Dạo trung tuần tháng 1.2015, tại buổi tiếp kiến dân Philippines trong chuyến tông du đến nước này, một em bé hỏi Đức Thánh Cha Đức Phanxicô: Tại sao Chúa lại để xảy ra sự dữ? Tại sao ít có người giúp đỡ người tốt?
Điều đáng nói ở đây là lời hỏi được cất lên trong nước mắt của một con người, lẽ ra chỉ biết hồn nhiên, thơ ngây, an bình trong lứa tuổi ấu thơ của mình.
Câu hỏi, vì thế trở nên đắng lòng, trở nên chất vấn hay nặng hơn, mạnh mẽ tố cáo thế giới người lớn và những ai nắm giữ hay đang xây dựng cho mình quyền lực thống trị người khác (trong vai trò lãnh đạo hay chức vụ nào đó).
Tại sao có quá nhiều người khổ đau do bất công gây nên ở kỷ nguyên đầy thuận lợi và tiện ích cho con người?
Bất công xuất phát từ chính lòng tham lam, ích kỷ, yêu bản thân cách vô lối và vô cảm mặc kệ sự sống của người khác ra sao thì ra.
Bất công còn do chủ nghĩa hưởng thụ, óc thực dụng và lối sống vô đạo đức, bất chấp tư cách của mình mà kẻ nắm quyền hành trong tay thể hiện.
Cứ như thế, xã hội bị những kiểu sống ấy khuynh đảo, làm xói mòn những giá trị nhân văn trong mối tương quan giữa người với người.
Từ tất cả những kiểu sống ấy, hình thành thói vô cảm ngày càng nặng, càng lan rộng, khiến trái tim con người chai cứng, thời gian phục vụ thành thời gian thủ lợi, tranh thủ vơ vét, để làm giàu, để củng cố quyền lực cách bất chính.
Bằng dụ ngôn những người được mướn làm vườn nho, Chúa phơi bày tội ác của một nhóm người. Đó là kẻ tìm thu vén và trục lợi cho bản thân.
Được chủ mướn làm vườn nho, thay vì xem đây là cơ hội phục vụ, họ cho mình có đặc quyền hưởng lương bổng theo ý, chứ không theo thoả thuận.
Thoả thuận ban đầu chỉ là điều kiện để hình thành nhóm. Một khi nhóm vững chãi, họ thao túng, đề cao mình, nhân danh mình.
Không chấp nhận chủ trả lương cho người đến sau bằng mình, họ đang giành giật cho lợi ích của nhóm, của bản thân. Thái độ ganh ghét, muốn phì da, vinh thân cướp mất cơ hội để họ quan tâm và chia sẻ lợi ích cho tha nhân.
Kẻ chỉ nghĩ đến mình, ham hố mọi thứ cho mình sẽ tự giết khả năng tương giao với tha nhân, trái tim chỉ là băng giá, suy nghĩ chỉ là hạt sạn. Họ trở nên nguy cơ tai hại vô cùng cho tha nhân, cho cuộc sống chung của đồng loại…
Giữa tất cả những bất công, những nhiễu nhương đang càng lúc càng tàn phá mạnh đạo đức xã hội loài người, người Kitô hữu lại được Chúa mời gọi cộng tác cùng Người trao tặng tình yêu, con tim, khối óc nhằm thăng tiến xã hội, phát triển tư cách và đạo đức bản thân, xây dựng sự hiệp nhất, tình bác ái, lòng vị tha và ra sức chinh phục vũ trụ theo sự phát triển và lợi ích của đồng loại…
Chúa không cần chúng ta ngồi nhìn trời để ca ngợi Chúa. Chúa cần chúng ta ca ngợi Chúa bằng ra sức hiến dâng nhiệt huyết, tình yêu của bản thân để ngày càng giống Chúa hơn, xứng đáng hơn trong địa vị làm con Chúa.
Nếu vườn nho là hình ảnh Hội Thánh, nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục mời gọi ta ở lại trong Hội Thánh không phải vì Chúa mà chỉ vì yêu thương chúng ta. Chính trong Hội Thánh, ta là cánh tay của Chúa để xây dựng Hội Thánh, xây dựng trần thế, biết làm việc nghĩa, nâng cao đời sống mình và đời sống tha nhân.
Dù được tuyển chọn vào Hội Thánh, ta không có quyền đòi Chúa phải cho mình nhiều hơn những người khác. Ngược lại, ta hãy phục vụ hết mình, hãy sống vì danh Chúa đến cùng, và làm cho cuộc đời tràn ngập yêu thương.
Hãy nhớ, Chúa nhân từ nhưng cũng rất công bằng. Trả công là quyền của Chúa. Chúa không làm ai thiệt thòi, không làm ai thất vọng. Chúa sẽ ban phần thưởng xứng đáng cho mọi tôi tớ trung thành.
Ông chủ trong dụ ngôn làm đúng thoả thuận. Giá mà người làm công từ sớm cứ vui nhận phần mình, chắc chắn họ sẽ được chủ thương. Ông ghi nhận lòng tốt của họ. Ông nể phục người biết yêu thương người khác.
Đâu phải cứ sòng phẳng mới là tình yêu. Đâu phải người kia nhận đúng mức của họ thì tôi phải nhận đúng theo công sức của tôi mới là công bằng.
Sự tồn tại trong lòng ông chủ hình bóng của người được ông hết mực yêu thương, hết mực nể phục, hết mực lưu tâm mới là điều quý giá…
Biết bao nhiêu lần, tôi tặng quà cho A bằng B. Nhưng trong lòng tôi, giá trị của A lớn hơn nhiều, đáng quý hơn nhiều. A nhận quà bằng B. Nhưng chắc gì B nhận tình cảm của tôi bằng tình cảm tôi dành cho A.
Chúa yêu tôi vì tôi luôn yêu Chúa, cố gắng trung thành với Chúa, chứ đâu phải nhờ bổn phận mà tôi thể hiện…!!
Bổn phận ấy, dù hoàn hảo đến đâu, đáng gì mà đòi hỏi tình yêu của Chúa!!
Chúa yêu tôi chỉ vì Chúa muốn. Thế thôi.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG