CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BẢO TRỢ

Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). 

Phụng vụ Chúa Nhật tuần trước đã hướng chúng ta về lễ Hiện Xuống. Thật vậy, ý tưởng xuyên suốt của các bài đọc mà chúng ta đã nghe là sự hiện diện và công việc của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu.

Hôm nay, Lời Chúa nói với chúng ta trực tiếp về Thánh Thần còn gọi là Thần khí. Bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ kể lại một cách rất rõ ràng và cụ thể đến từng chi tiết việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2: 1-4). Như vậy, Chúa Thánh Thần tỏ hiện như “một tiếng động, như tiếng gió mạnh” và “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa.

 

Chúa Thánh Thần là gió.

Gió dường như là sự so sánh rõ ràng nhất với Chúa Thánh Thần. Cùng một từ trong cả tiếng Hípri và tiếng Hy Lạp đều có thể có nghĩa là “gió”, “tinh thần” hoặc “hơi thở” tùy thuộc vào ngữ cảnh. Gió, hay hơi thở, nói lên sự sống. Tiên tri Êdêkiel nói về những khúc xương của một cơ thể được ghép lại với nhau mà không có chút hơi thở hay sự sống nào trong đó. Sau đó, Chúa khiến bốn luồng gió thổi sự sống vào xác chết: “Tôi đã tuyên sấm như tôi được lệnh. Vậy có tiếng động khi tôi đang tuyên sấm; có sự rung chuyển và các xương xích lại gần, ăn khớp với nhau. Tôi nhìn thì thấy trên chúng đã có gân; thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên, nhưng thần khí chưa có ở nơi chúng. Ngài lại bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí; tuyên sấm đi, hỡi con người ! Ngươi hãy nói với thần khí: Thiên Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh.” Tôi tuyên sấm như Ngài đã truyền cho tôi. Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Êdêkiel 37: 7-10). 

Trong câu chuyện về Nicôđêmô, Chúa Giêsu chỉ ra rằng Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa giống như gió muốn thổi đâu thì thổi: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3: 8). Việc Chúa Giêsu ví Chúa Thánh Thần như gió hay hơi thở cho thấy quyền năng của Chúa Thánh Thần như là sức mạnh ban sự sống cho muôn loài. Và Chúa Giêsu nói rõ với Nicôđêmô rằng Chúa Thánh Thần ban sự sống cho những người đã chết về phần linh hồn và được sinh lại một lần nữa bởi nước và Thần Khí: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3: 5-7). 

Câu chuyện về Lễ Ngũ Tuần, tức là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, nói đến quyền năng ban sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa; nhưng không chỉ như vậy, Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, Chúa Thánh Thần thổi sức sống mới vào những người chết về phần linh hồn, thúc đẩy họ đi theo Chúa Giêsu phục sinh. 

Hôm nay Chúa Thánh Thần đang thổi sự sống thần linh của Ngài vào cuộc đời của tôi như thế nào? Tôi có lắng nghe hơi thở và tác động của Chúa Thánh Thần khi Ngài ban cho tôi những cơ hội để làm chứng cho Chúa Giêsu không? Hôm nay – ngay bây giờ – tôi có đang mở lòng đón nhận luồng gió mạnh mẽ đang ùa tới của Chúa Thánh Thần không? Tôi có phải là một người sẵn sàng tiếp nhận luồng gió thiêng liêng mới mẻ này để có sức mạnh làm chứng cho Thiên Chúa không?

 

Chúa Thánh Thần là lửa.

Trong Cựu Ước lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, như khi Môsê gặp Thiên Chúa tại bụi gai đang cháy bừng: “Thiên sứ của Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi” (Xh 3: 2) và sau đó khi Thiên Chúa tỏ hiện trong cột lửa để dẫn dắt dân Ngài trong nơi hoang vắng: “Thiên Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy” (Xh 13: 21).

Trong Tân Ước, theo sách Công vụ, những lưỡi lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri của Gioan Tẩy Giả rằng Đấng Mêsia “sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Ngài cầm nia, Ngài sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3:11-12). Điều này cũng có nghĩa là công việc thanh tẩy của Chúa Thánh Thần tiếp tục trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Lửa của Chúa Thánh Thần thanh tẩy linh hồn chúng ta khỏi sự dữ, đốt cháy sạch mọi cặn bã: những gắn bó với đam mê vô độ, vô đạo đức, gian tham, bất công, mưu mô ác độc và thối nát trong cuộc sống riêng cũng như trong cộng đồng xã hội và thế giới của chúng ta. Chúa Thánh Thần đến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta để thanh luyện và biến đổi chúng ta nên giống Chúa Kitô hơn. 

Việc được thanh tẩy bằng lửa có thể làm chúng ta sợ; chẳng dễ dàng gì để chúng ta nhận ra bảy mối tội đầu nơi con người mình; lại càng khó hơn để chúng ta quyết tâm loại bỏ chúng! Việc đó không khác nào một cuộc chiến từ bỏ chính mình, tự chết đi, tự hủy – kenosis. Chính Chúa Thánh Thần với bảy ơn thiêng của Ngài sẽ thanh luyện các mối tội ấy nơi ta và đưa chúng ta “ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2: 9), trở nên tấm gương sạch trong phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa, vốn đã được ban cho con người khi Ngài dựng nên họ (Stk 1: 26-27). Chúng ta có thể tin chắc rằng chính Thiên Chúa, là Đấng đã ban Con Một và đổ Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần, muốn làm cho chúng ta nên thánh, cũng như Ngài là thánh: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv19: 2) và: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5: 48). Khi chúng thưa “Xin vâng” với Chúa Giêsu, Ngài sẽ gửi cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, giống như lửa thanh luyện và làm cho bừng cháy. Tôi có muốn mở cánh cửa cuộc đời của mình cho ngọn lửa đó không?

 

Đón nhận gió và lửa Thánh thần

Việc đón nhận gió và lửa Thánh thần chính là để người tín hữu có sức mạnh thiêng liêng bắt đầu cuộc chiến đấu chống lại sự nghiêng chiều về các đam mê dục vọng, thói hư tật xấu, vốn tiềm ẩn trong con người của họ, bộc lộ qua suy nghĩ lầm lạc, lời ăn tiếng nói ganh ghét đố kỵ, hành vi cử chỉ ích kỷ hại người…Việc rao giảng Tin Mừng được thực hiện và sinh hoa trái tốt lành chỉ sau khi Kitô hữu được thanh tẩy và hoán cải trong ân huệ của Chúa Thánh Thần vốn dành cho những người chấp nhận sứ điệp Đức Tin. Không có ân huệ này, việc cứu độ của người tin theo Chúa Giêsu sẽ không được thực hiện. Bởi vì, như thánh Phêrô nói, chính Thánh Thần đã ban sự sống cho Chúa Giêsu trong sự phục sinh: “Thân xác Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh” (1Pr 3: 18) và như thánh Phaolô, chính Thánh Thần đang thực hiện việc đổi mới nội tâm để tạo nên con người mới nơi mỗi người chúng ta: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4: 22-24). Nếu qua Lễ Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đạt được ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta, thì Chúa Thánh Thần là Đấng tác động từ sâu thẳm con người tín hữu để hiện thực hóa công việc đã được hoàn thành bởi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14: 16-17). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận ân huệ của Chúa Cha, là Chúa Thánh Thần tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta như Đấng bảo vệ đức tin của chúng ta và thầy dạy đời sống tâm linh của chúng ta. Vì vậy, một cách nào đó, đời sống Đức tin của chúng ta một mặt hệ tại việc đón nhận Chúa Thánh Thần như một vị khách nội tâm không bao giờ bỏ rơi chúng ta một mình, mặt khác nương tựa vào Ngài như là người bảo vệ chúng ta, và cuối cùng là trò chuyện với Ngài như bậc thầy tâm linh của chúng ta. Và chính trong những cung cách này mà Chúa Thánh Thần hiện diện với chúng ta để triển khai bảy ơn ban của Ngài để hoàn thành công việc Chúa Cha đã hoàn thành nhờ Chúa Giêsu: khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, dũng cảm, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Chúa.

Tất cả những điều này mời gọi chúng ta đổi mới mối tương quan với Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Đấng đóng vai trò trung tâm trong đời sống tâm linh của chúng ta. Mối tương quan cá nhân và mật thiết đó giúp chúng ta khi cầu nguyện, liên lỉ lắng nghe và đối thoại với Chúa Thánh Thần để chúng ta hành động nhờ Ngài, Đấng biến thân xác chúng ta thành đền thờ của Ngài, nơi Ngài sống thân tình nhất trong chúng ta, với chính chúng ta và mong muốn biến đổi chúng ta từ bên trong.

Và chính nhờ công việc này của Chúa Thánh Thần trong chúng ta mà sự sống và những lời của Chúa Giêsu trở nên hiện tại và mới mẻ. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta thực hiện đầy đủ những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, và hưởng muôn ơn phúc mà Chúa Giêsu đã khởi đầu trong sự phục sinh của Ngài. Không có Chúa Thánh Thần, đời sống tôn giáo và tâm linh của chúng ta chỉ còn là những hồi tưởng vốn không mang lại sự sống. Đây là lý do tại sao thánh Phaolô có thể nói: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 6: 11).

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts