đem phiến đá này đi!”, chúng ta được gợi nhớ về sự phục sinh sắp tới của Chúa Giêsu. Hiểu biết của chúng ta về thực tại của cuộc sống tương lai tô điểm cho trải nghiệm của chúng ta về cái chết hiện tại.

Chúa Giêsu quay lại với Mátta một cách điềm nhiên và chân thành nói: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11: 40). Nói cách khác, nếu Mátta có đức tin nơi Chúa Giêsu, thì cô sẽ có thể tự mình thấy rõ rằng Thiên Chúa thực sự ban sự sống cho em trai cô.

Giờ đây, nhận thấy lời nói của Chúa Giêsu dù đơn sơ nhưng điềm tĩnh và đầy uy quyền,  nên “Người ta đem phiến đá đi” (Ga 11: 41). Bấy giờ, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời hướng về Chúa Cha như mời gọi mọi người cũng làm như vậy, để nhờ đức tin vào Ngài, mầu nhiệm sự chết thực sự được thấu hiểu. Bấy giờ Chúa Giêsu không còn khóc cho những nỗi buồn đã qua. Thay vào đó, Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha, Đấng luôn nghe lời Ngài cầu xin. Tuy nhiên, điều Ngài mong muốn là tất cả những ai hiện diện đều nhìn thấy và tin rằng Ngài được Chúa Cha sai đến để đem lại niềm hy vọng mới mẻ cho thế giới: “Chúa Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11: 41-42).

Sau đó, bằng một giọng rõ ràng và mạnh mẽ, Ngài chỉ kêu lên, “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11: 43). Chúa Giêsu muốn tất cả những người hiện diện thấy, học biết và hiểu ra rằng Ladarô thực sự còn sống.

Dù có nói một cách chừng mực nhất thì điều xảy ra tiếp sau đó là điều gây chấn động, nhưng chính xác lại là những gì đã diễn ra. Vì từ bên trong ngôi mộ tối tăm, bụi bặm và u ám, Ladarô chậm rãi bước ra với tay chân vẫn bị trói bằng những dải vải lanh và đầu mặt vẫn còn bị quấn trong một tấm vải. Hay nói cách khác, Ladarô vẫn mang trên mình những dấu hiệu, biểu tượng và mối dây ràng buộc của cái chết, nhưng thực tế anh đang sống!

Ladarô chính là chúng ta, bị cái chết trói buộc trong cuộc sống hiện tại, được Chúa Giêsu là Sự Sáng và Sự Sống của thế gian gọi vào cõi sống. Chúa Giêsu đứng ở rìa ngôi mộ của chúng ta, kêu lên “Ladarô, hãy bước ra!” Chúng ta phải thay thế tên của Ladarô bằng chính tên của mình, nghe lệnh của Chúa Giêsu và bước ra ánh sáng ban ngày, cởi bỏ những thứ trói buộc của cõi chết: thói hư, mê đắm, tội lỗi của xác thịt, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Chúa Kitô, thì không thuộc về Chúa Kitô. Nhưng nếu Chúa Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm 8: 8-10).

Đây chính là đức tin của tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta thấy một sự thật đơn giản nhưng sâu sắc rằng tất cả những người mà chúng ta yêu thương đã chết đi, tất cả những người mà chúng ta khóc thương, tất cả những người mà trái tim của chúng ta tan nát và cuộc sống của chúng ta bị xé rời ra vì cái chết của họ, thực tế những người ấy vẫn SỐNG! Thiên Chúa đã không và sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Tất cả những gì chúng ta phải làm là lăn tảng đá ra và nhìn bằng con mắt đức tin – những người thân yêu của chúng ta dù đã chết nhưng vẫn SỐNG!

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11: 25).

Khởi đầu Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta đã nghe những lời này: “Ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1: 4). Hôm nay Chúa Giêsu nói với Mátta, cũng là nói với mỗi người chúng ta: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (Ga 11: 26). Chúng ta có nghe kỹ, hiểu rõ và dám lặp lại lời tuyên xưng hết lòng của Mátta: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”? (Ga 11: 27)

Chúa Giêsu dạy chúng ta nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin. Trong những thời điểm khó khăn của cuộc đời, chúng ta cần kêu mời Chúa Giêsu đến với chúng ta, chúng ta cần có Chúa Giêsu ở gần, tin tưởng rằng quyền năng của Ngài trên bóng đêm sự chết sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20) và “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11).

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts