Chúa mới thật là Đấng trao ban

Câu chuyện về sự gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria trên bờ giếng Giacop có một chi tiết nghịch lý thú vị:

  1. Mở đầu:

Chúa Giêsu ngỏ lời: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”. Từ khoảnh khắc đó, Chúa dẫn dắt chị đi vào bầu trời thánh ân của yêu thương, bao dung, tha thứ.

Chúa nhìn thấy tâm hồn chị. Chúa biết chị luôn sống trong mặc cảm của tội, bởi chị đã có đến “năm đời chồng và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị”.

Nhưng Chúa cũng nhìn thấy khả năng đón nhận chân lý nơi chị, vì thế, chính Chúa lên tiếng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10).

Nhưng trên tất cả, Chúa muốn chị phải hiểu rằng, chỉ nhờ Chúa, con người mới đạt tới viên mãn: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho  sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

  1. Sau cùng:

Chị trở thành người cầu xin: “Xin cho tôi thứ nước ấy”.

Rồi lại trở thành người tuyên xưng đức tin: “Tôi thấy ngài thật là một ngôn sứ…” (Ga 4, 19), sau khi được Chúa gợi ra chính tình trạng tâm hồn tội lỗi của chị, kẻ đã có đến sáu đời chồng, nhưng chẳng ai là chồng thực sự.

 Chúa dứt khoát dẫn chị đi gặp “Chân Lý” mà chị cần gặp, chị phải gặp. “Chân lý” ấy không phải ai khác mà là chính Chúa, Đấng đã tự mình tìm đến với chị: “Đấng Mêsia chính là Ta, Người đang nói với chị đây” (Ga 4, 26).

Cái hay của câu chuyện đó là sự nghịch lý thú vị: Người xin nước uống trở thành người trao ban; còn kẻ được xin trở thành kẻ lãnh nhận.

Chị phụ nữ Samaria, người đã được Chúa xin nước, lại là người lãnh nhận cả một kho tàng không thể có bất cứ điều gì có thể so sánh. Kho tàng ấy là chính Chúa Giêsu, mạch suối trao ban nguồn nước trường sinh, đó là được sống chính sự sống của Chúa, sống vĩnh cửu.

Hóa ra cần đến nước nhưng không phải là nước. Trong hoàng cảnh này, nước chỉ là biểu tượng của sự sống trường sinh.

Và Chúa Giêsu, người đến xin nước không phải để uống nước, nhưng để trao ban chính mình.

Khai mở bằng một cơn khát nước của Đấng Cứu Chuộc, nhưng kết thúc không phải là một cơn, mà là cả một niềm khao khát mãnh liệt vươn tới tình yêu vĩnh cửu, vươn tới sự sống thường hằng và bình an đích thực của người đã có thể ý thức mình tội lỗi.

Bằng một cơn khát thể lý của Đấng Cứu Chuộc, đã có thể tạo đà cho nhân loại đi tới một cơn đói khát tâm linh, cần thiết để chuẩn bị nhân loại mở lòng đón nhận ơn lớn lao là chính Đấng Cứu Chuộc.

Chúa vẫn yêu thích tìm đến cùng chúng ta. Chúa vẫn chờ đợi để được trao ban chính mình Người.

Chúa muốn chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận thụ tạo, thân phận yếu đuối, thân phận dễ đổ ngã của bản thân, để Chúa là sức mạnh, là thuẫn đỡ, là khiên che, là chính ơn tha thứ, là chính nguồn tái sinh, là hạnh phúc đích thực cho ta ngã nhào vào mà tìm lẽ sống, mà đạt đến sự sống.

Chúng ta hãy làm như người phụ nữ Samaria, đó là mềm lòng để Chúa uốn nắn. Từ nay ta sẽ trở về, biết chối từ quá khứ lầm lỡ đển vươn tới tương lai thánh thiện trong Chúa.

Từ nay ta sẽ ăn năn hối lỗi, biết lột trần con người của mình để càng lúc càng dễ dàng nhận ra, mình chỉ là kẻ đón nhận, chỉ mình CHÚA MỚI THẬT LÀ ĐẤNG TRAO BAN.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts